50 năm lịch sử của gốm trên đồng hồ cao cấp: từ Rado, Omega tới Rolex, Jaeger-LeCoultre
Dù tồn tại trong đời sống văn hóa loài người từ hàng nghìn năm nay, gốm chỉ mới xuất hiện trên các đồng hồ từ 50 năm nay và nó nhanh chóng mở ra một chân trời mới cho các nhà chế tác đồng hồ hàng đầu trên thế giới.
Bắt đầu xuất hiện vào thời của người Hy Lạp cổ, từ hàng nghìn năm nay, gốm đã đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa của con người thông qua các vật dụng sinh hoạt hàng ngày.
Cho dù quá quen thuộc với con người như vậy, gốm vẫn được xem là sự bí ẩn khi bản thân là một vật liệu vô cơ, không có các tính chất kim loại dù bên trong nó lại chứa các hợp chất kim loại. Trong 50 năm gần đây, sự bí ẩn này đã hấp dẫn các thương hiệu đồng hồ khi họ thử nghiệm nó trong hàng loạt vai trò mới: từ dây đeo cho đến các ổ bi, từ bộ khung cho đến mặt viền đồng hồ.
Sự hấp dẫn của gốm đến từ độ cứng đặc biệt của nó, được hình thành qua quá trình nung (hay thiêu kết trong chế tác hiện đại) dưới nhiệt độ cao – có thể lên tới 20.000 độ C đối với các loại gốm công nghệ cao. Nó cứng đến mức để tạo nên các cạnh hoặc bề mặt như ý muốn, các nhà sản xuất phải sử dụng các đầu khoan hoặc mài bằng kim cương – bởi kim cương là một trong vài vật liệu duy nhất cứng hơn gốm.
Một chiếc bình của người Hy Lạp cổ.
Để có được độ cứng tuyệt vời này, các loại gốm công nghệ cao đều là các hợp chất được chế tạo đặc biệt – một hỗn hợp giữa các liên kết ion và liên kết cộng hóa trị bên trong chúng. Tuy nhiên, độ cứng của nó lại phải đánh đổi với một điểm trừ khác: nó không có được độ bền dẻo dai trước các tác động đột ngột như kim loại. Một bộ khung đồng hồ dù khó có thể trầy xước theo thời gian, nhưng lại có thể dễ dàng vỡ tan dưới cú đập của một chiếc búa.
Độ cứng của miếng gốm còn phụ thuộc vào kích thước và hình dáng của nó, khi những miếng gốm lớn hơn sẽ có nhiều liên kết hơn và làm nó bền vững hơn. Chính vì vậy, khi đưa vào trong những chiếc đồng hồ, gốm thường được sử dụng trên các bộ khung và dây đeo vì nó đủ nặng và đủ lớn để hình thành nên các liên kết bên trong, giữ cho nó sống sót sau những cú va chạm.
Trải qua quá trình nung nhiệt, miếng gốm ban đầu sẽ co lại để chuyển thành kích thước mong muốn.
Những thử nghiệm đầu tiên của Rado và Omega
Năm 1962, Rado chính là thương hiệu đầu tiên thử nghiệm với gốm khi ra mắt chiếc Diastar, chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên trên thế giới có khả năng chống trầy xước. 55 năm sau, bộ khung vẫn nhẵn mịn làm từ tungsten carbide (Volfram Cacbua) của Diastar chính là lời khẳng định tích cực cho loại thiết kế này. Ngoại trừ lớp màu đã phai mờ đi một chút, còn lại gần như không thể nhận ra dấu ấn thời gian khi nhìn vào chiếc đồng hồ này.
Rado Diastar - Dù mang kiểu dáng cũ kỹ nhưng vẻ ngoài của nó hầu như không thay đổi theo năm tháng.
Năm 1973, hãng Omega bắt tay vào việc phát triển lớp vỏ làm từ gốm kim loại (cermet), một loại gốm độc quyền được làm từ nhôm oxit và tungsten carbide. Sau 8 năm nghiên cứu, Omega ra mắt chiếc Seamaster Cermet – chiếc đồng hồ được mệnh danh "hoa tuylip đen" nhờ vào bộ khung màu đen đặc trưng của nó.
Chiếc đồng hồ này đắt đỏ này khó sản xuất đến nỗi nó chỉ được đặt làm theo các đơn hàng đặc biệt với mức giá gấp hơn 5 lần chiếc Speedmaster. Cho dù vậy, nó cũng không hoàn toàn là một chiếc đồng hồ bằng gốm. Trong khi có bộ khung bằng gốm, dây đeo của nó vẫn làm từ thép với các tấm gốm gắn bên trên.
"Tuylip đen" Omega Cermet.
Dù cả Rado Diastar và Omega Cermet đều không phải là các sản phẩm thành công về mặt thương mại, nhưng nó là minh chứng mạnh mẽ cho thấy, gốm hoàn toàn có chỗ đứng trong ngành sản xuất đồng hồ. Không những thế, cả hai thương hiệu này đều được biết đến nhờ việc tạo ra những đồng hồ vỏ gốm.
Năm 1986, IWC cho thấy chỗ đứng của gốm trong các đồng hồ sang trọng
Dưới khả năng chế tác của một hãng nổi tiếng với các thiết kế tiên phong, IWC Da Vinci Ref. 3755 là chiếc đồng hồ chronograph với lịch vĩnh cửu đầu tiên có một bộ khung bằng gốm. Đây cũng là lần đầu tiên bạn có thể lựa chọn màu sắc trên một chiếc đồng hồ bằng gốm, với hai màu đen hoặc trắng.
IWC Da Vinci Ref. 3755.
Cũng giống như Diastar, thiết kế khung của Ref. 3755 trông có vẻ lỗi thời và phải đến năm 1994, IWC mới tung ra một chiếc đồng hồ gốm với bộ khung mang thiết kế cổ điển, chiếc Ref. 3705 Fliegerchronograph.
Chiếc đồng hồ chronograph trong bộ khung bằng gốm đen này là một trong những chiếc đồng hồ IWC hiện đại hiếm hoi nhất, khi chỉ có chưa đến 2.000 chiếc được sản xuất trong thời gian từ 1994 đến 1998. Cũng giống như Diastar, dấu hiệu duy nhất cho sự tàn phá của thời gian trên chiếc đồng hồ này là các con số bị ngả màu (và cả mái tóc hoa râm của người may mắn sở hữu chiếc đồng hồ này).
Chiếc IWC Ref. 3705 Fliegerchronograph hiếm hoi.
Trong khi đó, Rado vẫn tiếp tục phát triển việc sử dụng gốm và vào năm 1990, họ đã tạo nên một thiết kế đặc trưng và trở thành dấu hiệu nhận biết cho thương hiệu trong 30 năm tiếp theo. Rado Ceramica trở thành chiếc đồng hồ đầu tiên có cả bộ khung và dây đeo bằng gốm, trong khi những chiếc như Diastar hay Cermet vẫn phải lắp dây da hoặc dây kim loại phủ gốm.
Trong những năm 1990, Rado còn phát triển gốm plasma (plasma ceramic). Loại vật liệu này được chế tác ban đầu như gốm thông thường, nhưng nó được đưa qua quá trình nung thiêu kết tới 20.000 độ C, để tạo ra một bề mặt sáng bóng của kim loại, nhưng vẫn có các đặc tính của gốm.
Bước đột phá thực sự của gốm công nghệ cao trên đồng hồ đến vào năm 2002, khi hãng Jaeger-LeCoultre bắt đầu sử dụng các ổ bi bằng gốm.
Các ổ bi kim loại trên đồng hồ cần phải được thay dầu và bôi trơn sau một thời gian sử dụng để tránh bị mài mòn, tuy nhiên điều này gây ra sự bất tiện trong phục vụ khách hàng. Lúc này các ổ bi gốm chính là giải pháp các nhà sản xuất cần. Độ cứng của gốm cho phép nó không thể bị mài mòn, ngay cả khi không có chất bôi trơn. Vì vậy, sau Jaeger-LeCoultre, lần lượt các hãng Gerrard-Perregaux và Patek Philippe cũng sử dụng ổ bi gốm trong đồng hồ của mình.
Bên trái là ổ bi của Jaeger-LeCoultre, bên phải là của Patek Philippe.
Nếu IWC đã đưa gốm vào các đồng hồ sang trọng, Chanel lại muốn cho thấy vị trí của gốm trong các đồng hồ thời trang. Năm 2000, Chanel J12, chiếc đồng hồ toàn gốm đầu tiên của hãng thời trang này, được ra mắt. Được thiết kế bởi Jacques Helleu và được đặt tên theo chiếc thuyền buồm J Class sử dụng trong cuộc đua thuyền buồm của Mỹ.
Đó là một chiếc đồng hồ thú vị: kích thước trung bình, bộ khung bằng gốm đơn sắc unisex với vòng bezel xoay được, mang lại một cảm giác trẻ trung, đầy tính thể thao. Thiết kế của nó ấn tượng đến mức hàng loạt thương hiệu lớn nhỏ khác đã sao chép lại nó kể từ khi ra mắt.
Chanel J12 với gốm trắng.
Chanel J12 cũng làm nên một khởi đầu mới cho gốm trên đồng hồ: vòng bezel xoay trên mặt đồng hồ. Đây không chỉ là nơi cần đến các vật liệu bền bỉ, mà còn phải bảo vệ lớp sơn trên đó không bị bạc màu theo thời gian. Vòng bezel bằng gốm là lựa chọn lý tưởng cho điều đó. Nó không chỉ chống trầy xước, mà còn không bị ảnh hưởng bởi tia UV, ngay cả trong 40 năm. Với vòng bezel gốm, màu xanh lục vẫn sẽ là màu xanh lục như ngày nó được bán ra.
Năm 2009, Omega ra mắt chiếc Seamaster Planet Ocean Liquid Metal Limited Edition, sự kết hợp giữa độ cứng của gốm với hợp kim titan được dùng cho để đánh dấu mốc thời gian. Omega sử dụng tia laser để khắc vào trong viền gốm này, sau đó ép hợp kim titan nóng chảy vào các khuôn với kích thước tương tự như chỗ khắc trên vòng bezel. Kết quả, các ký tự trên vòng bezel này sẽ không thể bị lão hóa theo thời gian.
Omega Planet Ocean LiquidMetal với vòng bezel gốm và các ký tự bằng titan.
Từ một điểm nhấn độc đáo cho các thương hiệu lớn, vòng bezel gốm dần trở nên phổ biến trong cả ngành đồng hồ. Vì vậy, các nhà tiên phong trong công nghệ chế tác đồng hồ lại đẩy giới hạn của vật liệu gốm lên một bước cao hơn nữa.
Những bước đột phá lớn tiếp theo của công nghệ gốm trên đồng hồ
Năm 2013, Rolex ra mắt chiếc GMT-Master II Ref. 1157610 BLRN, phiên bản nâng cấp của chiếc đồng hồ thể thao GMT, với vòng bezel gốm hai màu, xanh lục và đen. Đây là lần đầu tiên, hai màu sắc khác nhau xuất hiện trên cùng một vòng bezel gốm, mà không phải hai nửa ghép lại với nhau.
Các vòng bezel gốm đa sắc của Rolex.
Ban đầu vòng bezel này vẫn chỉ mang một màu xanh, nhưng sau đó nó được đưa thêm vào một hợp chất hóa học đặc biệt, giúp chuyển đổi màu xanh của gốm trong quá trình nung cuối cùng. Rolex tiếp tục khai thác công nghệ này, khi vào năm 2014, họ ra mắt vòng bezel gốm phiên bản Pepsi với hai màu đỏ và xanh lục đặc trưng.
Cùng năm với Rolex, Omega cũng ra mắt chiếc Speedmaster Dark Side of the Moon, đồng hồ chronograph gốm đầu tiên có vạch số, khóa dây, nút vặn và nút bấm làm từ gốm. Do đây đều là các chi tiết nhỏ khó chế tác bằng gốm nên trước đây, chúng thường được làm từ thép mạ để có vẻ ngoài trông giống như gốm. Vì vậy, vẻ ngoài độc đáo DSOTM đã tạo một bước đột phá lớn cho Omega. Thành công của nó đã thành tiền đề để Omega ra mắt một bộ sưu tập dựa trên cái tên Dark Side of the Moon.
Bộ sưu tập Dark Side of the Moon của Omega.
Đến đây hẳn nhiều độc giả sẽ thắc mắc: cho đến nay có phải gốm chỉ tạo nên các màu sắc sẫm hay không? Sao không thấy các màu sắc tươi trẻ hơn? Trên thực tế, chỉ có màu vàng và các màu tươi như vậy là khó tạo ra. Nhiệt độ khủng khiếp trong quá trình thiêu kết có thể đốt cháy các màu sắc tươi tắn trên. Hạ nhiệt độ để giữ các màu sắc này lại có thể làm ảnh hưởng đến độ bền của vật liệu.
Năm 2014, Omega ra mắt chiếc Planet Ocean với một màu đặc biệt: vòng bezel màu cam. Đây được xem như một bước tiến lớn của thương hiệu này trong những năm gần đây khi dòng Planet Ocean vốn chỉ có hai màu chủ đạo là xanh lục và đen. Nhưng dường như chi phí đắt đỏ của việc chế tác đã làm Omega không tiếp tục làm vòng bezel gốm màu cam nữa, thay vào đó, màu cam xuất hiện như một phần trong sợi dây đeo cao su của đồng hồ.
Chiếc Omega Planet Ocean với vòng bezel gốm sắc cam tươi trẻ và khác biệt.
Đầu năm 2017, Audemars Piguet ra mắt chiếc Royal Oak Perpetual Calendar, chiếc đồng hồ gốm đầu tiên của hãng. Nó cần đến 600 giờ nghiên cứu phát triển trước khi bước vào công đoạn sản xuất. Do độ cứng của gốm, việc tạo nên các đường vân dọc trên bề mặt dây đeo cũng như các góc cạnh sắc sảo trên bộ khung đồng hồ tốn thời gian gấp 6 lần chế tác trên thép.
Dù không phải là một kim loại quý, nhưng việc chế tác gốm cũng có thể rất đắt đỏ. Tuy nhiên, để tái tạo lại thiết kế cổ điển của Gerala Genta trên chiếc đồng hồ này, điều đó hoàn toàn xứng đáng.
Royal Oak Perpetual Calendar phiên bản gốm với các đường nét cổ điển của Audemars Piguet.
Một chút chia sẻ của tác giả về đồng hồ gốm
Sự bền bỉ đến đáng kinh ngạc của gốm sẽ khiến vẻ ngoài của những chiếc đồng hồ có thể nguyên vẹn qua các thách thức của thời gian. Nhưng điều đó cũng có nghĩa mỗi chiếc đồng hồ gốm như Omega Speedmaster Dark Side of the Moon, dù dưới tay chủ sở hữu nào hay ở bất kỳ môi trường nào, cũng sẽ gần như giống hệt nhau sau một thời gian dài sử dụng – không vết trầy xước, không phai màu hay phát ra các tiếng khó chịu khi sử dụng.
Đó có thể là điều mà nhiều nhà sưu tầm tìm kiếm. Tuy nhiên, vẻ ngoài bền bỉ đó cũng khiến chiếc đồng hồ mất đi khả năng kể nên câu chuyện của mình.
Những chiếc như Rolex Submariners với vòng bezel màu đen theo thời gian sẽ bị nhạt đi, chuyển thành màu ghi sáng. Các vòng bezel trên chiếc Speedmaster trong khí hậu nhiệt đới có thể chuyển thành màu xanh lục hoặc nâu. Đó là những điểm không hoàn hảo về kỹ thuật, nhưng chúng có một câu chuyện để kể, điều có lẽ những chiếc đồng hồ gốm không bao giờ có được.
Tham khảo Timepiecechronicle
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"