Trò chuyện với người đứng sau tựa game Việt được xướng danh tiêu điểm trên App Store Đông Nam Á

    Tuấn Lê, Tổ quốc 

    Không chỉ có nhiều dư địa để phát triển, Việt Nam còn là “miền đất hứa” cho các nhân lực làm game, với chuyên môn lập trình tốt, năng lực làm nội dung sáng tạo, chăm chỉ, đặc biệt là những nhà phát triển game trên nền tảng di động.

    Theo báo cáo của Newzoo đến tháng 11/2022, Đông Nam Á là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng thị trường game di động nhanh trong năm 2022, với Việt Nam đứng thứ 3 về số lượng người chơi game di động ở khu vực, 54,6 triệu, đạt doanh thu 507 triệu USD.

    Trong tháng 5 này, App Store ra mắt chiến dịch “May The Games Begin” với tiêu điểm là các tựa game di động và tất cả các hoạt động xung quanh nhằm đưa những game đặc sắc đến với người dùng. Đặc biệt, App Store cũng dành trọn 1 tháng để vinh danh những tựa game đến từ các nhà phát triển độc lập ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.

    Trò chuyện với người đứng sau tựa game Việt được xướng danh tiêu điểm trên App Store Đông Nam Á - Ảnh 1.

    App Store giới thiệu các tựa game tiêu điểm của Đông Nam Á

    Khi truy cập kho App Store, người dùng trên toàn thế giới có thể thấy một danh sách giới thiệu “Các game đến từ Đông Nam Á mà chúng tôi yêu thích”, với lời mô tả “Đông Nam Á không thiếu những điều tốt đẹp để mang đến cho thế giới: nền văn hóa đáng kinh ngạc, một số món ăn ngon nhất thế giới và những game độc lập tuyệt vời. Có rất nhiều tài năng trong khu vực này và những game mà họ đã tạo ra xứng đáng được chúc mừng và được bạn để ý tới. Đây chỉ là một vài tựa game mà chúng tôi yêu thích. Hãy cùng chơi.”

    Danh sách bao gồm các tựa game độc lập đến từ các nước trong khu vực: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Lướt đến Việt Nam, chúng tôi cảm thấy khá…xa lạ với những tựa game như Sky Dancer: Escaping from Eden và CocoMonster.io.

    Trò chuyện với người đứng sau tựa game Việt được xướng danh tiêu điểm trên App Store Đông Nam Á - Ảnh 2.

    Danh sách các tựa game Việt Nam

    Tìm hiểu đến Topebox - studio đã tạo ra Sky Dancer và CocoMonster.io, chúng tôi được gặp gỡ ông Thái Thanh Liêm - Nhà sáng lập và CEO của studio này. Theo chia sẻ của ông Liêm với chúng tôi, Topebox đã từng tạo ra nhiều tựa game rất ăn khách tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Năm 2018, Sky Dancer phần 1 đã đánh bại hàng loạt tên tuổi đình đám để dẫn đầu bảng xếp hạng App Store tại Trung Quốc, trong khi năm ngoái Titan Hunters trở thành một hiện tượng tại Nhật Bản khi là tựa game hiếm hoi của nước ngoài lọt vào top 3 trên App Store, lọt top xu hướng trên Twitter, và xuất hiện trên hơn 50 trang báo tại quốc gia này. Đây là những thành tích tương đối ấn tượng với một studio game độc lập, có đội ngũ hoàn toàn là người Việt Nam.

    Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Thái Thanh Liêm để tìm hiểu thêm về studio làm game độc lập được App Store vinh danh tại khu vực Đông Nam Á.

    Từ khi nào Topebox nghĩ đến việc đưa game ra nước ngoài? 

    Tôi và một số cộng sự thành lập nên Topebox sau này đã bắt đầu làm game từ những ngày đầu App Store mới ra mắt. Khi đó, nhân sự Việt Nam mình nổi tiếng về trình độ gia công game. Đó là một điểm tốt, nhưng tôi thấy các bạn đồng nghiệp cũ của tôi ở Gameloft không đánh giá cao năng lực sáng tạo của các game Việt Nam. Thời điểm App Store ra đời, tôi cùng nhóm bạn nhận thấy đây là một cơ hội tốt để cho thế giới thấy năng lực làm game của người Việt Nam. Do vậy chúng tôi đã xây dựng Topebox với mong muốn thay đổi cách quốc tế nhìn vào năng lực sáng tạo của Việt Nam. Đó vẫn là một phần trong tầm nhìn của Topebox ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên chúng tôi có thêm sứ mệnh cổ vũ các bạn làm game tại Việt Nam hãy mạnh dạn trên con đường làm thử, làm mới, làm sáng tạo.

    Anh đánh giá sự cạnh tranh trong thị trường game hiện tại như thế nào, so với thời điểm mới thành lập Topebox?

    Theo tôi, sự cạnh tranh của ngành game nhìn chung không thay đổi mấy. Thời điểm 10 năm trước đã có nhiều bên làm game tham gia vào thị trường rồi, điểm khác biệt là thị trường hiện tại đã mở rộng hơn xưa rất nhiều nên dù có nhiều studio được mở ra hơn thì cơ hội dành cho tất cả vẫn có rất nhiều.

    Mặc dù vậy, trong một thị trường ngày càng mở rộng và phát triển nhanh chóng như game, thì nhiều nhà phát triển lựa chọn cách thức “fast-follow” - nhảy vào, làm theo các nội dung game đi trước và có sẵn trên thị trường, sau đó thay đổi để dễ tiếp cận hơn với người chơi. Xu hướng này bộc phát trong khoảng 5 năm trở lại đây ở cả thị trường quốc tế. Cách làm này giúp hạn chế rủi ro thất bại đối với các studio độc lập, nhưng khi những tựa game “fast-follow” này tràn ngập thị trường, miếng bánh nhiều người cùng nhảy vào, thì giá trị của các studio sáng tạo như Topebox ngày càng được nâng cao, đặc biệt ở các thị trường lâu đời, có tập người dùng lớn và yêu cầu cao.

    Nói chung, thị trường thay đổi nhưng định hướng của chúng tôi từ 2012 đến giờ càng làm chúng tôi tự tin hơn và kiên định giữ cách làm đó. Trong năm nay, chúng tôi ra mắt 1 dòng sản phẩm và nó vẫn giữ nguyên phong cách mà chúng tôi hằng theo đuổi: game phải độc đáo và người chơi phải có được trải nghiệm mới. Đây cũng là một trong những nỗ lực của chúng tôi nhằm tạo thêm giá trị cho ngành game trong nước, thay vì “cấu xé" miếng bánh của các anh em khác trong ngành.

    Như vậy game của Topebox sẽ tập trung vào tiêu chí “mới" thay vì “dễ chơi"?

    Bản chất của game di động là dễ chơi, do vậy chúng tôi vẫn thiết kế game sao cho người dùng cảm thấy dễ chơi. Nhưng thứ mà chúng tôi muốn làm là mang lại trải nghiệm chơi vui và mới lạ, không chỉ mang đến sự vui thích cho người chơi, mà còn tạo ra sự thú vị cho cả hệ sinh thái game.

    Người chơi game của Topebox đến từ thị trường nào là nhiều nhất?

    Với một studio có văn hoá làm game hơi “bạt mạng” như Topebox thì mọi người muốn khám phá đa dạng các thể loại. Chính vì vậy, game của Topebox có mặt ở khắp nơi, có game thu hút nhiều người chơi ở Mỹ, lại có game nổi tiếng ở Trung Quốc, ở Nhật Bản. Dù làm sáng tạo, nhưng chúng tôi có nghiên cứu các thị trường, và chúng tôi biết chắc chắn thị trường nào tiềm năng thì mới làm.

    Thị trường Việt Nam có vai trò như thế nào với Topebox?

    Thực ra chúng tôi mới chỉ tập trung vào thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây thôi. Trước đó, chúng tôi chú trọng vào sự sáng tạo và linh hoạt hơn, nhưng sang đến năm nay, chúng tôi đã chuyển mình để phù hợp hơn với các chính sách, các thủ tục xin giấy phép phát hành game tại Việt Nam. Trong tương lai, tôi nghĩ Việt Nam là một thị trường chiếm tỷ trọng khoảng 50% trong số người chơi game của chúng tôi.

    Cho đến thời điểm hiện tại, Topebox đã tạo ra bao nhiêu tựa game?

    Chúng tôi đã tạo ra hơn 80 tựa game.

    Để game của mình được xuất hiện trên App Store, Topebox có bị tác động bởi đội ngũ của App Store, hay họ có hướng dẫn làm thế nào để game được lọt top không?

    Đối với tôi, công việc đưa game lên App Store không có gì quá đặc biệt, quan trọng là quá trình chúng tôi thực hiện ý tưởng, tạo ra nó, và hoàn thiện sản phẩm. Điều mong muốn nhất của tôi và cả team là làm sao đưa game lên hệ sinh thái của App Store nhanh nhất có thể để xem phản ứng của người chơi như thế nào về “đứa con” của mình.

    Điểm chung giữa Topebox và App Store, và đó cũng có thể là tiêu chí giúp các tựa game của studio này thường xuyên có mặt trong các bảng xếp hạng của nền tảng chính là tư duy luôn đổi mới và khác biệt. App Store không có bất kỳ sự tác động nào với các studio, và các game được tạo ra theo hướng các nhà phát triển mong muốn thay vì App Store yêu cầu để game được lọt vào top. Topebox luôn tuân theo tiêu chí game luôn phải mới và khác biệt, và App Store rất ủng hộ tư duy đó.

    Game của Topebox được giới thiệu trên AppStore, xuất hiện trong mục Game của tháng, của ngày, trong các sự kiện đặc biệt. Điều đó có tác động thế nào đến công ty?

    Đối với Topebox, việc được App Store giới thiệu không chỉ giúp studio tăng thêm doanh thu nhờ được nhiều người chơi biết đến, mà còn là động lực lớn cho các nhân lực làm sáng tạo trong công ty. Các bạn làm game chưa chắc là vì tiền, nhưng các bạn cần sự công nhận đối với chất xám và sự cố gắng của mình. Việc tựa game được giới thiệu trên App Store là sự tự hào không chỉ đối với mình mà của tất cả các bạn, giúp mọi người có thêm động lực để thực hiện những game tiếp theo hoặc nuôi tiếp dự án đó.

    Trò chuyện với người đứng sau tựa game Việt được xướng danh tiêu điểm trên App Store Đông Nam Á - Ảnh 3.

    Tựa game Sky Dancer: Escaping from Eden được App Store giới thiệu trong muc “Our Favorite"

    Anh đánh giá mặt bằng chung của các game trên App Store Việt Nam so với AppStore của những nước khác?

    Dễ thấy Top 100 game trên App Store Việt Nam hầu như không có game do người Việt phát triển, nhưng Top 100 ở Trung Quốc và Nhật Bản lại có rất ít game nước ngoài. Đồng thời, người dùng Việt Nam đang nâng cao tiêu chuẩn của họ về game và yêu cầu các tựa game có chất lượng cao hơn. Thực tế này là động lực để Topebox thay đổi, và tựa game CoCoMonster.io mới ra mắt ngày 17/3 vừa qua là một trong những bước đi đầu tiên của chúng tôi để tạo ra một trò chơi đề cao tính sáng tạo và đổi mới, và thực sự dành cho người dùng Việt Nam.  Năm nay, Topebox đặt mục tiêu đầu tư một nửa ngân sách vào việc phát triển trò chơi cho thị trường Việt Nam, với 10-20 trò chơi dự thảo đang được phát triển.

    Còn về chất lượng những game trên App Store Việt Nam và App Store các nước khác thì gần như là tương đương, thậm chí là đối với tôi, thị hiếu chơi game của Việt Nam khá cao. Tuy là ngành phát triển game của Việt Nam mình còn non trẻ, nhưng thị trường game phát triển từ khá lâu rồi, người chơi cũng rất biết lựa game để chơi nên chất lượng game cũng rất là cao.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ