Tượng đài startup 22 tỷ USD sụp đổ: Nhà sáng lập từng được mệnh danh là ‘Á thần’ của làng khởi nghiệp bị cổ đông phế truất, toàn thị trường rúng động

    Băng Băng,  

    Huyền thoại vượt khó làm giàu của cậu bé nghèo Byju Raveendran để trở thành tỷ phú trẻ nhất Ấn Độ, vốn truyền cảm hứng cho mọi người đã sụp đổ vì những lời gian dối bị bóc trần, báo cáo tăng trưởng dù thua lỗ.

    Tờ Fortune cho hay vào ngày 23/2/2024, các cổ đông của startup công nghệ giáo dục Byju’s, vốn từng là công ty khởi nghiệp có tổng giá trị ước tính lớn nhất Ấn Độ, đã thực hiện bỏ phiếu phế truất nhà sáng lập, tỷ phú một thời Byju Raveendran khỏi ghế CEO.

    Động thái không ngờ này đã làm toàn thị trường khởi nghiệp Ấn Độ rúng động khi cổ đông cáo buộc CEO quản lý yếu kém, để Byju’s mất dần vị thế kỳ lân và trở thành một cục nợ với nhà đầu tư.

    Đáp trả , CEO Raveendran cho biết các cổ đông không có đủ quyền biểu quyết để thực hiện thay đổi lãnh đạo và vấn đề sẽ được đưa ra tòa.

    Việc cổ đông chính thức từ bỏ Raveendran đánh dấu một cú sốc đáng kinh ngạc với nhà sáng lập startup từng được định giá lên đến 22 tỷ USD, đồng thời từng được mệnh danh là “Á thần” (Demi God) của làng khởi nghiệp Ấn Độ trong mùa đại dịch Covid-19.

    Xin được nhắc rằng mùa dịch Covid-19 đã tác động cực mạnh đến xã hội, kinh tế và thị trường khởi nghiệp Ấn Độ khi hệ thống y tế quá tải.

    Hình ảnh vô số người dân Ấn Độ chen lấn mua oxy, qua đời trong nhà và không đủ chỗ chứa để hỏa táng hay mua quan tài đến mức phải thả trôi sông đã ám ảnh cả thế giới.

    Trong tình hình đó, cái tên Raveendran vụt sáng để trở thành vị cứu tinh cho toàn thị trường khởi nghiệp Ấn Độ.

    Tượng đài startup 22 tỷ USD sụp đổ: Nhà sáng lập từng được mệnh danh là ‘Á thần’ của làng khởi nghiệp bị cổ đông phế truất, toàn thị trường rúng động- Ảnh 1.

    Tượng đài startup 22 tỷ USD sụp đổ: Nhà sáng lập từng được mệnh danh là ‘Á thần’ của làng khởi nghiệp bị cổ đông phế truất, toàn thị trường rúng động- Ảnh 2.

    Tháng 3/2020, khoảng 1,5 triệu trường học ở Ấn Độ đã phải đóng cửa cách ly vì đại dịch thì nhà khởi nghiệp Raveendran đã xuất hiện, cung cấp ứng dụng học trực tuyến Byju’s miễn phí cho hàng chục triệu trẻ em đang độ tuổi đi học.

    Động thái này của Raveendran đã nhận về sự ưu ái của phụ huynh lẫn giáo viên trong bối cảnh khó khăn đại dịch.

    Đến tháng 4/2020, số người dùng Byju’s đã tăng 150% và đến tháng 6 thì nền tảng này trở thành ứng dụng Ấn Độ duy nhất trong số 10 ứng dụng giáo dục được tải xuống nhiều nhất toàn cầu tại Google Play.

    Tại thời điểm đó, Byju’s nhận vốn tài trợ từ Chan Zuckerberg Initiative, Tencent và Tiger Global.

    “Có thể hiện tại học sinh, giáo viên, phụ huynh sử dụng công nghệ giáo dục trực tuyến nhiều hơn vì họ không có lựa chọn nào khác trong mùa dịch. Nhưng xu thế này sẽ tiếp tục phát triển”, CEO Raveendran tự tin nói vào tháng 5/2020.

    Đến tháng 8/2020, nhà sáng lập này tuyên bố Byju's lần đầu tiên đạt gần 1 tỷ USD doanh thu hàng năm.

    Trong 2 năm tiếp theo, Byju’s mua lại 19 công ty với tổng giá trị 2,88 tỷ USD. Ngoài ra hãng cũng ký hợp đồng với hàng loạt các đại sứ thương hiệu nổi tiếng như siêu sao Bollywood Shah Rukh Khan, cầu thủ bóng đá người Argentina Lionel Messi.

    Đến cuối năm 2022, nền tảng này đạt mức định giá 22 tỷ USD và trở thành công ty khởi nghiệp lớn nhất Ấn Độ, biến CEO Raveendran thành một trong những tỷ phú trẻ nhất cả nước.

    Tượng đài startup 22 tỷ USD sụp đổ: Nhà sáng lập từng được mệnh danh là ‘Á thần’ của làng khởi nghiệp bị cổ đông phế truất, toàn thị trường rúng động- Ảnh 3.

    Tượng đài startup 22 tỷ USD sụp đổ: Nhà sáng lập từng được mệnh danh là ‘Á thần’ của làng khởi nghiệp bị cổ đông phế truất, toàn thị trường rúng động- Ảnh 4.

    Chỉ vài tháng sau khi trở thành tỷ phú trẻ nhất Ấn Độ, CEO Raveendran bắt đầu lao xuống hố.

    Hàng loạt những báo cáo tài chính kiểm toán bày tỏ sự nghi ngờ về những tuyên bố hào nhoáng trước đây của Raveendran về tốc độ tăng trưởng quá ấn tượng, trong khi thực tế số liệu cho thấy thua lỗ.

    Thế rồi các nhà đầu tư bắt đầu công kích Raveendran vào tháng 9/2023 với lời tố cáo vị CEO này đã biển thủ một nửa trong số 1 tỷ USD nằm trong quỹ phòng hộ Miami IHOP.

    Kiểm toán viên của Byju’s đã nghỉ việc trong năm 2023 và 3 thành viên hội đồng quản trị cũng đã rời đi.

    Ngay cả giám đốc tài chính của startup này cũng chẳng thể tại vị quá 6 tháng khi ra đi vào tháng 10/2023.

    “Đây là một startup có sự bùng nổ tốt nhờ bắt kịp thời cơ. Thế nhưng rõ ràng là đà tăng trưởng này không bền lâu khi trở thành ảo tưởng hão huyền của chính CEO”, một nhân viên bán hàng của Byju’s rời công ty sau 1 năm làm việc, xin được giấu tên trả lời Fortune.

    Theo vị nhân viên này, văn hóa làm việc tại Byju’s quá khắc nghiệt khi phải dùng mọi thủ đoạn, chiêu trò để bán hàng trong khi chất lượng dịch vụ, sản phẩm không như quảng cáo.

    Tượng đài startup 22 tỷ USD sụp đổ: Nhà sáng lập từng được mệnh danh là ‘Á thần’ của làng khởi nghiệp bị cổ đông phế truất, toàn thị trường rúng động- Ảnh 5.

    Trên thực tế, Byju’s không phải startup duy nhất bị thị trường soi mói khi toàn ngành khởi nghiệp Ấn Độ đã phải đối mặt với sự khắc nghiệt của nhà đầu tư hậu đại dịch.

    Trả lời Fortune, nhà đầu tư Aniruddha Malpani cho biết Raveendran chỉ là một chàng gia sư với giấc mơ khởi nghiệp. Khi startup bùng nổ theo cấp số nhân thì chuyển qua quan tâm đến niêm yết trên thị trường chứng khoán kiếm lời hơn là phát triển cốt lõi giáo dục của sản phẩm.

    “Câu chuyện của Byju’s là một ví dụ mang tính cảnh báo cho bong bóng startup Ấn Độ, khi giới trẻ thần tượng những nhà khởi nghiệp đi lên từ nghèo khó, làm giàu nhanh để rồi lộ nguyên hình gian dối”, ông Malpani nhận định.

    Tượng đài startup 22 tỷ USD sụp đổ: Nhà sáng lập từng được mệnh danh là ‘Á thần’ của làng khởi nghiệp bị cổ đông phế truất, toàn thị trường rúng động- Ảnh 6.

    Theo Fortune, sự sùng bái Raveendran như một Á thần làng khởi nghiệp Ấn Độ bắt nguồn từ câu chuyện đi lên từ nghèo khó, vượt thách thức để làm giàu được lan truyền trên báo chí.

    Sinh ra ở một thị trấn nhỏ ven biển ở Kerala với cha mẹ là giáo viên, ông Raveendran được coi là một thiên tài toán học từ khi còn bé.

    Sau đại học, Raveendran chuyển đến Anh để làm kỹ sư nhưng thường xuyên giúp đỡ bạn bè ở quê nhà ôn tập cho kỳ thi đầu vào Học viện Quản lý Ấn Độ (IIM), một ngôi trường thuộc hàng top cả nước và nổi tiếng về độ cạnh tranh đầu vào.

    Cuối cùng, bạn bè đã thuyết phục Raveendran tự mình làm bài kiểm tra và Raveendran tuyên bố rằng đã đạt được số điểm gần như hoàn hảo suốt 2 lần thi thử.

    Tuy nhiên thay vì theo đuổi tấm bằng IIM, ông Raveendran chuyển về Ấn Độ để làm gia sư dạy kèm các ứng viên ôn thi IIM. Lớp học đầu tiên của Raveendran ở Bengaluru năm 2000 có 40 học sinh. Đến năm 2005, con số này đã tăng lên đến 1.000 người.

    Phong cách giảng dạy của Raveendran được cho là tập trung vào các nguyên tắc cơ bản thay vì dùng những mánh khóe hay đường tắt. Tuy nhiên để thu hút thêm học sinh, Raveendran cũng bắt đầu tổ chức các buổi học theo phong cách hòa nhạc tại khán phòng hay sân vận động nhằm tạo tiếng vang trong truyền thông.

    Năm 2007, trong một lần gặp gỡ tình cờ, tỷ phú Ấn Độ Ranjan Pai đã đồng ý đổ 8 triệu USD vào công ty mẹ của Byju’s là Think & Learn Pvt Ltd.

    Năm 2015, ứng dụng học tập Byju ra đời nhằm giới thiệu các phương pháp của Raveendran tới 250 triệu sinh viên Ấn Độ. Trong vòng một năm, Chan Zuckerberg Initiative, Sequoia Capital và công ty đầu tư Sofina của Bỉ đều đã đầu tư vào Byju's.

    Tượng đài startup 22 tỷ USD sụp đổ: Nhà sáng lập từng được mệnh danh là ‘Á thần’ của làng khởi nghiệp bị cổ đông phế truất, toàn thị trường rúng động- Ảnh 7.

    Năm 2018, Byju’s đã trở thành “kỳ lân” (Unicorn) khi tổng giá trị ước tính vượt 1 tỷ USD.

    Cho đến hiện tại, công ty đã huy động được tổng cộng 5,08 tỷ USD từ các vòng gọi vốn.

    Thành công này đã biến Raveendran thành Á thần trong mắt nhiều người hâm mộ. Sự tham vọng, sức lôi cuốn của nhà sáng lập với hình ảnh dạy cho hàng nghìn học sinh Ấn Độ hứa hẹn một startup tiềm năng sinh lời cho nhà đầu tư.

    Tượng đài startup 22 tỷ USD sụp đổ: Nhà sáng lập từng được mệnh danh là ‘Á thần’ của làng khởi nghiệp bị cổ đông phế truất, toàn thị trường rúng động- Ảnh 8.

    Theo Fortune, tính cách của Raveendran không phải là sức hút duy nhất khiến nhà sáng lập này thành Á thần.

    Việc nền tảng Byju’s cung cấp một giải pháp thay thế cho hệ thống giáo dục học vẹt, bị ám ảnh bởi điểm số đã khiến người Ấn Độ thất vọng trong nhiều thập kỷ cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư rút ví.

    Hiện Byju's cung cấp phương pháp học tập dựa trên máy tính bảng, các bài học trực tuyến và hướng dẫn trực tiếp. Học sinh từ 9 tuổi đến những người đã có trình độ trung cấp đều có thể tìm kiếm chương trình giáo dục phù hợp tại đây.

    Mô hình miễn phí giúp người dùng có thể thoải mái tham gia các lớp học, thế nhưng mọi người phải thanh toán nếu muốn hoàn thành hết các bài học của chương trình.

    Ứng dụng này từ mức 1,7 triệu người dùng vào năm 2018 đã tăng lên đến 115 triệu thành viên năm 2022.

    “Nếu bạn đến các thị trấn nhỏ hơn của Ấn Độ, bạn sẽ thấy gần như mọi đứa trẻ trên đường đều mang theo một chiếc ba lô có logo của Byju. Đây là mức độ thâm nhập chưa từng có của một startup đến xã hội Ấn Độ,” một nhân viên giấu tên của Byju’s nói.

    Tượng đài startup 22 tỷ USD sụp đổ: Nhà sáng lập từng được mệnh danh là ‘Á thần’ của làng khởi nghiệp bị cổ đông phế truất, toàn thị trường rúng động- Ảnh 9.

    Tuy nhiên, Fortune cho hay chỉ có 7,5 triệu người dùng trong tổng số 115 triệu thành viên năm 2022 là đăng ký trả phí, qua đó cho thấy hầu hết những người tải ứng dụng đều không sử dụng thường xuyên.

    Nguồn kiếm tiền lớn nhất của Byju là các bài học được truyền tải qua thẻ SD hoặc thiết bị lưu trữ, dù lỗi thời nhưng lại khá phổ biến ở Ấn Độ, nơi nổi tiếng có độ phủ sóng Internet kém.

    Báo cáo tài chính 2020-2021 của Byju cho thấy các thẻ thiết bị lưu trữ này chiếm 80% doanh thu hàng năm, tương đương 225 triệu USD.

    Bởi vậy Byju’s dần dần đánh mất cốt lõi giáo dục của mình khi chuyển sang một hãng bán hàng vì lợi nhuận thuần túy.

    Tượng đài startup 22 tỷ USD sụp đổ: Nhà sáng lập từng được mệnh danh là ‘Á thần’ của làng khởi nghiệp bị cổ đông phế truất, toàn thị trường rúng động- Ảnh 10.

    Trong thời kỳ bùng nổ đại dịch, Byju’s đã chi tiêu rất nhiều để quảng cáo và thâu tóm đối thủ.

    Thậm chí vào tháng 11/2023, Liên đoàn Cricket Ấn Độ đã kiện Byju’s vì không thanh toán khoản phí quảng cáo 20 triệu USD từ thời hậu đại dịch, qua đó cho thấy startup này đã chi tiêu nhiều hơn khả năng chi trả của mình.

    Tồi tệ hơn, các cựu nhân viên của Byju’s cho hay tốc độ tăng trưởng nhanh của startup này phần lớn dựa trên những chiến thuật bán hàng phi đạo đức.

    Cựu nhân viên Sheila Matthews của Byju’s, đã nghỉ việc đầu năm 2023, thừa nhận rằng từng khuyến khích một bà mẹ nghèo đem đồ trang sức đi thế chấp chỉ để trả phí đăng ký, dao động từ 30 USD đến hơn 1.000 USD mỗi khóa học, dù biết rằng chúng không hữu ích như quảng cáo.

    Trong một lần khác, cô Matthews bị ép phải thuyết phục một khách hàng bán xe đạp của mình để thanh toán phí đăng ký.

    Nhiều nhân viên cũ nói với Fortune rằng họ phải chịu đựng những lời lẽ bắt nạt và lăng mạ như một phần của văn hóa ám ảnh với doanh số bán hàng tại Byju’s. Vậy là từ một nền tảng giáo dục có ích cho xã hội, startup này dần biến tướng thành công ty chào hàng phi đạo đức.

    “Tôi nhớ như in trong thời kỳ đại dịch, khi mọi người đang chật vật tìm giường bệnh thì chúng tôi vẫn phải gọi cho họ để bán hàng”, một nhân viên giấu tên của Byju’s thú nhận.

    Tượng đài startup 22 tỷ USD sụp đổ: Nhà sáng lập từng được mệnh danh là ‘Á thần’ của làng khởi nghiệp bị cổ đông phế truất, toàn thị trường rúng động- Ảnh 11.

    Mãi đến tháng 12/2022, Ủy ban Quốc gia Bảo vệ Quyền Trẻ em Ấn Độ (NCPCR) mới yêu cầu công ty tiến hành rà soát lại khả năng chi trả của khách hàng và điều chỉnh chính sách hoàn tiền sau khi có báo cáo cho thấy nhiều khách hàng không hài lòng về dịch vụ nhưng không được hoàn tiền như quảng cáo.

    Kỹ sư Pradeep Poonia nói với Fortune rằng Byju’s đã cho thấy startup này chỉ ăn may khi bắt kịp nhu cầu thời Covid-19 mà không phát triển thêm được một sản phẩm thực sự tốt nào cho thị trường ngoài chiến thuật bán hàng phi đạo đức.

    Tượng đài startup 22 tỷ USD sụp đổ: Nhà sáng lập từng được mệnh danh là ‘Á thần’ của làng khởi nghiệp bị cổ đông phế truất, toàn thị trường rúng động- Ảnh 12.

    Tình hình dần trở nên tệ hơn khi các báo cáo kiểm toán của Deloitte cho thấy những khuất tất trong hoạt động của Byju’s.

    Sau 18 tháng trì hoãn, công ty đã công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán 2020-2021 của Byju vào tháng 9/2022. Tài liệu này đã bóc trần sự gian dối của Raveendran khi thổi phồng số liệu, ghi nhận doanh số trên giấy hoặc chưa được thanh toán.

    Kết quả kiểm toán cho thấy khoản lỗ nửa tỷ USD trong khoảng 2020-2021, giai đoạn được Raveendran quảng bá là thời kỳ bùng nổ của công ty. Trên thực tế, chi phí tiếp thị, thu mua đối thủ quá lớn khiến hãng lỗ nặng nhưng lại bị CEO lừa dối.

    Ngay cả trong thời hậu đại dịch, doanh thu của Byju’s cũng chỉ giữ nguyên ở mức 277 triệu USD năm 2021 so với trước đó, thấp hơn rất nhiều so với con số 1,2 tỷ USD báo cáo khống của Raveendran.

    Phía Deloitte đã chủ động chấm dứt hợp đồng kiểm toán viên với Byju’s vào tháng 6/2023 với lý do không minh bạch từ phía startup.

    Hàng loạt đại diện đầu tư nổi tiếng như GV Ravishankar từ Peak XV Partners (trước đây là Sequoia Capital India), Vivian Wu từ Chan-Zuckerberg Initiative và Russell Dreisenstock từ Prosus đã từ chức và rời bỏ hội đồng quản trị.

    Hiện ban điều hành chỉ còn CEO Raveendran, người vợ Divya Gokulnath và em trai Riju Raveendran làm giám đốc.

    Chuyên gia Malpani nói với Fortune rằng về cơ bản mọi người trong ban quản trị đều nhắm mắt làm ngơ trước sự quản lý yếu kém của công ty.

    “Về cơ bản, họ đang bỏ rơi một con tàu đang chìm”, ông Malpani nói.

    Năm 2023, Byju’s đã sa thải hàng trăm nhân viên.

    Tháng 10/2023, giám đốc tài chính Ajay Goel của Byju’s từ chức chỉ sau 6 tháng tại vị.

    Các nhà lãnh đạo hàng đầu khác cũng rời đi, bao gồm giám đốc pháp chế, giám đốc vận hành, giám đốc kỹ thuật và giám đốc kinh doanh.

    Tượng đài startup 22 tỷ USD sụp đổ: Nhà sáng lập từng được mệnh danh là ‘Á thần’ của làng khởi nghiệp bị cổ đông phế truất, toàn thị trường rúng động- Ảnh 13.

    Hiện Byju’s đang xem xét bán lại một số công ty từng thu mua để hoàn trả khoản vay 1,2 tỷ USD trong một vụ kiện tại Mỹ.

    Đầu tháng 2/2022, công ty con Alpha Inc tại Mỹ của Byju đã nộp đơn xin phá sản.

    Trong khi đó Byju’s đã trì hoãn báo cáo tài chính năm 2022 suốt hơn 1 năm qua trước cổ đông.

    Cuối cùng vào tháng 11/2023, startup này cũng nộp báo cáo nhưng chỉ đề cập đến một số hoạt động kinh doanh chủ chốt của Byju thay vì toàn bộ, đồng thời tiết lộ khoản lỗ 288 triệu USD.

    Hãng BlackRock đã cắt giảm 95% giá trị của Byju xuống còn 1 tỷ USD và con số này tiếp tục đi xuống trước những thông tin tiêu cực.

    Đầu tháng 2/2022, CEO Raveendran cố cứu vớt tình hình khi nói với các cổ đông rằng ông đã chi 1,1 tỷ USD tiền riêng của mình để trang trải chi phí trả lương và hoạt động của công ty.

    Quá ngán ngẩm, các nhóm cổ đông đã bỏ phiếu để loại bỏ Raveendran và cải tổ hội đồng quản trị, đồng thời đệ đơn ngăn chặn các quyền huy động vốn của nhà sáng lập.

    Tuy nhiên phía Raveendran không chấp nhận và cho biết sẵn sàng có hành động pháp lý đòi lại công bằng. Vụ việc đã được đưa ra tòa án cấp cao ở bang Karnataka, nơi đặt trụ sở chính của Byju’s.

    Tượng đài startup 22 tỷ USD sụp đổ: Nhà sáng lập từng được mệnh danh là ‘Á thần’ của làng khởi nghiệp bị cổ đông phế truất, toàn thị trường rúng động- Ảnh 14.

    Theo Fortune, vụ việc Byju’s đang khiến nhà đầu tư cả trong và ngoài Ấn Độ run sợ. Toàn thị trường khởi nghiệp nơi đây cũng rúng động vì vụ việc.

    Câu chuyện diễn ra trong bối cảnh không hề sáng sủa của thị trường startup Ấn Độ.

    Số liệu của Tracxn cho thấy dòng vốn tài trợ khởi nghiệp ở Ấn Độ năm 2023 đã xuống mức thấp nhất 5 năm qua.

    Tính đến ngày 6/12/2023, các công ty khởi nghiệp Ấn Độ chỉ nhận được 7 tỷ USD tài trợ cả năm, giảm 72% so với năm 2022.

    Mặc dù ngành khởi nghiệp toàn cầu cũng khó khăn nhưng chưa thị trường nào giảm mạnh như Ấn Độ.

    Tại Mỹ, nguồn vốn khởi nghiệp chỉ giảm 30% trong năm 2023.

    Bởi vậy vụ việc Byju’s đã đè nặng lên thị trường khởi nghiệp Ấn Độ. Riêng trong năm 2023, ngành công nghệ giáo dục Ấn Độ chỉ nhận được 712 triệu USD đầu tư, giảm so với 2,9 tỷ USD vào năm 2022 và 5,3 tỷ USD vào năm 2021.

    Kể từ khi các trường học mở cửa trở lại vào năm 2021, nhu cầu đã giảm mạnh, khiến các công ty khởi nghiệp phải sa thải công nhân hoặc đóng cửa hoàn toàn.

    Năm 2021, khi Trung Quốc chấn chỉnh ngành giáo dục trực tuyến, nhiều người đã kỳ vọng dòng vốn đổ về Ấn Độ để thay thế. Tuy nhiên câu chuyện Byju’s lại cho thấy bộ mặt thực tế xấu xí không như kỳ vọng.

    *Nguồn: Fortune

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ