Trễ làm, tắc nghẽn giao thông tại một thành phố lớn của Trung Quốc vì một ứng dụng bị treo

    Tấn Minh,  

    Một ứng dụng thanh toán bị lỗi đã gây ra những hàng người chờ dài dằng dặc, khiến biết bao nhân viên trễ giờ công sở tại Thành Đô.

    Chúng ta ai cũng khó chịu khi một ứng dụng bỗng bị treo trên điện thoại, nhưng đa phần đó cũng chỉ là một sự bất tiện nhất thời mà thôi. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi ứng dụng bị treo đó lại là một phần thiết yếu trong cuộc sống của bạn? Đó chính là tình huống trớ trêu mà nhiều người tại thành phố Thành Đô ở phía tây nam Trung Quốc vừa gặp phải vào sáng thứ Hai vừa qua.

    Cụ thể, những vị khách đi tàu điện ở Thành Đô đã lên mạng xã hội Weibo than phiền rằng một ứng dụng thanh toán dịch vụ vận chuyển tên là Tianfu Tong bỗng trở chứng không hoạt động như thường lệ. Với quy mô của thành phố, cũng như sự phổ biến của hình thức thanh toán di động ở Trung Quốc, một vụ gián đoạn như vậy có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, gây chậm trễ trong hoạt động giao thông vận tải trên diện rộng. Thành Đô là một thành phố lớn với 16 triệu dân, tức gấp 4 lần dân số Los Angeles.

    Giống như nhiều dịch vụ thanh toán di động tại Trung Quốc, Tianfu Tong thường tạo ra một mã QR độc nhất cho mỗi giao dịch. Ví dụ, khách đi tàu có thể dùng mã này để quét mỗi khi ra và vào ga.

    Vấn đề xảy ra hôm thứ Hai là ứng dụng này không thể tạo ra mã QR. Không có mã QR, đồng nghĩa với người dùng không thể thanh toán điện tử được, và họ buộc phải chuyển sang thanh toán theo cách cổ điển: sử dụng vé tàu giấy. Nhiều hàng người dài bắt đầu hình thành trước các máy và quầy bán vé. Một số người thậm chí không thể mua vé theo cách này được, bởi họ...không mang theo tiền mặt - một điều dễ hiểu ở một quốc gia nơi 70% người dùng Internet sử dụng các hình thức thanh toán di động.

    Trễ làm, tắc nghẽn giao thông tại một thành phố lớn của Trung Quốc vì một ứng dụng bị treo - Ảnh 1.

    Hành khách đứng chờ tại một nhà ga tàu điện ở Thành Đô hôm 8/4 vừa qua

    Vụ trễ tàu không mong đợi này đã khiến nhiều hành khách trễ giờ làm. Trong bài viết xin lỗi chính thức trên Weibo, Tianfu Tong hứa sẽ viết một bức thư để những hành khách bị ảnh hưởng có thể tải về và trình cho sếp của họ làm bằng chứng cho việc đến nơi làm việc không đúng giờ.

    Tuy nhiên, nhiêu đó có vẻ vẫn chưa đủ để làm dịu cơn tức giận của các hành khách không may - những người này chỉ ra rằng ga tàu điện tại Thành Đô không chấp nhận Apple Pay và các ứng dụng thanh toán khác sử dụng NFC, một giải pháp thay thế bảo mật hơn so với mã QR. Trong khi Apple Pay đang khá chật vật trong việc triển khai tại nhiều địa phương ở Trung Quốc, các hành khách tại Bắc Kinh và Thượng Hải lại may mắn hơn cả khi đây là hai thành phố hỗ trợ hình thức thanh toán này. Các hãng điện thoại lớn tại Trung Quốc như Xiaomi cũng hỗ trợ thanh toán bằng NFC khi người dùng sử dụng các loại hình giao thông công cộng.

    Mã QR hiện là hình thức thanh toán được sử dụng rộng rãi tại Trung Quốc, và được hỗ trợ bởi hai ứng dụng thanh toán phổ biến bậc nhất nước này là WeChat Pay và Alipay, thuộc sở hữu của Tencent và Alibaba. Công nghệ này tương đối rẻ và dễ ứng dụng, nhưng tính an toàn của nó vẫn còn nhiều tranh cãi. Nhiều người đã chỉ ra rằng quét mã QR chậm hơn sử dụng NFC, khiến việc sử dụng mã QR trong những giờ cao điểm không phải là việc làm lý tưởng cho lắm.

    Trong khi Tianfu Tong đang bận rộn giải quyết đống hổ lốn họ gây ra, một số hành khách tại Thành Đô cho biết họ sẽ cứ dùng thẻ đi tàu điện cho chắc ăn.

    "Có phải tôi đã già rồi không? Tôi luôn mang bên mình thẻ đi tàu khi ra ngoài" - Một người dùng Weibo nói.

    Tham khảo: AbacusNews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ