Tiết lộ tổ hợp hầm gió dân dụng lớn nhất thế giới của Trung Quốc sau 16 năm: Quy mô tương đương với tổng số cơ sở ở Mỹ và EU cộng lại, vượt xa phương Tây về kích thước

    Yến Nguyễn,  

    Tổ hợp hầm gió máy bay cỡ lớn do Trung Quốc chế tạo đã bắt kịp và vượt qua phương Tây, nhưng tham vọng không chỉ dừng lại ở việc “đạt tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới”.

    Tiết lộ tổ hợp hầm gió dân dụng lớn nhất thế giới của Trung Quốc sau 16 năm: Quy mô tương đương với tổng số cơ sở ở Mỹ và EU cộng lại, vượt xa phương Tây về kích thước- Ảnh 1.

    Kể từ năm 2007, Trung Quốc đã dành nguồn lực cực lớn cho việc xây dựng 18 đường hầm gió trên khắp cả nước nhằm cung cấp cơ sở thử nghiệm cho chiếc máy bay phản lực dân dụng lớn đầu tiên của đất nước.

    Giờ đây, sau 16 năm giữ bí mật, nỗ lực đầy tham vọng cuối cùng đã được tiết lộ.

    Vào tháng 12/2023, một bài báo được đăng trên tạp chí học thuật Trung Quốc Acta Aerodynamica Sinica lần đầu tiên trình bày chi tiết về quy mô chưa từng có của khu phức hợp hầm gió tại Trung Quốc. Bài báo được viết bởi kỹ sư cao cấp Wu Junqiang thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Khí động lực học Trung Quốc ở Mianyang, Tứ Xuyên.

    Bài báo tiết lộ quy  mô tổ hợp hầm gió lớn nhất thế giới của Trung Quốc tương đương với tổng số đường hầm gió tương tự ở Mỹ và Châu Âu (11 ở Mỹ và 7 ở EU).

    Đáng chú ý, các đường hầm gió lớn nhất ở phương Tây – được sử dụng để phát triển các mẫu máy bay mới của Boeing và Airbus, có chiều rộng không vượt quá 5m. Trong khi đó, Trung Quốc có 4 đường hầm gió có chiều rộng từ 8m trở lên.

    Những đường hầm này giúp các nhà khoa học và kỹ sư kiểm tra các vấn đề trong chế tạo máy bay, từ hình dạng khí động học và điều kiện vận hành khắc nghiệt đến hệ thống kiểm soát đóng băng, rung, tiếng ồn và hoạt động bay.

    Cơ sở hạ tầng thử nghiệm máy bay khổng lồ trên mặt đất này được đặc biệt sử dụng khi chế tạo C919 – máy bay dân dụng đầu tiên do Trung Quốc phát triển và đã đi vào hoạt động gần đây.

    Việc xây dựng một tổ hợp đường hầm gió khổng lồ như vậy để phát triển máy bay dân dụng thể hiện tham vọng của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, vượt ra ngoài lợi ích sản xuất máy bay hoặc thương mại đơn thuần. Theo một số chuyên gia, công trình này cũng nhằm mục đích định hình lại mối quan hệ về cơ bản với phương Tây.

    Nhóm của Wu viết trong bài báo: Các đơn vị xây dựng đường hầm gió ở Trung Quốc đã “tạo ra những bước đột phá cho một loạt nút thắt công nghệ trong hai thập kỷ qua, thiết lập một hệ thống công nghệ nghiên cứu và phát triển máy bay lớn với quyền sở hữu trí tuệ hoàn toàn độc lập”.

    Giờ đây, tổ hợp hầm gió máy bay cỡ lớn do Trung Quốc chế tạo đã bắt kịp và vượt qua phương Tây, nhưng tham vọng không chỉ dừng lại ở việc “đạt tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới”. Các kỹ sư cho biết, thay vào đó, nó nhằm mục đích đạt được những bước đột phá lớn hơn nữa “trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc”.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ