Trải nghiệm nhanh Fujifilm X-T4: Có gì hay và đáng nâng cấp so với đời trước?
Với giá bán cao hơn 200 USD so với người tiền nhiệm (thời điểm ra mắt), liệu Fujifilm X-T4 có đáng để nâng cấp?
- Theo đuổi đam mê chụp ảnh thiên văn trên tàu chở hàng giữa biển khơi bao la
- Nền tảng Raspberry Pi lần đầu ra mắt module camera 12 MP có khả năng thay đổi ống kính
- Cận cảnh Fujifilm X-T4: Màn trập mới, nặng hơn đời trước, đã có chống rung 5 trục IBIS, màn hình xoay lật đa hướng, giá gần 41 triệu đồng
Fujifilm X-T4 là một trong hai máy ảnh được hãng này tung ra trong đợt nửa đầu năm nay. Cả hai sản phẩm đều có ngôn ngữ thiết kế và mục đích sử dụng khác nhau, nếu như X100V chuyên dành cho những người thích chụp đường phố (streetlife) và du lịch nhờ tính nhỏ gọn cùng lens dính liền thì X-T4 lại sinh ra cho những đối tượng có nhu cầu nhiếp ảnh rộng hơn. Vậy chiếc máy ảnh này có gì hay và đâu là những cải tiến gì đáng giá so với đời trước?
Hệ thống chống rung trong body (IBIS)
Một trong những thứ được mong chờ nhất cuối cùng cũng đã xuất hiện trên X-T4. Hệ thống chống rung 5 trục này từng được Fujifilm áp dụng trên X-H1 và cũng gây tranh cãi không ít khi khiến thân máy to ra đáng kể. Tuy nhiên với sự tái xuất lần này của IBIS trên X-T4, Fujifilm đã khiến tôi bất ngờ khi body máy vẫn "giữ dáng" khá tốt, gần như không chênh lệch quá nhiều so với đời trước.
Với IBIS, Fujifilm X-T4 sẽ khắc phục được những tình trạng nhòe mờ do rung tay khi chụp ở tốc độ màn trập thấp. Tất nhiên nó còn rất hữu dụng với những người dùng muốn quay video trên chiếc máy này và hiệu năng sẽ hơn hẳn so với X-T3, vốn không hề có bất cứ khả năng ổn định hình ảnh gì bên trong.
Cầm nặng tay hơn, nhưng không đáng kể
Cảm giác đầu tiên khi trên tay chiếc X-T4 là NẶNG, phần vì tôi quen với việc cầm X100V lần trước và quen với cái nhẹ nhàng ấy, phần vì do X-T4 mang trong mình IBIS cùng viên pin mới nên cũng nặng hơn chiếc X-T3 trước đây. Tuy nhiên nếu so về con số, phiên bản mới này chỉ tăng cân thêm 70 gr mà thôi.
Tuy nhiên, thứ tôi nhận ra tiếp theo lại khá mâu thuẫn, máy tuy nặng hơn nhưng cầm lại rất chắc tay và tôi bỗng dần quen với nó chỉ trong vòng vài phút. Lý giải cho việc này là vì Fujifilm đã thiết kế báng cầm phía trước được làm nhô ra nhiều hơn, nhờ vậy tạo độ bấu của các ngón tay sâu hơn, chắc hơn và vì thế cảm giác nặng của máy cũng dần vơi đi.
Thể loại ảnh mà tôi ưa thích là chụp đường phố và bạn biết đấy, tôi phải đi bộ rất nhiều để tìm bắt các khoảnh khắc. Chính vì vậy, thường tiêu chí lựa chọn "đồ hành nghề" của tôi những buổi đi chụp sẽ là càng nhẹ càng tốt, thậm chí có khi là cầm điện thoại để chụp. Tôi hoàn toàn không thoải mái với những chiếc máy ảnh quá cồng kềnh và nặng vì nó sẽ khiến cổ tay tôi mỏi nhừ, cảm hứng đi chụp cũng từ đó tắt đi nhanh chóng.
Và thật may mắn rằng X-T4 được cải thiện phần báng cầm, thậm chí khu vực đặt ngón cái cũng rất rộng rãi, không bị chèn phím như ở X100V nên mọi thứ đều ổn và tôi vẫn có thể đi dạo cả buổi chỉ với dây handstrap mà không cần đeo lên vai.
Khu vực để tựa ngón cái vào rất rộng rãi thoải mái.
Ảnh so sánh kích thước X-T3 và X-T4 (theo MirrorlessComparision)
Giảm chú ý đáng kể khi chụp
Có hai lý do tôi chọn máy ảnh có màu tối: một là trông "ngầu" hơn và hai là đỡ gây chú ý hơn. Và ở Fujifilm X-T4 này, tôi còn nhận ra nó có một thứ khác khiến tôi thích mê: màn trập cực êm. Vì sao lại cần màn trập êm? Với một số thể loại ảnh chụp ẩm thực, chân dung hay kiến trúc, phong cảnh… có thể bạn sẽ không cần để tâm đến tiếng màn trập to hay nhỏ, nhưng một khi bạn đi chụp phố, chắc chắn màn trập có tiếng động nhỏ hơn sẽ là một lợi thế lớn.
Không phải ai cũng thoải mái khi ta chụp họ trên phố, đặc biệt là tiếng màn trập quá lớn sẽ khiến họ khó chịu hoặc phân tâm khi đang làm việc, cảm giác giống như đang bị chính người chụp làm phiền vậy. Thế nên, những lúc này màn trập càng êm sẽ càng đỡ gây bất lợi cho tôi và ít ra cũng khiến đối phương thoải mái hơn.
Lần đầu bấm máy, tiếng màn trập nhỏ và nhẹ đến mức mà tôi khó nhận ra được, nó khiến tôi liên tưởng đến màn trập của dòng máy Leica vậy. Cũng vì thế, tôi có thể đưa máy đến sát chủ thể chụp mà không gây ảnh hưởng đến họ.
Như hôm đi Lễ Phật Đản tại Đình Ôn Lăng (Q.5), người dân đến đây khá đông đúc nhưng không khí khá nghiêm trang và yên tĩnh. Sẽ rất phiền toái nếu bạn bấm máy liên tục ở nơi này mà màn trập cứ đánh tanh tách inh ỏi, vậy nên, X-T4 đã giúp tôi tự tin hơn rất nhiều trong những trường hợp này.
Với màn trập mới, X-T4 sẽ có độ bền cao hơn: 300.000 lần đánh so với X-T3 chỉ vào khoảng 200.000 lần.
Thao tác dễ dàng
Một điểm khác tôi rất thích trên X-T4 là gần như tất cả các phím chức năng cần thiết đều được "trưng" ra hết bên ngoài, khác với dòng X100 series vì ưu tiên nhỏ gọn nên phải rút bớt các phím vào trong.
Hai bánh răng chỉnh ISO và Shutter Speed có chốt khóa phía trên, đây là chi tiết nhỏ nhưng cũng mang đến trải nghiệm người dùng tốt hơn, tránh vô tình va phải trong lúc tác nghiệp khiến thông số bị thay đổi ngoài ý muốn.
Rất mừng là cuối cùng Fujifilm đã chịu trang bị khả năng xoay lật đa hướng cho màn hình của họ. Đó là thứ mà tôi mong chờ nhiều nhất, chứ không phải là cảm ứng trên màn hình. Với khả năng xoay lật tự do, người dùng có thể bố cục được nhiều góc khác nhau và cũng rất tiện lợi cho cả những ai thích quay phim.
Thêm một điểm nhỏ khác cho thấy hãng đánh mạnh vào trải nghiệm quay video trên chiếc X-T4 này là nút xoay phụ dưới bánh răng màn trập được đổi thành 2 chế độ Still và Movie, giúp người dùng có thể chuyển từ chụp ảnh sang quay phim nhanh chóng.
Lấy nét nhanh, nhận diện khuôn mặt tốt nhưng vẫn còn nhiều chế độ rối rắm khó chọn
Giống với X100V, tốc độ lấy nét và nhận diện khuôn mặt trên X-T4 cũng rất nhanh. Những hoạt cảnh tranh sáng tranh tối và chủ thể di chuyển liên tục vẫn được chiếc máy này "bắt" tốt nhờ kết hợp hệ thống lấy nét tương phản và pha (117 điểm hoặc 425 điểm nét tùy vào từng thiết lập của người dùng).
Theo Fujifilm, tỉ lệ bám nét trên X-T4 đã cải thiện hơn nhiều so với X-T3, độ nhạy trong điều kiện thiếu sáng là -6 EV so với -3 EV trên X-T3.
Do đã rút kinh nghiệm từ đợt tìm hiểu X100V, tôi đã đỡ phần bối rối hơn khi dùng X-T4 này, tuy nhiên quan điểm cá nhân tôi thì giao diện và các chế độ của Fujifilm vẫn rất rối. Chính vì họ đưa vào quá nhiều lựa chọn cho người dùng để tùy biến nên những ai từ hệ máy khác sang hoặc người dùng không chuyên sẽ cảm thấy choáng ngợp ngay từ đầu và không biết làm gì ở bước tiếp theo.
Vậy nên, nếu muốn dùng tốt những sản phẩm này, bạn cần phải tìm hiểu rất nhiều hoặc hỏi từ những người đi trước để tìm ra settings phù hợp nhất cho style chụp của bản thân, không thì sẽ rất dễ "lạc lối" và kết quả ảnh nhận được khó mà ưng ý hoàn toàn.
Ngược lại, nhờ tính tùy biến nhiều nên Fujifilm có những thứ đặc sản mà các hãng khác không có
Cái hay của các dòng máy ảnh Fujifilm là cảm biến và vi xử lý ảnh của họ cho skin tone rất mượt, độ tương phản khá mềm mại nên chụp chân dung hay ẩm thực thì rất hợp. Bên cạnh đó người dùng cũng có thể can thiệp được nhiều vào phần tông màu, các kiểu ám màu phim như Chrome Effect (X-T4 có thêm Color Chrome Blue Effect)… nên càng khiến các tín đồ thích style retro lại mê hơn.
Có thể nói giả lập màu phim (Film Stimulation) là một trong những điểm bán hàng rất lớn của hãng này ngay từ thời gian đầu ra mắt đến nay, giúp người dùng có được những tông màu cổ điển giống những tấm ảnh phim ngày xưa.
Fujifilm đã rất khôn khéo khi qua từng đời máy lại tích hợp thêm màu mới để người dùng có thứ tiếp tục khám phá, và lần này là Eterna Bleach Bypass. Tuy nhiên theo cá nhân tôi thì màu này khá khó dùng, nó giả lập giống với quá trình xử lý phim nhựa ngày xưa mà trong đó lớp bạc tráng bên trên phim được giữ lại. Kết quả màu sắc sẽ bị giảm độ bão hòa, khá nhạt và không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng được, có lẽ quay phim sẽ phù hợp hơn.
Một trong những filter mà tôi thích dùng nhất trên chiếc máy này là Classic Negative hoặc Classic Chrome, đẩy EV xuống tầm -0.7 EV để ưu tiên tốc độ màn trập và đa số khi ảnh nhận về cũng không cần phải hậu kỳ gì nhiều.
Kết
Với giá bán cao hơn 200 USD so với người tiền nhiệm (thời điểm ra mắt), liệu Fujifilm X-T4 có đáng để nâng cấp? Đây không hẳn là chiếc máy ảnh mang đến nhiều công nghệ mới nhất, một số thứ X-T3 vẫn có và có thể dùng ổn cho đến thời điểm hiện tại, có chăng những người dùng cần IBIS hay màn hình xoay lật đa hướng sẽ tìm đến nó?
Nếu bạn không quá quan trọng mức giá, việc bỏ thêm đôi chút để có được những trải nghiệm tốt hơn từ chụp ảnh cho đến quay phim (nhờ IBIS và màn hình xoay lật) thì X-T4 vẫn đáng để đầu tư. Và tất nhiên ở mức giá này người dùng cũng sẽ đắn đo với nhiều sản phẩm khác trên thị trường, thậm chí là cả với chiếc X100V cùng nhà ra mắt cách đó không lâu.
Nhưng, cả hai đều có mục đích sử dụng riêng biệt. Fujifilm X-T4 không "kén cá chọn canh" như X100V về mặt tiêu cự, cũng không dị thường như X-Pro3, chiếc máy ảnh này có thể nói là "nhạc nào lên cũng nhảy" và ít nhất là có thể thay đổi ống kính tùy thuộc vào từng thể loại ảnh khác nhau.
Riêng tôi, X-T4 có thể trở thành chiếc camera APS-C tốt nhất thời điểm hiện tại, với điều kiện Fujifilm đầu tư hơn nữa và đưa thêm vào những tính năng mới, lúc đó nó sẽ hấp dẫn và đáng nâng cấp hơn. Tôi biết rằng Fujifilm có thể làm tốt hơn thế, nhưng có lẽ họ muốn giữ lại "nhỏ giọt" cho những dòng sản phẩm sau, âu cũng là điều hơi đáng tiếc.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập
Meta đang gặp sự cố ngừng hoạt động lớn trên tất cả các nền tảng của mình, bao gồm Facebook, Instagram, Threads, Messenger và WhatsApp.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời