Vị bác sĩ chế máy thở từ vỏ chai nước lọc, thành công cứu sống bệnh nhi nguy kịch trên chuyến bay xuyên Đại Tây Dương

    Thanh Long, Phụ nữ Việt Nam  

    Thống kê cho thấy có tới 70% các chuyến bay thương mại chở theo ít nhất một bác sĩ. Trong nhiều trường hợp, họ đã trở thành những anh hùng trên bầu trời khi kịp thời cứu mạng một hành khách trong tình huống nguy kịch.

    Nếu để ý những thông báo trên một chuyến bay xuyên Đại Tây Dương, bạn sẽ thấy tiếp tiên thường hỏi thêm một câu hỏi khác với các chuyến bay ngắn trên lục địa: "Is there a doctor onboard?".

    Phi hành đoàn sẽ muốn biết trên chuyến bay của họ có bác sĩ nào hay không? Đó là một phần của quy trình dự phòng cho các tình huống cấp cứu y tế, có thể xảy ra trong chuyến bay kéo dài từ 9-11 tiếng đồng hồ, xuyên qua đại dương mà không có bất kỳ sân bay nào để hạ cánh khẩn cấp.

    Theo một nghiên cứu trên tạp chí Y học New England, cứ 600 chuyến bay thì sẽ có 1 chuyến bay xảy ra tình huống y tế cần cấp cứu. Con số tương ứng với 44.000 chuyến bay mỗi năm trên thế giới.

    Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy có tới 70% các chuyến bay thương mại chở theo ít nhất một bác sĩ. Trong nhiều trường hợp, họ đã trở thành những anh hùng trên bầu trời khi kịp thời cứu mạng một hành khách trong tình huống nguy kịch.

    Câu chuyện của bác sĩ Khurshid Guru, trưởng khoa Phẫu thuật Robot tại Viện Ung thư Roswell Park, Hoa Kỳ, được chia sẻ trên Twitter mới đây là một trong số những ví dụ cho điều đó.

    Trong một chuyến bay từ Tây Ban Nha tới Mỹ, ông đã sử dụng kỹ năng của mình để tạo ra một chiếc máy thở thô sơ từ vỏ chai nước lọc, qua đó thành công cứu sống một bệnh nhi 2 tuổi đang nguy kịch trong cơn hen suyễn và hạ oxy máu.

    Vị bác sĩ chế máy thở từ vỏ chai nước lọc, thành công cứu sống bệnh nhi nguy kịch trên chuyến bay xuyên Đại Tây Dương - Ảnh 1.

    Vị bác sĩ chế máy thở từ vỏ chai nước lọc, thành công cứu sống bệnh nhi nguy kịch trên chuyến bay xuyên Đại Tây Dương. Ảnh: Twitter nhân vật.

    Bác sĩ Guru cho biết ông nhận được thông báo từ phi hành đoàn rằng có một bệnh nhân cần bác sĩ hỗ trợ gấp. Đó là một cậu nhóc khoảng 2 tuổi đang lên cơn khó thở. Cha mẹ cậu bé nói rằng cậu bé bị hen suyễn, nhưng họ đã để quên thuốc của con trong hành lý ký gửi.

    "Cậu bé có lẽ đã bị cảm", bác sĩ Guru nhớ lại. "Chúng tôi đã bay được khoảng ba đến bốn tiếng. Tôi nghĩ cậu bé đã bị ù tai và vì thế mới quấy khóc… Tình trạng của cậu bé ấy đang xấu dần đi".

    Ngay lập tức, bác sĩ Guru kẹp máy đo nồng độ oxy máu cho cậu bé và chỉ số sau đó khiến ông phải lo lắng. 87% - đây là mức oxy thấp đủ để kích hoạt một lệnh cấp cứu trong bệnh viện, bác sĩ Guru biết mình cần phải làm một điều gì đó ngay lập tức.

    Mặc dù không có chuyên môn nhi khoa, nhưng ông nghĩ một đứa trẻ hen suyễn sẽ cần hai thứ: thuốc và oxy. May mắn là trên chuyến bay xuyên Đại Tây Dương luôn có hộp cấp cứu chứa thuốc và dụng cụ y tế.

    Vị bác sĩ chế máy thở từ vỏ chai nước lọc, thành công cứu sống bệnh nhi nguy kịch trên chuyến bay xuyên Đại Tây Dương - Ảnh 2.

    Bộ dụng cụ y tế trên máy bay của Air Canada. Họ có trang bị ống hít thuốc hen suyễn, nhưng không thể sử dụng cho trẻ em. Ảnh: NCBI.

    Bác sĩ Guru tìm thấy một ống thuốc hen suyễn và mặt nạ thở oxy, nhưng cả hai đều là những dụng cụ y tế dành cho người lớn. Ông biết một đứa trẻ hai tuổi sẽ không thể hiểu được y lệnh, rằng nó phải ngậm ống thuốc, hít và giữ thuốc trong lồng ngực mình.

    Do đó, ông đã nghĩ ra một cách, dùng một số dụng cụ đơn giản như chai nhựa và cốc nhựa trên máy bay để chế tạo ra một mặt nạ thở khí dung dành cho bệnh nhi.

    Đầu tiên, bác sĩ Guru cắt đáy của một chiếc chai nhựa đủ để luồn mặt nạ thở oxy vào đó. Kế tiếp, ông khoét một lỗ trên thân chai để gá ống xịt thuốc hen suyễn. Bằng cách này, cả oxy và thuốc có thể được truyền trực tiếp qua lỗ mở của chai tới đường hô hấp của đứa trẻ.

    Vì áp lực của thiết bị bây giờ là áp lực dương, đứa trẻ sẽ không cần phải ngậm ống hít hen suyễn và hít nữa.

    Vị bác sĩ chế máy thở từ vỏ chai nước lọc, thành công cứu sống bệnh nhi nguy kịch trên chuyến bay xuyên Đại Tây Dương - Ảnh 3.

    Vị bác sĩ chế máy thở từ vỏ chai nước lọc, thành công cứu sống bệnh nhi nguy kịch trên chuyến bay xuyên Đại Tây Dương - Ảnh 4.

    Thiết bị đơn giản của bác sĩ Khurshid Guru đã cứu sống bệnh nhi 2 tuổi bị hen suyễn. Ảnh: ABC.

    "Ban đầu, khi tôi đưa miệng chai đến gần mặt đứa trẻ, nó đã đẩy ra", bác sĩ Guru nói. "Thế là tôi đã lấy thêm một cốc nước, khoét một lỗ trên đáy của nó, cắm vào miệng chai rồi hướng thẳng vào mặt cháu bé. Tôi bảo họ [cha mẹ đứa trẻ] giữ cốc nước ở đó. Sau khoảng nửa giờ với hai lần điều trị, cháu bé cuối cùng cũng khá lên".

    Nồng độ oxy trong máu của đứa trẻ đã trở lại mức bình thường, 94-95%. "Khi máy bay hạ cánh, tôi đã quay lại thăm đứa trẻ và thấy cháu bé ấy đang chơi đùa được với mẹ của mình", bác sĩ Guru nói.

    Với hành động nhanh chóng, kịp thời và sáng tạo của mình, bác sĩ Guru đã nhận được lời cảm ơn từ hãng hàng không Air Canada: "Chúng tôi thường không thảo luận về các vấn đề của hành khách vì lý do riêng tư. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của bác sĩ và hành động của ông ấy đã hỗ trợ một trong những khách hàng của chúng tôi".

    Bác sĩ Guru cho biết qua câu chuyện này, ông muốn nhắc nhở các bậc cha mẹ có con bị hen suyễn phải luôn nhớ mang thuốc cho con bên mình: "Tôi đã nói với bố cậu bé ấy rằng điều quan trọng là anh không bao giờ được phép quên mang theo những loại thuốc này".

    Tham khảo ABC, NCBI, Simpleflying

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ