10 ngành nghề đã tuyệt chủng trong xã hội hiện đại

    Thái Bình,  

    Thế giới này sẽ ra sao nếu không có nông dân, cảnh sát, hay giáo viên? Có khi thực phẩm sẽ được cung cấp bởi các nhà khoa học, cảnh sát là người máy, và con cái chúng ta được dạy học bằng máy tính.

    10 ngành nghề đã tuyệt chủng trong xã hội hiện đại - Ảnh 1.

     Khi Johannes Gutenberg đưa cỗ máy sao chép đến với châu Âu vào thế kỷ 15, nó đã trở thành bước ngoặt phát triển của nhân loại. Thời điểm đó, không còn cần đến những người chép thuê để sao chép lại các văn bản, tư liệu bằng cách chép tay nữa. Người ta đã có thể tạo các bản sao hàng loạt của tài liệu, sách vở với rất ít thời gian. Những công nhân chép thuê không bao giờ nghĩ đến một ngày công việc cần thiết của họ trở thành lỗi thời. Nhưng rút cuộc, công việc đó đã biến mất như vô số ngành nghề khác qua nhiều thế kỷ, nhờ vào sự phát triển của công nghệ thông tin và khoa học.

    Liệu có công việc nào không bao giờ biến mất không? Bạn thử tưởng tượng xem, thế giới này sẽ ra sao nếu không có nông dân, cảnh sát, hay giáo viên. Tất nhiên, nếu bạn đến những địa điểm như các viện bảo tàng hay các khu di tích lịch sử, bạn sẽ bắt gặp người hiện đại làm những công việc đã lỗi thời. Nhưng không ai biết trước được tương lai, có khi thực phẩm sẽ được cung cấp bởi các nhà khoa học, cảnh sát là người máy, và con cái chúng ta được dạy học bằng máy tính. Hãy cùng điểm mặt 10 nghề nghiệp đã đi vào dĩ vãng theo quy luật thời gian nhé!  

      1. Đua xe ngựa:


    10 ngành nghề đã tuyệt chủng trong xã hội hiện đại - Ảnh 2.

    Cuộc đua xe ngựa tại ngày hội Arde Lucus kỷ niệm di sản Gallaecia-La Mã của thành phố Lugo, Tây Ban Nha.

    Đua xe ngựa, môn thể thao phổ biến vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, là một trong những hoạt động giải trí lâu đời nhất của đế chế Roman. Người đua sẽ ngồi trên xe ngựa kéo và đua theo hình oval trong hội trường Roman. Ban đầu, các cuộc đua được dành riêng cho các lễ hội tôn giáo. Nhưng theo thời gian, họ tổ chức đua bất cứ khi nào các quan lại chức trách La Mã tài trợ.  

    Ở thời Rome cổ đại, nô lệ là những người bị bắt phải đua xe ngựa. Nếu người nào đua giỏi, họ có thể kiếm đủ tiền để chuộc lại tự do cho bản thân. Cũng giống như đua ô tô hiện đại, môn thể thao này cũng cần kỹ thuật và kinh nghiệm để sống sót và phát triển.

    Không giống như những cỗ xe quân sự cồng kềnh, đảm bảo độ an toàn nhất định cho người lái, xe đua ngựa có trọng lượng nhẹ và rất bất ổn định. Người đua xe cơ bản phải tự giữ thăng bằng trên trục của chiếc xe trong khi lái.

    Những tay đua xe ngựa đã ra đi cùng với Đế chế La Mã cổ đại. Trừ Charlton Heston, ngôi sao của bộ phim nổi tiếng năm 1959 "Ben-Hur", là người đánh xe ngựa cuối cùng của thế giới.

      2. Vú nuôi:


    10 ngành nghề đã tuyệt chủng trong xã hội hiện đại - Ảnh 3.

    Vú nuôi là một phần không thể thiếu trong văn hóa Rome cổ đại. Bức tranh điêu khắc là hình ảnh vú nuôi đang bế vị thần Jupiter với 2 chiến binh che chở ở trên.

    Vú nuôi là người cho bú thuê, tức là cho đứa trẻ không phải con của mình bú. Nghề nghiệp này trở nên phổ biến và phát triển vào những năm 1000 trước công nguyên, thời kỳ tử vong thai sản và sơ sinh cao. Họ chăm sóc và nuôi những đứa trẻ sơ sinh mồ côi hay những trẻ sơ sinh có mẹ quá ốm yếu. Rất nhiều vú nuôi làm việc trong các bệnh viện từ thiện, nơi chăm sóc trẻ mồ côi, bị bỏ rơi.

    Những gia đình nghèo thì người phụ nữ thường phải đi làm ngay sau khi sinh, nên nhu cầu thuê vú nuôi của họ rất cao. Nhưng những người phụ nữ giàu có cũng thuê vú nuôi cho con bú. Theo quan niệm xưa, cho con bú là “hành vi không phù hợp” với những phụ nữ thượng lưu.

    Không phải bất kỳ phụ nữ có sữa nào cũng có thể trở thành vú nuôi. Họ cần phải khỏe mạnh, sạch sẽ và khéo léo. Mặc dù công việc này có vẻ rất hữu ích, nhưng nó lại gây ra rất nhiều hậu quả. Hầu hết các trẻ sơ sinh được vú nuôi chăm sóc sẽ sống ở vùng nông thôn cùng họ trong vài năm đầu đời. Nhưng tỷ lệ tử vong của chúng cao đến đáng kinh ngạc, khoảng 80%, có thể do bị bỏ bê hay không được chăm sóc tử tế.    

    Vú nuôi dần bị loại bỏ từ thế kỷ 19 và 20 cùng với sự ra đời của sữa tiệt trùng và sữa đóng hộp, cũng như chính sách nghỉ đẻ và trả tiền cho phụ nữ của chính phủ châu Âu. Mặc dù đã gần như đã biến mất, vú nuôi vẫn xuất hiện ở 1 số nơi tại Mỹ vào năm 2015. Những vú nuôi hiện đại này sống cùng gia đình thuê và được trả 1000 đô la 1 tuần.

      3. Thợ làm áo giáp:


    10 ngành nghề đã tuyệt chủng trong xã hội hiện đại - Ảnh 4.

    Trong suốt thời kỳ Trung Cổ, các kỵ sĩ mặc giáp được làm bởi các chuyên gia chế tạo áo giáp.

    Thời Trung Cổ, đàn ông mặc áo giáp thay vì 2, 3 lớp áo thường. Không giống áo thường, áo giáp không được treo bán trong cửa hàng, mà được thợ chế tạo 1 cách tỉ mỉ.

    Thợ làm áo giáp sẽ đo kích cỡ của khách hàng và đẽo 1 khúc gỗ thành hình nộm để làm mẫu. Thép rất hiếm ở thời Trung Âu vì vậy mà người thợ thường đập vỡ mũ và khiên cũ làm nguyên liệu áo giáp. Nghề này thường được truyền lại cho con cháu đời sau trong các gia đình có truyền thống làm áo giáp.

    Người thợ mất nhiều năm để chế tạo ra các bộ áo giáp cho khách hàng. Không ai biết được họ sẽ mặc gì trong khi đợi chiếc áo giáp của mình được thiết kế hoàn chỉnh. Theo thời gian, áo giáp không còn được ưa chuộng nữa. Nó gây trở ngại cho các chiến binh vì quá nặng và cứng. Cho đến giữa thế kỷ thứ 18 và 19, mảnh giáp trước ngực và sau lưng là 2 mảnh giáp còn lại đàn ông châu Âu mặc. Ngày nay, nguời ta làm 2 mảnh giáp này bằng chất liệu Kevlar thay vì thép.

      4. Người pha trò:


    10 ngành nghề đã tuyệt chủng trong xã hội hiện đại - Ảnh 5.

    Bức tranh người pha trò đang diễn hài cho nhà vua xem ở thế kỷ 15.

    Bạn có thể tưởng tượng được nếu Barack Obama thuê một tên hề pha trò cho ông ấy lúc buồn sẽ như thế nào không? Thời Trung Cổ, đó chính là nghề của những người pha trò: mua vui cho vua chúa.

    Người pha trò, thằng hề, xuất hiện trước cả thời kỳ Trung Cổ. Họ được thuê để pha trò và đảm bảo vua chúa, quan lại luôn vui vẻ và không căng thẳng. Để hoàn thành nhiệm vụ, họ pha trò, nhào lộn, kể chuyện cười, và chế nhạo tất cả những ai mình gặp. Người pha trò thường ăn mặc kiểu ngốc nghếch: quần tất từ nhiều mảnh vải màu sắc ghép lại với nhau, áo ragtag, mũ hình tai con lừa với 2 cái chuông ở đuôi tai. Hầu như đàn ông làm công việc này. Nhưng cũng có những “cô hề” pha trò cho các nữ hoàng.

    Những chú hề thường được giáo dục tốt và khá thân thiện. Họ là những người duy nhất có quyền chế nhạo bất kỳ người thuộc giai cấp quý tộc nào mà không bị trách tội. Chú hề cuối cùng của châu Âu là Dicky Pearce, chú hề của gia đình bá tước Suffolk. Pearce chết vào năm 1728 và được chôn cất ở nhà thờ của gia đình vị bá tước này.

      5. Người quét đường cho quý tộc đi qua:


    10 ngành nghề đã tuyệt chủng trong xã hội hiện đại - Ảnh 6.

    Trong thời đại Victoria, những quý bà, quý ông giàu có đã tạo ra một nghề cho những kẻ nghèo khó: đi trước và quét dọn đường cho họ đi, vì họ không muốn bị bẩn giày, gấu váy hay quần.

    Hầu hết những người làm nghề này là trẻ con, hoặc người lớn bị tật nguyền. Họ luôn cầm 1 chiếc chổi và bất kể khi nào có quý bà, quý ông đi qua, họ sẽ quét dọn thật sạch.

    Mặc dù nhiều người thích, cũng có những người giàu có cảm thấy vướng víu và phiền phức khi người quét dọn đường xuất hiện ở tất cả những nơi họ đi bộ qua. Đôi khi họ đánh nhau nếu có kẻ quét lấn sang bên của người khác. Công việc này dần biết mất vào cuối thế kỷ 19 khi vệ sinh môi trường được cải thiện đồng thời với sự xuất hiện của xe ngựa, ô tô.

      6. Người đốt đèn:


    10 ngành nghề đã tuyệt chủng trong xã hội hiện đại - Ảnh 7.

    Công việc này hầu hết dành cho đàn ông. Nhưng cũng có những trường hợp phụ nữ là nguời đốt đèn, ví dụ như bà Ann Eaton đến từ New Jersey năm 1857.

    Trước khi chúng ta có đèn bóng, đèn điện, các hộ gia đình, đường phố và thành phố sử dụng đèn đốt bằng gas hoặc dầu để thắp sáng. Vào đầu thế kỷ thứ 19, thành phố London sử dụng đèn gas để chiếu sáng ngoài đường. Loại đèn này cần người đốt sáng vào tối và dập tắt nó vào buổi sáng. Vậy là công việc đốt đèn sinh ra.

    Riêng ở London đã có khoảng 10 nghìn cái đèn như vậy. Trong khi đó, ở Lowell, Massachusetts chỉ có khoảng 1.000 cái vào năm 1888. Những người làm công việc đốt đèn ở Lowell được trả khoảng 2 đô la mỗi ngày để chăm sóc 70 đến 80 cái đèn. Người đốt đèn được trang bị 1 hộp đựng gas, 1 cái bấc và 1 cái thang.

    Ở London, công việc này rất được coi trọng. Họ duy trì công việc theo các thế hệ trong gia đình, từ bố đến con trai, thi thoảng là con gái. Đây là một công việc khá an toàn. Tai nạn nặng nhất có thể xảy ra là sự nén khí trong bóng đèn thổi ngã người đốt đèn khỏi cái thang của mình. Những người đốt đèn còn kiếm được thêm tiền bằng cách bắt các con bọ bám vào đèn và bán cho các nhà sưu tập côn trùng.

    Như bạn có thể đoán được, công việc này biến mất sau khi có sự ra đời của bóng đèn điện.


      7. Dịch vụ đưa thư bằng ngựa:


    10 ngành nghề đã tuyệt chủng trong xã hội hiện đại - Ảnh 8.

    Một trong những công việc tồn tại ngắn hạn nhất đó là đưa thư bằng ngựa, tồn tại trong 19 tháng. Đây là phương tiện chuyển thư từ trung tâm Mỹ đến phần bờ Tây trong những năm 1800. Ở thời điểm đó, cách liên lạc giữa 2 vùng này khá khó khăn và mất nhiều thời gian. Vì vậy, 3 người đàn ông đứng lên và thiết kế hệ thống vận chuyển thư giữa Missouri và California với hơn 100 trạm thư.

    Có khoảng 80 người làm nghề nay. Họ cưỡi ngựa, chạy liên tục và thay ngựa mỗi 16 cây số tại trạm thư. Mỗi 1 chuyến đưa thư mất khoảng 10 đến 13 ngày với tốc độ hơn 402 cây số mỗi 24 giờ. Đây rõ ràng là một công việc rất vất vả. 80 người đưa thư này có khoảng 400 đến 500 con ngựa.

    Chặng đường đưa thư không hề dễ dàng. Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, hay gặp phải thú dữ, gặp cướp, người đưa thư vẫn cưỡi ngựa và chạy hết lộ trình. Họ kiếm được khoảng 50 đô la mỗi tháng, số tiền khá lớn đối với thời điểm đó.

    Sau đó, đường dây điện thoại Pacific Telegraph, kéo dài từ Nebraska đến California xuất hiện cùng điện báo xuyên lục địa đầu tiên, chấm dứt dịch vụ đưa thư bằng ngựa. Dịch vụ này dừng hoạt động vào năm 1861, nhưng nó mãi sống trong truyền thuyết Mỹ.


      8. Thợ cắt đá:


    10 ngành nghề đã tuyệt chủng trong xã hội hiện đại - Ảnh 9.

    Bạn có bao giờ băn khoăn người xưa bảo quản thức ăn kiểu gì khi chưa có tủ lạnh? Họ dùng 1 chiếc hộp đựng đá mua từ những người cắt và vận chuyển đá đến mỗi khu dân hằng tuần. Các doanh nghiệp chế biến thịt hay sản xuất bia cũng mua đá từ những nguời thợ này.

    Thợ cắt đá thường chọn những dòng sông, hồ, ao có nước nông, chảy chậm vì đá ở đây vào khuôn rất rắn và trong veo. Đầu tiên, họ sẽ sử dụng cày ngựa để giữ cho khu vực họ định cắt không có tuyết rơi. Như vậy cũng làm ấm và làm chậm quá trình đóng băng. Một khi nước đã đông đủ rắn, thợ cắt đá sẽ bắt đầu cắt. Thường thì họ cắt 1 khối đá có kích thước 60 x 182 cm rộng, sau đó gần như cắt nó bằng dụng cụ cắt đá từ sức con ngựa. Cuối cúng họ cắt rời khối băng ra bằng tay.

    Các khối băng sẽ được thả nổi trên 1 con kênh đến nơi mà chúng sẽ được vận chuyển và phân phối. Đây là 1 công việc khá nguy hiểm, người thợ và ngựa của họ hay bị ngã xuống dòng nước lạnh băng khi đang làm việc. Người ta sử dụng đá theo cách này trong những năm 1930, sau đó dừng lại khi tủ lạnh xuất hiện.


      9. Người xếp pin bowling:


    10 ngành nghề đã tuyệt chủng trong xã hội hiện đại - Ảnh 10.

    Các cậu bé xếp pin được chụp ảnh vào 1 giờ sáng năm 1910 tại phòng chơi bowling Brooklyn, kiếm 2 đến 3 đô la 1 tuần.

    Bowling là 1 trong những môn thể thao giải trí phổ biến hàng đầu ở Mỹ. Vào đầu những năm 1900, các chàng trai trẻ được thuê tại các phòng bowling để xếp lại các pin cho khách. Mỗi người xử lý pin của 4 làn mỗi ca, với mức lương 10 xu cho mỗi trận đấu.

    Nhiệm vụ của các cậu bé này là khi khách lăn bóng làm đổ pin, họ sẽ phải dọn những cái pin đã đổ và lăn trả lại quả bóng bowling cho khách. Sau lần lăn bóng thứ 2 của khách, họ sẽ thu lại hết các pin nhanh nhất có thể rồi xếp chúng vào vị trí ban đầu. Công việc này tốn nhiều sức, lương thấp mà hiệu quả kém.

    Gottfried "Fred" Schmidt cuối cùng đã đặt dấu chấm kết thúc cho công việc thủ công này. Ông đã công bố máy đặt pin tự động cho công chúng tại một giải đấu Bowling Mỹ vào năm 1946. Đến những năm 1950, máy đặt pin tự động đã thế chỗ hoàn toàn cho các chàng trai xếp pin thủ công.


    10. Tổng đài viên:


    10 ngành nghề đã tuyệt chủng trong xã hội hiện đại - Ảnh 11.

    Vào những ngày đầu của công nghệ điện thoại, nó chủ yếu hoạt động ở thành phố, Khi được mở rộng vào các khu nông thôn, các công ty điện thoại thường gộp 20 hộ nhà vào chung 1 đường dây để giảm thiểu số lượng dây phải nối.

    Mỗi hộ gia đình trong đường dây chung đó sẽ có số điện thoại riêng với tiếng chuông riêng biết, ví dụ như 4 hồi chuông ngắn, hay 4 hồi chuông dài,... Nếu mẹ bạn gọi cho bạn, điện thoại ở tất cả các hộ gia đình có chung đường dây với nhà bạn sẽ kêu lên. Nhưng bạn sẽ nhận ra đó là cuộc gọi của gia đình bạn nhờ vào tiếng chuông riêng biệt của nhà mình. Các hộ gia đình khác sẽ biết và lờ cuộc gọi đó đi.

    Các hộ gia đình cùng đường dây có thể tự gọi đến cho nhau. Nhưng nếu muốn gọi một nơi khác không cùng chung đường dây phải cần đến tổng đài viên để kết nối bạn với đường dây bạn cần gọi đến. Nhưng với sự ra đời của công nghệ điện thoại tiên tiến, vấn đề này đã được giải quyết dễ dàng. Tuy nhiên, công việc này vẫn tồn tại trong 1 số bệnh viện lớn và tập đoàn lớn.

    Nguồn: howstuffworks.com

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày