(NLĐO) - Được đưa về từ băng vĩnh cửu ở Siberia - Nga, đàn virus zombie đã được các nhà khoa học hồi sinh trong phòng thí nghiệm. Kinh dị hơn, chúng bắt đầu lây nhiễm cho các amip bên cạnh.
Khả năng những loại virus "zombie" này lây nhiễm cho động vật bậc cao hơn, bao gồm con người, vẫn chưa rõ ràng nhưng các nhà nghiên cứu cảnh báo điều này cho thấy virus " ngủ đông" dưới băng vĩnh cửu khắp thế giới là mối đe dọa có thật cho nhân loại.
Theo CNN, giáo sư người Pháp Jean-Michel Claverie (từ Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp CNRS và Đại học Aix Marseille) đã tìm thấy các chủng virus "zombie" này trong tình trạng bị đông lạnh suốt 48.000 năm trong lớp đất của một hồ ngầm, được bao phủ bởi băng vĩnh cửu ở hoang mạc lạnh giá Siberia của Nga, cùng một số mẫu "trẻ" hơn có niên đại 27.000 năm lấy từ một số nguồn khác, bao gồm xác một con ma mút lông xoắn.
Hoang mạc băng giá Siberia đang dần tan chảy do biến đổi khí hậu - Ảnh: FORBES
Giáo sư Claverie và các cộng sự đã đem các "zombie" này về phòng thí nghiệm và thử hồi sinh nó. Y như phim kinh dị, các thây ma bé nhỏ này không những sống lại mà nhanh chóng hoạt động y như chưa từng trải qua hàng chục ngàn năm trong mộ băng.
Các amip - sinh vật đơn bào bé nhỏ - được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm được cho tiếp xúc với virus và nhanh chóng bị các "thây ma" cổ đại lây nhiễm.
"Chúng tôi xem những loại virus lây nhiễm amip này là vật đại diện cho tất cả các virus khác có thể tồn tại trong băng vĩnh cửu. Chúng tôi thấy dấu vết của nhiều, rất nhiều loại ở đó. Nếu virus đã lây cho amip vẫn còn sống thì không có lý do gì khiến các loại khác sẽ không còn sống và còn khả năng lây nhiễm cho vật chủ" - giáo sư Claverie cảnh báo.
Công trình vừa được công bố trên tạp chí Viruses.
Nghiên cứu đóng góp thêm cho hồi chuông "báo động đỏ" mà các nhà khoa học khắp thế giới đã gióng lên trong những năm qua, khi mối đe dọa các virus và vi khuẩn cổ đại hồi sinh khi sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra làm băng vĩnh cửu tan chảy khắp nơi.
Lời đe dọa có thể đã từng thành hiện thực vào năm 2016, khi vi khuẩn gây bệnh than bất ngờ xuất hiện ở Siberia, lây nhiễm cho người và tuần lộc. Nó bị giới khóa học nghi ngờ là loài vi khuẩn cổ đại đã hồi sinh sau 2 triệu năm ngủ đông.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming