Trời nồm: Đây là hậu quả nếu bạn không sấy khô quần áo trước khi mặc, nhất là đồ lót

    Thanh Long, Thể thao & Văn hóa 

    Không chỉ có mùi hôi khó chịu, quần áo ẩm còn là nơi ẩn chứa của hàng tá vi khuẩn và nấm, có thể gây bệnh cho bạn nếu bạn cố tình mặc chúng.

    Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc vẫn đang chìm trong thời tiết sương mù, nồm ẩm. Từ nay cho tới cuối tuần, dự báo cho thấy độ ẩm không khí vẫn duy trì trung bình ở mức 90%. Điều đó có nghĩa là quần áo bạn giặt hôm nay sẽ không thể khô trong ngày mai.

    Khi kho quần áo dự trữ trong tủ của chúng ta vơi dần đi, một số người sẽ cố mặc quần áo phơi còn ẩm và nghĩ rằng: Một chút nước còn lại trên đó không thành vấn đề, chúng sẽ sớm khô sau khi tiếp xúc với cơ thể 37 độ của mình thôi.

    Tuy nhiên, sự thật không đơn giản như vậy. Ngoài mùi hôi và khó chịu, quần áo ẩm còn là nơi ẩn chứa của hàng tá loại vi khuẩn và nấm, có thể gây bệnh cho bạn nếu bạn cố tình mặc chúng.

    Vì vậy, hãy sấy khô quần áo của mình, đặc biệt là quần áo lót trước khi mặc lên người. Nếu không, dưới đây có thể là những hậu quả mà bạn phải gánh chịu.

    1. Bạn có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu

    Trời nồm: Đây là hậu quả nếu bạn không sấy khô quần áo trước khi mặc, nhất là đồ lót - Ảnh 1.

    Một nghiên cứu năm 2019 trên tạp chí Applied and Environmental Microbiology phát hiện việc giặt quần áo không giúp tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn bám trên đó. Các chủng vi khuẩn ưa nước như Enterobacterales, P. aeruginosa và Klebsiella đã được tìm thấy trên các mẫu tất và mũ sau khi giặt.

    Mặc dù nghiên cứu này không lấy mẫu trên quần áo (vì máy giặt được kiểm tra là loại chuyên dùng để giặt mũ và tất cho bệnh nhi trong bệnh viện), nhưng khảo sát cho thấy những chủng vi khuẩn này có thể tồn tại trong máy giặt, một môi trường lẽ ra chúng phải bị tiêu diệt do sự có mặt của xà phòng.

    Ngoại suy kết quả này, chúng ta sẽ không bất ngờ nếu các chủng vi khuẩn ưa nước vẫn tồn tại trên quần áo sau khi giặt. Và thời tiết nồm ẩm còn là cơ hội cho chúng phát triển và sinh sôi.

    Enterobacterales, Klebsiella và P. aeruginosa đều là những vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Đặc biệt là P. aeruginosa có thể gây ra nhiễm trùng nặng với các triệu chứng như:

    - Đi tiểu thường xuyên nhưng tiểu ít và bị đau rát

    - Nước tiểu đục, sẫm màu, có mùi lạ hoặc đỏ máu

    - Đau hoặc áp lực ở lưng, bụng dưới

    - Cảm thấy mệt mỏi, run rẩy

    - Sốt hoặc ớn lạnh (dấu hiệu nhiễm trùng có thể đã đi qua bàng quang và vào thận).

    Phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn đàn ông nên dễ bị nhiễm trùng do vi khuẩn hơn. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là nam giới không thể mắc bệnh này. Mặc quần áo ẩm, đặc biệt là quần lót ẩm là một trong những nguy cơ gây nhiễm trùng đường tiết niệu mà bạn phải tránh.

    2. Nhiễm nấm vùng sinh dục

    Trời nồm: Đây là hậu quả nếu bạn không sấy khô quần áo trước khi mặc, nhất là đồ lót - Ảnh 2.

    Ngoài vi khuẩn, một loài vi sinh vật khác có thể phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt là nấm. Phụ nữ cũng thường dễ bị nhiễm nấm hơn nam giới, vì âm đạo của họ là nơi trú ẩn thường xuyên của Candida Albicans, một loại nấm men hình bầu dục có kích thước khoảng 2 – 5 µm.

    Trong điều kiện bình thường, nấm Candida Albicans sẽ bị kiểm soát bởi các lợi khuẩn và nấm lành mạnh khác. Nhưng nếu vì một nguyên nhân nào đó mà sự cân bằng này bị phá vỡ, nấm Candida Albicans sẽ gây bệnh cho họ.

    Mặc quần lót ẩm ướt trong thời gian dài được cho là một trong số những nguyên nhân kích hoạt nấm Candida Albicans. Và một lần nữa, nam giới cũng có thể bị nhiễm chủng nấm này vì một số lượng nhỏ Candida Albicans cũng tồn tại trên da và trong miệng của họ.

    Nấm Candida Albicans quá phát trong miệng gây ra bệnh tưa miệng. Trong khi nếu phát triển ở bộ phận sinh dục, nó sẽ gây ra các triệu chứng như:

    - Ngứa, rát hoặc sưng ở dương vật, bao quy đầu

    - Mẩn đỏ, xuất hiện mảng da trắng hoặc vết loét

    - Có cảm giác đầu dương vật luôn ẩm ướt

    - Xuất hiện chất lỏng như phô mai chảy ra từ dương vật

    - Tiểu khó hoặc không thể kiểm soát dòng nước tiểu của mình

    Vệ sinh vùng kín thường xuyên và giữ quần lót khô ráo là cách để phòng tránh nấm vùng sinh dục ở cả nam và nữ.

    3. Viêm da tiếp xúc

    Trời nồm: Đây là hậu quả nếu bạn không sấy khô quần áo trước khi mặc, nhất là đồ lót - Ảnh 3.

    Một nghiên cứu năm 2015 đăng trên tạp chí Current Allergy nhận thấy vải ẩm tiếp xúc với da có thể gây ra hiện tượng viêm da cơ địa. Nguy cơ lớn nhất xảy ra ở những vùng da thường xuyên cọ xát với quần áo ẩm ướt, như ở bẹn nếu bạn mặc đồ lót ẩm.

    Triệu chứng của bệnh bao gồm:

    - Ngứa

    - Khô da, nứt nẻ

    - Xuất hiện các vết phồng rộp

    - Vùng da trở nên sẫm màu

    Khi bạn thay quần áo ẩm sang một bộ quần áo khô, tình trạng viêm da này có thể biến mất sau vài giờ đồng hồ. Nhưng nếu nó liên tục bị kích thích, viêm da tiếp xúc có thể kéo dài vài ngày, thậm chí trở thành bệnh mạn tính, tái phát dai dẳng.

    Ngoài độ ẩm, các tác nhân như vi khuẩn và nấm trong quần áo chưa phơi khô cũng có thể kích hoạt tình trạng viêm da cơ địa. Vì vậy, hãy luôn đảm bảo quần áo bạn mặc trong những ngày nồm được giặt sạch sẽ và sấy khô cẩn thận.

    4. Một số mẹo giúp làm khô quần áo trong trời nồm ẩm

    Trời nồm: Đây là hậu quả nếu bạn không sấy khô quần áo trước khi mặc, nhất là đồ lót - Ảnh 4.

    Nếu nhà bạn có máy sấy quần áo chuyên dụng, đó dĩ nhiên là công cụ đầu tiên mà bạn nên nghĩ tới trong những ngày nồm ẩm. Nhưng nếu không có, một số mẹo dưới đây có thể giúp bạn đẩy nhanh tốc độ phơi quần áo trong những ngày này:

    - Vắt lại nhiều lần với máy giặt: Bật chế độ vắt và vắt lại quần áo một lần nữa sẽ giúp bạn loại bỏ tối đa nước một cách cơ học. Điều này sẽ giúp quần áo của bạn khô nhanh hơn.

    - Phơi quần áo trong nhà: Chọn một căn phòng kín có máy hút ẩm hoặc điều hòa. Sau đó, bạn có thể bật chúng ở chế độ khô để làm giảm lượng hơi nước bão hòa trong không khí. Điều này sẽ làm tăng tốc độ thoát hơi nước ra khỏi quần áo ướt.

    - Phơi quần áo trên một chiếc khăn bông khô: Đó là một sự hi sinh khi bạn muốn chuyển hơi ẩm từ quần áo sang một chiếc khăn để quần áo khô nhanh hơn. Bù lại, bạn sẽ phải tiếp tục đợi chiếc khăn ẩm khô để tái sử dụng chúng.

    - Sử dụng máy sấy tóc hoặc bàn là: Đây là cứu cánh cuối cùng nếu bạn đã làm mọi cách mà quần áo vẫn chưa khô trước khi bạn cần mặc lại chúng. Máy sấy tóc có thể nhanh chóng làm khô quần áo ẩm, chỉ cần bạn kiên nhẫn sấy chúng. Đặt một chiếc khăn khô lên quần áo ẩm và là nó dưới bàn là cũng là cách để làm khô nhanh một bộ quần áo mà bạn cần mặc lại ngay tức thì.

    Tham khảo WebmdHealthlineNHSWashingtonUniTheguardian

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ