Bài toán tránh thai hiệu quả và đơn giản sẽ cùng được giải quyết.
Việc tránh thai cho phụ nữ có thể trở nên đơn giản và hiệu quả bằng một miếng dán như thế này. Họ sẽ không cần phải mất thời gian tuân thủ lịch trình uống thuốc rắc rối và phức tạp nữa.
Như bạn biết đấy, phụ nữ muốn tránh thai vẫn phải uống thuốc mỗi ngày. Nếu quên hoặc thậm chí uống chậm giờ đi một chút, hiệu quả tránh thai đã suy giảm đáng kể.
Vậy còn điều gì tuyệt vời hơn khi chỉ cần dán lên cánh tay, bụng hoặc đùi một miếng dán nhỏ bằng đồng xu là đã có thể tránh thai trong suốt 1 tháng? Gọi là miếng dán, nhưng bạn có thể tưởng tượng nó như một miếng tattoo vô hình dán trên da vậy.
Chỉ cần bóc nó, áp vào da rồi lột lớp ngoài đi, phần còn lại của miếng dán sẽ tự động giải phóng hooc-môn tránh thai levonorgestrel vào cơ thể. Bởi liều lượng đã được tính toán sẵn cho 30 ngày, bạn chỉ cần dán nó một lần và nhớ ngày hết hạn là ổn.
Tuyệt vời hơn nữa, miếng dán được làm từ vật liệu giống chỉ phẫu thuật tự tiêu, nên nó sẽ phân giải sinh học mà bạn không cần phải lo bóc hay kỳ cọ ra khỏi cơ thể mình.
Tránh thai hiệu quả 30 ngày với miếng dán dùng 1 lần sử dụng công nghệ vi kim tự tiêu
Miếng dán tránh thai hiện đang được các nhà khoa học ở Viện Công nghệ Georgia, Hoa Kỳ phát triển. Họ hi vọng rằng nó sẽ trở thành cách tiếp cận đơn giản và hiệu quả hơn cho những người phụ nữ không muốn làm mẹ ngoài ý muốn.
Trên thực tế, các biện pháp tránh thai dành cho phụ nữ hiện nay đều có nhược điểm. Hiệu quả cao thì có các biện pháp xâm lấn như đặt vòng chữ T vào tử cung hoặc cấy một que ngừa thai dưới da. Đơn giản như việc uống thuốc tránh thai theo tháng thì lại kém hiệu quả vì phác đồ quá phức tạp.
Đặc biệt ở các nước đang phát triển, nơi đang phải chứng kiến sự bùng nổ dân số nhưng việc chăm sóc sức khỏe sinh sản bị hạn chế, cả biện pháp tránh thai bằng thuốc, đặt vòng hay cấy ghép đều rất khó để triển khai trên quy mô lớn.
Thực tế này đặt ra cho các nhà khoa học một bài toán, làm thế nào để cung cấp được một biện pháp tránh thai dễ dàng và hiệu quả hơn?
Để giải quyết bài toán này, các nhà khoa học ở Georgia đã để ý đến công nghệ vi kim tự tiêu (Dissolvable microneedles). Đó là một công nghệ mới cho phép phân phối thuốc chậm và hiệu quả vào cơ thể qua da. Năm 2017, một nhóm các nhà khoa học Mỹ tại Đại học Emory đã thử nghiệm thành công các miếng dán chứa vi kim tự tiêu để đưa vắc-xin cúm vào bên trong cơ thể người.
Bây giờ, các nhà khoa học ở Viện Công nghệ Georgia tự hỏi, liệu họ có thể làm như vậy với thuốc tránh thai được hay không?
Công nghệ vi kim tự tiêu (Dissolvable microneedles) sẽ trở thành một phương pháp phân phối thuốc mới
"Để đưa thuốc vào cơ thể, trừ khi bạn nuốt một viên thuốc với nhược điểm vì bị hấp thụ nhanh, còn không bạn thường phải sử dụng đến kim chích hoặc thủ thuật tiểu phẫu để cấy que thuốc dưới da", tiến sĩ Mark Prausnitz, tác giả của nghiên cứu cho biết.
Có một lựa chọn thay thế khác hiện nay là thu nhỏ những cây kim và tích hợp chúng vào những miếng dán. Mỗi miếng dán được cấy hàng hàng trăm cây kim nhỏ hơn cả bề dày sợi tóc. Ở kích thước này, những chiếc kim có thể xuyên qua da mà không gây đau, sau đó ở lại trong da để phân phối thuốc, với tốc độ được hãm chậm để duy trì hiệu quả cho cả tháng.
Nhưng để những cây kim trên miếng dán có thể ở lại, Wei Li, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ trong nhóm của Viện Công nghệ Georgia, đã phải thiết kế một cấu trúc dán-bóc cho nó. Li dùng kỹ thuật micro để đúc những bong bóng khí nhỏ, tạo thành một điểm yếu ở thân kim.
Một khi miếng dán đẩy những đầu kim qua da, người phụ nữ chỉ cần tác động một lực nhẹ để bóc miếng dán ra, lực này sẽ tác động vào điểm yếu chỗ bong bóng và bẻ gãy những chiếc kim cắm lại trên da họ. Nghe đáng sợ nhưng quá trình không hề gây đau. Những đầu kim sẽ giải phóng thuốc dần dần, và tự tiêu sau 1 tháng vì làm từ vật liệu polyme phân hủy sinh học.
Những miếng dán sẽ thay thế việc uống thuốc tránh thai trong tương lai
Trong kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Biomedical Engineering, tiến sĩ Mark Prausnitz và các đồng nghiệp đã thử nghiệm thành công miếng dán tránh thai trên những con chuột. Họ chứng minh rằng phương pháp này hiệu quả, bởi miếng dán đã duy trì được nồng độ levonorgestrel trong cả 1 tháng.
Kế hoạch trong vòng 2 năm tới, miếng dán tránh thai sẽ được thử nghiệm lâm sàng trên người. Các nhà khoa học đang tiến hành nghiên cứu song song với phỏng vấn các chuyên gia và khảo sát thị trường, để thiết kế được ngoại hình miếng dán phù hợp với hành vi tiêu dùng của phụ nữ từng quốc gia trên thế giới.
Tham khảo Dailymail, Telegraph
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"