CEO OnlyFans: Chúng tôi là startup công nghệ thành công tại Anh, doanh thu đạt 5,6 tỷ USD/năm
Cuộc phỏng vấn mới đây của CEO OnlyFans đã hé lộ nhiều góc khuất, những định kiến về nền tảng nội dung người lớn nổi tiếng nhất thế giới này.
- Đi sau các đối thủ khác, CEO Tim Cook vẫn mạnh miệng: Apple sẽ “định nghĩa lại” AI tạo sinh trong năm nay
- Nếu Windows Phone vẫn còn tồn tại, chúng ta có thể sẽ được trải nghiệm Windows 12 Mobile tuyệt vời thế này
- Microsoft từng muốn bán Bing cho Apple, nhưng bị từ chối vì chất lượng tìm kiếm quá tệ
- AI đang dần đẩy chúng ta bước sang thời kỳ mua smartphone như một dịch vụ
- Tại sao pin được xếp cạnh nhau theo hướng ngược nhau?
Nền tảng OnlyFans là nơi nhiều lao động "ngành", người nổi tiếng hay các vận động viên thể thao bán những hình ảnh nhạy cảm lấy tiền. Chúng được Tim Stokely thành lập cùng cha mình vào năm 2016 nhưng bán lại 2 năm sau đó cho nhà khởi nghiệp Leonid Radvinsky người Mỹ, vốn cũng là chủ sở hữu của nhiều trang web đen.
Bà Blair gia nhập đội ngũ quản lý của OnlyFans vào tháng 1/2022 dưới vai trò giám đốc chiến lược và vận hành, sau đó lên chức CEO vào tháng 7/2023 để thay thế Amrapali Gan.
Tờ Business Insider (BI) cho hay trong buổi phỏng vấn gần đây với tờ Financial Times (FT), CEO Keily Blair của OnlyFans cho biết mọi người nên nhìn nhận lại nền tảng này như một hãng công nghệ thành công tại Anh thay vì là một trang web đen.
5,6 tỷ USD
"Chúng tôi muốn mọi người ghi nhận OnlyFan là hãng công nghệ thành công tại Anh", CEO Blair nói.
Theo vị CEO này, OnlyFans không chỉ có những nội dung người lớn mà còn vô số những nội dung hữu ích khác như hướng dẫn tập yoga, các bài đăng về sức khỏe trong bữa ăn sáng... Việc OnlyFans bị ngộ nhận là web đen chủ yếu vì lý do nhiều thành viên tập trung vào các nội dung người lớn mà bỏ qua các mảng nội dung hữu ích khác của nền tảng.
Bởi vậy, CEO Blair cho rằng nên gọi OnlyFans là nền tảng có nội dung người lớn hơn là quy chụp toàn bộ thành web đen.
Số liệu cho thấy nền tảng này thu được 5,6 tỷ USD trong năm 2022 với 3,1 triệu nhà sản xuất nội dung cùng 238,8 triệu người hâm mộ đăng ký thành viên. Bước qua năm 2023, trang web này đã tăng trưởng 17% nhờ chiến lược mở rộng ra toàn cầu.
Hiện OnlyFans chỉ lấy 1/5 số doanh thu của mình để duy trì nền tảng, còn lại đem đi dùng đầu tư và tái phân phối lợi nhuận.
Mỗi nhà sản xuất nội dung của nền tảng sẽ nhận được 80% số tiền đóng góp của thành viên, phần còn lại sẽ được chia cho OnlyFans. Kể từ khi thành lập đến nay, nền tảng này đã trả hơn 15 tỷ USD cho các nhà sản xuất nội dung và con số này vẫn tăng lên đều hàng năm.
Thậm chí trong suốt 2 năm liền, OnlyFans còn lọt vào danh sách những công ty tăng trưởng nhanh nhất ở Châu Âu theo bình chọn của FT.
Trong khi đó, CEO Blair cho biết nền tảng này tuân thủ mọi điều khoản luật pháp tại Anh và hoạt động kinh doanh của họ hoàn toàn hợp lệ.
"Rất nhiều người có sở thích với nội dung người lớn nhưng cũng hứng thú với nội dung hài kịch, thể thao, âm nhạc...và đó là lý do những nhà sản xuất nội dung trên OnlyFans sẽ có cơ hội phục vụ cả ở những mảng khác", CEO Blair nhấn mạnh.
Theo giám đốc của OnlyFans, việc gán danh "khiêu dâm" (Porn) cho nền tảng này là định kiến và tiêu cực khi từ ngữ này mang tính miệt thị toàn bộ những nội dung hữu ích khác mà các nhà sản xuất đăng tải trên trang.
"Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để những nhà sáng tạo nội dung người lớn có một không gian an toàn trên Internet và hãy đối xử công bằng với điều đó", bà Blair cho biết.
Trên thực tế, CEO Blair không phải người đầu tiên cố gắng chính danh lại cho OnlyFans. Người tiền nhiệm Amrapali Gan cũng đã từng chỉ trích những định kiến sai lầm về nền tảng này.
"Chúng tôi tự hào là ngôi nhà hòa nhập cho mọi loại hình nhà sản xuất nội dung, từ người mẫu, nhạc sĩ, vận động viên cho đến diễn viên hài", bà Gan cho hay.
Sinh ra ở Anh, kinh doanh tại Mỹ
Mặc dù được sáng tạo tại Anh nhưng OnlyFans đã được bán cho ông chủ Mỹ chỉ 2 năm kể từ khi ra đời. Bởi vậy nền kinh tế số 1 thế giới hiện đang là thị trường lớn nhất của nền tảng này.
Dẫu vậy do là công ty Anh nên OnlyFans đã trả 250 triệu Bảng Anh, tương đương 316 triệu USD tiền thuế kể từ khi thành lập đến nay.
Bên cạnh các nội dung người lớn, OnlyFans cũng tích cực ủng hộ chiến dịch nữ quyền với các gói tài trợ cho nhiều vận động viên trong mảng võ tổng hợp (MMA) hay tennis.
Trả lời FT, CEO Blair khiến khán giả bất ngờ khi cho biết họ không đo lường hiệu quả các nội dung và tập trung quảng cáo hay khuyến khích vào bất kỳ nhà sản xuất nào. Bởi vậy nền tảng này không quá ưu tiên cho các nội dung người lớn dù chúng thu hút người xem nhất trên nền tảng.
Theo bà Blair, cấu trúc kinh doanh của OnlyFans khá khác biệt so với những nền tảng mạng xã hội khác. Thay vì chăm chú theo đuổi thị hiếu người xem thì nền tảng này cố gắng duy trì tôn chỉ quan trọng nhất là sự tự do của nhà sản xuất nội dung.
Điều này đồng nghĩa OnlyFans sẽ không cổ xúy nội dung hay nhà sản xuất nào, cho dù chúng có thu hút người xem và đăng ký trả phí đến đâu đi chăng nữa.
"Đối với chúng tôi, nội dung kiếm tiền của họ là gì không quan trọng miễn là đáp ứng được các điều khoản dịch vụ, quy định luật pháp. Chúng tôi không cố gắng khuyến khích để thu hút người xem trực tuyến nhiều hơn hay dùng chiêu trò, thuật toán để tìm hiểu sở thích khách hàng", CEO Blair nói thẳng.
Thay vì trả phí và được xem toàn bộ nội dung như những nền tảng khác, OnlyFans chỉ cho phép người dùng theo dõi những kênh mà họ đăng ký, qua đó kiểm soát trải nghiệm người dùng cũng như các nhà sản xuất nội dung.
"Bạn hỏi tôi tại sao không đo lường hiệu suất kiếm tiền của các nhà sản xuất nội dung ư?...Bởi vì với chúng tôi điều đó không quan trọng bằng trải nghiệm người dùng", bà Blair trả lời FT.
Tạo mối liên kết
Theo CEO Blair, mục đích chính của OnlyFans là tạo mối liên kết giữa người hâm mộ với nhà sản xuất nội dung, bất kể nội dung đó là gì nếu không vi phạm luật pháp hay điều khoản dịch vụ của họ.
Quan điểm của nữ giám đốc này là OnlyFans cũng chẳng khác gì Facebook, Instagram, Twitter-X khi người dùng tương tác online ngày một nhiều và biểu đạt tình cảm của mình trực tuyến.
Vốn từng là luật sư nên CEO Blair có quan điểm cực kỳ rõ ràng về vai trò và mục tiêu chính của OnlyFans với cộng đồng người hâm mộ.
Tuy nhiên, nữ giám đốc này cũng thừa nhận nền tảng đang đối mặt nhiều thách thức trước sự trỗi dậy của công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI), vốn có khả năng làm giả ảnh, video rồi ghép mặt bất kỳ người nổi tiếng nào vào.
"Việc xây dựng nội dung AI rất khó và nó đòi hỏi thời gian", CEO Blair thừa nhận nền tảng này đã có hẳn một đội ngũ AI nhằm thiết lập cơ chế riêng cho công nghệ mới.
*Nguồn: FT, BI
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Intel chìm trong khó khăn, buộc chính phủ Mỹ phải ra tay giải cứu, đề xuất cả một thương vụ sáp nhập "không tưởng"
Để giải cứu Intel, chính phủ Mỹ không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn nghiên cứu về đề xuất sáp nhập với đại kình địch AMD.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương