6 lựa chọn khó khăn nhất trong cuộc đời người đàn ông

    Long.J,  

    Cuộc sống của chúng ta được tạo nên bởi các chuỗi lựa chọn và quyết định, mỗi sự vật, sự việc lại có sự ảnh hưởng qua lại nhất định. Đời người đàn ông có thuận lợi, sướng khổ hay thế nào đi nữa, chủ yếu do cách anh ta đưa ra lựa chọn.

    Cuộc đời của mỗi con người chính là một tựa game 'sand box' (thế giới mở), nơi người chơi có thể đi lại khắp nơi, khá tự do trong việc quyết định làm gì, đi đâu, trở thành người xấu hay người tốt...

    Tuy nhiên, điểm khác biệt tương đối "cay đắng" giữa game và thế giới thật là: không có checkpoint, cũng không hề có 'save' hay 'load' mỗi khi chúng ta đưa ra quyết định sai lầm. Mỗi lựa chọn lại đưa chúng ta đến với một lựa chọn khác, đúng hay sai chưa biết nhưng chắc chắn bạn phải chịu trách nhiệm cho những gì mình làm.

    Với một số việc, đúng hay sai chỉ mang tính tương đối. Tuy nhiên, một quyết định sai lầm có thể khiến cuộc đời bạn đầy rẫy khó khăn nhưng nếu có những lựa chọn đúng đắn ngay từ đầu thì sớm thôi, ta sẽ có được thứ mình muốn.

    Trong số những lựa chọn dưới đây, bạn cảm thấy điều gì là khó khăn nhất?

    1. Tốt nghiệp trung học, đi học Đại học hay đi làm luôn?

    Đó là câu hỏi mà nhiều người trẻ đặt ra nhưng lại không dám trả lời.

    Đây có thể nói là lựa chọn mà rất nhiều người phải đối mặt và cũng là lựa chọn lớn đầu tiên mà bạn phải ra quyết định khi vừa bước vào tuổi trưởng thành.

    Bạn yêu thích điều gì? Đam mê của bạn là gì? Nên học ngành nào để sau này dễ xin việc? Đây cũng là những câu hỏi liên quan mà bạn cần phải tìm ra câu trả lời nếu lựa chọn học tiếp.

    Tuổi thanh xuân của mỗi người chỉ có từng ấy năm, không thể cứ mãi chần chừ được. Đi học Đại học sẽ tốn thêm khoảng 4 - 5 năm, tốn một khoản chi phí không hề nhỏ, chưa kể vấn đề xin việc sau khi ra trường. Còn đi làm ngay? Được tích lũy kinh nghiệm từ sớm, tự lo được cho bản thân, tuy nhiên một số thứ rất khó với tới nếu thiếu tấm bằng Đại học.

    Tốt nhất là bạn nên tìm hiểu thật kỹ vấn đề này từ sớm. Chẳng hạn như liệt kê các điểm mạnh, sở thích và mối quan tâm của bạn; sau đó, hỏi ý kiến bố mẹ và những người đã từng trải qua vấn đề này xem thử họ có bí quyết gì để đưa ra được quyết định cuối cùng không? Điều quan trọng vẫn là ở bạn và đừng quên lắng nghe chính bản thân mình.

    2. Làm ngành gì, nghề gì?

    Quay lại với câu chuyện so sánh giữa game và đời thực: mỗi người (nhân vật), đều có những chỉ số rất khác nhau, do bẩm sinh đã có hoặc do môi trường, giáo dục mà hình thành.

    Ví dụ: Bạn tốt nghiệp Đại học chuyên ngành kỹ thuật, bạn được cộng 6 điểm hiểu biết cơ khí (mechanic 6). Tuy nhiên, bạn cảm thấy học cái này mãi chán rồi, đi làm nghề khác cho vui.

    Thế là bạn dồn toàn bộ tâm trí vào việc kinh doanh mà không lo nghĩ gì hết, ngay lập tức bạn sẽ được 10 điểm liều lĩnh (recklessness 10). Cơ bản thì hiểu biết về cơ khí không mấy liên quan đến làm ăn buôn bán, chẳng bao lâu sau bạn tiếp tục được bonus 20 điểm nợ nần (debt 20). Cứ thế, các chỉ số của bạn sẽ tăng dần theo chiều hướng xấu, rất không ổn đúng không?

    Hãy phân biệt rõ: "tôi thích làm việc này" và "tôi làm được việc này", không phải cái gì bạn thích thì bản thân có thể làm tốt, nên khách quan như vậy. Việc lựa chọn ngành nghề cho bản thân sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

    3. Có nên "nhảy" việc không?

    Nhảy việc là suy nghĩ bất cứ ai đang làm công ăn lương cũng từng nghĩ đến.

    Chuyển đổi công việc, nhất là nếu công việc hiện tại có mức lương tương đối và chế độ đãi ngộ tốt thì càng khó quyết định. Trừ khi bạn có một cơ hội tốt hơn với tất cả mọi thứ đều tuyệt vời hơn hay bạn có tài chính vững vàng để chi trả các chi phí hàng ngày và phát sinh cho giai đoạn chờ xin việc mới, bằng không, sự đánh đổi này luôn đi kèm với một “cái giá” không hề rẻ.

    Đam mê của bạn có đủ lớn để đánh bại cám dỗ của sự ổn định của công việc hiện tại hay không? Liệu có gì chắc chắn rằng bạn sẽ tìm được một môi trường tốt hơn hiện tại và mất bao lâu để bạn có thể tìm thấy “ngôi nhà mới” cho mình?

    4. Dành tiền để mua nhà hay mua trải nghiệm?

    Theo lẽ thông thường, chúng ta vẫn định nghĩa thành công của đàn ông bằng những thứ mà anh ta sở hữu. Thước đo cuộc sống luôn gắn liền với nhà cao cửa rộng, bốn bánh hạng sang, quần áo đắt tiền, điện thoại model mới nhất. Điều đó không hoàn toàn đúng nữa, khi mà tư duy tuổi trẻ ngày nay đã có sự thay đổi.

    Trái lại, người đàn ông sẵn sàng chi tiền mua trải nghiệm biết rằng có nhiều con đường dẫn đến thành công chứ không chỉ nhờ việc tích lũy tiền bạc. Họ hiểu rằng, thành công đích thực là cuộc sống hạnh phúc, là bình yên trong tâm hồn...những thứ này chưa chắc tiền đã mua đứt được.

    Thế nhưng, có bình yên trong tâm hồn mà mãi không có nhà để ở thì cũng không ổn chút nào, lựa chọn này thật sự khó khăn đấy.

    5. Cưới ai? Ai cưới mình?

    Một trong những sai lầm lớn nhất của tuổi trẻ, có thể để lại hậu quả lâu dài: cưới xin vội vã.

    Tìm được người mình yêu thương và cùng trải qua sóng gió, ngọt bùi trước khi tiến tới hôn nhân là điều vô cùng tuyệt vời mà ai cũng mơ ước.

    Tuy nhiên, yêu và tiến tới hôn nhân là hai chuyện rất khác nhau. Cuộc sống vốn không phải chuyện cổ tích, đến với chỉ vì tình yêu đẹp mà bỏ qua mọi ràng buộc có khi sẽ khiến bạn ôm hận cả đời.

    Còn trẻ, hãy cứ yêu đi, một phần để tìm hiểu người kia có phải là mảnh ghép phù hợp chưa, phần còn lại để hiểu chính bản thân bạn. Cưới xin không phải cứu hỏa, chớ có vội vàng!

    6. Cố chấp hay từ bỏ? Biết lúc nào nên dừng lại?

    Đây là một câu hỏi có phạm vi rất rộng, gần như đánh trúng tất cả mọi thứ có mặt trong cuộc đời bạn.

    Lựa chọn này thực sự rất "khó nhằn", biết lúc nào nên dừng lại còn khó hơn quyết định bắt đầu thứ gì đó. Gia đình, trường lớp, xã hội... luôn nói với chúng ta rằng: đã là đàn ông thì phải nỗ lực, kiên trì theo đuổi thứ mình muốn đến cùng. Điều này là đúng, nhưng sẽ là sai nếu bạn áp dụng cho mọi trường hợp.

    Cố chấp, thấy "mía ngọt đánh cả cụm" chính là một thứ sai lầm nghiêm trọng, ngăn cản bạn phát triển trong cuộc sống, công việc thậm chí là tình cảm.

    Mỗi khi băn khoăn rằng "mình đã nên dừng lại chưa?", hãy bình tĩnh mang vấn đề của bạn ra mổ xẻ, được gì và mất gì, lựa chọn khó khăn này sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

    Dù gì thì sai lầm là một phần khó mà thiếu được của tuổi trẻ, nói vậy không phải cứ đâm đầu làm bất cứ thứ gì mình muốn. Nên nhớ rằng, ngã có thể đứng dậy nhưng ngã quá đau hoặc rơi xuống hố thì chỉ có trời mới cứu được bạn thôi.

    Theo Lifehacker

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày