Vì sao smartphone bày sẵn trên kệ shop không bao giờ được bán? Hình ảnh này sẽ thay lời muốn nói!
Những chiếc smartphone bày sẵn trên kệ để khách hàng trải nghiệm sẽ phải chịu một số phận hẩm hiu và nhiều rủi ro khác.
Thời đại ngày nay, smartphone đã quá thừa tự tin khẳng định chỗ đứng trong hàng ngũ những vật dụng bất ly thân của con người trong cuộc sống. Gần như mọi nhu cầu quan trọng từ học tập, làm việc cho tới giải trí đều được smartphone giúp ích rất nhiều. Vì vậy, các thế hệ mới cứ lần lượt ra mắt ầm ầm, góp phần khiến các shop mọc lên như nấm để phục vụ nhu cầu sử dụng của dân tình.
Vậy có bao giờ bạn tự hỏi rằng "Tại sao những chiếc smartphone bày sẵn trên kệ chào hàng không bao giờ được lấy ra bán luôn, mà nhất thiết phải vào kho chọn?"
Những chiếc iPhone đặt trên kệ trưng bày không bao giờ được đem đi bán.
Smartphone không phải hộp sữa ở siêu thị
Thắc mắc trên cũng phần nhiều xuất phát từ tâm lý đi chợ hay mua đồ siêu thị của nhiều anh chị em đảm đang mà hay để ý. Tại các quầy hàng của siêu thị, sản phẩm sẽ được bán và chọn lựa trực tiếp, không phải mất công nhìn mẫu rồi vào kho lấy như cách hoạt động của smartphone. Tuy nhiên, tất cả đều do những tính toán và đặc thù chung của sản phẩm, không thể so sánh smartphone với một bó rau, hộp sữa được.
Nếu smartphone trưng bày sẵn trên kệ được cho phép bán luôn, nhược điểm lớn nhất và dễ nhận thấy chính là việc: Đó không còn là hàng "nguyên seal" nữa. Cảm giác mua máy mới 100%, còn nguyên hộp, tự tay bóc seal và mở máy là yếu tố được rất nhiều người săn đón, tạo nên trải nghiệm mãn nguyện trong mọi khoảnh khắc từ khi chờ đợi cho tới lúc sở hữu nó.
Giá trị của một sản phẩm cũng vì thế được bảo toàn, không bị ảnh hưởng bởi yếu tố ngoại lai nào trước khi về tay chủ nhân thực sự. Đây đã, đang và sẽ vẫn luôn là một tiêu chuẩn chung được nhiều người coi trọng, là khuôn phép bắt buộc phải có khi mua đồ công nghệ mới.
Rủi ro tiềm tàng của smartphone khi bị đem trưng bày
Không được unbox, đập hộp đồ mới chỉ là một phần nhỏ ban đầu về trải nghiệm, còn những nhược điểm theo sau mới thực sự là vấn đề chính cần phải để tâm.
Smartphone bị đem bày sẵn trên kệ chắc chắn đã được kích hoạt để sử dụng, dần dần sẽ hao mòn chất lượng và tuổi thọ theo thời gian. Không thể biết trước máy có nằm ngoài khả năng bị va đập do đâu đó hay không, cũng như việc dính bẩn, vân tay... do nhiều người chạm vào. Mọi linh kiện trong máy đều phải hoạt động và bật suốt ngày đêm cho khách hàng dùng thử tại chỗ, chắc chắn không phải điều kiện lý tưởng về lâu về dài.
Pin và màn hình là 2 thứ sẽ hoạt động quá sức nhất so với nhu cầu thông thường. Dưới đây là hình ảnh một chiếc iPhone X trưng bày tại Mỹ bị dính lỗi "burn-in" màn hình tới mức khó mà sử dụng bình thường được:
Ảnh: Reddit.
"Burn-in" là hiện tượng xảy ra khi màn hình liên tục hiển thị một hình ảnh cố định quá lâu. Khi đó, hình ảnh ấy sẽ bị ám lại, trở thành một bóng mờ trên màn hình. Điều này xảy ra phổ biến ở những thế hệ màn hình truyền thống ngày xưa, tới nay đã được nâng cấp hạn chế nhưng chưa thể loại bỏ hoàn toàn. Ít nhất thì những tấm màn LCD, OLED ngày này sẽ không lo bị dính mãi mãi, chỉ một thời gian tạm nghỉ sẽ trở lại bình thường.
Bấy nhiêu những lý do đó, dù hi hữu hay không, cũng là quá đủ để khiến người ta lắc đầu lè lưỡi, kể cả khi có ai đó đề nghị bán máy trưng bày với một mức giá "hạt dẻ" dễ sợ. Đó là lý do một số thương hiệu còn sản xuất các lô máy chỉ để dành riêng cho mục đích trưng bày - chẳng hạn như Samsung - trông y như hãng mới xịn nhưng lược bỏ một số tính năng, chỉ để lại những thứ cần thiết để trải nghiệm.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Để sống đến năm 200 tuổi, tỷ phú Bryan Johnson lại thử nghiệm phương pháp trường sinh mới
Johnson gọi mục tiêu sống đến năm 200 tuổi của mình là “cuộc cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử của Homo sapiens”.
Tại sao Nhật Bản cần lưu trữ 50.000 tấn nước siêu sạch ở độ sâu 1.000 mét? Nó có thể được sử dụng để làm gì?