Ai cần phải lo lắng về "thất bại" của iPhone XS? Không phải Apple, mà là Huawei, Xiaomi, OPPO....

    Liam,  

    Apple vốn đã bỏ ngỏ tầm trung cho các nhà sản xuất Android. Nếu Apple đem toàn bộ tiềm lực đánh xuống tầm trung, ai sẽ vui mừng?

    Nhanh chóng tan mộng

    Thành công bất ngờ của iPhone X đã minh chứng một sự thật quan trọng về người dùng iPhone: họ không "ngại" giá đắt. Và tâm lý đó tạo ra một tình huống đặc biệt: từ quý 4/2016 đến quý 4/2017, lượng iPhone bán ra thực tế suy giảm nhưng doanh thu của Apple thì lại tăng tới 10 tỷ USD.

    Với bộ 3 iPhone XS/XS Max và XR, Tim Cook muốn đưa kỳ tích này đi xa thêm một bước nữa. Apple muốn tăng thêm doanh thu và lợi nhuận bằng cách đẩy khung giá iPhone lên cao hơn. Với iPhone XS Max, giá khởi điểm của chiếc iPhone cao cấp nhất đã tăng thêm 100 USD, chạm mốc 1100 USD. Chiếc iPhone đắt nhất trên thị trường giờ sẽ có giá 1450 USD.

    Ai cần phải lo lắng về thất bại của iPhone XS? Không phải Apple, mà là Huawei, Xiaomi, OPPO.... - Ảnh 1.

    Bước tiến tiếp theo từ "phép màu" iPhone X.

    2 năm trước, mùa thu 2016, mẫu iPhone đắt nhất trong danh mục sản phẩm của Táo chỉ có giá 969 USD. Đến năm nay, khoản tiền này thậm chí còn không đủ để mua iPhone XS.

    Đáng tiếc rằng đến mùa nghỉ lễ vừa rồi, doanh thu Apple chỉ đạt 84 tỷ USD. Đây sẽ là lần đầu tiên doanh thu Q4 của Apple bị sụt giảm trong nhiều năm đổ lại: quả thật, thành công sẽ không thể tiếp tục đến nếu Apple cứ đẩy giá iPhone lên nữa, lên mãi.

    Một đối thủ hùng mạnh

    Bạn không cần phải là một thiên tài mới suy đoán được rằng nếu tăng giá không thể giúp tăng trưởng thì Apple sẽ buộc phải... giảm giá. Các nhà đầu tư đã lên tiếng. Apple cần phải ra mắt những chiếc iPhone hợp lý hơn. Nhưng nếu Apple thực sự suy tính đến chuyện ra mắt iPhone giá hợp lý, liệu các đối thủ có thể ngồi yên?

    Hãy suy nghĩ kỹ về kịch bản đó. Nếu bạn là một nhà sản xuất smartphone, liệu bạn có ngồi yên khi một đối thủ hùng mạnh bỗng dưng tham gia vào phân khúc giá mà bạn đang kinh doanh tốt? Dù thế nào thì Apple vẫn là một thế lực lớn trong ngành công nghiệp smartphone, thậm chí còn là thương hiệu luôn được các hãng Trung Quốc ám ảnh chạy theo.

    Ai cần phải lo lắng về thất bại của iPhone XS? Không phải Apple, mà là Huawei, Xiaomi, OPPO.... - Ảnh 2.

    Nếu Apple "xịn" có giá tầm trung, người ta có còn mua "Apple Trung Quốc" nữa không?

    Một ví dụ nhỏ: Mi 8 EE của Xiaomi có giá khởi điểm vào khoảng 550 USD và đi kèm thiết kế "tai thỏ" cùng mặt lưng gần như giống hệt Apple (ngoại trừ lớp vỏ "giả linh kiện"). Nếu Apple ra mắt một chiếc smartphone tai thỏ "chính hiệu" ở khung giá 550 USD, bao nhiêu người sẽ bỏ Xiaomi để chuyển sang iPhone?

    Cùng một câu hỏi tương tự cũng sẽ áp dụng cho Huawei P/Mate 20, OPPO R15/OnePlus 6, Honor Play..., một vài trong số những chiếc smartphone có tai thỏ học theo kiểu Apple.

    Không có lợi cho smartphone Trung Quốc

    Tim Cook không phải là chưa bao giờ cân nhắc tiến đánh thị trường tầm trung vốn đã luôn bỏ ngỏ cho Android: 3 năm trước, khi ra mắt, iPhone SE tuy chỉ có màn hình 4 inch nhưng vẫn có cấu hình ngang ngửa iPhone 6s (mới nhất tại thời điểm đó) ở mức giá chỉ 450 USD. Tại sự kiện iPhone X, Apple thậm chí còn giảm giá iPhone SE xuống còn 350 USD. Ngoại trừ SE, chưa bao giờ Apple bán bất kỳ một chiếc iPhone nào khác ở mức giá 350 USD cả.

    Ai cần phải lo lắng về thất bại của iPhone XS? Không phải Apple, mà là Huawei, Xiaomi, OPPO.... - Ảnh 3.

    Đừng nghĩ rằng Tim Cook sẽ KHÔNG BAO GIỜ nghĩ đến chuyện bán hàng "giá hời".

    Thành công của X đã khiến Apple quên luôn SE (và 6s). Tuy vậy, trong tình cảnh hoảng loạn như hiện tại, không có gì chắc chắn rằng Apple sẽ không tạo ra những chiếc iPhone hấp dẫn hơn, rẻ hơn iPhone SE cả. Như những chiếc iPad đã chứng minh, Apple sẽ không trung thành tuyệt đối với chiến lược "làm giá": khi nào doanh số hạ đủ thấp, Apple sẽ bán hàng "giá hời".

    Đáng sợ hơn, những sản phẩm giá hời của Apple (nếu ra mắt) chắc chắn sẽ gây khuynh đảo tại một thị trường "bể máu" đang được tất cả các hãng Android lớn tập trung khai thác: Ấn Độ. Năm 2017 iPhone SE và iPhone 6s từng gây sự chú ý nhờ là 2 mẫu smartphone đầu tiên được Apple đưa đến quốc gia này để sản xuất. Sau đó, có lẽ vì thành công quá lớn của iPhone X, iPhone SE và iPhone 6s lại bị khai tử và thị phần của Apple Ấn Độ trong năm 2018 cũng suy giảm trầm trọng. 

    Ai cần phải lo lắng về thất bại của iPhone XS? Không phải Apple, mà là Huawei, Xiaomi, OPPO.... - Ảnh 4.

    Nếu Apple tham chiến tầm trung theo kiểu "chiến tranh tiêu hao", các nhà sản xuất Android sẽ phải khóc thét.

    Nếu chiến lược SE trở lại cùng "tai thỏ" và Face ID, Huawei, Xiaomi và OPPO sẽ phải thực sự lo lắng. Trong suốt nhiều năm qua, với những đồng lãi "nhỏ giọt", họ cắn răng kinh doanh smartphone giá rẻ và tầm trung  chỉ để hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn bằng phần mềm, bằng phân khúc cao cấp. Nếu iPhone thất bại và Apple nghiêm túc tiến đánh phân khúc tầm trung, họ sẽ phải cắn răng phá giá với một đối thủ có thương hiệu quá mạnh và hơn 250 tỷ USD dự trữ tiền mặt.

    Nếu bạn là Huawei hay Xiaomi, bạn có mong kịch bản đó xảy ra hay không?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ