Tiếc 99.000đ làm lại thẻ ngân hàng, tôi đã ngưng dùng thẻ vật lý 1 năm và nhận ra nhiều lợi ích hay ho từ quyết định này
Trong đó lợi nhất là tránh được cảnh bị trộm thẻ hay bị “hack” thông tin trên thẻ, đáng lẽ tôi nên làm thế này từ lâu.
Ngán ngẩm sau 2 lần mất thẻ, 1 lần hỏng thẻ và nhiều lần bị cây ATM… nuốt thẻ
Là một nhân viên văn phòng điển hình trong thời đại 4.0, trong ví tôi thường không có tiền mặt mà chỉ có thẻ ngân hàng. Có chiếc thẻ đi đâu cũng tiện, chỉ cần quẹt một đường cơ bản hoặc chạm nhẹ trên máy POS (thiết bị đọc thẻ) là đã có thể thanh toán hóa đơn bất kỳ. Nhìn chung, tôi chỉ dằn túi một ít tiền lẻ để đổ xăng hoặc mua đồ ăn sáng, vì ở TP.HCM hầu hết các cửa hàng, siêu thị đều chấp nhận thanh toán không tiền mặt.
Có thẻ tiện là vậy, thế nên lúc mất thẻ là bất tiện trăm bề. Đếm “sương sương” tôi đã bị mất thẻ 2 lần vì bị trộm, nhiều lần bị cây ATM nuốt thẻ chỉ vì… lấy tiền xong quên rút thẻ ra. Mỗi lần mất thẻ, tôi buộc phải đến ngân hàng yêu cầu khóa thẻ cũ, đồng thời đăng ký làm lại thẻ và phải chờ vài ngày mới nhận được thẻ mới. Vừa mất thời gian lại vừa mất tiền, mà tôi chủ yếu dùng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng nên phí làm lại thẻ cao gần gấp đôi so với thẻ ATM thông thường. Tính ra tôi đã mất đến vài trăm nghìn đồng chỉ để “hồi sinh” thẻ.
Năm ngoái, chiếc thẻ gắn chip của tôi tiếp tục gặp biến - bị hỏng chip, không thể nào rút tiền hay quẹt thẻ thanh toán. Nghĩ đến vòng lặp làm lại thẻ - bỏ tiền - chờ đợi, tôi chợt nghĩ hay là bỏ luôn thẻ vật lý, vì giờ đã có ví điện tử và nhiều công nghệ thanh toán/rút tiền tiện lợi mà không cần đến thẻ. Và tôi nghĩ là làm.
Một năm trải nghiệm cuộc sống không cần thẻ và đây là ưu - nhược điểm thực tế mà tôi nhận ra
Không có thẻ, tôi vẫn có thể thanh toán hóa đơn dễ dàng thông qua các ví điện tử. Nhiều siêu thị trước kia không nhận thanh toán bằng ví điện tử nay cũng đã cập nhật xu hướng, chẳng hạn như Bách Hóa Xanh khoảng vài tháng trở lại đây đã cho thanh toán qua ví Momo. Với một số cửa hàng vẫn chưa cho thanh toán bằng ví điện tử thì tôi sẽ dùng hình thức chuyển khoản.
Việc rút tiền ban đầu có hơi bất tiện, tôi phải tới ngân hàng và cầm theo CCCD để thực hiện thủ tục. Tuy nhiên rất nhanh sau đó, tôi đã chuyển sang biện pháp rút tiền bằng mã QR trên cây ATM. May mắn thay, ngân hàng tôi lựa chọn có áp dụng hình thức này, ngoài ra còn có thể rút tiền bằng vân tay.
Tới khoảng giữa năm ngoái, cây ATM của nhiều ngân hàng còn cập nhật tính năng rút tiền bằng nhận diện khuôn mặt, bằng CCCD gắn chip. Nghĩa là tôi thậm chí không cần phải mang theo điện thoại bên người mà vẫn có thể rút tiền, chuyển khoản, tra cứu số dư… thoải mái.
Bẵng đi một thời gian, tôi chợt nhận ra mình đã không dùng thẻ vật lý gần một năm trời mà cuộc sống hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Tính ra tôi có thể tiết kiệm được vài trăm nghìn tiền làm lại thẻ, thậm chí còn bảo vệ môi trường vì thẻ ngân hàng vốn được làm từ nhựa PVC.
Và quan trọng nhất là tôi còn không phải canh cánh lo bị ăn cắp thẻ hay bị trộm thông tin thẻ khi thanh toán ở siêu thị, có thể vô tư rút tiền mà không lo “não cá vàng” để quên thẻ ở cây ATM. Trong thời đại 4.0, tôi đánh giá việc không dùng thẻ cũng là một cách chống trộm online khá “ổn áp”.
Tất nhiên, tôi cũng khá nhớ những chiếc thẻ vật lý xinh xắn cùng tư thế quẹt thẻ đậm chất “sang chảnh” của mình trước kia. Ngân hàng tôi sử dụng còn cho phép người dùng cá nhân hóa thiết kế thẻ, bỏ vào ví nhìn giống như một món phụ kiện trang trí rất thú vị.
Bên cạnh đó, việc có thẻ vật lý cũng khá tiện lợi ở một số phương diện, chẳng hạn như khi đi công tác, du lịch, đặc biệt là đi du lịch nước ngoài không tiện mang theo tiền mặt và không tiện dùng ví điện tử. Ngoài ra, hiện tại tôi chỉ có thể rút tiền mặt không cần thẻ ở cây ATM của ngân hàng mình đang sử dụng chứ không thể rút ở cây ATM của ngân hàng khác. Số lượng các ngân hàng hỗ trợ hình thức rút tiền không cần thẻ cũng chưa nhiều. Tuy nhiên hiện giờ, tôi vẫn chưa có ý định làm lại thẻ vật lý.
Còn bạn, nếu là tôi thì bạn sẽ chọn tiếp tục dùng thẻ vật lý hay chuyển sang dùng thẻ phi vật lý?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI