Trợ lí ảo lần đầu vượt qua bài kiểm nghiệm "tính người"

    MP,  

    (GenK.vn) - Dù các trợ lí ảo như Siri hay Cortana đang ngày càng trở nên phổ biến, chắc hẳn vẫn rất ít người trong chúng ta từng nghe tới cái tên Alan Turing.

    Dù hàng ngày vẫn theo dõi rất nhiều bản tin về các tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là trong bối cảnh các trợ lí ảo như Siri hay Cortana đang ngày càng trở nên phổ biến, chắc hẳn vẫn rất ít người trong chúng ta từng nghe tới cái tên Alan Turing. Vào năm 1950, ông là người đầu tiên thiết kế ra bài kiểm tra dựa trên một trò chơi cổ điển về khả năng“đánh lừa” người phỏng vấn của một cá thể. Quy tắc của trò chơi được ông điều chỉnh để đánh giá khả năng tương tác với con người thực của các thiết bị trí tuệ nhân tạo. Bài kiểm tra được đặt theo tên ông vã đã trở thành chuẩn mực kiểm thử của nhiều phát kiến trong lĩnh vực này suốt những năm sau đó: Turing Test. Nội dung của Turing Test không có gì quá phức tạp: nếu một thiết bị có khả năng thực hiện một cuộc đối thoại (thông qua text) tương đương với một con người, hay đúng hơn là thuyết phục được 30% số người người đối thoại rằng họ đang nói chuyện với một người thực, thiết bị đó sẽ vượt qua bài kiểm tra.

    Trợ lí ảo lần đầu vượt qua bài kiểm nghiệm "tính người"

    Với khái niệm chỉ đơn giản như vậy, nhưng thực chất trong suốt các thập kỉ vừa qua chưa một cỗ máy nào từng vượt qua được Turing Test – cho đến tuần vừa rồi khi các nhà nghiên cứu người Nga giới thiệu phần mềm máy tính mang tên Eugene Goostman của mình. Eugene có khả năng như một đứa trẻ 13 tuổi có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh, nhưng vẫn có thể sử dụng ngôn ngữ này đủ lưu loát để trò chuyện thông thường. Vào 7/6/2014, Eugene được các cha đẻ của mình đưa tới hội đồng Hoàng gia (Royal Society) tại London để thực hiện Turing Test. Và tại đây, sản phẩm trí tuệ nhân tạo này đã khiến cho 33% các “giám khảo” tham gia đối thoại tin rằng mình đang nói chuyện với một cậu thiếu niên – chính thức trở thành trí tuệ nhân tạo đầu tiên vượt qua được bài thi này. Hãy quên đi những lời giới thiệu hoa mĩ về Siri hay Cortana khi các sản phẩm này mới ra đời, trước thời điểm này thì chính Eugene, với kết quả bài thi đạt 29% vào 2 năm về trước mới là chatbot tiếp cận gần mốc tiêu chuẩn 30% của Turing Test nhất.

    Nhắc tới Siri, vào thời điểm cô trợ lí ảo này được ra mắt, đã từng có rất nhiều bài viết của giới ngoại đạo khiến cho người dùng tin rằng Apple lại vừa khai mở một cuộc cách mạng mới, bất chấp việc các dự án chatbot thực chất đã được Google và vô số dự án nghiên cứu khác triển khai trên môi trường web trong nhiều năm. Thực chất bất kể là smartphone của bạn được trang bị Google Now, Cortana hay Siri, các sản phẩm này đều được đánh giá là ít dấu ấn về tính cách và còn cách cột mốc của Turing Test rất xa. Đó là bởi các chatbot nằm trên smartphone này đều ra đời với mục đích hỗ trợ người dùng hiệu quả nhất có thể - thay vì ứng xử như một cá thể thông minh thực sự. Khi bạn đặt những câu hỏi để tìm kiếm sự trợ giúp và được cài đặt sẵn như “Thời tiết hôm nay ra sao?” hay “Mấy giờ rồi?”, hiển nhiên các trợ lí ảo này có thể phản hồi một cách rất nuột nà. Nhưng các câu hỏi vu vơ chỉ nhằm mục đích đối thoại hoặc cần đánh giá cảm quan như “Cô em đang làm gì đó?”, “Bộ này bảnh không?”,.v.v., câu trả lời thường sẽ rất chung chung như “Multitasking (tạm dịch: nhiều việc!)” hay “Không chắc, nhưng chắc là bảnh!”. Đặc biệt, các câu hỏi khó vượt ngoài khả năng nhận biết của các trợ lí ảo này sẽ khiến chúng đẩy bạn ra màn hình tìm kiếm. Mô tả một cách ngắn gọn, các trợ lí “thông minh” trên smartphone ngày nay sẽ không thể có một cuộc đối thoại tử tế kéo dài 5 phút với người dùng. Xét trên bình diện này, các sản phẩm như Eugune, với mục đích mô phỏng một nhân cách cùng với khả năng phân tích, đối thoại thực sự có tiềm năng hoàn thành Turing Test lớn hơn rất nhiều.

    “Ý tưởng của chúng tôi là: Eugene là một cậu bé thiếu niên luôn hăm hở nghĩ rằng mình biết mọi thứ, và chính điều này sẽ khiến cho việc cậu ta không biết rất nhiều thứ trở nên rất hợp lí và đáng tin. Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để tạo ra môt “tính cách” thực sự.” Vladimir Veselov, một trong những người sáng chế ra Eugene phát biểu.”Trong quá trình nghiên cứu các sản phẩm trí tuệ nhân tạo, không có dấu ấn nào quan trọng và gây nhiều tranh cãi hơn kết quả Turing Test. Khi một máy tính có được khả năng thuyết phục đủ số lượng giám khảo tin rắng nó không phải là một cỗ máy, mà là một con người, đây là lúc nhân loại cần bắt đầu cảnh giác về một kỉ nguyên mới của tội phạm trên thế giới ảo, hay hơn thế nữa là tội ác xuất phát từ những cỗ máy”.

    Tuy nhiên, trước khi bạn bắt đầu hoảng loạn và tự vẽ ra những viễn cảnh về Skynet bước vào đời thực, hãy điểm qua lại các con số trước. Eugene quả thực đã hoàn thành Turing test, nhưng con số 33% đồng nghĩa với việc sản phẩm này mới chỉ thuyết phục được 1 trên 3 vị giám khảo tin vào tính “người” của mình. Chúng ta cũng cần lưu ý thêm rằng bài test đã được thực hiện dưới giả định rằng Eugene là một thiếu niên vốn có tiếng mẹ đẻ không phải tiếng Anh, khiến cho người chấm trở nên “dễ dãi” hơn khá nhiều. Dù sao đi nữa, 7/6/2014 sẽ là một ngày đi vào lịch sử của ngành khoa học trí tuệ nhân tạo khi lần đầu tiên có một chatbot vượt qua được bài kiểm tra lừng lẫy này.

    >>Trợ lý ảo có thực sự trợ giúp người dùng hiệu quả?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ