Vụ ong đốt người ở Hải Phòng: Tuyệt đối đừng la hét, đừng xua tay, chuyên gia nói bạn chỉ nên làm duy nhất một điều này

    Thanh Long,  

    Một góc quay tiết lộ ít nhất 4 sai lầm mà chúng ta có thể rút kinh nghiệm từ vụ việc.

    Sáng 22/5, một khách sạn ở đường Lê Hồng Phong, Hải Phòng tổ chức phá tổ ong khiến nhiều người đi đường bất ngờ bị ong đốt. Ít nhất 4 nạn nhân đã phải nhập viện.

    Đơn vị tiếp nhận các nạn nhân tới cấp cứu cho biết 2 người bị ong đốt nặng nhất là một bé gái khoảng 12-13 tuổi và mẹ, mỗi người đã bị ong đốt gần 100 nốt ở khắp vùng đầu, mặt, bên trong tai và thân người.

    Một cụ bà hơn 80 tuổi cũng bị ong đốt, tập trung ở vùng đầu và mặt với hơn 20 nốt. Ngoài ra, còn có bé trai 1 tuổi được người dân che áo kịp thời nên tình trạng nhẹ nhất cũng với 7 vết đốt, trong đó có một nốt ở sát mắt.

    Vụ ong đốt người ở Hải Phòng: Tuyệt đối đừng la hét, đừng xua tay, chuyên gia nói bạn chỉ nên làm duy nhất một điều này- Ảnh 1.

    Hiện trường vụ việc: Sai lầm đầu tiên là chọn xử lý tổ ong vào ban ngày, thời điểm bên dưới tổ ong có rất nhiều người đi lại. Bởi khi tổ ong bị phá, đàn ong sẽ nhận diện tất cả những người nào, sinh vật nào đang chuyển động xung quanh đó là kẻ thù, chứ không chỉ riêng người mặc quần áo bảo hộ này.

    Trên thực tế, ong tấn công người không phải một tai nạn quá hiếm gặp. Vào mùa hè và mùa thu, các bệnh viện tại Việt Nam thường tiếp nhận hàng chục trường hợp bệnh nhân bị ong đốt, chủ yếu xảy ra ở vùng nông thôn và nạn nhân thường là trẻ em.

    Năm 2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết họ đã tiếp nhận ít nhất 26 trường hợp bị ong đốt. Bệnh viện Nhi Trung ương hàng năm cũng tiếp nhận nhiều ca ong đốt tiên lượng nặng được chuyển lên từ bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện.

    Trong đó, có một trường hợp bé trai 10 tuổi ở Hải Dương tử vong sau khi bị ong đốt hơn 100 nốt vào tháng 9 năm ngoái.

    Bị ong đốt bao nhiêu phát sẽ đe dọa đến tính mạng?

    Theo các bác sĩ, biến chứng nguy hiểm nhất khi bị ong đốt là sốc phản vệ, khi hệ miễn dịch của người bị ong tấn công tạo ra phản ứng dị ứng với nọc độc của ong. Sốc phản vệ gây ra hiện tượng sưng tấy trong đường hô hấp, khó thở vì đường hô hấp bị cản trở, và có thể dẫn tới tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

    Khi bị dị ứng với nọc độc của ong dẫn tới sốc phản vệ, chỉ một vết chích của ong cũng có thể khiến nạn nhân tử vong. May mắn là các trường hợp sốc phản vệ vì nọc ong là rất hiếm gặp.

    Xác suất người bị ong đốt rơi vào trường hợp sốc phản vệ chỉ là 1%, theo Bệnh viện Nhi Boston, Hoa Kỳ. Và nếu được cấp cứu kịp thời, tính mạng bệnh nhân sẽ không bị đe dọa.

    Vụ ong đốt người ở Hải Phòng: Tuyệt đối đừng la hét, đừng xua tay, chuyên gia nói bạn chỉ nên làm duy nhất một điều này- Ảnh 2.

    Một nạn nhân bị ong đốt được đưa đi cấp cứu bằng cáng.

    Trường hợp thứ hai mà ong đốt có thể dẫn tới tử vong, đó là từ độc tính của chúng. Như Paracelsus, cha đẻ của độc học hiện đại từng nói: "Nọc độc ong có thể gây tử vong chỉ khi nó tạo ra được một liều lượng đủ lớn, nghĩa là bạn phải bị ong đốt đủ nhiều để nồng độ chất độc tích lũy đủ cao trong cơ thể."

    Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, một người bình thường có thể chịu đựng được khoảng 10 vết ong đốt trên mỗi pound cân nặng cơ thể, tương đương với 22 vết/kg cân nặng, trước khi chạm tới ngưỡng nguy hiểm tính mạng.

    Như vậy, một người trưởng thành nặng 60 kg có thể chịu được 1.320 vết ong đốt. Trẻ em trong độ tuổi dậy thì, nặng khoảng 40 kg, có thể chịu được 880 vết ong đốt trước khi đối mặt nguy cơ tử vong.

    Dưới ngưỡng chết người, ong đốt sẽ gây ra các triệu chứng nhiễm độc từ nhẹ tới nặng, bao gồm:

    - Sưng tấy, cảm giác buốt, ngứa, bỏng rát tại chỗ bị ong đốt 

    - Phù nề, viêm cục bộ 

    - Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn 

    - Sốt 

    - Co giật 

    - Ngất xỉu

    Vụ ong đốt người ở Hải Phòng: Tuyệt đối đừng la hét, đừng xua tay, chuyên gia nói bạn chỉ nên làm duy nhất một điều này- Ảnh 3.

    Các bác sĩ đang gắp ngòi ong cho một nạn nhân trong vụ việc

    Nạn nhân cần được cấp cứu trong trường hợp bị ong đốt quá nhiều, hoặc xuất hiện triệu chứng toàn thân. Còn nếu chỉ bị ong đốt ít, gây ra các phản ứng cục bộ, ở mức độ nhẹ, nạn nân chỉ cần nghỉ ngơi và tự chăm sóc tại nhà.

    Đa số phản ứng với nọc độc ong ở mức độ nhẹ, chẳng hạn như các vết sưng tấy, sẽ biến mất trong vòng 5-10 ngày.

    Ba sai lầm của những nạn nhân bị ong đốt

    Theo các chuyên gia về côn trùng và sinh thái học, ong về bản chất không phải là loài hung dữ. Chúng chỉ tấn công con người trong hai trường hợp: Một là khi con người vô tình hoặc cố ý xâm phạm đến tổ của chúng. Hai là khi con ong bị quấy rối nghiêm trọng bên ngoài tổ, ví dụ như bị trẻ em tấn công hoặc trêu chọc.

    Theo bản năng, những con ong sau đó sẽ lao vào bất kỳ sinh vật nào đang ở gần chúng. Ong sử dụng thị giác, với tổng cộng 5 con mắt của mình để phát hiện ra những chuyển động đột ngột ở gần mình, thứ mà chúng xác định là mối đe dọa.

    Vì vậy, sai lầm đầu tiên của vụ việc ở Hải Phòng chính là việc con người đã xâm phạm tổ ong, cố gắng loại bỏ nó khi bên dưới có rất nhiều người đi bộ và người điều khiển phương tiện giao thông khác đang chuyển động.

    Lẽ ra việc loại bỏ tổ ong nên được thực hiện vào ban đêm, lúc không có người trong phạm vi nguy hiểm. Bóng tối sẽ làm hạn chế tầm nhìn của ong và hạn chế khả năng chúng đốt người bên dưới.

    Sai lầm thứ hai đến từ phía nạn nhân và những người giúp đỡ. Trong video clip ghi lại tại hiện trường, một số người đã sử dụng áo để quật và phủi vào người nạn nhân bị ong đốt, với mục đích xua đuổi ong.

    Trên thực tế, những hành động này có thể phản tác dụng. Các chuyên gia côn trùng học khuyến cáo bạn không nên xua tay hay dùng vật dụng phủi ong, vì những chuyển động mạnh mẽ này sẽ thu hút thị giác nhạy bén của chúng, và khiến nhiều ong hơn lao vào nạn nhân.

    Ngoài ra, ong cũng sử dụng khứu giác nhạy bén, thứ có thể phát hiện nồng độ CO2 từ hơi thở của bạn để nhắm mục tiêu tấn công. Vì vậy, lời khuyên thứ ba là bạn không nên la hét khi bị ong đốt. Càng la hét thì bạn càng thở ra nhiều CO2 và khiến lũ ong nhanh chóng tìm thấy bạn hơn.

    Đây là sai lầm thường thấy của trẻ em khi bị ong đốt. Giống như video ghi lại tại hiện trường bên ngoài tòa nhà khách sạn ở Hải Phòng, bé gái đã hét lên và điều đó vô hình trung càng thu hút nhiều ong tới hơn.

    Một góc quay từ vụ việc tiết lộ ít nhất 4 sai lầm: Một là việc phá tổ ong vào ban ngày, hai là việc la hét khi bị ong đốt, ba là hành vi xua đuổi ong bằng tay, bốn là việc không bỏ chạy.

    Vậy bạn nên làm gì khi bị ong tấn công?

    James Nieh, một giáo sư sinh thái học tại Đại học California ở San Diego, người nghiên cứu về hành vi của ong, cho biết: Điều duy nhất mà bạn nên làm là chạy, chạy càng nhanh càng tốt về phía trước.

    Chạy là cách duy nhất và nhanh nhất để bạn thoát khỏi vùng nguy hiểm khi bị ong tấn công. Theo nghiên cứu, những con ong hung hãn có thể đuổi theo bạn với tốc độ lên tới 32 km/h. Nhưng nếu là một người trưởng thành khỏe mạnh, với nồng độ adrenaline được bơm vào máu trong trường hợp khẩn cấp, bạn hoàn toàn có thể chạy vượt vận tốc này để thoát khỏi đàn ong.

    Ngoài ra, ong bay theo bầy cũng bị giảm tốc độ so với ong bay đơn lẻ. Vì vậy, bạn hoàn toàn có cơ hội chạy thoát khỏi một đàn ong hung hãn, chỉ cần bạn ý thức được rằng bạn cần phải chạy.

    Trong trường hợp hai nạn nhân bị ong đốt đang đi xe gắn máy ở Hải Phòng, họ hoàn toàn có thể sử dụng xe máy để chạy ra khỏi vùng nguy hiểm. Đáng tiếc, nạn nhân đã xử trí sai lầm khi dừng xe lại, và một lần nữa gặp hai sai lầm liên tiếp nữa là la hét và cố gắng xua đuổi đàn ong bằng tay.

    Vụ ong đốt người ở Hải Phòng: Tuyệt đối đừng la hét, đừng xua tay, chuyên gia nói bạn chỉ nên làm duy nhất một điều này- Ảnh 4.

    Chiếc xe gắn máy nơi hai nạn nhân dừng lại hiện trường, bỏ lỡ một cơ hội vàng để chạy thoát khỏi đàn ong.

    Giáo sư Nieh cho biết khi bị ong đốt bạn nên chạy tới một không gian an toàn và kín đáo, ví dụ như một tòa nhà có cửa kính, hoặc cửa cuốn, ngăn cách hoàn toàn bạn với đàn ong bên ngoài. Ngoài ra, bạn có thể chạy và tự nhốt mình vào ô tô, nhưng phải đảm bảo ô tô kéo kín cửa.

    Đó là bởi chúng ta đặc biệt nên hạn chế tự nhốt mình vào một không gian kín nhưng vẫn có lỗ hở cho phép đàn ong chui qua, chẳng hạn như một nhà kho hoặc một hang động. Những nơi đó có thể cản đường bạn tiếp tục chạy, nhưng không có khả năng cản lũ ong tấn công bạn.

    Một sai lầm nữa là nhảy xuống nước. Giả sử bạn đang ở ngoài thiên nhiên và bị một đàn ong tấn công, nhảy xuống hồ và nín thở có thể giúp bạn trốn trong giây lát. Nhưng giáo sư Nieh cho biết đàn ong sẽ chờ đợi bạn ở phía trên. Mặt nước chỉ có thể câu cho bạn một chút thời gian, ngoài ra, nó có thể khiến bạn bị đuối nước.

    Chạy rồi thì bạn nên làm gì tiếp theo đó?

    Nói tóm lại, một địa điểm trú ẩn an toàn nhất khi bị ong tấn công là nơi bạn có thể hoàn toàn cách ly chúng. Trong trường hợp bạn không tìm được một nơi như thế, trú ẩn trong một không gian không an toàn sẽ là "chiến lược cuối cùng" của bạn, giáo sư Nieh nói.

    Ít nhất thì bạn cũng đã chạy xa nhất có thể để cắt đuôi một số lượng đáng kể ong trong đàn. Nếu không thể chạy được nữa, mà vẫn có những con ong ngoan cố đuổi theo, bạn nên tìm cách bảo vệ khuôn mặt của mình trước tiên.

    Mặt là nơi tập trung các giác quan quan trọng nhất của bạn, vì vậy, bạn sẽ không muốn chúng bị tổn thương. Hãy bảo vệ mắt, tai và mũi của bạn bằng cách trùm áo hoặc vải sáng màu lên đầu. Đó là bởi ong đặc biệt thích tấn công vào những vị trí tối màu, ví dụ như tóc, mắt hoặc lỗ tai.

    Hãy nhớ đặc biệt bảo vệ mắt của bạn, bởi chỉ khi mắt bạn không bị sưng húp lên, bạn mới có thể làm những điều tiếp theo.

    Vụ ong đốt người ở Hải Phòng: Tuyệt đối đừng la hét, đừng xua tay, chuyên gia nói bạn chỉ nên làm duy nhất một điều này- Ảnh 5.

    Một nạn nhân nhí trong vụ việc đã được bảo vệ bằng cách che chắn người. Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống.

    Bây giờ, nếu bạn là một người bị dị ứng với nọc ong, bạn sẽ cần EpiPen. Epinephrine trongEpiPen sẽ giúp bạn phòng ngừa sốc phản vệ và giữ lại tính mạng cho bạn.

    Nhưng trong trường hợp bạn không có tiền sử sốc phản vệ hoặc không phát hiện mình bị sốc phản vệ, lời khuyên là đừng dùng EpiPen. Epinephrine có một tác dụng phụ là nó có thể khiến huyết áp bạn tăng cao và tim bạn đập nhanh đến mức phải nhập viện.

    Điều tiếp theo bạn cần làm là loại bỏ các kim châm hay ngòi của ong ra khỏi da của bạn. Hãy dùng móng tay cạo ngòi ong ra ngoài, thay vì bóp vào phần da chứa chúng. Vì bóp sẽ có thể làm vỡ kim và giải phóng nhiều nọc ong hơn.

    "Hãy cố gắng cạo chúng bằng móng tay", giáo sư Nieh nói. Việc loại bỏ ngòi ong sẽ giúp bạn giảm được lượng nọc ong hấp thụ vào cơ thể. Ngoài ra, ngòi ong cũng phát ra hương thơm và thu hút nhiều ong đến đốt bạn hơn. Vì vậy, bạn sẽ muốn cạo chúng ra khỏi người mình.

    Vụ ong đốt người ở Hải Phòng: Tuyệt đối đừng la hét, đừng xua tay, chuyên gia nói bạn chỉ nên làm duy nhất một điều này- Ảnh 6.

    Ngòi độc của những con ong được lấy ra khỏi cơ thể nạn nhân.

    Cuối cùng, hãy đánh giá tình hình. Nếu bạn bị ong đốt quá nhiều và xảy ra các phản ứng toàn thân, hãy tìm đến cơ sở y tế gần nhất, nơi các bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc kháng histamine, epinephrine (adrenaline) và cortisone để giảm viêm và hỗ trợ hô hấp.

    Trong trường hợp may mắn hơn, nếu chỉ bị ong đốt ít và các phản ứng dừng lại ở mức sưng tấy cục bộ, bạn có thể tự mình xử lý tại nhà. Đá chườm lạnh, kem chống ngứa hoặc thuốc kháng histamine không kê đơn là những thứ sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn, trong thời gian đợi các vết sưng tấy do ong đốt tự lành - dự kiến là khoảng hơn một tuần.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ