Chuyển dịch sang mobile: Lối thoát cho nhà sản xuất game Việt

    PV,  

    (GenK.vn) - Khi thị trường game cho máy tính cá nhân gặp khó, một số studio sản xuất game lớn đóng cửa. Hàng loạt studio game nhỏ mọc lên với xu hướng mobile.

    Cơ hội với mobile

    Nhận thấy việc sản xuất những game PC "bom tấn" hút khách gần như không thể, trong khi smartphone, dịch vụ 3G bùng nổ mạnh mẽ, các doanh nghiệp game Việt lập tức chuyển mình sang game mobile để tìm cơ hội mới.

    Chuyển dịch sang mobile: Lối thoát cho nhà sản xuất game Việt

    Ông Nguyễn Tuấn Huy, Giám đốc Emobi cho hay, vài năm gần đây, hầu hết các studio game Việt có quy mô đều bị giải tán (ví dụ như của VTC, FPT), chỉ còn lại một số cái tên như VNG và Emobi game. Tuy nhiên, các studio game nhỏ lại xuất hiện khá nhiều.

    Theo ông Tuấn Huy, tính từ đầu năm, phải có đến hơn 10 studio game nhỏ ra mắt. Và, nếu như những các studio game Việt cảm thấy quá sức để xây dựng những sản phẩm game PC đủ sức cạnh tranh với Trung Quốc, Hàn Quốc thì ở lĩnh vực game di động sẽ là sự lựa chọn hợp lý.

    Thứ nhất, game mobile phù hợp với các studio game nhỏ có quy mô đầu tư bé, yêu cầu về công nghệ và tri thức thì chúng ta cách thế giới không quá xa. Thứ hai, game mobile đơn giản, nhẹ nhàng, phù hợp giải trí theo thời gian ngắn nên phù hợp hơn với studio quy mô bé.

    Lãnh đạo của Emobi cũng nhắc tới sự kiện khiến làng công nghệ thế giới dậy sóng đó là trò chơi Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông cũng là một trong những cú hích khiến “nhà nhà, người người” chuyển sang game di động.

    Ông Đào Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giải trí Di động VTC Mobile khẳng định, trong năm 2014 và sắp tới, xu hướng người chơi game chuyển dịch từ máy tính sang mobile sẽ ngày càng mạnh mẽ nhờ ưu thế tiện lợi và giải trí nhanh.

    Theo ông Tuấn, Sau câu chuyện của Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird, giới làm game mobile tại Việt Nam như được tiếp thêm sức mạnh, hồ hởi lao vào sáng tạo ra nhiều game mới. Rất nhiều người đang làm game trên PC chuyển sang làm game mobile hoặc tham gia vào thị trường này. Rất nhanh chóng sau đó, thị trường mobile Việt liên tục xuất hiện những trò chơi như Freaking Math, Bắt chữ…

    Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ số FPT Phạm Công Hoàng thì cho rằng, ở các nước có ngành công nghiệp game phát triển thì game PC có xu hướng chuyển dịch sang game có cách chơi ngày càng phức tạp, cấu hình cao.

    Thế nhưng, ở Việt Nam 2 năm trở lại đây cho thấy điều ngược lại. “Các game có cách chơi đơn giản, mang tính giải trí cao và cấu hình yêu cầu ở mức trung bình thì được cộng đồng đón nhận nồng nhiệt hơn,” ông Hoàng nhận định.

    Bên cạnh đó, việc phổ cập điện thoại thông minh cùng hạ tầng tốt, chi phí 3G rẻ ở Việt Nam sẽ giúp các game mobile nhanh chóng bắt nhịp và song hành cùng xu hướng thế giới. Game mobile dần dần sẽ chiếm tỉ trọng doanh thu cũng như thị phần người chơi ngày càng cao hơn trong toàn ngành tạo ra một cơ hội mở cho tất cả đối tượng tham gia vào lĩnh vực này.

    Cần định hướng

    Cơ hội thì có, nhưng vấn đề có nắm bắt được cơ hội hay không vẫn là điều đáng để bàn tới.

    Trả lời câu hỏi Việt Nam đứng ở đâu trên bản đồ game thế giới?, ông Tuấn Huy thẳng thắn:Nếu nói các studio game Việt có thể sản xuất các sản phẩm ngang bằng chất lượng quốc tế là “lạc quan tếu.” Còn thực tế, chúng ta cần phải trả giá thêm, phải có thất bại để bắt kịp thế giới, song khoảng cách để bắt kịp là không quá xa.

    Theo ông Tuấn Huy, các công ty game Việt cần phải nắm bắt, tận dụng cơ hội và nếu làm tốt, chúng ta có thể nắm bắt 40-50% thị phần trong vòng 3 năm tới chứ không phải như hiện nay với 90% tựa game của Trung Quốc đang “tung hoành” tại Việt Nam.

    Chuyên gia này cho rằng, ở Việt Nam, 3 năm nữa thị trường game mobile sẽ lớn hơn game PC (hiện game mobile khoảng 30-40% thị phần). Nhờ trào lưu mobile, các công ty game Việt có đủ khả năng sản xuất ra sản phẩm cạnh tranh với game Trung Quốc…

    Bằng chứng là thời gian gần đây, một số sản phẩm game mobile Việt Nam đã bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường như Đại minh chủ, Vua thủ thành… chứ không như xưa, cứ ra rồi thất bại, đóng cửa.

    Theo chuyên gia Phạm Công Hoàng, việc xây dựng và phát triển game Việt là câu chuyện dài kỳ, đầy phiêu lưu và cần có sự bắt tay của nhiều phía như cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức tài chính… Và, trong bối cảnh hiện tại, để xây dựng doanh nghiệp game bền vững để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài không phải dễ dàng.

    Với kinh nghiệm của mình, ông Hoàng khuyến cáo điều đầu tiên là cần phải xác định được thể mạnh cốt lõi của doanh nghiệp, định hướng phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Tiếp theo, cần xây dựng một tập thể gắn kết và tham vọng để cùng vươn tới mục tiêu chung và có được nguồn tài chính ổn định.

    Tại Hội thảo phát triển ngành trò chơi trực tuyến do VNG tổ chức mới đây, ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG khuyến cáo những studio chưa mạnh về nguồn lực thì nên làm game đơn giản. Tuy nhiên, để thành công, các game này cần vui vẻ, quyến rũ để hút người chơi…

    Ông Tuấn Huy thì mong muốn những người làm game hợp sức lại, tụ thành nhóm đủ sức mạnh, kiên trì, đừng mong vào thành công sớm và tuyệt đối không chụp giật để hợp sức để đưa ngành game Việt phát triển đi lên.

    “Tôi luôn suy nghĩ rằng, game là ngành cần theo đuổi lâu dài, phải có bước đi bài bản và phải chấp nhận thất bại đủ nhiều. Việc ra đời nhiều studio game là rất tốt, nhưng không nên chạy theo phong trào vì bản thân một studio game muốn có sản phẩm tốt phải xây dựng đủ đội ngũ ở các vị trí khác nhau. Không nên mỗi studio chỉ có vài người, như vậy sẽ xé lẻ nhân lực làm game vốn đã rất mỏng,” ông Huy chia sẻ.

    Một số chuyên gia thì cho rằng, để tránh trường hợp làm game mobile theo phong trào, cơ quan quản lý cần có cái nhìn xuyên suốt và có định hướng rõ ràng để ngành game phát triển lành mạnh, tránh kiểu làm ăn chộp giật, tìm mọi cách để moi tiền của cộng đồng game thủ.

    Theo VietnamPlus.

    >> Đằng sau ánh hào quang của một game thủ chuyên nghiệp (P1)

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ