Vô vàn căng thẳng, muộn phiền mùa Tết: Đây là 4 nguyên nhân và cách giúp bạn vượt qua chúng

    zknight,  

    Trưởng thành rồi, Tết sẽ không còn vui như hồi bạn còn nhỏ.

    Bạn nghĩ Tết là khoảng thời gian vui vẻ và tuyệt vời nhất trong năm? Có thể điều đó đúng với bạn, nhưng không có nghĩa là nó đúng với tất cả những người khác.

    Mẹ tôi thường than vãn rằng Tết khiến bà vất vả hơn, bởi phải mua bán làm lụng quá nhiều, đi chợ từ sáng sớm trong khi mọi thứ đều trở nên đắt đỏ. Một người bạn của tôi cứ đến Tết là book vé đi du lịch nước ngoài. Với cô ấy, Tết đồng nghĩa với những áp lực khi phải ở nhà, bố mẹ, ông bà và tất cả họ hàng hễ gặp là đều giục "lấy chồng".

    Lạc lõng giữa những hình ảnh gia đình ấm cúng trên quảng cáo TV, trước các cửa hàng mặt phố và trên mọi trang bìa tạp chí, đối với nhiều người, Tết thực sự không phải khoảng thời gian vui vẻ cho lắm.

    Vô vàn căng thẳng, muộn phiền mùa Tết: Đây là 4 nguyên nhân và cách giúp bạn vượt qua chúng - Ảnh 1.

    Vô vàn căng thẳng, muộn phiền mùa Tết: Đây là 4 nguyên nhân và cách giúp bạn vượt qua chúng

    Holiday Blues (Nỗi buồn dịp nghỉ lễ) là những thuật ngữ thường được sử dụng để mô tả cảm xúc của những người cảm thấy không vui trong dịp lễ Tết. Mặc dù không có thống kê cho thấy tỷ lệ trầm cảm hoặc tự tử gia tăng trong dịp lễ, các chuyên gia đều đồng ý rằng Holiday Blues là có thực.

    Khoảng thời gian cuối năm cũ, đầu năm mới thường tạo ra nhiều điều kiện cho căng thẳng len lỏi vào cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là với những ai đang cô đơn, mới mất người thân, người gặp căng thẳng về tài chính hoặc những bệnh nhân đã mắc trầm cảm lâm sàng.

    Hãy cùng điểm qua một số yếu tố nguy cơ gây Holiday Blues và cách giúp bạn phòng tránh chúng:

    1. Cố gắng làm quá nhiều việc, tuân theo truyền thống và chủ nghĩa cầu toàn

    Lễ Tết có thể đưa bạn vào một áp lực phải cố gắng làm và hoàn thành mọi thứ - từ deadline công việc trước ngày nghỉ, sau đó đến dọn dẹp nhà cửa, mua sắm thực phẩm, đồ đạc, cây cối trang trí, chăm sóc con cái, lên kế hoạch cho kỳ nghỉ, những bữa tiệc, về quê, thăm gia đình, họ hàng…

    Đối với nhiều người Tết thường là thời điểm rất bận rộn. Công việc và những mối quan hệ xã hội có thể cuốn bạn vào một vòng xoáy không dứt. Nhiều khi phải đến tận ngày đi làm trở lại, bạn mới chợt nhận ra mình không có nổi một ngày thực sự nghỉ ngơi trong dịp Tết này.

    Áp lực tăng cao và nỗi sợ không hoàn thành mọi việc là một trong những tác nhân phổ biến nhất gây ra trầm cảm dịp nghỉ lễ, đặc biệt với những người có tính cầu toàn.

    Đa số những người cầu toàn nghĩ rằng Tết là dịp quan trọng nhất năm, nên họ phải dọn dẹp nhà cửa một cách tỉ mỉ, mua những món đồ hoàn hảo và làm những bữa ăn thịnh soạn nhất có thể.

    Nhưng sa lầy vào chủ nghĩa cầu toàn có thể đánh tụt cảm xúc của bạn. Người cầu toàn sẽ có quá nhiều việc phải làm và họ không thể dừng lại khi chưa hoàn thành chúng.

    Cộng thêm vào đó, dịp lễ Tết sẽ khuyếch đại khối lượng công việc lên gấp bội, với rất nhiều sự kiện, nghi lễ, và nghĩa vụ. Nhiều công việc khiến bạn stress một cách không cần thiết.

    Vậy giải pháp là gì?

    Vô vàn căng thẳng, muộn phiền mùa Tết: Đây là 4 nguyên nhân và cách giúp bạn vượt qua chúng - Ảnh 2.

    Dịp lễ Tết sẽ khuyếch đại khối lượng công việc lên gấp bội, với rất nhiều sự kiện, nghi lễ, và nghĩa vụ (Ảnh nhatanhngx, Vinh Hồ)

    Đầu tiên, hãy tạo một danh sách ưu tiên các việc quan trọng nhất cần làm. Hãy thử nghĩ nếu bạn có thể tối giản kỳ nghỉ Tết của mình xuống hết mức có thể, điều gì bạn sẽ muốn làm và điều gì không?

    Sau đó, thêm dần các công việc khác nếu bạn nghĩ mình vẫn còn thời gian để làm chúng, xếp thành một danh sách ưu tiên: (1) việc gấp cần làm, (2) việc cần làm nhưng không gấp, (3) việc gấp mà lại không cần thiết phải làm và (4) việc không gấp và cũng không cần làm.

    Tiếp theo, hãy cho mình thoát ra khỏi chủ nghĩa hoàn hảo. Bạn không nhất thiết phải làm những việc trong mục (3) và mục (4). Thay vào đó, bạn có thể tập trung làm những việc ở mục (1) và (2) sau đó dành thời gian cho bản thân mình.

    Hãy yêu cầu sự giúp đỡ nếu cần thiết. Làm việc cùng nhau trong dịp lễ cũng là cách để mọi người gắn kết lại với nhau, giải tỏa những căng thẳng và trở nên vui vẻ hơn.

    Cuối cùng, có một điểm đặc biệt trong tâm lý của mọi người trong dịp Tết. Đó là việc chúng ta thường vô thức tự ép bản thân mình phải tuân thủ những truyền thống. Bạn nghĩ Tết phải mua cả quất cả đào mới là Tết, phải tổ chức linh đình mới vui, phải mời đông đủ họ hàng, anh chị em bên nội bên ngoại… vì mọi năm bạn vẫn làm như vậy.

    Nhưng bạn có thể quên không tính đến những điều kiện đã thay đổi, ví dụ như bạn mới có con cái, việc chi tiêu thời gian và tiền bạc trong Tết trở nên khó khăn hơn. Những ông bà lớn tuổi thường đến ăn Tết nhà bạn mọi năm không còn đủ sức khỏe, trong khi đó, con cháu của họ quá đông, để làm một bữa tiệc lớn theo truyền thống sẽ đặt rất nhiều áp lực lên gia đình bạn.

    Lời khuyên ở đây là: ngay cả một truyền thống cũng cần phải được đánh giá lại trong các điều kiện mới của năm mới. Nếu nó đem lại nhiều rắc rối, nhiều lo lắng và căng thẳng hơn niềm vui, bạn có lý do để bỏ truyền thống đó và xây dựng những truyền thống mới tốt hơn.

    2. Kỳ vọng quá nhiều sẽ khiến bạn không hạnh phúc

    Vô vàn căng thẳng, muộn phiền mùa Tết: Đây là 4 nguyên nhân và cách giúp bạn vượt qua chúng - Ảnh 3.

    Mọi người có thể dự đoán hoặc kì vọng về kỳ nghỉ qua những gì họ thấy trên TV

    Hy vọng về một kỳ nghỉ hoàn hảo như tranh vẽ có thể khiến bạn rơi vào thất vọng, thậm chí thể hiện các triệu chứng trầm cảm. Nó thậm chí còn đặt ra áp lực đối với bạn, một áp lực phải vui trong ngày Tết sẽ còn khiến bạn buồn hơn nữa.

    Nếu bạn kỳ vọng quá nhiều về mức thưởng Tết, bạn có thể ôm ngay một nỗi buồn lớn ngay trước khi được nghỉ. Hoặc nỗi buồn cũng có thể đến khi bạn xem quảng cáo trên TV, chiếu những cuộc sum vầy vui vẻ của cả gia đình, trong một căn nhà khang trang đầy ắp quà bánh, đào mai?

    "Mọi người có thể dự đoán hoặc kì vọng về kỳ nghỉ qua những gì họ thấy trên TV", Mark Sichel, một bác sĩ tâm thần, nhà trị liệu tâm lý và tác giả cuốn sách "Chữa lành những tổn thương từ vết rạn nứt gia đình" cho biết.

    "Thực ra, kỳ nghỉ lễ không bao giờ chính xác như những gì mọi người dự đoán và kỳ vọng, bởi vậy, nó thường gây thất vọng. Những xung đột trong gia đình cũng có xu hướng xuất hiện nhiều vào dịp nghỉ lễ".

    Đặc biệt khi nói đến chủ đề gia đình, điều quan trọng để quản lý kỳ vọng của bạn là đừng hy vọng mọi thứ sẽ hoàn hảo.

    Nếu bạn nhận thấy những ngày lễ trong năm thường là khoảng thời gian xung đột phát sinh trong gia đình, hoặc gần đây bạn mới mất đi một người thân, mong cầu sự hòa thuận hoặc không khí vui vẻ trong dịp Tết có thể khiến bạn thất vọng và lo lắng thêm.

    Trong trường hợp này, hạ mức kỳ vọng của bản thân và nhìn vào thực tế, với những điểm tích cực dù nhỏ bé trong hoàn cảnh của bạn sẽ là một cách giúp đỡ. Hãy để tâm đến những điều khiến bạn thấy biết ơn.

    Đó có thể là nụ cười chị gái của bạn, người vui tính luôn luôn làm nhiệm vụ gắn kết các thành viên trong gia đình rạn vỡ lại với nhau. Hãy chỉ kỳ vọng những niềm hạnh phúc nho nhỏ, như việc bạn sẽ có 9 ngày nghỉ trước mặt, bạn có thể cho mình khoảng thời gian để làm mới bản thân…

    "Hãy dự trữ những gì bạn có thể biết ơn", bác sĩ Sichel nói. "Lòng biết ơn có lẽ là liều thuốc giải độc tốt nhất để chống lại trầm cảm".

    3. Đừng so sánh Tết của bạn với Tết của người khác

    Vô vàn căng thẳng, muộn phiền mùa Tết: Đây là 4 nguyên nhân và cách giúp bạn vượt qua chúng - Ảnh 4.

    So sánh bản thân bạn với những người khác chỉ là công thức để gia tăng nỗi buồn và sự cô lập (Ảnh:Tuấn Anh)

    Tâm lý so sánh là điều khó tránh khỏi, nhất là trong dịp Tết. Bạn có thể so sánh bản thân và gia đình mình với những người xung quanh, cả trong đời thực và trên mạng xã hội.

    Và nếu không may bạn có một gia đình không hoàn hảo, một chấn thương tâm lý trong quá khứ, một thiếu thốn nào đó trong dịp Tết, so sánh bản thân bạn với những người khác chỉ là công thức để gia tăng nỗi buồn và sự cô lập.

    Và như bác sĩ Sichel chỉ ra, những so sánh này đều có xu hướng bị sai lệch - và chúng thường khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ về bản thân mình hơn là cảm thấy hạnh phúc.

    Thực ra, hầu hết mọi người đều có những vấn đề của riêng mình, khi trưởng thành và phải đối mặt với bộn bề cuộc sống, gần như mọi người đều không có được một cái Tết hoàn hảo như trong tưởng tượng hoặc một cái Tết như thời thơ ấu.

    4. Hãy chăm sóc bản thân: Hạn chế rượu bia, ăn uống lành mạnh và tập thể dục

    Vô vàn căng thẳng, muộn phiền mùa Tết: Đây là 4 nguyên nhân và cách giúp bạn vượt qua chúng - Ảnh 5.

    Rượu có thể đem đến niềm vui nhất thời, nhưng nó chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng căng thẳng và muộn phiền

    Đối với nhiều người, cuối năm là thời điểm bận rộn nhất trong năm. Áp lực công việc chồng chất và bạn còn phải thực hiện thêm những nghĩa vụ xã hội với gia đình, bạn bè. Lúc đó, các thói quen lành mạnh như việc đi tập gym, chạy bộ, tự nấu nướng ở nhà thường bị bạn gạt bỏ sang một bên để có được thời gian.

    Thế nhưng, đó là lựa chọn sai lầm, bởi việc không tập thể dục, ăn uống kém lành mạnh cũng có thể làm trầm trọng hơn cảm giác căng thẳng, lo lắng và trầm cảm.

    Lời khuyên là dù Tết thì Tết, bạn cũng đừng quên chăm sóc bản thân - đừng ăn quá nhiều và uống quá nhiều. Hãy giữ thói quen tập thể dục đều đặn.

    Bác sĩ Sichel nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh uống rượu. Rượu có ở khắp mọi nơi trong những ngày lễ Tết, và nếu bạn đang có một sự căng thẳng và muộn phiền sẵn trong lòng, có lẽ bạn đừng nên uống rượu.

    Rượu có thể đem đến niềm vui nhất thời, nhưng nó chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng căng thẳng và muộn phiền.

    Tham khảo Huffpost, Experiencelife, Webmd

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ