WHO cảnh báo vi khuẩn bệnh lậu kháng tất cả kháng sinh, ít nhất 3 ca bệnh không thể chữa khỏi

    zknight,  

    30 năm trước chúng ta có thể coi thường bệnh lậu, nhưng bây giờ thì không.

    Ít nhất ba trường hợp nhiễm bệnh lậu không thể chữa khỏi vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) báo cáo trên tạp chí PLOS Medicine. Theo đó, hai dòng kháng sinh tốt nhất, được coi là phương pháp điều trị bệnh lậu cuối cùng là azithromycin và cephalosporin ceftriaxone, đã đều thất bại với họ.

    Nguy cơ tử vong của bệnh lậu thấp, nhưng tiềm ẩn nhiều biến chứng lâu dài nguy hiểm. Bệnh nhân tiếp tục sống hòa đồng trong xã hội, khiến lậu trở thành bệnh lây qua đường tình dục phổ biến bậc nhất trên thế giới.

    Theo đại diện WHO, không rõ điều gì sẽ xảy ra nếu các bệnh nhân mang vi khuẩn lậu, loại kháng tất cả thuốc điều trị, tiếp tục lây lan nó sang nhiều người khác.

     WHO cảnh báo vi khuẩn bệnh lậu đã kháng tất cả kháng sinh

    WHO cảnh báo vi khuẩn bệnh lậu đã kháng tất cả kháng sinh

    Lậu là căn bệnh lây qua đường tình dục gây ra bởi vi khuẩn gram âm Neisseria gonorrhoeae. Trong xu hướng kháng kháng sinh gia tăng trên toàn cầu, loại vi khuẩn này tỏ ra quá đề kháng với các loại thuốc phổ thông như penicillin, tetracycline và ciprofloxacin.

    Hai báo cáo mới của WHO còn cảnh báo về một nguy cơ nhiễm vi khuẩn lậu kháng tất cả kháng sinh điều trị. Theo đó, ba ca bệnh được ghi nhận tại Pháp, Nhật Bản và Tây Ban Nha. Đáng lo ngại hơn, chắc chắn đây không phải ba ca bệnh duy nhất.

    Những trường hợp này mới chỉ là đỉnh của tảng băng trôi. Ở các nước đang phát triển và thu nhập thấp, hệ thống chẩn đoán và báo cáo tình trạng nhiễm khuẩn không thể chữa khỏi còn chưa hoàn thiện. Đó mới là nơi bệnh lậu thực sự phổ biến”, nhân viên y tế Teodora Wi từ WHO cho biết.

    Mỗi năm, toàn thế giới có khoảng 78 triệu người mắc bệnh lậu. Vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae lây lan qua tiếp xúc tình dục, âm thầm đến nỗi nhiều người không biết mình mang bệnh. Nếu không thể được điều trị, lậu cuối cùng có thể gây vô sinh, các nhiễm khuẩn cơ hội toàn thân và tăng khả năng nhiễm HIV.

    Trường hợp nặng, bệnh lậu gây nhiễm trùng màng não và tim dẫn đến tử vong.

     Lậu là căn bệnh lây qua đường tình dục gây ra bởi vi khuẩn gram âm Neisseria gonorrhoeae

    Lậu là căn bệnh lây qua đường tình dục gây ra bởi vi khuẩn gram âm Neisseria gonorrhoeae

    Đây không phải là thời gian mà con người có thể chủ quan với bệnh lậu. Nếu như là những năm 1930, các bệnh nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục như chlamydia, lậu và giang mai có thể được điều trị bằng một đợt kháng sinh đơn giản.

    Cho đến những năm 1980, sự có mặt của nhiều loại thuốc và phương pháp điều trị đã khiến chúng ta chẳng buồn quan tâm đến nó. Tuy nhiên, những thập kỷ sau này đã chứng kiến sự gia tăng của các siêu vi khuẩn kháng kháng sinh. Bệnh lậu ngày càng trở nên khó điều trị hơn và báo cáo mới của WHO tại thời điểm này đã ghi nhận điều đó:

    Có tất cả 97% các quốc gia được khảo sát từ năm 2009 tới năm 2014 báo cáo vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae kháng kháng sinh ciprofloxacin. Trong đó, 66% các quốc gia xác nhận sự có mặt của vi khuẩn lậu đề kháng với nhóm kháng sinh cephalosporins phổ rộng (ESC), bao gồm cefixime đường uống và ceftriaxone đường tiêm.

    Đây thực sự là tin xấu bởi ESC được coi là dòng kháng sinh mạnh nhất để tiêu diệt được vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae. ESC thường được phối hợp với azithromycin, ở nhiều quốc gia, nó là lựa chọn cuối cùng để điều trị bệnh lậu. Thế nhưng cũng có tới 81% các quốc gia báo cáo tình trạng kháng và giảm nhạy cảm của vi khuẩn với azithromycin.

    Trong bối cảnh các loại thuốc cũ mất tác dụng, WHO cho biết hiện nay chỉ có 3 loại kháng sinh mới được nghiên cứu để thay thế chúng. Hai trong số đó đang trong giai đoạn 2 của thử nghiệm, một loại trong giai đoạn 3. Chưa một loại nào có mặt trên thị trường để chữa các ca bệnh lậu kháng toàn bộ thuốc hiện tại.

    PHÒNG NGỪA BỆNH LẬU NHƯ THẾ NÀO?

    Lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) có thể lây nhiễm cho cả nam và nữ. Bệnh có thể gây nhiễm trùng cơ quan sinh dục ngoài, trực tràng và cổ họng. Ðây là một bệnh lây nhiễm rất phổ biến, đặc biệt là ở thanh niên trong độ tuổi từ 15-24.

    Nam giới có 20% khả năng mắc bệnh trong 1 lần quan hệ với nữ giới mắc bệnh. Phụ nữ có khoảng 60–80% khả năng mắc bệnh trong 1 lần quan hệ với nam giới mắc bệnh.

    Triệu chứng mắc bệnh lậu ở nam giời là niệu đạo tiết mủ màu vàng hoặc vàng xanh, kèm tiểu buốt, tiểu dắt. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng thường gặp như viêm mào tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt, có thể dẫn tới trạng vô sinh.

    Biểu hiện bệnh cấp tính ở nữ có những triệu chứng như tiểu buốt, mủ chảy ra từ trong niệu đạo, cổ tử cung, màu nâu, vàng hoặc xanh, số lượng nhiều, có mùi hôi. Tuy nhiên, 50-80% trường hợp bệnh lậu ở nữ không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng. Biến chứng thường gặp ở phụ nữ là viêm vùng chậu, ống dẫn trứng, vô sinh và mang thai ngoài tử cung.

    Phụ nữ đang có thai bị lậu không được điều trị có thể bị sẩy thai hoặc lây cho trẻ sơ sinh.

    Bạn có thể tự bảo vệ mình khỏi bị nhiễm bệnh lậu bằng cách:

    • Không quan hệ tình dục với người mắc bệnh lậu

    • Sử dụng bao cao su và các biện pháp quan hệ tình dục an toàn

    • Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, chậu, đồ lót…

    • Khám sức khỏe sinh sản định kỳ và điều trị kịp thời nếu mắc bệnh

    Tham khảo ScienceAlert, WHO

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ