Tính năng mới của Facebook khiến cộng đồng lo ngại: Fake news, "ném đá giấu tay" liệu có lộng hành?

    Huỳnh Duy,  

    Tình trạng thật – giả lẫn lộn trên Facebook được ví là môi trường mà các đối tượng “ném đá giấu tay” hay lợi dụng để thực hiện các hành vi xấu.

    TIN MỚI
      Tính năng mới của Facebook khiến cộng đồng lo ngại: Fake news, "ném đá giấu tay" liệu có lộng hành?- Ảnh 1.

      Tính năng Bình luận ẩn danh trên Facebook

      Ngày 16/9, nhiều người dùng Việt Nam hào hứng trải nghiệm tính năng bình luận ẩn danh trên mạng xã hội Facebook.

      Cụ thể, trong bản cập nhật mới nhật của ứng dụng này, người dùng được phép sử dụng tính năng "bình luận ẩn danh". Điều này giúp người dùng bảo vệ thông tin tốt hơn khi tham gia trao đổi, tranh luận trên mạng xã hội.

      Tính năng mới của Facebook khiến cộng đồng lo ngại: Fake news, "ném đá giấu tay" liệu có lộng hành?- Ảnh 2.

      Tính năng bình luận ẩn danh mới của Facebook được nhiều người dùng hào hứng trải nghiệm. (Ảnh chụp màn hình)

      Để có thể kích hoạt tính năng, người dùng chỉ cần nhấn vào biểu tượng ẩn danh được đặt kế bên thanh nhập văn bản. Khi lựa chọn bình luận ở chế độ ẩn danh, bình luận của người dùng sẽ không hiện tên Facebook cá nhân mà chỉ hiển thị "Thành viên ẩn danh..." kèm theo số thứ tự.

      Hiện tại, tính năng dường như chỉ mới được áp dụng trong các Group (Hội nhóm) trên Facebook. Ngoài ra, tính năng chưa phổ biến với toàn bộ người dùng Facebook mà chỉ mới thử nghiệm trên một số tài khoản nhất định.

      Bằng việc ẩn danh, Facebook có thể khuyến khích người dùng tham gia các cuộc thảo luận nhiều hơn, đặc biệt với những ai ngại bày tỏ ý kiến công khai.

      Bình luận ẩn danh cũng có thể giúp tạo ra không gian mạng an toàn để mọi người có thể chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc mà không sợ bị phán xét. Nhờ đó, sẽ có nhiều ý kiến đa dạng và khách quan, phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, giải trí hay research thị trường.

      Fake News, "ném đá giấu tay" sẽ được thế làm càn?

      Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm thì việc cho phép comment ẩn danh khiến một số người dùng lo ngại về hiện tượng "ném đá giấu tay" hay bắt nạt mạng.

      Tình trạng thật – giả lẫn lộn, ẩn danh – công khai trên Facebook được ví là môi trường mà các đối tượng “ném đá giấu tay” hay lợi dụng để thực hiện các  hành vi.

      Tính năng mới của Facebook khiến cộng đồng lo ngại: Fake news, "ném đá giấu tay" liệu có lộng hành?- Ảnh 3.

      Thông tin chưa được kiểm chứng lan truyền trên mạng xã hội Facebook thời điểm đầu tháng 8/2024. (Ảnh: Chụp màn hình)

      Đơn cử là trường hợp xảy ra vào đầu tháng 8/2024, việc một số tài khoản Facebook chia sẻ thông tin, hình ảnh cá nhân gán ghép cho một nữ nhân viên của Samsung Thái Nguyên lây nhiễm HIV cho nhiều người thực sự gây sốc dư luận. Sau đó, lực lượng chức năng đã vào cuộc xác minh và xử phạt hành chính một số đối tượng tung tin thất thiệt.

      Với bình luận ẩn danh, tính năng này có thể bị lợi dụng để lan truyền các thông tin sai lệch, tin đồn, hoặc các bình luận tiêu cực, gây chia rẽ đến các cá nhân, tổ chức.

      Cũng vì việc được ẩn danh nên người dùng dễ có thể đưa ra những bình luận thiếu suy nghĩ, gây ảnh hưởng xấu tới nhận thức, tính đoàn kết của cộng đồng. Việc quản lý và kiểm soát các bình luận ẩn danh mang tính tiêu cực sẽ rất khó khăn, tạo ra nhiều thách thức cho các nhà sáng tạo hay brand.

      Tính năng mới của Facebook khiến cộng đồng lo ngại: Fake news, "ném đá giấu tay" liệu có lộng hành?- Ảnh 4.

      Các Group vẫn có thể thấy thông tin tài khoản như bình thường. (Ảnh chụp màn hình)

      Tuy vậy, việc admin các Group vẫn có thể thấy thông tin tài khoản như bình thường có thể phần nào hạn chế các hành vi quá khích. Tất nhiên, điều này sẽ còn phụ thuộc cả vào khả năng quản trị Group.

      Một ví dụ đáng chú ý về những hạn chế của tính ẩn danh này xảy ra vào tháng 7 năm 2023, khi một tòa án ở Hà Lan ra lệnh cho Meta tiết lộ danh tính của một người dùng đã đăng ảnh phỉ báng ẩn danh. Tên đầy đủ, địa chỉ email và thậm chí cả địa chỉ IP của người dùng đã được tiết lộ cho nguyên đơn.

      Hành vi đăng tải những tin đồn thất thiệt xúc phạm uy tín và danh dự người khác trên Facebook bị xử phạt vi phạm ra sao?

      Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP như sau:

      Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội

      1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

      a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

      b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

      c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

      d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

      đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

      e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

      g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;

      h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

      ...

      Theo đó, đối với hành vi đăng tải những tin đồn thất thiệt xúc phạm uy tín, danh dự người khác trên mạng xã hội (Facebook) thuộc những hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Do đó, đối tượng thực hiện hành vi nêu trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.

      Lưu ý: Mức xử phạt ở quy định pháp luật nêu trên áp dụng đối với tổ chức có hành vi vi phạm, mức xử phạt áp dụng đối với cá nhân có hành vi vi phạm bằng 1/2 lần mức xử phạt của tổ chức (Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).

      Như vậy, đối với hành vi đăng tải những tin đồn thất thiệt xúc phạm uy tín và danh dự người khác trên Facebook sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 triệu đồng đối với tổ chức và từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi vi phạm.

      Tin cùng chuyên mục
      Xem theo ngày

      NỔI BẬT TRANG CHỦ