Từ hàng Táo đến Galaxy M20 và Surface: Khi một chút ít "hiểu biết công nghệ" đã biến tôi thành kẻ có cái nhìn xa rời thực tế
"Hiểu biết công nghệ" là niềm vui, niềm tự hào của tôi. Nhưng không chỉ một lần, chút ít "hiểu biết" ấy đã khiến tôi mang cái nhìn sai lầm về lựa chọn công nghệ của người khác.
- Sau nhiều năm là fanboy của Apple, tôi đã chuyển sang Android và đây là những gì tôi đúc kết được
- Vì sao cho đến giờ tôi vẫn không hề hối tiếc vì không chơi Bitcoin?
- Đây là lý do tại sao tôi dùng iPhone thay vì Android nhưng lại thích máy tính Windows hơn Mac
- Từ một người chuyên tải nhạc chùa, Spotify đã khiến tôi sẵn sàng trả tiền để nghe nhạc như thế nào?
Cách đây 10 năm, khi là cậu sinh viên được trường cho sang Đức trao đổi sinh viên, tôi gặp 2 điều bất ngờ. Điều thứ nhất, ấy là người Việt chúng ta thực sự giỏi, không cần phải "ngán" ai về mặt tri thức cả. Những bài thực hành rất khó, sinh viên chúng ta vẫn có thể đạt điểm cao hơn rất nhiều so với các bạn Ấn Độ "chém gió".
Điều thứ 2, ấy là Apple. Là cậu sinh viên, tôi từng nghĩ Apple là thứ đồ dùng vì đẹp chứ chẳng ai dùng vì cần. Nếu muốn làm công việc hiệu quả, thì phải dùng Windows vì cấu hình cao, còn nếu "dùng sâu" thì phải cài Linux chứ!
Ấy thế mà thầy tôi, người đứng đầu bộ môn ERP, lại dùng MacBook đi làm, đi dạy. Trong lớp có nhiều "bạn" (nói đúng hơn là anh chị) vừa đi học vừa đi làm, rất giỏi, cũng lại dùng MacBook.
Một câu chuyện khác, gần đây hơn: chú bảo vệ ở khu chung cư nhà tôi trước Tết mua điện thoại. Biết tôi làm ở một công ty công nghệ, chú bảo tôi "tư vấn". Vốn không quan tâm nhiều đến phân khúc entry-level, tôi định bụng một hôm nào đấy rảnh rỗi ngồi tìm hiểu thì không kịp, chú "máu" quá đã mua luôn một chiếc Galaxy M20.
Thật lòng mà nói, từ những gì tôi biết về M20, đây là một chiếc điện thoại thực sự kém hấp dẫn. Năm 2019 mà vẫn chỉ có 3GB RAM, màn hình không nổi Full HD, chip thì so benchmark kém hơn hẳn đối thủ cùng tầm. Quả nhiên, khi chú đưa M20 cho tôi thử, tôi chỉ thấy sự thất vọng.
Ở chiều ngược lại là sếp tôi, người tôi dám chắc là có thừa tiền để mua bất cứ thứ gì mình muốn. Ấy vậy mà sau khi "lãnh đủ" từ scandal Flickergate (màn hình nhấp nháy) của Microsoft, sếp tôi vẫn cứ mua tiếp Surface Pro 2017 rồi mới đây lại bàn chuyện đợi Surface mới... Đó là điều tôi không thể hiểu được, vì Flickergate đã khiến Surface Pro 4 giá nghìn đô trở thành một cục gạch không hơn không kém. Đến cả chip và RAM cũng không tháo ra để tái sử dụng được!
Cho đến một ngày sếp cấp hẳn cho tôi một chiếc Surface để tôi cầm đi cầm về. Lúc ấy tôi mới nhận ra điểm hấp dẫn của Surface: vừa sức mạnh cho công việc nhưng lại cực kỳ nhẹ nhàng, cả máy cả sạc vẫn nhẹ hơn chiếc laptop tôi vẫn thường dùng. Chân đế phía sau lưng thực sự là lựa chọn tuyệt vời để đặt máy lên đùi gõ phím trong buổi họp hay để xem YouTube mỗi tối. Thậm chí, đến cả loa tích hợp cũng cho chất lượng gọi thoại rất tốt: Microsoft quả thật đã thiết kế một chiếc máy dành cho người dùng "đi làm" (Pro).
Còn chú bảo vệ vẫn đang tỏ ra cực kỳ thích thú với chiếc Galaxy giá rẻ đã mua. Chú nói thích màn hình lớn mà pin tốt hơn hẳn chiếc smartphone Trung Quốc chú dùng mấy năm trước. Chú nói đi chơi chụp ảnh rất đẹp. Chú nói cầm thương hiệu "Samsung" cũng "oai" hơn. Chiếc Galaxy M20 mà tôi cho là dở tệ cũng bán rất chạy, lập kỷ lục tại Việt Nam và thậm chí còn được coi là lá bài giúp cho Samsung lật ngược thế cờ tại Ấn Độ - thị trường nổi tiếng là "cuồng" cấu hình.
10 năm sau kể từ ngày tôi đi làm, MacBook trong môi trường công nghệ thực sự đã trở thành chuyện quá bình thường. Tôi đã từng gặp những người rất giỏi, trong bữa ăn "chém gió" nửa đùa nửa thật: "Làm công nghệ là phải dùng đồ Apple". Tại đơn vị mà tôi làm, rất nhiều coder "cứng" của team Android lại dùng MacBook. Khi theo dõi các bài phát biểu về công nghệ trên YouTube, tôi cũng thường xuyên nhìn thấy một chiếc MacBook đặt ở trên bàn…
Tất cả những điều mà "góc nhìn công nghệ" của tôi cho là vô lý, giờ đang xảy ra xung quanh tôi. Lý do: tôi chưa bao giờ đặt mình vào "góc nhìn người dùng" của chú bảo vệ. Chú chưa bao giờ sử dụng đến iPhone hay Galaxy Note, không biết thế nào gọi là "mượt như bơ". Chú không biết thế nào là chụp ảnh ở mức trên 100 điểm DxOMark. Chú chỉ cần màn hình lớn chứ không cần sắc nét, "độ phân giải" là khái niệm vô nghĩa với chú. Chú không biết đến những thương hiệu phá giá cấu hình đang làm mưa làm gió trong top 5 toàn cầu.
Và bởi thế, những gì chiếc M20 giá rẻ đem lại cho chú là thực sự tuyệt vời trên khoản tiền chú bỏ ra. Vì ít "hiểu biết" công nghệ hơn tôi mà chú đã tìm thấy niềm vui công nghệ hàng ngày.
Còn với Apple, cái nhìn sai lệch của tôi là bởi khi đó tôi chưa đặt chân vào thế giới công nghệ thực sự. Tôi mới chỉ biết thế nào là cấu hình, rằng Linux là "sành công nghệ" chứ chưa biết cách Apple "nuông chiều" lập trình viên, chưa biết cảm giác "sướng" khi code trên một chiếc MacBook. Với Surface, tôi đã luôn chỉ đem tiêu chí cấu hình (và độ bền) ra đánh giá một chiếc laptop, và vì thế chưa từng hiểu được sức hấp dẫn của... loa tích hợp hay chân đế. Phải đến khi cầm tận tay, sử dụng cho đúng mục đích, tôi mới hiểu giá trị của cỗ máy đã góp phần "hồi sinh" Microsoft.
Sau này nghĩ lại, tôi vẫn thấy may mắn. Nếu ngày xưa một ngày đi dã ngoại lại chém gió "Apple cho người mù công nghệ" hay khuyên sếp "có tiền anh mua Alienware đi", chắc hẳn giờ tôi nghĩ lại sẽ xấu hổ lắm lắm. Muốn hiểu công nghệ, trước hết phải hiểu người dùng. Hiểu người dùng rồi, mới thấy được sự vĩ đại của những kẻ dùng công nghệ để chạy theo người dùng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Apple phát hành iOS 18 chính thức: Nhiều tùy chỉnh mới, khóa ứng dụng bằng Face ID... nhưng chưa có AI
iOS 18 mang tới nhiều tính năng, nhưng vẫn chưa có Apple Intelligence, bộ tính năng AI được người dùng iPhone mong chờ.
Công ty Trung Quốc nộp bằng sáng chế công nghệ độc quyền của ASML