6000 con chim bị thiêu cháy mỗi năm chỉ bởi một nhà máy năng lượng mặt trời

    NPQM,  

    Những tưởng sẽ không có khía cạnh tiêu cực nào liên quan đến loại hình khai thác năng lượng sạch này, thế nhưng mọi chuyện đang ngày càng trở nên phức tạp và khó khăn hơn.

    Mỗi năm có đến 6000 con chim phải "ngã xuống" trước sự hiện diện của một nhà máy năng lượng mặt trời tại California. Cụ thể, các nhân viên ở đây cho biết những con chim thường xuyên bay vào vùng tập trung khai thác ánh sáng mặt trời cường độ lớn của họ, do đó việc chúng ngay lập tức bị... chết cháy là điều không thể tránh khỏi.

    Tình trạng này đã xảy ra kể từ năm thành lập nhà máy vào 2014, và nhóm phụ trách cũng đang làm hết sức để tìm ra một phương pháp cứu cánh cho những con chim khác không lâm vào tình cảnh xấu số trên. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bất kỳ giải pháp nào triệt để được đưa ra.

    "Chúng tôi đang huy động mọi khả năng để giảm thiểu số lượng chim bị chết cháy," người phát ngôn của nhà máy, David Knox, chia sẻ với Louis Sahagun tại LA Times. "Hy vọng chúng tôi sẽ không để nó kéo dài quá lâu dẫn đến nhiều hệ quả khôn lường khác."

    Cảnh tượng một con chim xui xẻo bị chết cháy vốn đã trở nên quá quen thuộc với công nhân tại nhà máy năng lượng mặt trời Ivanpah, tọa lạc ở sa mạc Mojave (California) này, đặc biệt là những lúc trên trời chỉ còn xuất hiện đọng lại một làn khói trắng nhỏ sau khi số phận của chúng đã đi đến hồi kết.

    Vậy tại sao lại có hiện tượng này xảy ra?

    Lời giải đáp dành cho câu hỏi này thực ra nằm ở địa điểm cũng như cấu trúc thiết kế của nhà máy. Một vùng diện tích 12,9 km vuông được tận dụng riêng để đón ánh nắng mặt trời bằng những gương cầu lõm khổng lồ, có tác dụng hội tụ ánh sáng mặt trời vào 3 tòa tháp cao 40 tầng gần đó.

    Sau khi hoàn thành khâu chuẩn bị như vậy, ánh sáng sẽ được chuyển hóa thành năng lượng để vận hành các turbine điện bên trong, sản sinh ra dòng điện cung cấp cho mạng lưới nói chung.

    Vấn đề nằm ở chỗ luồng ánh sáng chiếu lên những tòa tháp lại là điều kiện hấp dẫn những loài côn trùng, từ đó dẫn đến thói quen của các loài chim cũng hay lui đến kiếm ăn. Và điều gì đến cũng phải đến, khi còn chưa kịp thỏa mãn cái bụng của mình thì chúng đã cháy đen chỉ trong vài giây rồi.

    Tệ hơn, khu vực này còn nằm gần đường di cư Thái Bình Dương - lộ trình di trú phổ biến của rất nhiều loài chim, bao gồm cả những giống hiếm có và đang được bảo vệ như chim hét hoặc chim ó phương Bắc.

    Cũng theo Sahagun, nhiều nhà sinh vật học đã tính toán có đến 6.000 cá thể chim bị chết vì lí do này mỗi năm, và nực cười là hơn 2 năm trôi qua, vẫn chưa thấy có bất kỳ động thái nào cố gắng cứu vớt tình hình từ phía nhà máy cả.

    "Ivanpah là một mối nguy hại lớn đến loài chim. Các cơ quan có thẩm quyền cần can thiệp ngay lập tức," trích lời Garry George từ Audubon California - nhóm nghiên cứu chuyên sâu về đường di cư Thái Bình Dương. "Hàng ngày nhà máy vẫn hoạt động, và những con chim vẫn tiếp tục chết."

    Tệ hơn, một vài hệ thống ngăn cách bảo vệ của nhà máy, vốn giúp cho các động vật khác không vô tình đi lạc vào trong khuôn viên làm việc, lại gây ra những hậu quả bất ngờ khác. Cụ thể, cụm hàng rào của nhà máy ban đầu được dùng để giữ cho loài rùa sa mạc ở ngoài không vô tình làm ảnh hưởng đến quá trình làm việc, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc sói Tây Bắc Mỹ sẽ lộng hành hơn, dễ dàng săn gà lôi đuôi dài - vốn là loài đang cần được duy trì và bảo vệ.

    Ít nhất đội ngũ quản lý đã đồng ý sửa đổi, lắp đặt những cổng đặc biệt để loài gà lôi dễ dàng nhảy qua thay vì bị mắc kẹt và không có đường thoát.

    Gà lôi đuôi dài
    Gà lôi đuôi dài

    Thế nhưng các loài chim bay trên trời lại là cả một vấn đề phức tạp và khác biệt, vì làm sao chúng ta có thể ngăn cản chúng bay đến những nơi tùy ý?

    Cơ quan Bảo vệ Động vật hoang dã Hoa Kỳ cùng một số chi cục khác đã phải vào cuộc nhằm tìm ra một giải pháp tiềm năng cho câu hỏi hóc búa này.

    "Chắc phải mất đến 9 tháng nữa làm công việc thu thập dữ liệu đủ để đánh giá tình hình tại Ivanpah trong những khía cạnh ảnh hưởng," Trưởng đại diện bộ phận nghiên cứu chim di cư của Cơ quan Bảo vệ Động vật hoang dã, ông Amedee Bricky cho biết.

    "Chúng tôi hy vọng tất cả các quốc gia trên thế giới sẽ chung tay góp sức trong công cuộc bảo vệ động vật song song với khai thác năng lượng này."

    Sau cùng, điểm mấu chốt ở đây không hẳn chỉ là số lượng lớn cá thể chim bị chết, mà là ngay cả những nhà máy năng lượng sạch và có ích cho cuộc sống như ánh sáng mặt trời cũng có thể để lại hệ quả bất ngờ, không lường trước được đối với hệ sinh thái khu vực nói chung.

    Hy vọng rằng đội ngũ các tổ chức đang ngày đêm làm việc sẽ sớm tìm ra một giải pháp đúng đắn nhất cho tình huống này.

    Tham khảo: Science Alert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ