Truyền thông Philippines tư nhân hóa quá cao dẫn tới hậu quả bão nghiêm trọng?

    PV,  

    Mức độ tư nhân hóa cao đối với truyền thông nước này gây nhiều khó khăn cho hoạt động cảnh báo và hướng dẫn cộng đồng.

    Philippines nằm trong Vành đai Lửa, với vị trí địa lý của mình, với đặc thù gồm hàng ngàn hòn đảo, Philippines là một trong những nước phải hứng chịu nhiều thảm họa nhất thế giới. Năm 2012, quốc gia này xếp thứ 2 sau Trung Quốc về số người chết vì các thảm họa.

    Các loại thiên tai xảy ra với đảo quốc này rất đa dạng động đất, núi lửa cho đến bão tố, lụt lội.

    Thiên tai đều đặn và có sức tàn phá lớn nhất đối với Philippines là những trận bão xuất phát từ Thái Bình Dương. Mỗi năm nước này hứng chịu trung bình 20 trận bão lớn, cướp đi nhiều của cải và sinh mạng.

     Bão Bopha 2012 đã gây những hậu quả tàn khốc cho các cộng đồng dân cư Philippines (ảnh: NYTimes)

    Bão Bopha 2012 đã gây những hậu quả tàn khốc cho các cộng đồng dân cư Philippines (ảnh: NYTimes)

    Bão đến không chỉ làm bật rễ cây, thổi bay nhà, mà còn gây lụt lội và lở đất nghiêm trọng chôn vùi nhiều cộng đồng dân cư.

    Trong hoàn cảnh đó, truyền thông đóng một vai trò quan trọng, trong đưa tin phản ánh và trong hướng dẫn các cộng đồng dân cư ứng phó với bão và hậu quả của bão.

    Một thách thức lớn đối với truyền thông Philippines là thuyết phục người dân di dời khỏi những khu vực nguy hiểm. Philippines có tới hàng chục triệu người nghèo – nhiều người trong số họ không tuân theocảnh báo trên truyền thông về việc phải sơ tán khỏi những khu vực lũ lụt, gần chân núi lửa hay tránh định cư ở những nơi bị nguy hiểm thường trực. Họ xây nhà gần bờ sông, bất chấp đã có các dự án tái định cư và nhà ở dành cho người có thu nhập thấp.

    Thách thức khác là tư nhân kiểm soát tới 90% hệ thống phát thanh truyền hình tại Philippines. Mà hệ thống phát thanh truyền hình thương mại thì đương nhiên quan tâm tới lợi nhuận trước tiên. Họ phải kiếm tiền, phải cạnh tranh thị phần với hãng khác, phải thu hút thật nhiều quảng cáo để tăng doanh thu.

    Vì lấy lợi nhuận làm trọng nên truyền thông Philippines nhấn mạnh nhiều vào các yếu tố giật gân câu khách và những thứ hời hợt, chứ ít đi sâu vào nội dung có tính khuyến cáo, giáo dục. Ngày càng ít các chương trình nhằm giảm nhẹ thiên tai, vì các chương trình như thế này thường ít khách, ít công chúng theo dõi.

    Đài phát thanh DZMM ở Manila từng có 1 nỗ lực “nghĩa hiệp” khi thực hiện chương trình “Cảnh báo Đỏ” trong vài năm liền. Chương trình phát thanh này cung cấp các mẹo đương đầu với các trận cuồng phong từ biển, như phải phản ứng như thế nào trong tình huống khẩn cấp, đặt đèn pin bên cạnh giường, để còi trong nhà, xây dựng hệ thống cảnh báo hàng xóm,…

    Tuy vậy sau vài năm, ban lãnh đạo Đài DZMM đã quyết định đóng cửa chương trình, với lý do không thu hút đủ lượng thính giả cần thiết. Theo họ, không có nhiều thính giả quan tâm. Hoặc là nội dung chương trình quá tẻ nhạt, hoặc là những người sản xuất không thú vị và đủ sáng tạo.

    Trong khi đó, truyền thông Philippines lại có xu hướng nghiêng về phản ánh hậu quả của bão hoặc bình luận về các yếu kém của các quan chức địa phương.

    Trước xu hướng đó, đã xuất hiện 3-4 đài đưa ra khẩu hiệu “Giúp đỡ trước đã rồi hẵng đưa tin”.

    Đã hình thành các nhóm/câu lạc bộ hỗ trợ các “nhà phát thanh” ở nông thôn trong việc tuyên truyền về thiên tai. Điểm yếu của họ là kỹ năng viết kịch bản, điều tra và chuẩn bị tư liệu.

    Một điểm sáng là trường hợp đô thị Maragusan của tỉnh Compostela Valley lúc bị bão Bopha tấn công vào năm 2012. Phát thanh đã cảnh báo cho cư dân thành phố về nguy hiểm sắp xảy ra, yêu cầu người sống ở sườn núi và những nơi dễ bị lũ sơ tán. Thành phố đã huy động người đi khắp địa bàn của mình và nếu cần thiết cưỡng ép dân di dời khỏi nơi nguy hiểm.

    Nhờ có radio ở đây, thành phố này chỉ phải hứng chịu 2 thương vong. Trong khi đó, ở thị trấn New Bataan gần đó có tới vài trăm người chết vì cơn bão khủng khiếp này. New Bataan không có phát thanh hay các phương tiện truyền thông khác./.

    Theo Trung Hiếu
    Vov.vn

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ