10 vấn đề thường xuyên xảy ra với máy tính và smartphone mà bạn không nên coi nhẹ
Đây đều là những vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhưng lại có thể âm thầm "hạ sát" thiết bị của bạn mà bạn không hề hay biết.
Không thể phủ nhận hiệu năng của các thiết bị điện tử sẽ giảm dần theo thời gian sử dụng. Tuy nhiên, nếu máy tính hay chiếc smartphone của bạn thường xuyên gặp phải 1 trong số 10 vấn đề dưới đây thì hãy coi chừng, rất có thể còn có những nguyên nhân khác đang âm thầm phá hủy cỗ máy thân yêu của bạn đấy.
1. Máy hoạt động chậm bất thường
Nếu thiết bị của bạn bỗng nhiên gặp phải tình trạng giật, lag và giảm hiệu năng đột ngột dù bạn mới sử dụng trong một thời gian ngắn, thì thủ phạm rất có thể là những ứng dụng chạy ngầm mà bạn không để ý. Nghiêm trọng hơn là những ứng dụng đó bao gồm cả malware hay thậm chí là các phần mềm đào tiền mã hóa mà bạn vô tình cài đặt trong quá trình sử dụng Internet. Hiện tượng này thường xuyên xảy ra với máy tính, nhưng đôi khi cũng xuất hiện trên smartphone.
Có rất nhiều cách để giải quyết vấn đề trên, nhưng đáng buồn là chẳng có cách nào đơn giản cả. Phương pháp phổ biến nhất là sử dụng các phần mềm diệt virus uy tín để làm sạch hệ thống máy, gỡ bỏ những chương trình mà bạn không sử dụng và vô hiệu hóa những tiện ích mở rộng mà bạn mới cài đặt trên trình duyệt web của mình.
2. Máy xảy ra nhiều hiện tượng lạ
Ngày nay, các hacker có thể sử dụng những ứng dụng keylogger để theo dõi thói quen sử dụng thiết bị của nạn nhân, qua đó dễ dàng chiếm quyền điều khiển hệ thống theo nhiều cách mà bạn chẳng hề ngờ tới. Điều này sẽ gây ra một số hiện tượng như các ứng dụng trong máy tự động đóng/mở, hay các các kí tự bị lặp lại bất thường khi bạn đang gõ phím.
Nếu chỉ xảy ra 1, 2 lần thì nguyên nhân có thể là do lỗi hệ thống và bạn chỉ cần khởi động lại thiết bị là xong. Nhưng nếu tình trạng này xảy ra liên tục với tần suất cao hơn thì đã đến lúc bạn cần phải quét virus cho toàn bộ hệ thống máy và thậm chí là reset lại thiết bị của mình (như cài lại toàn bộ hệ điều hành chẳng hạn).
Với smartphone thì lỗi lặp kí tự khi gõ phím cũng có thể xảy ra do lỗi cảm ứng của màn hình. Vì thế, bạn cũng không nên quá lo lắng mà hãy tìm đến những cơ sở sửa chữa uy tín để khắc phục nhanh nhất của thể.
3. Những email bất thường
Phát tán virus qua các tệp đính kèm trong email từ lâu đã trở thành một phương thức tấn công được nhiều hacker tin dùng. Với sự phát triển của các dịch vụ thư điện tử hiện nay thì những email như trên thường được tự động di chuyển vào thư mục “Spam” để đảm bảo an toàn cho người dùng.
Tuy nhiên, đôi khi bạn vẫn nhận được tin nhắn từ những tổ chức, cá nhân trông khá là đáng tin cậy nhưng bạn chưa từng liên hệ bao giờ. Tuy nhiên, họ lại khẳng định quả quyết bạn đã tương tác với họ, như là đặt mua một sản phẩm nào đó chẳng hạn. Lúc này, bạn cần phải tỉnh táo và không bấm vào bất kì đường link nào gửi kèm trong mail. Nếu muốn xác thực, bạn có thể tra cứu những thông tin liên quan như tên công ty, cá nhân được đề cập trong mail để xác nhận nguyên nhận bạn nhận được mail của họ.
4. Các lựa chọn “Cài đặt” trong máy bị vô hiệu hóa một cách bất thường
Khi malware xâm nhập và lan truyền thành công trong thiết bị của bạn, chúng sẽ âm thầm vô hiệu hóa một số tính năng trong phần “Cài đặt” để dễ dàng tiếp tục tung hoành. Nếu bạn phát hiện ra những tính năng nào bị vô hiệu hóa ngoài ý muốn, hãy lập tức sử dụng phần mềm quét virus uy tín để phát hiện và tiêu diệt những mối hiểm họa đang tiềm ẩn trong hệ thống của bạn.
Mặt khác, các chương trình diệt virus chính là đối tượng đầu tiên mà malware muốn vô hiệu hóa để tiện bề hành động. Vì thế, hãy luôn chắc chắn rằng phần mềm của bạn vẫn luôn hoạt động ổn định, và tốt nhất là hãy sử dụng Microsoft Safety Scanner hay ClamWin Portable cho Windows để đạt hiệu quả cao nhất.
5. Các cài đặt trong ứng dụng bỗng nhiên bị thay đổi
Nếu bạn gặp phải vấn đề nêu trên thì nhiều khả năng những cài đặt trong một số ứng dụng của bạn cũng đã bị thay đổi ngoài ý muốn. Dấu hiệu cơ bản nhất chính là trang chủ trên trình duyệt của bạn đã bị đổi một cách bất thường, giao diện chương trình cũng không còn như trước hay một số lựa chọn cài đặt đã bị xóa bỏ,...
Dù không thực sự đáng lo ngại vì đó có thể dụng ý của nhà phát triển phần mềm mà bạn vừa cài đặt, nhưng “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Hãy kiểm tra thật kĩ lại toàn bộ hệ thống của mình bằng phần mềm quét virus và đưa các cài đặt về mặc định ban đầu.
6. Xuất hiện nhiều các thông báo pop-up
Thông báo pop-up là một tính năng đã rất quen thuộc với bất cứ hệ điều hành hay trang web nào hiện nay. Tuy nhiên, nếu chúng bỗng xuất hiện liên tục đến mức dày đặc thì hãy coi chừng.
Tình trạng này thường xảy ra với các trình duyệt web, nhưng cũng không loại trừ khả năng hệ thống của bạn đang gặp vấn đề mà bạn không hề biết. Khi đó, hãy gỡ bỏ những tiện ích mở rộng không cần thiết, xóa dữ liệu cache và các dữ liệu lịch sử.
7. Máy sập (crash) và tự khởi động lại một cách ngẫu nhiên
Tình trạng này cũng không phải làm hiếm đối với các thiết bị máy tính, đặc biệt là khi đã sử dụng trong thời gian dài. Nguyên nhân thì cũng rất đa dạng: Có thể là do tuổi thọ phần cứng, khâu lắp ráp các linh kiện bên trong xảy ra sai sót hoặc xung đột phần mềm.
Tuy nhiên, nếu tần suất lên đến nhiều lần chỉ trong 1 tuần thì nguyên nhân có thể là do malware chứ không phải phần cứng của bạn. Một lần nữa, phần mềm diệt virus lại tiếp tục trở thành vị cứu tinh cho bạn. Nhưng nếu mức độ quá nghiêm trọng thì rất có thể bạn sẽ phải cài đặt lại toàn bộ hệ điều hành hay thậm chí là thay đổi ổ cứng của mình.
8. Hiệu năng pin quá thấp
Những vấn đề liên quan đến pin thiết bị thường xảy ra với smartphone nhiều hơn là so với laptop. Sau khoảng 3 - 4 năm sử dụng, pin chiếc điện thoại của bạn chắc chắn sẽ không thể hoạt động bền bỉ như trước nữa với hiệu năng giảm nhẹ. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy pin trở nên cạn kiệt nhanh đến mức bất thường thì thủ phạm có thể là một trong những nguyên nhân dưới đây.
Thứ nhất, pin của bạn đã bị chai trong quá trình sử dụng. Lúc này, bạn nên mang máy đến những cơ sở sửa chữa uy tín (tốt nhất là chính hãng) để tiến hành kiểm tra và thay thế nếu cần thiết.
Thứ hai, thiết bị của bạn có những thiết bị chạy ngầm mà bạn không hề biết và ngốn sạch toàn bộ tài nguyên máy, khiến pin mau chóng trở nên cạn kiệt. Các smartphone hiện nay thường được trang bị tính năng cho phép người dùng quét và đóng những ứng dụng không cần thiết, qua đó dễ dàng giải phóng CPU cũng như RAM để máy hoạt động mượt hơn, tiết kiệm pin hơn.
9. Ổ cứng máy tính phát ra âm thanh lạ
Khi ổ máy tính của bạn phát ra những âm thanh bất thường, khó chịu (HDD) hay không chịu đọc, ghi dữ liệu (SSD) thì nhiều khả năng là chúng đã bắt đầu bước vào giai đoạn cuối cùng trong vòng đời của mình. Và một khi đã hỏng phần cứng, thì gần như cách duy nhất bạn có thể cứu vãn là… bỏ tiền ra và mua phần cứng thay thế tương ứng. Tuy nhiên, hãy nhớ backup lại những dữ liệu quan trọng ngay lập tức trước khi ổ cứng của bạn hỏng hẳn và không thể khởi động được nữa.
10. Lượng dữ liệu sử dụng tăng đột biến
Khi sử dụng máy tính hay smartphone, bạn nên có thói quen thường xuyên kiểm tra lượng dữ liệu mà các ứng dụng đang sử dụng bằng Task Manager (Windows), Activity Monitor (macOS) hay Network & Internet (Android). Nếu những ứng dụng này tiêu tốn nhiều tài nguyên hơn bình thường, hãy kiểm tra xem chúng có yêu cầu cập nhật phần mềm hay không. Nếu không, hãy tạm thời xóa bỏ chúng ra khỏi hệ thống, đồng thời chạy các phần mềm bảo mật để chắc chắn rằng không có ứng dụng nào đang hoạt động ngầm ngoài ý muốn.
Theo Gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao cây cối gãy đổ ngổn ngang sau bão Yagi, chỉ riêng cây cau là đứng vững?
Cau có thể tồn tại ở các quốc gia giáp Thái Bình Dương, từ kỷ Phấn trắng cho tới ngày nay, bởi tiến hóa đã trang bị cho loài cây này những đặc tính để đứng kiên cường trong gió bão.
Loài cá 50 triệu năm tuổi này đã khiến các nhà khoa học bối rối trong suốt 200 năm!