Tự khám bệnh trên Internet không chỉ khiến bạn lo lắng hơn, nó còn tác động đến cả nền y tế
Nhiều bệnh nhân không nghe lời bác sĩ mà tự mua thuốc.
Phải thừa nhận một điều rằng, đa số chúng ta ngày nay đều tự khám bệnh với “bác sĩ Google” trước khi đến bệnh viện. Bạn thấy một vết sưng ở vị trí khả nghi trên cơ thể, hoặc một cơn đau kỳ lạ, bởi vậy, bạn tra cứu triệu chứng đó trên Internet.
Chỉ trong vài phút, những thông tin ấy bắt đầu khiến bạn lo lắng rằng mình bị ung thư, hoặc nhiễm ký sinh trùng, hoặc một căn bệnh nào đó cực kỳ hiếm gặp. Ngay cả khi bác sĩ nói rằng đó chỉ là một bệnh nhẹ và bạn không nên lo lắng về điều đó, bạn vẫn không biết bác sĩ có nói đúng hay không.
Sự thật là tự chẩn đoán bằng Internet không chỉ khiến chính bạn thấy căng thẳng – mà nó còn tác động đến toàn bộ nền y tế. Các bệnh nhân dành nhiều thời gian trên Internet đang ép bác sĩ kê đơn theo ý mình, đặc biệt là kháng sinh, và điều này làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh hiện nay.
Hoạt động tự khám bệnh trên Internet đang ảnh hưởng xấu tới cả nền y tế
Trong một phân tích trên tờ Wired, các nhân viên chăm sóc sức khỏe nói rằng họ lo lắng về thái độ hài lòng của bệnh nhân với chẩn đoán của mình. Trên mạng Internet tại Mỹ có hẳn một trang web tên là Yelp cho phép các bệnh nhân nêu ý kiến cá nhân của họ về bác sĩ, mà thường là những lời phàn nàn.
Các bệnh nhân khác đọc những ý kiến này và tới khám. Nó gây ra “hiệu ứng Yelp”, khiến các bác sĩ phải đưa ra quyết định y tế, chẩn đoán và kê đơn theo yêu cầu của bệnh nhân chứ không phải là kiến thức thật của họ.
Đa số những bệnh nhân này dường như lúc nào cũng đòi bác sĩ kê kháng sinh cho mình. Một nghiên cứu năm 2016 khảo sát qua một nhóm lớn bệnh án chỉ ra một phần ba lượng thuốc kháng sinh được dùng cho các bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus. Trong khi đó, virus không thể bị giết chết bởi kháng sinh.
"Các bác sĩ tin rằng việc làm hài lòng bệnh nhân, cung cấp cho bệnh nhân những gì họ muốn sẽ giúp cho việc kinh doanh của họ tốt hơn”, David Hyun, một bác sĩ bệnh truyền nhiễm khoa nhi vừa đang tham gia một nghiên cứu về lạm dụng kháng sinh cho biết.
“Chúng tôi thường xuyên nghe các bác sĩ nói rằng nếu tôi không kê kháng sinh, bệnh nhân sẽ xuống phố, tới các tiệm thuốc tư nhân và mua nó tại đó".
Nghiên cứu của bác sĩ Hyun cho thấy có rất nhiều lí do khác nhau khiến một bác sĩ kê đơn không đúng. Chẳng hạn như sự mệt mỏi vào cuối ngày làm việc có thể khiến bác sĩ kê nhiều đơn kháng sinh cho qua loa.
Sự ảnh hưởng từ Internet cũng tham gia vào những đơn thuốc lạm dụng này. Một nghiên cứu năm 2013 của trung tâm nghiên cứu Pew Research cho thấy 35% người trưởng thành tại Mỹ đã sử dụng internet để tự chẩn đoán về sức khỏe chính họ hoặc người quen của mình. (Con số này đã không ngừng tăng lên kể từ đó, khi ngày càng có nhiều người kết nối với internet).
Các bác sĩ nói rằng nếu họ không kê kháng sinh, bệnh nhân sẽ xuống phố, tới các tiệm thuốc tư nhân và mua nó tại đó
Không có gì sai trái khi bạn tự tìm hiểu về tình trạng sức khỏe của mình qua Internet. Nhưng đừng tin vào những lời chẩn đoán ấy một cách mù quáng. Một bác sĩ trung bình có thời gian đào tạo y khoa tới 14 năm để quyết định xem bạn có gặp vấn đề gì hay có cần dùng kháng sinh hay không.
Vì vậy, hãy là một bệnh nhân chín chắn. Đừng để lại những lời bình luận tiêu cực trên những trang web như Yelp khi các bác sĩ không kê đơn theo ý bạn. Một tổ chức của các bác sĩ ở Mỹ thậm chí còn đang kêu gọi Change.org xóa các lời bình luận tiêu cực của bệnh nhân về bác sĩ.
Thêm nữa, bạn cũng không nên yêu cầu kháng sinh bừa bãi, vì kháng sinh không phải khi nào cũng dùng được. Tiết kiệm những lần lạm dụng kháng sinh, và những viên thuốc sẽ còn cứu được mạng sống của bạn và nhiều người trong tương lai.
Tham khảo Futurism
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"