Từng bị chê là "đại bàng không cánh", Trung Quốc âm thầm tạo nên đối thủ xứng tầm thách thức Boeing, Airbus?

    An An, Nhịp sống thị trường 

    The Guardian nhận định, Bắc Kinh hy vọng máy bay thương mại C919 sẽ là đối thủ cạnh tranh xứng tầm với Boeing 737 MAX và Airbus A320.

    Bước đầu thành công

    Sáng 26/5, Quách Quốc Bình, một thanh niên đam mê hàng không dân dụng 25 tuổi, nhận được cuộc gọi từ bộ phận dịch vụ khách hàng của China Eastern Airlines thông báo: Anh là một trong những hành khách trên chuyến bay thương mại đầu tiên của C919 đã được chọn bằng cách bốc thăm may mắn .

    Vào tháng 12 năm ngoái, sau khi China Eastern Airlines nhận chiếc C919 đầu tiên, hãng đã bắt đầu tuyển chọn những hành khách may mắn cho chuyến bay thương mại đầu tiên.

    Quách Quốc Bình đã lập tức đăng ký. " Tôi sẵn sàng bay bất cứ thời gian nào và trên bất kỳ tuyến đường nào ".

    Từng bị chê là "đại bàng không cánh", Trung Quốc âm thầm tạo nên đối thủ xứng tầm thách thức Boeing, Airbus? - Ảnh 1.

    Đặt điện thoại xuống, Quách Quốc Bình nhanh chóng đặt vé từ Thái Nguyên đến Thượng Hải một ngày trước chuyến bay đầu tiên của C919.

    " Bay bao nhiêu lâu như vậy, cuối cùng tôi cũng được ngồi trên chiếc máy bay cỡ lớn do Trung Quốc thiết kế và sản xuất ", anh này nói.

    Đến 12h31 ngày 28/5, sau 1 giờ 59 phút, chuyến bay mang số hiệu MU9191 được thực hiện bởi máy bay chở khách cỡ lớn C919 của hãng China Eastern Airlines đã hạ cánh thuận lợi xuống Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh.

    Máy bay C919 được Công ty TNHH Máy bay Thương mại Dân dụng Trung Quốc giao cho China Eastern Airlines vào ngày 9/12/2022.

    Thân trước máy bay có in logo mang ý nghĩa "Chiếc [C919] đầu tiên trên thế giới", số đăng ký của máy bay là B-919A, trong đó B chỉ máy bay dân dụng Trung Quốc, 919 là dòng máy bay và A có nghĩa là chiếc máy bay đầu tiên.

    Từng bị chê là "đại bàng không cánh", Trung Quốc âm thầm tạo nên đối thủ xứng tầm thách thức Boeing, Airbus? - Ảnh 2.

    Trung Quốc đang hiện thực hóa giấc mơ máy bay nội địa. Ảnh: CFP

    Sau khi máy bay được giao cho China Eastern Airlines, 100 giờ bay thử nghiệm đã được hoàn thành để kiểm tra đầy đủ khả năng vận hành đường bay của máy bay.

    Trong tương lai, hầu hết hành khách sẽ có thể chọn di chuyển bằng máy bay cỡ lớn sản xuất trong nước ”, đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết.

    Báo The Guardian (Anh) nhận định, Bắc Kinh hy vọng máy bay thương mại C919 sẽ là đối thủ cạnh tranh xứng tầm với Boeing 737 MAX và Airbus A320.

    Gieo mầm ước mơ

    " Phát triển ngành hàng không luôn là ước mơ của người dân Trung Quốc ", ông Lý Hiểu Tân, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế hàng không thuộc Đại học Hàng không Dân dụng Trung Quốc, cho biết.

    Ngay từ năm 1921, Trung Quốc đã mua hơn mười chiếc máy bay cũ từ Mỹ để huấn luyện phi công. Theo hồi ký của Cục trưởng Hàng không đầu tiên Dương Tiên Dật, hạt giống giấc mơ về máy bay nội địa Trung Quốc đã ươm mầm từ thời điểm đó.

    Tuy nhiên, thời gian sau, ngành hàng không Trung Quốc vẫn giậm chân tại chỗ.

    Theo lời kể của nhà thiết kế máy bay nổi tiếng Trình Bất Thời, vào năm 1949, trong lễ thành lập nước Trung Quốc mới, đội bay gồm 17 máy bay có xuất xứ nước ngoài trình diễn bay lượn trên bầu trời thủ đô Bắc Kinh.

    Khi đó, có phóng viên nước ngoài đã chê bai nước này rằng: "Trung Quốc chỉ là một con đại bàng không cánh".

    Đến năm 1970, Dự án 708 sản xuất máy bay cỡ lớn Yun-10 chính thức được thành lập. Trước đó, Trung Quốc chưa từng thiết kế loại máy bay lớn như vậy, theo số liệu, tổng trọng tải của Yun-10 là 110 tấn, trong khi máy bay quân sự do Trung Quốc thiết kế lúc bấy giờ chỉ ở mức 10 tấn.

    Ngoài ra, tầm bay tối đa là hơn 8.300 km và nó có thể bay thẳng từ Thượng Hải đến châu Âu mà không cần tiếp nhiên liệu. Yun-10 rất được mong đợi nhưng nó không đạt được mục tiêu sản xuất hàng loạt và dự án cuối cùng đã bị gác lại.

    Sau này, Trung Quốc đã phát triển thành công ARJ21. Nhưng loại máy bay dưới 100 chỗ này chỉ có thể gọi là "máy bay cỡ nhỏ/khu vực".

    Theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, một chiếc máy bay dân dụng chỉ có thể được gọi là máy bay lớn nếu nó có hơn 150 chỗ ngồi. C919 là máy bay hàng không dân dụng thực sự lớn đầu tiên của nước này sau Yun-10.

    Việc phát triển loại máy bay chở khách cỡ lớn hiện đại này mới chỉ bắt đầu từ đầu ở Trung Quốc trong mười năm qua. Năm 2006, Trung Quốc xác định máy bay cỡ lớn là một trong 16 ngành khoa học và công nghệ lớn, quan trọng.

    Năm 2008, với việc thành lập Công ty Máy bay Thương mại Trung Quốc, dự án phát triển máy bay cỡ lớn của Trung Quốc chính thức được khởi động. Một năm sau, C919 được ra mắt với tư cách là máy bay chở khách lớn đầu tiên.

    Vào tháng 5/2017, sau 10 năm thử nghiệm, C919 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên thành công và công nghiệp hóa máy bay dân dụng đã đạt được bước nhảy vọt.

    Từng bị chê là "đại bàng không cánh", Trung Quốc âm thầm tạo nên đối thủ xứng tầm thách thức Boeing, Airbus? - Ảnh 3.

    Cận cảnh buồng lái của C919. Ảnh: Tân Hoa Xã

    Trong quá trình này, việc tập hợp các tài năng và trí tuệ trong các lĩnh vực khác nhau đã đóng một vai trò quan trọng. Được biết, kể từ khi thành lập dự án, gần 300.000 người đã tham gia vào quá trình phát triển máy bay cỡ lớn C919.

    So với những khó khăn hữu hình về công nghệ thiết bị, những khó khăn vô hình trong phát triển thị trường còn gian nan hơn.

    " So với Boeing, Airbus và thậm chí cả các công ty sản xuất hàng không ở các quốc gia khác trong cùng thời kỳ, các công ty sản xuất máy bay dân dụng trong nước gần như bắt đầu lại từ đầu về nhận thức thị trường, năng lực thị trường và kinh nghiệm thị trường ", ông Lý Hiểu Tân nói.

    Từ một mô hình đến một ngành công nghiệp

    Nhiều chuyên gia Trung Quốc cho rằng, chuyến bay đầu tiên của C919 không chỉ là sự ra đời của một sản phẩm mà là sự ra đời của một ngành công nghiệp. Đằng sau nó là sự phát triển chất lượng cao của ngành công nghiệp chế tạo của Trung Quốc.

    Ông Lý Hiểu Tân phân tích, từ quan điểm kinh tế, "điều đó có nghĩa là ngành sản xuất hàng không của Trung Quốc đã bước vào thị trường hàng không thế giới".

    Mặc dù vị trí của Boeing và Airbus không thể bị lung lay trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, điều này đánh dấu sự hiện thực hóa bước nhảy vọt của ngành hàng không Trung Quốc.

    Theo tính toán của Viện Kinh tế Hàng không thuộc Đại học Hàng không Dân dụng Trung Quốc, vòng đời của máy bay dân dụng nội địa Trung Quốc sẽ được tính trên cơ sở 10 năm và tỷ lệ đóng góp giá trị gia tăng kinh tế cho Trung Quốc.

    Từ quan điểm kỹ thuật, nó báo trước một bước đột phá từ 0 lên 1 đối với máy bay cỡ lớn nội địa. Khi được nội địa hóa, nó sẽ không chỉ thúc đẩy tiến bộ lớn trong nhiều lĩnh vực cơ bản mà còn thúc đẩy các lĩnh vực như vật liệu mới, sản xuất hiện đại, năng lượng tiên tiến, thông tin điện tử, điều khiển tự động, máy tính, từ đó thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành công nghệ cao.

    " Hiện nay, nhược điểm chính của lĩnh vực sản xuất máy bay cỡ lớn nội địa Trung Quốc là chưa làm chủ được công nghệ và vật liệu cốt lõi, tỷ lệ linh kiện nội địa chưa chiếm đến 40%..." , ông Lý Hiểu Tân nói.

    " Việc chế tạo thành công C919 chỉ có thể chứng tỏ Trung Quốc đã tạo ra bước đột phá lớn trong công nghệ lắp ráp máy bay cỡ lớn, chứ chưa thể chứng minh Trung Quốc đã tạo ra bước đột phá lớn trong công nghệ chế tạo. Ngành sản xuất hàng không của Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước..." .

    (Theo Tin tức Chiết Giang)

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ