Từng tung hoành nhờ đi "copy" người khác, nay cha đẻ của Lazada, Zalora, FoodPanda đang lung lay dữ dội, giá trị công ty liên tục trượt dốc
“Chúng tôi chưa bao giờ hứa với nhà đầu tư rằng sẽ thu được lợi nhuận chỉ sau 1-2 năm IPO”, ông Samwer nói vậy khi cho biết mình đang kiên trì chờ đợi thành quả từ Rocket.
Vào tháng 11/2015, nhà sáng lập Oliver Samwer của Rocket Internet quyết định đầu tư vào startup Nestpick, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ nhà cho thuê tương tự như Airbnb. Theo đó, startup này sẽ kết nối các sinh viên muốn chia sẻ phòng trọ của mình cho những sinh viên khác.
Ông Samwer đã mời gọi quỹ đầu tư mạo hiểm Mangrove Capital Partners hợp tác góp vốn đầu tư 11 tỷ USD cho Nestpick.
Tuy nhiên, chỉ 6 tháng sau đó, startup này gặp khó khăn và phải xa thải gần hết trong số 140 nhân viên của mình. Nguyên nhân là dịch vụ này chỉ thu hút khách hàng sinh viên vào dịp khai giảng và hạ nhiệt dần trong năm học cho đến kỳ nghỉ.
Thương vụ trên khiến uy tín của Rocket lung lay và làm quỹ đầu tư Mangrove hối hận. Đây không phải là trường hợp ngẫu nhiên đang diễn ra tại Rocket khi nhiều nhà đầu tư cũng có cảm giác hối hận khi bỏ tiền theo công ty này.
Năm 2014, đợt IPO của Rocket thuộc hàng lớn nhất tại Đức trong vòng 7 năm qua và công ty khi đó có mức tăng trưởng nhanh nhất Châu Âu. Đợt IPO đã đem về cho Rocket 2 tỷ USD, nâng tổng giá trị vốn hóa của doanh nghiệp này lên 8,2 tỷ USD.
Không may thay, giá cổ phiếu của Rocket liên tục suy giảm 52% cho đến hiện tại còn các chuyên gia tài chính thì tố cáo báo cáo tài chính của công ty không rõ ràng.
Cơn khủng hoảng của gã khổng lồ startup
Rocket đã từng có một số thương vụ thực sự thành công như Zalando, City Deal hay Lazada. Công ty cũng có hoạt động trên nhiều thị trường, tham gia gọi vốn, đầu tư cũng như mở rộng kinh doanh tại nhiều mảng mới mà không nhiều người ngờ tới.
Tuy vậy, rất nhiều dự án đầu tư của hãng cũng gặp khó khăn và khủng hoảng. Ít nhất 12 dự án lớn của Rocket thời gian qua đã phải đóng cửa hoặc kinh doanh không có lãi.
Vào ngày 2/9/2016, công ty cho biết hãng đã lỗ tới 707 triệu USD trong nửa đầu năm 2016 sau khi đã hạ 2/3 giá trị dự đoán của startup mà hãng cho là thành công, công ty bán lẻ Global Fashion Group, xuống 1 tỷ Euro.
Rõ ràng, Rocket đang mất tiền ở rất nhiều sự án. Hàng loạt những startup mà công ty đầu tư cũng như kỳ vọng tăng trưởng đã phải đóng cửa, sang nhượng hoặc sa thải hàng loạt nhân viên. Nhiều dự án tại Ấn Độ hay Nam Phi đã phải bán lại với mức giá rất rẻ.
Bất chấp những lời hứa hẹn của nhà sáng lập Samwer hay những dự án không rõ ràng được vị CEO này gọi là tiềm năng, các cổ đông của Rocket đang như ngồi trên đống lửa khi cổ phiếu của hãng lao dốc không phanh.
Có lẽ với Rocket, việc khởi nghiệp dễ dàng hơn việc duy trì thành công của chính startup đó.
Con đường thành công và nguyên nhân gặp khó của Rocket
Trong thời kỳ đầu, ông Samwer cùng 2 người anh em của mình là Alex và Marc đã có những thành công lớn với Alando, một startup tương tự Ebay, sau đó là Jamba, một công ty kinh doanh chuông điện thoại. Năm 2004, Jamba được bán cho Verisign với giá 273 triệu USD.
Năm 2007, anh em nhà Samwer sáng lập ra Rocket Internet nhằm đầu tư hàng loạt vào những startup bắt chiếc thành công của các công ty khởi nghiệp ở những nước phát triển trước đó trước khi họ kịp mở rộng thị trường. Các dự án của Rocket khi đó trải rộng từ Tây Âu đến Châu Mỹ hay Nam Phi.
Với lợi thế là người đầu tiên tham gia thị trường và danh tiếng thành công của Rocket, công ty này tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành hiện tượng tại Đức cũng như Châu Âu. Hàng loạt các CEO, quỹ đầu tư coi Rocket là một công ty tiềm năng đáng đầu tư, trong khi toàn nước Đức tự hào vì có một hãng công nghệ thành công như vậy.
Thậm chí, chính Samwer cũng đã tự hào cho rằng chưa có một tập đoàn lớn nào trên thế giới, kể cả GE hay Toyota, xây dựng được một mô hình kinh doanh tốt như Rocket.
Nhiều nhóm nhỏ trong Rocket liên tục theo dõi các thông tin trên báo chí nhằm tìm kiếm ý tưởng hay những mô hình startup thành công. Khi đã tìm được ý tưởng, họ nghiên cứu thị trường tiềm năng, vạch ra kế hoạch kinh doanh và ăn cắp ý tưởng cho một thị trường khác.
Ví dụ như một startup Washio cung cấp dịch vụ giặt khô là hơi giao hàng tận nơi tại New York đang thu hút được sự chú ý thì Rocket đã thành lập một nhóm nhằm ăn cắp ý tưởng và kinh doanh tại London với thương hiệu ZipJet. Nhóm này nhanh chóng thuê mặt bằng, ký hợp đồng với các nhà cung cấp, vận tải, hậu cần... và đi vào hoạt động.
Rocket đã chi rất nhiều tiền để tuyển thêm lao động, thuê quản lý, kế toán và đầu tư mạnh tay cho dự án. Kết quả là Washio tại New York dần phải đóng cửa trong khi ZipJet vẫn tồn tại cho đến nay.
Với chiến lược này, Rocket cho rằng họ sẽ dễ thành công hơn khi một startup tương tự đã làm được ở thị trường khác. Thêm vào đó, khi các ông lớn cùng ngành mở rộng thị trường, Rocket sẽ có ưu thế hơn khi là người đến trước. Thậm chí, công ty có thể thu thêm một khoản lời nếu bán lại startup này cho các ông lớn đó.
Kiểu kinh doanh này của Rocket khiến họ tiết kiệm được thời gian sáng tạo. Trong khi một số công ty mất vài tháng để mở một startup thì Rocket chỉ mất vài tuần.
Chiến lược kinh doanh ăn theo này của Rocket khiến công ty có rất nhiều dự án nhỏ và đương nhiên sai lầm là không tránh khỏi. Nhiều cựu nhân viên của Rocket cho rằng công ty tuyển người ồ ạt và đặt những quản lý thiếu kinh nghiệm vào sai vị trí, khiến hãng liên tục mắc lỗi.
Ví dụ như startup HelloFresh, một công ty phục vụ chuyển phát đồ ăn, có những vị quản lý không có kinh nghiệm trong mảng kinh doanh ăn uống. Tuy vậy, họ vẫn được giao nhiệm vụ đàm phán với nhà cung cấp thực phẩm, thuê nhà kho hay hoạch định quy trình giao hàng...
Với kiểu quản lý không hiệu quả, một công ty nổi tiếng như Rocket giờ đây lại trở thành bãi thử nghiệm cho hàng loạt nhà môi giới việc làm. Nói cách khác, những công ty môi giới việc làm sẽ cho nhân viên thiếu kinh nghiệm làm ở Rocket 1-2 năm, sau đó chuyển sang những hàng khác với đề nghị tốt hơn.
Nhiều cựu nhân viên của Rocket cho biết CEO Samwer có phong cách quản lý cực kỳ chi tiết cũng như có tính kiểm soát cao. Ông có thể cho gọi những nhà quản lý các startup lên để chất vấn hàng giờ với một đống câu hỏi.
Một nguyên nhân nữa khiến nhiều nhân viên của Rocket không thực sự gắn bó với hãng là công ty hiếm khi trả cổ phiếu cho người lao động trong công ty, thậm chí đối với cả những công thần làm nên thành công cho các dự án của hãng.
Hầu hết các nhân viên cấp cao của startup nhận được các danh hiệu “trên trời” như đồng sáng lập, nhà điều hành... với mức lương chỉ nhỉnh hơn một chút so với các startup khác.
Chính những cơ chế này khiến các nhân viên tài năng của công ty không tin tưởng vào Rocket cũng như nhà sáng lập Samwer và đương nhiên họ có thể dễ dàng ra đi khi có đề nghị tốt hơn.
Cả 4 vị giám đốc cấp cao đã làm nên thành công cho Rocket là Florian Heinemann, Uwe Horstmann, Felix Jahn và Christian Weiss đều đã ra đi sau khi có bất đồng với cách quản lý của anh em nhà Samwer.
Vào tháng 1/2016, Rocket tiếp tục mất một cố vấn tài chính cấp cao cũng như một vị giám đốc quản lý tài chính khác. Trong 1 năm qua, đội ngũ quan hệ công chúng của hãng đã dần bị thải loại hết.
Đánh giá sai giá trị thực tế
Quỹ đầu tư Kinneviks có mỗi quan hệ khá chặt chẽ với Rocket trong một thời gian dài khi cùng đầu tư vào nhiều dự án thành công. Thậm chí, quỹ đầu tư này là cổ đông lớn thứ 2 trong Rocket sau anh em nhà Samwer và hiện vẫn giữ 13% cổ phần trong công ty.
Tuy vậy, kể từ khi Rocket đầu tư không hiệu quả thì những tiếng nói phản đối bắt đầu nổi lên trong Kinneviks. Với phương pháp phân tích truyền thống, Kinneviks cho rằng nhiều startup hiện nay của Rocket có giá trị thực tế thấp hơn nhiều so với báo cáo của hãng.
Ví dụ như Westwing, một công ty thương mại điện tử chuyên bán đồ gia dụng được Rocket báo cáo là có giá trị 480 triệu Euro, nhưng Kinneviks cho rằng doanh nghiệp này chỉ đáng 254 triệu USD tính đến ngày 30/6/2016.
Trong những tuần gần đây, Rocket liên tục hạ giá trị của các startup mà hãng đầu tư trong bản báo cáo và điều này đang làm các cổ đông nóng ruột khi họ bị mất tiền.
Bất chấp những lời chỉ trích và than phiền, ông Samwer cho rằng Rocket đang hoạt động tốt hơn bao giờ hết với 1,7 tỷ Euro tiền mặt, khoảng 30.000 nhân viên tại 120 quốc gia.
Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư tại Châu Âu không có nhiều sự lựa chọn trong mảng công nghệ và nhiều người tiếp tục lựa chọn tin tưởng vào Rocket. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến cổ phiếu của công ty chưa bị mất giá hoàn toàn và nhiều dự án của hãng vẫn gọi được vốn.
Tuy vậy, Rocket đang ngày càng gặp khó với ngày một nhiều công ty, quỹ đầu tư hay startup được tài chợ bởi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường Châu Âu.
Hiện nay, Rocket đang chuyển hướng kinh doanh từ liên tục mở rộng những startup mới sang cố gắng duy trì bảo đảm những dự án sẵn có kinh doanh lợi nhuận.
“Chúng tôi chưa bao giờ hứa với nhà đầu tư rằng sẽ thu được lợi nhuận chỉ sau 1-2 năm IPO”, ông Samwer nói vậy khi cho biết mình đang kiên trì chờ đợi thành quả từ Rocket. Dẫu vậy, có lẽ nhà sáng lập này phải cố gắng thuyết phục nhà đầu tư cũng như thị trường kiên trì theo nếu không muốn cổ phiếu của Rocket tiếp tục đi xuống.
Theo Trí thức trẻ/CafeBiz
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời