Vừa nộp đơn IPO, Xiaomi đã phải đối mặt với những chỉ trích vì xả trực tiếp chất thải công nghiệp ra môi trường
Các chuyên gia môi trường cũng khẳng định đây không phải lần đầu tiên Xiaomi gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên trong quá trình sản xuất phần cứng của hãng.
Trong khi Xiaomi vẫn đang tất bật chuẩn bị cho đợt IPO trị giá hàng tỉ USD thì mới đây, hai tổ chức môi trường đã bất ngờ cáo buộc nhà sản xuất Trung Quốc này vì đã không giám sát chặt chẽ dây chuyên sản xuất của mình.
Cụ thể, vào ngày 12/5 vừa qua, các chuyên gia môi trường đã phát hiện một nhà máy tại Giang Tô chuyên sản xuất linh kiện cho Xiaomi đã xả thẳng nước thải có chứa đồng vào một con sông ở gần đó. Báo cáo của Institute of Public & Environmental Affairs (IPE) và Trung tâm Public Environment Concerned của tỉnh Giang Nam cũng đã xác nhận thông tin này, đồng thời cáo buộc thêm 4 công ty khác chuyên sản xuất màn hình và vỏ case cho các thiết bị di động của Xiaomi cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường xung quanh.
Được biết, nhà máy trên thuộc quyền sở hữu của Ichia Technologies, một nhà sản xuất có trụ sở tại Đài Loan. Trước đó vào tháng 3/2018, nhà máy này cũng từng bị cục môi trường địa phương phạt 18.000 USD vì hành vi tương tự.
Các chuyên gia môi trường đã phát hiện ra một nhà máy chuyên sản xuất linh kiện phần cứng cho Xiaomi xả thẳng chất thải công nghiệp ra một con sông gần đó.
Vào ngày 3/5 vừa qua, Xiaomi đã nộp đơn IPO tại Hồng Kông với mức định giá công ty lên đến 100 tỉ USD và được đánh giá sẽ trở thành vụ lên sàn lớn nhất trên thế giới trong vòng 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường lại cho rằng Xiaomi đã từ chối tiết lộ những ảnh hưởng môi trường do dây chuyền sản xuất tạo ra trong bản cáo trạng của mình.
Đại diện của Xiaomi cho biết: “Chúng tôi giao cho các nhà thầu nhiệm vụ lắp ráp các sản phẩm phần cứng. Chúng tôi không trực tiếp quản lý và vận hành các cơ sở sản xuất nào. Chúng tôi chỉ điều hành một số nhà kho quan trọng và thuê bên thứ ba để vận chuyển hàng hóa cho chúng tôi. Vì thế, chúng tôi không gây ra bất cứ rủi ro lớn nào về môi trường, sức khỏe và an toàn lao động”.
Tuy nhiên, Ma Jun, Giám đốc của IPE lại tỏ ra không đồng tình với quan điểm của Xiaomi: “Chúng tôi tin rằng Xiaomi đã gây ra rất nhiều rủi ro lớn đối với môi trường tự nhiên nhưng lại không tiết lộ trong đơn IPO của họ mặc dù đó là một trong những yêu cầu bắt buộc”. Ông cũng nhấn mạnh những rủi ro về môi trường thường được các nhà đầu tư coi là rủi ro về mặt tài chính.
"Một công ty cổ phần đại chúng nên có trách nhiệm trong việc thiết lập một hệ thống quản lý để quá trình sản xuất diễn ra thân thiện với môi trường hơn", Ma Jun tiếp tục. "Nếu họ tiếp tục gây quỹ đầu tư và mở rộng sản xuất mà bỏ qua điều này thì sẽ càng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên".
Ma Jun, Giám đốc IPE kiêm một chuyên gia môi trường cho rằng Xiaomi đã nhiều lần gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên trong quá trình sản xuất phần cứng của mình.
Ma Jun cũng cho biết đây không phải lần đầu tiên Xiaomi phải đối mặt với những chỉ trích liên quan đến môi trường, và hành động của họ đang ngày càng khiến cho rất nhiều chuyên gia cảm thấy khó chịu. Ông giải thích: “Trong vòng 4 năm qua, chúng tôi đã không ít lần phát hiện ra dây chuyển sản xuất của Xiaomi gây ra ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, họ luôn tránh đối mặt trực tiếp với vấn đề này và chỉ trả lời những thắc mắc của chúng tôi đúng một lần duy nhất trên Weibo vào năm 2015. Đương nhiên, họ vẫn phủ nhận trách nhiệm và khẳng định dây chuyền sản xuất là do các công ty quốc tế khác điều hành”.
Theo số liệu của IPE về dây chuyền sản xuất của các thương hiệu lớn trên thế giới, Xiaomi xếp ở vị trí cuối cùng, đồng nghĩa với việc quá trình quản lý giám sát sản xuất của họ rất hời hợt và thiếu chặt chẽ. Ngược lại, Apple (công ty đứng đầu danh sách này) cùng một số thương hiệu lớn khác đang không ngừng nỗ lực xây dựng những hệ thống thân thiện với môi trường hơn.
Ma Jun cho biết: “Đa số các hãng Trung Quốc hiện nay vẫn chưa có ý thức và khả năng thực hiện điều này. Chúng tôi hy vọng trong tương lai, trách nhiệm về môi trường và xã hội sẽ đóng vai trò quyết định trong thành công của những công ty lớn như Xiaomi”.
Theo Sixthtone
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"