Bằng cách nào chấm lượng tử của QLED đối đầu thắng OLED, trở thành màn hình hiển thị hàng đầu?

    Dink,  

    Khi Samsung tìm ra được công nghệ cho phép màn hình chấm lượng tử không cần tới đèn nền LED nữa, OLED của LG sẽ không còn là bá chủ.

    Đầu tiên, cần phải khẳng định rằng công nghệ TV QLED của Samsung khác với TV OLED của LG.

    Phải công nhận là hai cái tên gần giống nhau: chỉ thêm một đường gạch nhỏ là OLED biến ngay thành QLED. Tuy nhiên, qua những bài thử màn hình mà trang tin CNET đặt ra, thì OLED lại là kẻ vượt trội hơn. Bên cạnh đó, công nghệ OLED này khác biệt với đa số các mặt hàng LCD hiện có trên thị trường. Màn hình QLED của Samsung dù là công nghệ mới, nhưng nó vẫn dựa trên nền tảng LCD, nó có những điểm mạnh của mình nhưng vẫn thua kém địch thủ OLED.

    Nhưng hãy cứ để QLED "lớn" thêm vài năm nữa, nó sẽ là một thế lực đáng gờm của thị trường TV. Chữ "Q" là chữ cái đầu của từ "quantum – lượng tử", là công nghệ khiến cho màn hình Samsung này độc đáo. Nó là những hạt màu siêu nhỏ có thể làm thay đổi chất lượng hình ảnh. Samsung đang cộng tác với những công ty sản xuất TV khác để đưa QLED đi xa hơn, nhằm loại bỏ hoàn toàn TV LCD và biến QLED thành địch thủ xứng đáng của OLED.

    Đây là cách QLED với những chấm lượng tử của mình tiến xa hơn trên thị trường TV

    Đầu tiên, cần hiểu rõ về chấm lượng tử - Mọi thứ đã khác trước

    Chấm lượng tử là những hạt phân tử cực nhỏ với những đặc tính riêng, có thể sáng lên khi nhận điện năng. Kích cỡ của hạt sẽ quyết định sóng ánh sáng – màu mà hạt sẽ phát ra. Hạt nhỏ sẽ tạo ra màu xanh dương, lớn hơn một chút thì hạt sẽ phát ra màu xanh lá, kích cỡ tăng lên một chút thì nó sẽ tạo ra màu đỏ.

    Hiện tại, công nghệ hiển thị chấm lượng tử của Samsung sử dụng một lớp chấm lượng tử nhỏ trước một dàn đèn LED màu xanh dương. Chỉ cần một lượng điện đi vào hệ thống đèn LED, bạn đã có các màu cần thiết cho một màn hình hiển thị.

     Đèn LED chiếu ánh sáng xanh vào các chấm lượng tử có các kích cỡ khác nhau, cho ra ánh sáng khác nhau.

    Đèn LED chiếu ánh sáng xanh vào các chấm lượng tử có các kích cỡ khác nhau, cho ra ánh sáng khác nhau.

    Bởi lẽ màu mà chấm lượng tử tạo ra rất dễ chỉnh sửa, các nhà sản xuất TV có thể tạo ra những màu sắc cực sâu, những màu sắc tiêu chuẩn của TV có gam màu rộng và chuẩn HDR. Bên cạnh đó, công nghệ chấm lượng tử còn phát sáng hiệu quả, cho phép màn hình TV sáng hơn mà lại sử dụng ít năng lượng hơn.

    Nhưng đó, mới là điểm khởi đầu.

    Tương lai gần, ta sẽ có lớp lọc màu chấm lượng tử

    TV QLED là phiên bản cập nhật của TV LCD, với hiệu năng và màu sắc cao hơn. Tuy nhiên vẫn còn một vấn đề nữa, đó chính là lớp lọc màu. Hiện tại, chấm lượng tử là một phần quan trọng của đèn nền chiếu sáng màn hình LCD. Các chấm ấy và những đèn LED xanh dương sẽ tạo ra "ánh sáng trắng", thứ ánh sáng đi theo một hướng xuyên qua tinh thể lỏng và rồi qua một lớp lọc màu. Sau những bước này (và nhiều bước linh tinh khác nữa), hình ảnh sẽ được hiển thị trên màn hình.

    Đứng trên phương diện kỹ thuật mà nói, thì lưới lọc màu cản ánh sáng, chỉ cho những màu cụ thể lọt qua thôi, những màu khác sẽ bị cản lại hết. Trong màn hình LCD LED hay chấm lượng tử cơ bản, đèn nền sẽ tạo ra ba màu cơ bản là đỏ - xanh lá - xanh dương nhưng với mỗi pixel được hiển thị, 2 trong số 3 màu trên bị cản lại và bỏ đi. Đây là một phương pháp hiển thị tốn điện.

     Các lớp màn hình LED.

    Các lớp màn hình LED.

    Khi ta thay thế được lưới lọc màu bằng lớp chấm lượng tử, lượng điện sử dụng sẽ giảm đi đáng kể. Khi mà TV không còn phải bỏ màu đi, màu mà TV tạo ra sẽ sắc nét hơn mà không cần tốn quá nhiều điện năng, độ sáng của TV sẽ cao hơn và cũng không cần sử dụng nhiều điện. Nhà sản xuất chấm lượng tử Nanosys dự kiến với công nghệ lọc màu mới này, hiệu năng TV sẽ tăng gấp 3 lần. Góc nhìn của TV cũng sẽ được cải thiện.

    Hiện tại, màn hình chấm lượng tử vẫn sử dụng đèn nền LED màu xanh cùng các chấm lượng tử phát màu xanh lá và đỏ. Nhưng ta hoàn toàn có thể sử dụng màn hình OLED như một nguồn phát sáng. Màn hình OLED của LG có sử dụng tấm lọc màu, hãy tưởng tượng xem tấm lọc màu của OLED được thay bằng lớp lọc màu chấm lượng tử sẽ cho ta chất lượng hình ảnh như thế nào.

    Tuy nhiên, ta không biết là LG và Samsung liệu có hợp tác hay không. Dù vậy, trong tương lai gần, ta sẽ vẫn có lớp lọc màu lượng tử được gắn vào TV LCD.

    Tiềm năng của kẻ sẽ hạ gục OLED

    Nêu lên vấn đề trước đã: màn hình LCD vẫn chưa phải phương án tối ưu. Nhiều thập kỷ qua, các kỹ sư vẫn tìm cách vượt qua được giới hạn của màn tinh thể lỏng. Nó đã tốt hơn nhiều, nhưng vẫn chưa thể tới tầm của màn hình OLED.

    Đích đến tiếp theo của chấm lượng tử là loại bỏ hoàn toàn công nghệ tinh thể lọng: ta sẽ có màn hình thuần chấm lượng tử. Thay vì hạt phát quang cũ, ta sẽ có hạt phát quang điện trong màn hình chấm lượng tử.

    Thay vì đèn nền LED xanh dương tạo ánh sáng kích thích chấm lượng tử phát sáng, thế hệ TV tiếp theo sẽ sử dụng điện để kích sáng chấm lượng tử. Nhà sản xuất TV QLED sẽ không thích cái định nghĩa này đâu, bởi lẽ nó, về cơ bản, chính là cách TV OLED hoạt động. Trong TV OLED, thay vì chấm lượng tử thì thứ phát sáng sẽ là hợp chất hữu cơ. Cắt dòng điện kích sáng kia đi, pixel sẽ đen hoàn toàn. Đẩy dòng điện mạnh vào, màn sẽ sáng hẳn lên.

    Điều này khiến cho độ tương phản của màn hình sẽ cao hơn rất rất nhiều. Độ sáng của màn hình qua đó cũng tốt hơn. Trên lý thuyết, màn hình chấm lượng tử sẽ chỉ cần một lượng điện nhỏ để phát sáng cực mạnh, có mức tối ngang ngửa với màn hình OLED, có màu sắc và vòng đời hơn hẳn OLED.

    Nanosys gọi hệ thống mới này là QDEL.

    Tương lai nằm gọn trong con chấm

    Khi công nghệ này hoàn thiện, màn hình hiển thị sẽ có một giới hạn trên mới. Hiện tại, đã có TCL và Hisense bán các mẫu TV chấm lượng tử, trong quá khứ, Sony và LG cũng đều đã có những sản phẩm chấm lượng tử. Xu hướng này sẽ còn lan rộng ra những nhà sản xuất TV khác.

    Nói đi cũng phải nói lại: OLED cũng không thể dừng chân tại chỗ được. Rất có thể, khi QLED – QDEL được cải thiện thì OLED cũng được nâng cấp, vẫn sẽ được dùng để "làm chuẩn so sánh" cho những màn hình hiển thị khác. Có thể gọi OLED là một thứ "con nhà người ta" của thế giới màn hình.

    Mà cũng có thể hai thứ này sẽ hợp làm một: QLED OLED = QDOLED? Có thể lắm chứ. Tương lai này cũng sáng như bản thân cái màn hình chấm lượng tử vậy.

    Theo Cnet

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ