Trên tay mẫu điện thoại "cực dị", giá chưa đến 4 triệu đồng của Nokia: Khả năng tự sửa chữa có xịn sò như quảng cáo?

    Nhật Minh, Thể Thao Văn Hóa 

    Theo HMD, với Nokia G22, người dùng có thể tự sửa chữa một cách dễ dàng, thao tác thay pin chỉ mất 5 phút, thay màn hình chỉ trong 20 phút.

    Nokia G22 là mẫu smartphone được thiết kế để người dùng có thể dễ dàng tự sửa chữa khi cần, ví dụ như thay pin, đổi cổng sạc, thay màn hình.

    Theo HMD – thương hiệu sản xuất những chiếc điện thoại mới mang nhãn hiệu của Nokia – đây là 3 thành phần dễ bị hư hỏng hoặc hao mòn nhất trong quá trình sử dụng. Vì vậy, bằng cách làm cho các thành phần này trở nên dễ thay thế hơn thì trên lý thuyết, người dùng có thể giữ điện thoại của họ được lâu hơn.

    HMD cho biết thêm rằng, người dùng có thể thay pin điện thoại chỉ trong 5 phút và thay màn hình trong 20 phút. Tất cả đều sử dụng một bộ công cụ sửa chữa điện thoại tiêu chuẩn do hãng cung cấp. Trên thực tế, các công đoạn thay thế này có dễ dàng như HMD tuyên bố hay không? Trải nghiệm của chuyên gia công nghệ Tom Pritchard đến từ Anh sẽ cho chúng ta câu trả lời.

    Trên tay mẫu điện thoại "cực dị", giá chưa đến 4 triệu đồng của Nokia: Khả năng tự sửa chữa có xịn sò như quảng cáo? - Ảnh 1.

    Dễ dàng tháo rời

    Theo Pritchard, anh không thể hoàn thành việc tự sửa chữa trong thời gian ngắn như HMD tuyên bố. Trên thực tế, toàn bộ quá trình mất khoảng 45 phút, bao gồm các công đoạn tháo rời một chiếc điện thoại đang hoạt động và lắp ráp lại mọi thứ theo hướng dẫn.

    Thế nhưng, các thao tác không quá khó. Sau khi tháo được khung nhựa của máy, phần lớn công việc còn lại là dùng tới tô vít và rút các loại cáp khác nhau ra khỏi vị trí cắm của chúng.

    Hướng dẫn sửa chữa của iFixit cực kỳ hữu ích, các chỉ dẫn bằng văn bản rất rõ ràng, tuy nhiên, số lượng lớn các hình ảnh mô phỏng từng bước nhỏ khiến người dùng khó có thể (và nhanh chóng) tìm ra điều gì mình cần làm tiếp theo.

    Trên tay mẫu điện thoại "cực dị", giá chưa đến 4 triệu đồng của Nokia: Khả năng tự sửa chữa có xịn sò như quảng cáo? - Ảnh 2.

    Vẫn có những thách thức nhất định

    Theo Pritchard, việc tháo các thành phần ra và đặt vào vị trí cũ được xem là một trong những nhiệm vụ dễ dàng nhất, miễn là bạn nhớ cách sắp xếp chúng chính xác. Tuy nhiên, đầu nối anten rất nhỏ và khó lắp trở lại vị trí ban đầu.

    Mặc dù chất kết dính được sử dụng hạn chế trên Nokia G22 nhưng nó vẫn gây ra một chút vấn đề. Đó là do kiểu máy mà Pritchard sử dụng là mẫu thử trước khi phát hành. HMD cho biết, ở mẫu này, họ sử dụng chất kết dính mạnh hơn loại dùng cho các mẫu bày bán ngoài thị trường hiện nay.

    Pritchard cho hay, đó là một thông tin tốt, bởi như mẫu mà anh đang dùng thử, pin có cảm giác như được dán vào trong máy, lớp băng dính quấn bên trong khá khó kéo ra.

    Trên tay mẫu điện thoại "cực dị", giá chưa đến 4 triệu đồng của Nokia: Khả năng tự sửa chữa có xịn sò như quảng cáo? - Ảnh 3.

    Chưa chắc là điểm hấp dẫn khách hàng

    Mặc dù G22 có khả năng tự sửa chữa dễ dàng nhưng nó vẫn có những điểm trừ nhất định. Điện thoại có khả năng chống bụi IP52, tức là bụi vẫn có thể "xâm nhập có giới hạn". Mức chuẩn này chỉ đảm bảo bụi không ảnh hưởng đến hoạt động của điện thoại.

    Bên cạnh đó, khả năng chống nước của G22 hiện nay mới chỉ giúp bảo vệ điện thoại khỏi nước mưa, chứ chưa ứng phó được các tình huống dính chất lỏng khác. Đây không phải là những điểm hấp dẫn người dùng, nhưng cũng không gây bất ngờ bởi G22 có giá rất rẻ (Trên website Thế giới di động, Nokia G22 đang được bán với giá 3.990.000 đồng).

    Đáng nói, không có gì đảm bảo rằng các vòng đệm ngăn bụi và nước sẽ không bị hỏng trong quá trình sửa chữa, đặc biệt với một người dùng nghiệp dư.

    Một điều khác cần cân nhắc là màn hình của Nokia G22 bị giới hạn ở độ phân giải 720p, máy chỉ có một loa duy nhất, không có 5G, dùng hệ điều hành Android 12 và chỉ hỗ trợ cập nhật trong 2 năm tiếp theo.

    Tất nhiên, máy cũng có ưu điểm như tốc độ làm mới màn hình được tăng cường (lên 90Hz), thời lượng pin 3 ngày, camera chính 50MP (khẩu độ f/1.8). Song, điều đó sẽ không đủ để làm hài lòng những người đã quen thuộc với các mẫu smartphone cao cấp, thậm chí smartphone tầm trung.

    HMD tuyên bố rằng G22 không thể khởi chạy cùng Android 13, số lượng bản cập nhật cũng hạn chế. Đáng buồn thay, hỗ trợ phần mềm liên tục lại đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút người dùng, việc tăng cường tuổi thọ phần cứng của máy không thể bù đắp được thiếu sót này.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ