Tôi nói "fandroid cũng tèo" chứ không nói là "iFan cũng tèo".
Có thể nói rằng thế giới công nghệ của ngày nay được định hình bởi tình yêu cuồng nhiệt của các fan dành cho nhãn hiệu ưa thích của họ. Chúng ta có những iFan yêu Táo, Samfan yêu gã khổng lồ Hàn Quốc và fandroid yêu thích hệ điều hành của Google.
Khi tình yêu dành cho chiếc điện thoại ưa thích trở nên cuồng nhiệt quá mức, các fan hiển nhiên là sẽ ghét các đối thủ của thương hiệu "ruột". Không mấy ngạc nhiên, iFan thì căm ghét Samsung nói riêng và các nhà sản xuất Android vì "copy" iPhone, các fandroid thì căm ghét Apple vì… iFan quá khó chịu và bởi công ty của Tim Cook càng ngày càng tụt hậu trước các đối thủ như Samsung và LG về cấu hình cũng như tính năng.
Hệ quá tất yếu của sự căm ghét tột độ này là gì? Fan Táo rủa Samsung chết đi, Samfan nói riêng và fandroid nói chung cũng muốn Apple càng sớm "xuống lỗ" càng tốt.
Ít ai nhận ra rằng họ đang mong ước một kịch bản tồi tệ cho chính mình.
Bài học từ Microsoft
Tạm gác sang một bên những cuộc tranh cãi không có hồi kết như "iPhone dở ẹc hay smartphone Android dở ẹc" hay "ai mới là người đi trước cho tính năng abc xyz", kịch bản rõ ràng nhất khi một trong 2 trải nghiệm Táo hoặc Android không còn nữa là người còn sống sót sẽ chiếm vị thế độc tôn, hoàn toàn áp đảo thị trường.
Thực tế là kịch bản đó đã từng một lần xảy ra. Ít ai nhớ được rằng Microsoft của thập niên 1980, 1990 đã thực sự là một thế lực tiên phong đưa cả thế giới về phía trước. Nhờ có các hệ điều hành của hãng này mà ngay cả những người dùng hạn hẹp chi phí cũng có thể tiếp cận với những chiếc PC nằm trong tầm với. Khi cơn bão Internet bùng nổ, chính Microsoft lại tiên phong với trình duyệt Internet Explorer cùng rất nhiều đột phá giúp hoàn thiện World Wide Web như CSS, ActiveX và Ajax.
Nhưng ai cũng nhớ rằng sau khi khôn khéo lãnh đạo cuộc cách mạng PC với MS-DOS và sau đó là Windows, Microsoft đã đẩy gần như toàn bộ các đối thủ máy vi tính dành cho người dùng cuối vào chỗ chết. Ngay đến cả Apple cũng điêu đứng đến mức Steve Jobs bị ép phải ra đi.
Nhưng những gì diễn ra sau đó không chỉ đáng buồn với Microsoft mà là với tất cả các tín đồ công nghệ của giai đoạn chuyển giao thiên niên kỷ. Nhờ vị thế thống trị của Windows, Microsoft sử dụng các chiêu trò độc quyền để đẩy đối thủ của Internet Explorer là Netscape (tiền thân của Mozilla) vào cảnh kiệt quệ cả về tính năng lẫn tài chính.
Ngay sau đó, trình duyệt của Microsoft từ vị trí tiên phong trở thành tội đồ của giới phát triển web: chỉ duy nhất Internet Explorer là không chịu tuân theo các tiêu chuẩn do W3C (tổ chức phát triển tiêu chuẩn cho world wide web) đưa ra. Thay vì chỉ phát triển một trang web duy nhất cho tất cả các trình duyệt thì Internet Explorer lại buộc các nhà phát triển web phải nâng gấp đôi công sức phát triển và kiểm thử, một nửa dành cho Firefox, Chrome, Opera hay bất cứ trình duyệt nào khác, một nửa dành riêng cho trình duyệt của Microsoft.
Internet Explorer chỉ là minh chứng rõ rệt nhất cho thấy Microsoft đã xuống cấp đến như thế nào khi vươn lên bá chủ thế giới. Đó cũng không phải là kỷ niệm buồn duy nhất của gã khổng lồ phần mềm thời kỳ trước: 2 phiên bản Windows ME và Windows Vista đến nay vẫn bị nhắc lại với tư cách là những vết nhơ đáng xấu hổ nhất của toàn bộ lịch sử Windows. Và cả 2 bản Windows này đều ra mắt trong thời điểm chưa một công ty nào có thể đe dọa vị trí thống trị của Microsoft lên thế giới điện toán.
...mà còn cả những phần mềm mang tính xúc phạm cộng đồng phát triển nữa!
Bài học ở đây là gì? Đừng để bất cứ một thị trường nào bị thao túng bởi một tập đoàn duy nhất.
Không thiếu những Microsoft thứ 2
Cho đến tận ngày hôm nay, bài học từ Microsoft vẫn còn nguyên giá trị. Bạn có nhớ cảm giác khó chịu khi Facebook ra mắt giao diện Timeline thay thế cho Profile cũ? Dù có bất bình với giao diện mới đến mấy, không một ai có thể làm được bất cứ điều gì để trang cá nhân của mình bị chuyển sang Timeline.
Hay mới chỉ vào năm ngoái, Facebook đã gỡ bỏ tính năng nhắn tin bên trong ứng dụng chính để ép buộc người dùng chuyển sang dùng ứng dụng Messenger độc lập. Một lần nữa, bước đi chiến lược này bị đông đảo người tiêu dùng phản đối, nhưng tất cả những tiếng nói phản đối ấy rồi cũng phải câm lặng trước tham vọng của Facebook nhằm biến Messenger thành một nền tảng thương mại hóa đa dạng.
Chúng ta không thiếu những ví dụ để chứng minh vì sao tình trạng áp đảo của một công ty duy nhất sẽ khiến người tiêu dùng phải ngậm đắng nuốt cay chịu thiệt thòi. Ví dụ, từ tháng tới Netflix sẽ gia tăng giá dịch vụ thêm 2 USD lên mức 10 USD mỗi tháng. Trong khi 2 USD không phải là quá nhiều, dịch vụ phát phim truyện, phim truyền hình thu hút được nhiều người dùng nhất thế giới này rõ ràng là không còn lý do gì để phải cạnh tranh về giá khi đã áp đảo được các đối thủ như Hulu và Amazon. Không ai đảm bảo trong tương lai Netflix sẽ không tăng giá lên 15 hay 20 USD một tháng cả.
Bạn có cảm thấy bực tức vì buộc phải cài Messenger không? Lời phàn nàn của bạn đã bị Facebook ném vào sọt rác!
Ngay chính cả Apple cũng đã từng là "Microsoft của smartphone". Cho đến tận năm 2013, tức là 6 năm sau khi iPhone đầu tiên ra đời, Apple vẫn tiếp tục bán ra một chiếc iPhone 4 inch. Chắc chắn là có rất nhiều người thích smartphone cỡ nhỏ, nhưng thành công khổng lồ của 2 thế hệ iPhone 6 và iPhone 6s cho thấy màn hình lớn mới là thứ các iFan thực sự thèm muốn. Thái độ chây lì của Apple đối với smartphone cỡ lớn cho thấy hãng này chắc chắn đã tiếp tục ép buộc iFan phải chịu đựng iPhone màn hình nhỏ nếu không có sức ép từ các đối thủ Android.
Nói cách khác, không có Android thì iFan cũng chẳng sung sướng gì.
Và không có Apple thì fandroid cũng sẽ phải ngậm bồ hòn trước Google
Tất cả mọi sự thật đều có hai chiều. Không có Apple, Android sẽ là hệ điều hành di động duy nhất thống trị thế giới. Gần như chắc chắn trong kịch bản này, hệ điều hành của Google sẽ không còn là một hệ điều hành miễn phí. Và kể cả trong trường hợp Android vẫn được cung cấp miễn phí và phơi bày toàn bộ mã nguồn, Google cũng vẫn còn rất nhiều cách để kiếm tiền từ Android. Gã khổng lồ tìm kiếm có thể ép buộc các nhà sản xuất không thể tối ưu Android mà không dùng tới Gmail, YouTube, Hangouts và Google hay phải trả phí cho Google. Công ty này cũng có thể cài đặt các cơ chế để việc phát triển ứng dụng mà không dùng tới dịch vụ của Google là bất khả thi. Bằng các biện pháp kỹ thuật, Google cũng sẽ dùng Chrome để định nghĩa ra một tiêu chuẩn riêng cho web di động.
Nếu Apple không còn nữa, không có gì đảm bảo cho Google sẽ không trở thành một Microsoft thứ hai.
Bản chất của các tập đoàn luôn là vậy, độc quyền được cái gì thì họ sẽ độc quyền ngay lập tức. Microsoft, Apple, Google, Facebook hay bất cứ một gã khổng lồ nào khác đều không phải là ngoại lệ. Nếu AMD chết thì Intel và NVIDIA sẽ có nhiều cú tát vào mặt người hâm mộ. Nếu Western Digital chết thì chất lượng ổ cứng và thời gian bảo hành của Seagate sẽ đi xuống. Nếu Tesla giết chết được Toyota, Volkswagen và Ford, sớm hay muộn những chiếc Model S và Model 3 sẽ trở thành biểu tượng cho sự trì trệ của ngành sản xuất ô tô điện.
Vậy tất cả những điều này có nghĩa là gì? Bạn vẫn có thể tiếp tục tự hào rằng các nhà sản xuất Android nay đã vượt lên trước về cấu hình và tính năng khiến cho Apple phải đi sau "học lỏm". Bạn có thể tiếp tục tin vào đẳng cấp của Apple và nhạo báng các fandroid rằng doanh thu ứng dụng, dịch vụ trên Android lúc nào cũng thấp vì các iFan có mặt bằng thu nhập và giáo dục cao hơn. Bạn vẫn có thể cười vào mặt những người dùng máy Mac bởi phần cứng của họ quá yếu và không thể chơi được game như chiếc PC Windows của bạn. Bạn cũng hoàn toàn được quyền mỉa mai chiếc Xbox One vì không có được trải nghiệm hoàn thiện như PlayStation 4. Cuối cùng thì đó vẫn là tình yêu của bạn, và bạn có quyền bảo vệ tình yêu đó, dù là với những lập luận xác đáng hay ngớ ngẩn đến đâu đi chăng nữa.
Nhưng đừng ngớ ngẩn đến mức hy vọng các hãng công nghệ bạn căm ghét sẽ đi vào chỗ chết. Lịch sử ngành công nghệ từ tận những năm 1980 cho đến nay đã luôn nhắc đi nhắc lại một sự thật rằng: khi không còn đối thủ để cạnh tranh, các tập đoàn công nghệ sẽ quay sang chèn ép người dùng của mình. Một Apple từng tiên phong 3 cuộc cách mạng và một Google từng thề độc "Không là người xấu!" ("Don't be evil") cũng sẽ không phải là ngoại lệ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời