Tin đáng báo động vào đầu năm mới: tỷ lệ nhiễm HIV trên toàn cầu chưa hề giảm

    zknight,  

    Những khu vực tưởng như yên bình trước đây lại trở thành điểm bùng phát mới.

    Thật đáng tiếc khi phải nói câu chuyện này vào đầu năm mới, nhưng đó cũng sẽ là một lời cảnh tỉnh cho toàn nhân loại. Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Lancet, khoảng một thập kỷ trở lại đây, số lượng ca nhiễm mới HIV không hề giảm, bất chấp mọi nỗ lực quốc tế.

    Trong cuộc chiến với đại dịch HIV/AIDS tồn tại một nghịch lý: Khi chúng ta càng cứu nhiều người, sẽ càng có nhiều người hơn nữa có nguy cơ mắc bệnh. Nếu thực tế chỉ ra số lượng ca tử vong vì HIV trên toàn cầu liên tục giảm, thế giới lẽ ra phải tiếp tục đổ nhiều tiền hơn vào các chiến dịch phòng tránh.

    Thế nhưng, một nghiên cứu khác cũng trên tạp chí Lancet chỉ ra đó không phải là những gì mà các quốc gia đang làm được, nhất là các nước có thu nhập dưới trung bình. Cho nên, sẽ có một kịch bản xấu cho tương lai: Khi nguồn viện trợ quốc tế bị cắt giảm, hoặc thậm chí là kinh phí dành cho các chiến dịch HIV không tăng lên, đó sẽ là lúc mà đại dịch HIV/AIDS quay trở lại.

     Trong khi số ca tử vong giảm, số ca nhiễm mới HIV dường như vẫn giữ nguyên

    Trong khi số ca tử vong giảm, số ca nhiễm mới HIV dường như vẫn giữ nguyên

    Trong quá khứ, thế giới ghi nhận một đỉnh điểm của số ca nhiễm mới HIV vào năm 1997: 3,3 triệu trường hợp. Kể từ đó cho tới năm 2005, số lượng của các ca nhiễm mới giảm nhưng ở mức chậm, xuống tới ngưỡng 2.6 triệu.

    Sau năm 2005, chúng ta có hẳn một thập kỷ dài khi mà số ca nhiễm mới HIV chững lại, lúc tăng lúc giảm xung quanh mốc 2.6 triệu. Trong khi đó, cũng nghiên cứu này trên tạp chí Lancet HIV chỉ ra: Tổng số người mang virus HIV xác nhận được trên toàn thế giới đã là 38.8 triệu, trong đó có 1.8 triệu trẻ em.

    Đây là những con số khiến không ít người nản lòng. Bởi sau những nỗ lực liên tục không biết mệt mỏi trong việc nâng cao nhận thức người dân trên toàn cầu, tại sao số ca nhiễm mới HIV không tiếp tục giảm?

    Dĩ nhiên là có mặt tích cực: Số ca tử vong do HIV đã giảm từ năm 2005 tới năm 2015. Giảm liên tục và giảm mạnh. Giữa thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, có 1.8 triệu người chết mỗi năm vì HIV. Một thập kỷ sau, con số chỉ còn là 1.2 triệu.

    Kết quả này là nhờ chúng ta đã làm được hai việc, thứ nhất là điều trị HIV bằng liệu pháp kháng virus (ART) ngày càng được nhân rộng. ART có thể giữ mức virus trong người nhiễm HIV trong ngưỡng kiểm soát, hạn chế tác hại của chúng, nhiều khi cho phép người mang HIV sống đến cuối đời.

    Điều thứ hai mà chúng ta làm được, đó là công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Chẳng hạn những quốc gia như Cuba và Thái Lan cũng đã chặn đứng được con đường lây nhiễm này.

    Thế nên bây giờ, câu hỏi mới được đặt ra: Tại sao chúng ta làm tốt mọi thứ để giảm số ca tử vong, mà vẫn lại vấp phải khó khăn trong việc giảm số ca nhiễm mới?

     Tại sao chúng ta làm tốt mọi thứ để giảm số ca tử vong, mà vẫn lại vấp phải khó khăn trong việc giảm số ca nhiễm mới?

    Tại sao chúng ta làm tốt mọi thứ để giảm số ca tử vong, mà vẫn lại vấp phải khó khăn trong việc giảm số ca nhiễm mới?

    Hóa ra có những nguyên nhân của nó. Nhìn vào những thống kê, trong khi dịch bệnh HIV/AIDS tại Châu Phi đã được kiểm soát, những khu vực tưởng như yên bình trước đây lại trở thành điểm bùng phát mới. Ví dụ trong giai đoạn 2005-2013, số lượng ca nhiễm mới ở Indonesia tăng tới 50%. Những quốc gia như Indonesia và Philippines đang kéo cả thế giới chậm lại trong cuộc chiến với virus HIV.

    Trong bối cảnh đáng ngại ấy, tỷ lệ thuận không tồn tại giữa nguồn đầu tư và kết quả trên những con số. Nó tạo nên một nghịch lý: Bất chấp có con số giảm, thế giới vẫn phải tiếp tục đổ thêm tiền vào các chương trình phòng chống HIV/AIDS, nhất là tiền viện trợ cho các quốc gia thu nhập thấp.

    Nhu cầu cho các chương trình phòng chống HIV, đặc biệt là các chương trình ART, tiếp tục tăng vì hai nguyên nhân: tỷ lệ nhiễm mới duy trì mức cao mà sự thành công của ART lại gia tăng tuổi thọ của những người đang sống chung với HIV [những người này lại là nguồn lây nhiễm]”, nghiên cứu trên tạp chí Lancet cho biết.

    Thế nhưng, từ năm 2010, các nguồn viện trợ cho chiến dịch HIV gần như không đổi”, các nhà nghiên cứu cảnh báo. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, chúng ta phải đổ tiền vào HIV/AIDS ít nhất ở con số 36 tỷ USD/năm nếu muốn đạt được mục tiêu đề ra năm 2030. Tuy nhiên, con số mà hiện tại thế giới duy trì được chỉ là 19 tỷ.

    Một nghiên cứu khác cũng chỉ rõ ở những vùng khó khăn nhất thế giới, nguồn kinh phí cho chiến dịch phòng chống HIV/AIDS có gia tăng nhưng không đáng kể. Một số nước thu nhập trung bình có thể sẽ tự nhận ra điều này và lấp đầy khoảng trống của họ. Nhưng với nhiều quốc gia, chẳng hạn như các nước phía nam sa mạc Sahara Châu Phi, tỷ lệ nhiễm HIV còn giữ mức cao nhất nhưng về nguồn lực thì họ không có nhiều.

    Đối chiếu với câu chuyện tại Việt Nam, chúng ta cũng không nằm ngoài xu thế chung của thế giới. Giữa năm 2015, số liệu từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết 95% kinh phí cho thuốc ARV tại Việt Nam tới từ nguồn viện trợ quốc tế. Tuy nhiên, các nguồn tài trợ đang dần rút đi và tiến tới kết thúc hoàn toàn vào năm 2017.

    Giữa năm 2016, trước thềm cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS, Cục phòng chống HIV/AIDS cũng lên tiếng kêu gọi quốc tế chung tay giúp Việt Nam ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát trở lại, ám chỉ về những nguồn viện trợ đang dần bị cắt giảm.

    Trong cuộc họp, tổng thư ký Ban Ki-moon cũng nhấn mạnh: "Nếu chúng ta không hành động, có nguy cơ dịch bệnh HIV/AIDS sẽ bùng phát trở lại ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình".

     Xã hội hóa và tư nhân hóa cần được khuyến khích để tiếp tục phát triển công tác phòng chống và điều trị HIV

    Xã hội hóa và tư nhân hóa cần được khuyến khích để tiếp tục phát triển công tác phòng chống và điều trị HIV

    Tóm lại, nếu cứ dựa trên xu hướng chung về dịch tễ học và tài chính hiện tại, mục tiêu của Liên Hợp Quốc, về kiểm soát HIV/AIDS và duy trì các chương trình ART, được nhiều chuyên gia đánh giá là điều không thể thực hiện. Thật đáng tiếc khi chúng ta phải nói về câu chuyện này vào đầu năm mới.

    Thế nhưng, liệu có cách nào để đảo ngược xu hướng này hay không? Các nhà nghiên cứu nêu ra một số ý chính: Ví dụ như các quốc gia phải tăng nguồn tài chính tự thân, không thể cứ mãi phụ thuộc và các nguồn viện trợ. Giảm giá thành điều trị ART, ví dụ giảm giá thuốc ARV cũng là một lựa chọn.

    Trong khi việc giáo dục và nâng cao nhận thức về HIV tiếp tục được duy trì, nhiều biện pháp sáng tạo hơn cần được phối hợp, mà mục đích cuối cùng vẫn là giảm tỷ lệ nhiễm mới HIV. “Xã hội hóa và tư nhân hóa cần được khuyến khích để tiếp tục phát triển công tác phòng chống và điều trị HIV, tốt nhất các mục tiêu của họ nên được đặt ra trong dài hạn”, các nhà nghiên cứu viết.

    Đi cùng chúng ta trong suốt một lịch sử dài, HIV gần như là một siêu mầm bệnh khéo léo nhất trong tất cả. Chưa có biện pháp chữa trị dứt điểm, ngoại trừ hai trường hợp chữa khỏi cá biệt duy nhất tính đến hiện tại. Chưa có vắc-xin HIV có thể được phổ cập, mặc dù cũng năm 2017, Hoa Kỳ sẽ thử nghiệm một loại vắc-xin đầu tiên cho 600 trường hợp.

    Trong lúc mỏi mòn chờ đợi một thành tựu đột phá trong y học, tất cả những gì chúng ta làm được với HIV chỉ là phòng ngừa và chữa trị tạm thời. Vậy mà những nỗ lực phòng ngừa và chữa trị ấy, bây giờ, cũng lại trở nên quá khó khăn.

    Tham khảo Motherboard

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày