2019 được gọi là năm đại họa của biến đổi khí hậu: Chúng ta sẽ phải làm gì trong thập kỷ tới?
Trong năm 2020, một loạt các hội nghị thượng đỉnh về môi trường sẽ tiếp tục được lên lịch.
Trước ngưỡng cửa của một năm mới, chúng ta thường nhìn lại những gì đã xảy ra vào năm cũ. Và trong vấn đề biến đổi khí hậu, 2019 được gọi là một năm "Annus horribilis". Dịch ra từ tiếng Latin, nó có nghĩa là một năm đại họa và kinh khủng.
Năm 2019 chứng kiến mức nhiệt độ gia tăng kỷ lục, được coi là năm nóng thứ hai trong toàn bộ lịch sử nhân loại. Phát thải khí nhà kính một lần nữa phá kỷ lục vào năm nay, sau khi đã đạt được kỷ lục trước đó vào năm 2018.
Hậu quả nhãn tiền là các sự kiện thời tiết cực đoan xảy ra ở khắp mọi nơi trên hành tinh, trong suốt cả năm nay: Bão Idai ở Mozambique, bão Hagibis ở Nhật Bản, một đợt nắng nóng kinh hoàng, phá kỷ lục trên khắp Châu Âu, cháy rừng ở California, miền đông Australia, và cháy rừng Amazon, lũ lụt ở Venice ...
Trong vấn đề biến đổi khí hậu, 2019 được gọi là một năm "Annus horribilis". Dịch ra từ tiếng Latin, nó có nghĩa là một năm đại họa và kinh khủng.
Chưa bao giờ vấn đề biến đổi khí hậu được đẩy lên cao trào như năm 2019. Người dân trên khắp thế giới đã nhận thức được tình trạng khẩn cấp của hành tinh. Thậm chí, Greta Thunberg - một cô bé 16 tuổi người Thụy Điển cũng có thể làm chấn động thế giới với bài phát biểu trong Cuộc họp thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc.
"Mọi người đang phải chịu đựng, đang chết dần. Toàn bộ hệ sinh thái đang sụp đổ. Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của sự tuyệt chủng hàng loạt. Nhưng tất cả những gì các vị nói là về tiền và những câu chuyện cổ tích về phát triển kinh tế. Sao các người dám làm thế?" là lời chất vấn của cô bé -đại diện cho thế hệ trẻ trên thế giới dành cho những nhà lãnh đạo đến từ khắp các quốc gia.
Chúng ta chỉ còn nửa độ C
Trong Thỏa thuận Paris năm 2015, các quốc gia trên thế giới đã đặt ra một mục tiêu hành động: Hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Và nhiều quốc gia thậm chí đã đặt ra một giới hạn an toàn hơn 1,5°C để hướng tới.
Thế nhưng, cho tới cuối năm ngoái, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc đã tuyên bố một thông tin không vui: Trái đất đã nóng lên 1°C. Báo cáo của họ vào tháng 10 năm 2018 đã đặt nền móng cho một chuỗi các sự kiện vào năm 2019, cho thấy thế giới đang ngày càng trôi xa khỏi mục tiêu 1,5°C, và sự khác biệt giữa 1,5°C và 2°C có thể là thảm họa.
"Thông điệp từ phía các nhà khoa học rất rõ ràng, chúng ta chỉ còn nửa độ nữa thôi", Amy Dahan, nhà sử học chuyên nghiên cứu về khí hậu tại Trung tâm nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp, cho biết. Nửa độ nữa để phá vỡ nỗ lực mà chúng ta từng cam kết. Nửa độ để đưa nhân loại vào một Trái Đất đầy rẫy những thảm họa.
Năm 2019 chứng kiến mức nhiệt độ gia tăng kỷ lục, được coi là năm nóng thứ hai trong toàn bộ lịch sử nhân loại.
Theo báo cáo của IPCC, để ngăn chặn Trái Đất nóng lên thêm nửa độ C, chúng ta phải giảm được 45% lượng CO2 phát thải vào năm 2030 - và đạt tới mức "net zero" vào năm 2050. Net zero là một điểm cân bằng, trong đó tổng lượng CO2 thải ra môi trường bằng với lượng chúng ta xử lý được, rút ra khỏi khí quyển.
"IPCC đã cho chúng ta một mốc thời gian rõ ràng: chúng ta có 12 năm để hành động", Caroline Merner, 24 tuổi, một thành viên người Canada của phong trào Youth4Climate cho biết.
Ngay vào tháng trước, Liên Hợp Quốc cho biết từ nay cho tới năm 2030, chúng ta phải giảm được lượng khí thải carbon xuống 7,6% mỗi năm để có cơ hội đạt mục tiêu 1,5°C. Nhưng các nhà khoa học cho biết, lượng phát thải năm 2019 đã tăng 0,6%.
Annus horribilis: Một năm kinh khủng
Trong khi xã hội dường như đã thức tỉnh trước mối đe dọa từ thảm họa khí hậu, những gì ngành công nghiệp thể hiện cho thấy họ vẫn bình chân như vại. Họ có vẻ nhất quyết không chia sẻ những lo lắng của công chúng.
Phát thải khí nhà kính một lần nữa phá kỷ lục vào năm 2019, sau khi đã đạt được kỷ lục trước đó vào năm 2018. Hậu quả nhãn tiền là các sự kiện thời tiết cực đoan xảy ra ở khắp mọi nơi trên hành tinh, trong suốt cả năm nay.
Bão Idai ở Mozambique, bão Hagibis ở Nhật Bản, một đợt nắng nóng kinh hoàng, phá kỷ lục trên khắp Châu Âu, cháy rừng ở California, miền đông Australia, và Amazon, lũ lụt ở Venice ...
Cháy rừng Amazon, ảnh chụp từ vệ tinh hồi tháng 8.
Một kỷ lục tồi tệ nữa cũng đã được chúng ta thiết lập vào năm 2019. Sớm nhất trong lịch sử, cả nhân loại đã dùng hết nguồn tài nguyên bền vững cho cả năm ngay từ tháng 7, theo thống kê của Earth Overshoot Day, dự án đặt ra khái niệm "Ngày vượt ngưỡng".
Ngày vượt ngưỡng là một thời điểm trong năm mà chúng ta dùng hết toàn bộ lượng thực phẩm, gỗ, chất xơ và carbon mà hành tinh có thể tái sản sinh trong một năm. Đó là minh chứng cho những áp lực mà con người đang đặt lên Trái Đất.
Sử dụng tài nguyên quá mức, không đồng bộ và kết hợp với tái sinh không thể giúp chúng ta có được tương lai bền vững.
Trong năm 2019, IPCC cũng đã công bố hai báo cáo khoa học đặc biệt về quỹ đất và đại dương mà con người đang khai thác và sử dụng. Báo cáo cho biết Các đại dương của chúng ta đang rất bất ổn. Khoảng 1,4 tỷ tỷ mét khối nước trong đó đang dâng lên, ấm hơn, hòa tan ngày càng nhiều axit nhưng lại mất bớt oxy.
Một thực tế, hầu hết các bẫy nhiệt trên Trái Đất đều được đại dương hấp thụ. Đó chính là tấm lá chắn bảo vệ chúng ta khỏi biến đổi khí hậu. Giữa bối cảnh những bẫy nhiệt CO2 này chưa có dấu hiệu suy giảm, hoạt động của đại dương bị phá vỡ có thể chỉ là sự khởi đầu cho một quá trình chuyển đổi đại dương đầy thảm họa.
Chúng ta sẽ phải chứng kiến một Bắc Cực không hề có băng, lần đầu tiên trong lịch sử và sau đó sẽ diễn ra thường xuyên.
Trong năm 2019, diện tích băng biển ở Bắc Cực đã giảm xuống mức thấp thứ hai trong lịch sử, nhỏ hơn 2 triệu km2 so với mức băng tối thiểu trung bình trong các thập kỷ trước.
Nếu hành tinh ấm lên thêm 2oC trong thế kỷ này, băng ở Bắc Cực có thể sẽ tan chảy hoàn toàn vào tháng 9, cứ mỗi 3 năm một lần. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ phải chứng kiến một Bắc Cực không hề có băng, lần đầu tiên trong lịch sử và sau đó sẽ diễn ra thường xuyên.
Băng tan cũng khiến cho mực nước biển dâng lên. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature dự báo đến năm 2050, khoảng 150 triệu người trên khắp thế giới sẽ phải sống trong các khu vực thấp hơn mức đỉnh triều cường. Một số thành phố ven biển sẽ bị nhấn chìm khi mực nước biển sẽ dâng lên từ 1-2m.
Đến năm 2050, khoảng 150 triệu người trên khắp thế giới sẽ phải sống trong các khu vực thấp hơn mức đỉnh triều cường.
Mối đe dọa từ biến đổi khí hậu trở nên rõ rệt đến nỗi Indonesia, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên Trái Đất, đã quyết định chuyển thủ đô của mình đến một thành phố mới, nơi sẽ không sớm chìm xuống dưới mực nước biển.
"Chúng ta đang tận mắt mình chứng kiến những sự biến đổi khí hậu", Le Quere nói. "Thực tế đang buộc chúng ta phải hành động".
Đứng trước biến đổi khí hậu, mọi đất nước đều trở nên bình đẳng hơn
Gắn chặt với hệ thống khí hậu, Châu Phi được dự đoán sẽ là lục địa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của những biến đổi của hành tinh trong thập niên 2020. Họ sẽ phải đối mặt với những đợt nắng nóng cực đoan hơn, những cơn bão bụi và bão nhiệt đới lớn hơn. Lượng mưa thất thường, lũ lụt và hạn hán trên diện rộng.
Ở miền nam châu Phi, người dân đang chứng kiến những cơn mưa đầu mùa hạ đến trễ hơn với lượng mưa ít hơn. Và tình hình được dự đoán sẽ còn xấu đi trong những thập niên tới. Nền nhiệt ở Châu Phi được dự đoán sẽ tăng từ 5 độ trở lên, đặc biệt là ở các khu vực Namibia, Botswana và Zambia, vốn đã nóng vượt quá sức chịu đựng.
Hơn 1.000 người dân Mozambique và Zimbabwe đã chết khi bão Idai tấn công vào Châu Phi.
Thế nhưng, một báo cáo có tựa đề "Hệ quả của biến đổi khí hậu đối với quân đội Mỹ" được phát hành dưới sự hợp tác của Đại học Quân đội Chiến tranh Mỹ Hoa Kỳ và NASA hồi tháng Năm cũng cảnh báo một trong những kịch bản đáng sợ nhất đối với nước Mỹ.
Theo đó, biến đổi khí hậu đang tác động tới các hệ thống tự nhiên như đại dương, sông, hồ, nước ngầm, đá ngầm và rừng... Nó có thể tạo ra một thảm họa chưa từng có cho xã hội Hoa Kỳ với sự gia tăng của dịch bệnh, mất an ninh lương thực, thuốc men, hệ thống điện và nhiên liệu. Thậm chí NASA không loại trừ quân đội Mỹ sẽ bị tan rã trong một kịch bản cực đoan nhất, nếu hệ thống điện quốc gia của họ bị sụp đổ.
Phần nào giống với Châu Phi, được ví như một người mộng du đi tới vực thẳm của biến đổi khí hậu, hầu hết các cơ sở hạ tầng trọng điểm của Mỹ nằm trong danh sách của Bộ An ninh Nội địa từ khi xây dựng đã không được thiết kế để chống chịu với các điều kiện do khí hậu biến đổi gây ra.
Một góc thành phố tại tiểu bang Texas sau khi bị bão nhiệt đới tấn công.
"Theo một nghĩa nào đó, biến đổi khí hậu làm cho tất cả chúng ta trở nên bình đẳng hơn", Alfredo Jornet, giáo sư tại Đại học Oslo cho biết. "Và nó cũng khiến chúng ta hợp tác cùng nhau nhiều hơn".
Điểm sáng là trong năm 2020, một loạt các hội nghị thượng đỉnh về môi trường sẽ tiếp tục được lên lịch. Các chính phủ đã có cơ sở để bắt đầu hành động, những bánh răng ì ạch đầu tiên bắt đầu suy chuyển. 66 quốc gia hiện đã có kế hoạch trung hòa carbon vào năm 2050. Các thành phố London và Paris tuyên bố tình hình sinh thái và khí hậu đã đến mức cấp bách.
Đứng trước mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1.5oC, năm 2020 cũng là một năm bản lề để thúc đẩy các kế hoạch hành động, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển, khi những nền kinh tế tăng trưởng nóng dường như không muốn từ bỏ các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Và Hoa Kỳ - đất nước phát thải lớn nhất lịch sử nhân loại - có vẻ còn đang muốn rút ra khỏi thỏa thuận Paris.
Trạm Năng lượng Lethabo chạy than, đặt tại Nam Phi.
Thách thức hiện tại là rất lớn, nhưng không phải không có những cơ hội. Báo cáo đặc biệt của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu cho rằng nếu có thể trồng thêm 1 tỷ hecta rừng, chúng ta sẽ ngăn được nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C vào năm 2050.
Và một nghiên cứu tại Đại học ETH-Zurich đã chứng minh rằng con người hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đó. Chúng ta đang có một quỹ đất lên tới 3,5 triệu dặm vuông, tương đương 9 triệu km vuông để trồng thêm rừng.
Nó cho phép 1-1,5 nghìn tỷ cây có thể phát triển đến khi trưởng thành. Đó là một con số đáng kể so với 3 nghìn tỷ cây hiện vẫn còn trên Trái Đất. Hơn một nửa diện tích đất trống này nằm ở 6 quốc gia: Nga, Mỹ, Canada, Úc, Brazil và Trung Quốc.
Mấu chốt vẫn nằm ở quyết tâm của liên minh chính phủ và từng quốc gia. Không điều gì có thể tự nhiên diễn ra. Nếu muốn cùng nhau kiến tạo một hành tinh đáng sống hơn, với một tương lai tốt đẹp hơn, không gì khác chúng ta phải bắt đầu hành động ngay từ hôm nay.
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming