Youtube và nền kinh tế ‘thuyết minh’ 47 tỷ USD: Tăng 1 nghìn tỷ lượt xem, hàng chục triệu đăng ký chỉ bằng một bước cơ bản
Do thuật toán của Youtube hiếm khi khuyến nghị nội dung bằng tiếng nước ngoài cho người dùng nên việc phụ đề ngôn ngữ chẳng có nhiều tác dụng bằng việc thuyết minh.
Vào mùa thu năm 2021, anh Farbod Mansorian đi từ Los Angeles đến North Carolina để nói chuyện với ngôi sao Jimmy Donaldson, vốn được biết đến với nghệ danh MrBeast trên Youtube.
Kênh của MrBeast lớn thứ 5 trên nền tảng này với hơn 130 triệu người đăng ký, nhưng lại chỉ toàn nội dung tiếng Anh và đây là thứ mà Mansorian muốn nhắm đến. Công ty Unilingo của nhà khởi nghiệp này muốn giúp thuyết minh nhiều thứ tiếng khác nhau cho MrBeast để hướng tới 87% dân số không có tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh trên thế giới.
Trên thực tế, công việc làm ăn của Unilingo khá tốt khi họ không chỉ giành được hợp đồng với MrBeast mà còn nhiều Youtuber nổi tiếng khác như Dude Perfect, PewDiePie hay Jubilee. Thậm chí mới đây hãng còn ký hợp đồng thành công với một nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng trên Tiktok nhằm bắt kịp xu thế bành trướng của nền tảng này trong giới trẻ.
Theo ước tính của Mansorian, Unilingo có thể tạo thêm 10 triệu USD lợi nhuận cho các nhà sáng tạo nội dung bằng cách thuyết minh sang thứ tiếng khác để mở rộng tệp người xem.
Bạc tỷ
Theo Youtube, khoảng 2/3 số người xem các nội dung trên nền tảng này đến từ nước khác so với quốc tịch của người tạo video. Bởi vậy, cơ hội làm giàu cho những người như Mansorian là vô cùng lớn.
“Nếu bạn tiếp cận top 10.000 Youtuber nổi tiếng nhất và đề nghị mối làm ăn thuyết minh ra khoảng 20 thứ tiếng thì bạn sẽ tạo thêm ra 0,5-1 nghìn tỷ lượt xem nữa”, anh Mansorian tự tin nói.
Trên thực tế, không riêng gì Mansorian mà nhiều người cũng đã bắt đầu chú ý đến thuyết minh nội dung cũng như mảng kinh doanh mới này.
Tại Ấn Độ, Youtuber Harsha Sai đã có thêm 12 triệu lượt đăng ký khi thuyết minh thêm tiếng Tamil và Hindi bên cạnh tiếng mẹ đẻ Telugu của mình.
Tương tự, kênh Pokemon Asia Official sau khi có thêm thuyết minh bằng tiếng Hindi và Bahasa Indonesia đã có thêm 15 triệu lượt đăng ký. Ngay cả Youtuber 9 tuổi Like Nastya đến từ Nga cũng tạo thêm thuyết minh cho 9 thứ tiếng khác nhau để phục vụ 100 triệu người đăng ký không phải người Nga.
Giới truyền thông nhận định việc tăng cường thuyết minh đang trở thành một xu hướng không thể thiếu trên Youtube và tạo nên cả một ngành kinh doanh bạc tỷ.
“Chúng tôi mới chỉ thuyết minh được 6 tháng thôi nhưng độ lan rộng của các video đã trở nên điên cuồng”, MrBeast nói vào tháng 2/2022 khi quảng bá kênh “MrBeast en Espanol”.
Hiện kênh của MrBeast đã có 23 triệu lượt đăng ký với phần lớn video có đến 100 triệu lượt xem. Theo hợp đồng, Unilingo sẽ thu phí thuyết minh và 10% doanh thu quảng cáo từ những kênh phụ này của MrBeast.
Để có được hiệu quả này, Unilingo đã chi rất nhiều tiền mời người nổi tiếng đến lồng tiếng thuyết minh. Ví dụ cho kênh “MrBeast en Espanol”, Mansorian đã mời người từng lồng tiếng cho phim “Spider Man” đến làm giọng tiếng Tây Ban Nha cho MrBeast, đồng thời kết hợp thêm nhiều hiệu ứng để gia tăng độ phủ sóng. Trong khi đó, Junko Takeuchi, người lồng tiếng cho bộ phim hoạt hình “Naruto” được Unilingo mời lồng tiếng Nhật Bản cho MrBeast.
“Ban đầu có khá nhiều nghi ngờ về mảng kinh doanh này và để thuyết phục được mọi người không hề đơn giản”, anh Mansorian thừa nhận.
Một trong những Youtuber đi tiên phong của mảng thuyết minh này phải kể đến Derek Muller khi kênh Veritasium chuyên về khoa học của ông đã có hơn 13 triệu lượt đăng ký. Vào năm 2018, Muller đã thuê Unilingo để tạo một kênh thuyết minh tiếng Tây Ban Nha mang tên “Veritasium en Espanol”, tách biệt hoàn toàn khỏi kênh gốc để phát triển.
Chỉ trong vòng 5 năm, kênh phụ này đã đem về cho Muller thêm 50.000 USD doanh thu và hơn 200 triệu lượt xem. Mỗi video thuyết minh tiếng Tây Ban Nha của Muller vào lúc nhiều nhất có tới hơn 16 triệu lượt xem.
Nhờ thành công này mà Unilingo hiện đang thuyết minh Veritasium ra 7 thứ tiếng khác nhau.
Xu thế mới
Trong nhiều năm, Youtube đã cố gắng triển khai một hệ thống giúp các nhà sáng tạo nội dung mở rộng độ phủ sóng của kênh mình thông qua thuyết minh tiếng nước ngoài.
Năm 2021, Google đã thử nghiệm ứng dụng “Audio Track”, giúp người dùng nghe thuyết minh được nhiều thứ tiếng trên cùng 1 video. Đến tháng 12/2022, ứng dụng này đã được mở rộng và sử dụng trên nhiều thứ tiếng Ấn Độ khác nhau.
Mới đây, Youtube cho biết có thể họ sẽ áp dụng Audio Track cho toàn bộ nội dung số trên nền tảng này, qua đó tạo nên một cuộc cách mạng mới. Tuy nhiên một số chuyên gia vẫn nghi ngờ về tính khả thi khi phần mềm dịch thuật chưa được mượt, và giọng lồng tiếng cũng chẳng hấp dẫn.
Bất chấp điều đó, việc từ chối đi theo xu thế thuyết minh sẽ khiến các Youtuber đối mặt rủi ro bị loại bỏ, thậm chí đánh mất doanh thu quảng cáo khi những người khác “ăn cắp”. Việc những nội dung số bị các thị trường nước ngoài thuyết minh sang ngôn ngữ của họ mà Youtuber không biết đến hoặc không làm gì được chẳng có gì hiếm lạ.
Một trong những việc làm đầu tiên khi Unilingo ký hợp đồng với các Youtuber là đòi bản quyền nội dung số bằng thứ tiếng khác, bao gồm doanh thu quảng cáo, phí bán hàng cùng nhiều khoản lợi nhuận mà người dùng “ăn cắp” dựa trên video gốc.
Ví dụ như “PewDiePie en Espanol” của Unilingo đã làm sập một kênh người hâm mộ Youtuber này với 100.000 người đăng ký sau khi công ty đăng ký bản quyền bằng tiếng Tây Ban Nha.
Theo một số ước tính, thị trường thuyết minh có thể đạt 47,21 tỷ USD vào năm 2030 trước sự bùng nổ nhu cầu streaming và các nền tảng mạng xã hội. Dẫu vậy, mức thu nhập ít ỏi cho các dịch giả và người lồng tiếng vẫn là rào cản lớn với nghề này.
Tuy nhiên, do thuật toán của Youtube hiếm khi khuyến nghị nội dung bằng tiếng nước ngoài cho người dùng nên việc phụ đề ngôn ngữ chẳng có nhiều tác dụng bằng việc thuyết minh.
Nhận thấy được trào lưu mới, MrBeast vào năm 2023 đã thành lập nên hãng Creator Global, chuyên thuyết minh các nội dung số trên Youtube.
*Nguồn: Rest of World
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"