Tại cuộc tọa đàm do Ủy ban Tư pháp Quốc hội chủ trì tổ chức mới đây, cho rằng Điều 292 Bộ luật Hình sự 2015 đã hình sự hóa nhiều hành vi vốn chỉ nên xử lý hành chính, Trưởng Ban Tư pháp VCCI Đậu Anh Tuấn đã kiến nghị bỏ điều luật này và thiết kế lại.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI (Nguồn ảnh: VCCI)
Điều 292 đã hình sự hóa vi phạm hành chính
Trong tham luận chia sẻ tại cuộc đàm nêu trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhận định, Điều 292 đã quy định quá rộng khi xử lý hình sự ngay cả những hành vi kinh doanh có nguy cơ gây nguy hiểm cho xã hội thấp. Về bản chất Điều 292 có nội dung cũng tương tự như hành vi kinh doanh mà không đăng ký kinh doanh trong Tội kinh doanh trái phép của BLHS 1999 (tội danh quy định tại Điều 159 BLHS 1999 đã được Quốc hội khóa XIII quyết định bãi bỏ - PV)
Ông Tuấn nhấn mạnh, đồng ý rằng một số hành vi tại Điều 292 có thể có mức độ nguy hiểm cao với xã hội như kinh doanh vàng tài khoản, kinh doanh đa cấp bất chính… có thể gây thiệt hại lớn cho người dân. Tuy nhiên, xét về bản chất việc kinh doanh trên mạng và không trên mạng không làm thay đổi bản chất, việc xếp hành vi kinh doanh trên mạng vào Điều 292 (tội phạm về mạng) là chưa thực sự hợp lý. Tại sao chỉ một số ít ngành nghề kinh doanh trên mạng nếu không đăng ký thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong khi gần 267 ngành nghề khác thì không? Việc sử dụng mạng có thể làm mức độ phát tán nhanh hơn, hậu quả lớn hơn nhưng cũng nên là tình tiết tăng nặng mà thôi. Cho nên cần tách riêng thành một tội riêng nếu cần thiết.
“Một số hành vi đưa vào xử lý hình sự như hành vi cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, trò chơi điện tử… khi chưa hoàn tất thủ tục đăng ký là quá nặng. Điều đáng ngại là khác với các tội khác, Điều 292 chỉ cần căn cứ vào hành vi mà không xét đến yếu tố động cơ, mục đích nên nguy cơ các hành vi kinh doanh bình thường bị hình sự hoá là rất cao, trong khi các hành vi này đáng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính mà thôi”, ông Tuấn nói.
Đặc biệt, bình luận về điểm e khoản 1 Điều 292 quy định “Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật” vốn là điểm khiến cộng đồng doanh nghiệp CNTT, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ lo ngại, băn khoăn hơn cả, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, điểm này còn quy định theo cách điều khoản quét là các nhóm dịch vụ khác mà không được định danh rõ. Như vậy vô hình trung, quy định này cho phép các bộ, ngành có thể quy định thêm “tội mới” trong BLHS, mỗi khi ban hành thêm một quy định yêu cầu một loại dịch vụ trên mạng nào đó phải xin cấp phép. Ví dụ, các dịch vụ thư điện tử, dịch vụ lưu trữ, dịch vụ tìm kiếm, tra cứu, dịch vụ giải trí như xem phim, nghe nhạc… nếu bộ, ngành nào quy định thêm các dịch vụ này phải xin phép thì đồng nghĩa với việc mở rộng các hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Kiến nghị bỏ Điều 292 và thiết kế lại
Nói về tác động của Điều 292 BLHS 2015 đến các doanh nghiệp CNTT và nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn nhận định, Điều 292 tác động rất lớn đến việc kinh doanh các dịch vụ trên mạng, vốn còn non trẻ, cần khuyến khích phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam hiện nay.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Điều 292 không phù hợp với cách thức kinh doanh trong lĩnh vực thông tin, đặc biệt là các dịch vụ mới, các startup (Ảnh minh họa)
Cũng theo ông Tuấn, Điều 292 không phù hợp với cách thức kinh doanh trong lĩnh vực thông tin, đặc biệt là các dịch vụ mới, các start-ups. Bởi lẽ, với các startups trong lĩnh vực CNTT, phương pháp kinh doanh thường có các đặc điểm: Làm ra sản phẩm thử nghiệm (có thể là website, ứng dụng, trò chơi…), sản phẩm này được cung cấp thử nghiệm cho người dùng và nghiên cứu phản hồi của người dùng; Tỷ lệ thành công rất nhỏ, nhưng đổi lại là nếu thành công thì mang lại lợi nhuận lớn; Sau khi thử nghiệm sản phẩm mà có thành công bước đầu, nhà sáng lập mới bắt đầu tính đến việc đầu tư sâu hơn nhằm thương mại hóa sản phẩm như quảng cáo để thu hút thêm người dùng, bán quảng cáo trên sản phẩm của mình…Trong đó, gồm cả việc thực hiện các thủ tục pháp lý.
“Điều này có được phải đi kèm với chi phí gia nhập thị trường thấp, nếu chi phí gia nhập thị trường tăng cao thì số lượng các sản phẩm được làm ra sẽ giảm mạnh. Không ai bỏ tiền đi đăng ký, xin phép cho một sản phẩm mà có thể sẽ phải vứt bỏ hoàn toàn trong vài tuần tới. Việc yêu cầu sản phẩm phải đăng ký/cấp phép chính là việc làm gia tăng chi phí gia nhập thị trường từ đó cản trở đáng kể ngành này. Do đó, phương pháp quản lý hợp lý hơn là hậu kiểm thay vì tiền kiểm”, ông Tuấn phân tích.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng bày tỏ sự lo ngại quy định tại Điều 292 sẽ dẫn đến hệ lụy là xu hướng dịch chuyển hoạt động kinh doanh ra nước ngoài của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam. Sở dĩ như vậy là vì lĩnh vực mạng có đặc điểm là không biên giới. Hiện nhiều doanh nghiệp CNTT lớn của nước ngoài có thể cung cấp dịch vụ, hoạt động tại Việt Nam mà cách thức quy định, ràng buộc pháp lý hiện nay không tác động được đến họ. Do đó, việc quản lý bằng cách truy cứu trách nhiệm hình sự như Điều 292 sẽ chỉ cản trở doanh nghiệp trong nước, từ đó chuyển thị phần cho doanh nghiệp ở nước ngoài. Thực tiễn việc chuyển kinh doanh trong lĩnh vực CNTT ra nước ngoài đã xuất hiện, đã có trường hợp cá nhân người Việt thành lập doanh nghiệp tại nước ngoài để kinh doanh dịch vụ tại Việt Nam.
Trên cơ sở chỉ rõ những điểm hạn chế, chưa phù hợp của Điều 292, đại diện VCCI kiến nghị bỏ điều 292 và thiết kế lại. Cụ thể, đối với các hành vi nguy cơ cao như: cung cấp dịch vụ kinh doanh vàng tài khoản, kinh doanh sàn giao dịch TMĐT theo phương thức sở giao dịch hàng hóa thì nên bổ sung tội vi phạm quy định về sở giao dịch hàng hóa (trừ chứng khoán) và xử lý các hành vi nguy hiểm, trong đó có thể có cả hành vi cung cấp dịch vụ mà chưa có giấy phép. Đồng thời, có thể cân nhắc bổ sung tội về kinh doanh đa cấp bất chính.
Còn với các hành vi nguy cơ thấp như sàn giao dịch TMĐT mà không theo phương thức sở giao dịch hàng hóa, trò chơi điện tử trên mạng, trung gian thanh toán, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, dịch vụ nội dung thì nên bãi bỏ việc hình sự hoá nếu kinh doanh không phép. Các nguy cơ khác đã có các điều luật khác xử lý khi có vi phạm như lừa đảo, tuyên truyền chống phá, nội dung khiêu dâm, bạo lực…
BLHS 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tháng 11/2015, đã được công bố và thời điểm bộ luật này có hiệu lực là từ ngày 1/7/2016. Tuy nhiên, ngày 29/6/2016, Quốc hội đã ra Nghị quyết 144 về việc lùi hiệu lực của BLHS 2015 và 3 đạo luật liên quan. Quốc hội cũng đã quyết nghị bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và dự kiến trình Quốc hội khoá XIV tại kỳ họp thứ hai. Nghị quyết nêu rõ: Lùi hiệu lực thi hành 4 bộ luật trên từ ngày 1/7/2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS sự có hiệu lực thi hành, trừ một số quy định có lợi cho người phạm tội.
Theo ICT News
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời