Bệnh nhân HIV đầu tiên trên thế giới "khỏi bệnh" chỉ nhờ uống thuốc theo chiến lược thông minh?
Hai loại thuốc dụ virus HIV "ngủ đông" thức dậy, ra khỏi chỗ ẩn nấp. Sau đó thuốc ARV sẽ đánh úp chúng.
Một bệnh nhân AIDS 36 tuổi ở São Paulo, Brazil đã trở thành người thứ 3 được xác nhận quét sạch virus HIV khỏi cơ thể. Và anh ấy là người đầu tiên làm được điều đó mà không cần ghép tủy xương.
Trước đây, chỉ có hai bệnh nhân HIV, một là Timothy Ray Brown người Mỹ và một người giấu tên ở Anh có biệt danh là "Bệnh nhân London" được xác định đã chữa khỏi HIV. Cả hai đều được ghép tủy xương trong quá trình điều trị ung thư máu của mình. Như một tác dụng phụ nhưng được mong muốn, virus HIV cũng bị quét khỏi cơ thể họ từ đó.
Nhưng người đàn ông Brazil - bây giờ được gọi với biệt danh là "bệnh nhân São Paulo" dường như đã làm được điều tương tự chỉ bằng cách sử dụng thuốc. Các bác sĩ đã thử nghiệm một chiến lược điều trị HIV thông minh trên cơ thể người đàn ông này.
Về cơ bản, HIV rất khó điều trị khỏi vì virus có thể lẩn trốn trong các ổ sâu của cơ thể. Ở đó, chúng ngủ đông và tránh được sử ảnh hưởng của thuốc chống virus (ARV). Với phương pháp điều trị mới, các nhà khoa học đã sử dụng hai loại thuốc mạnh để dụ những virus ngủ đông ngày thức dậy và ra khỏi ổ virus. Sau đó, họ đánh úp chúng bằng thuốc ARV.
Kết quả là bệnh nhân São Paulo đã ngừng thuốc hơn 1 năm nay, nhưng virus HIV đã không thấy xuất hiện trở lại. Đây là khoảng thời gian thuyên giảm dài nhất mà một bệnh nhân AIDS đạt được. Các nhà khoa học đang cân nhắc xem đó có phải là một trường hợp "chữa khỏi" HIV hay không?
Bệnh nhân São Paulo đã thuyên giảm như thế nào?
Trường hợp bệnh nhân São Paulo vừa được các nhà khoa học Brazil báo cáo tại Hội nghị Y tế thường niên về AIDS 2020, được tổ chức trực tuyến vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Người đàn ông này được chẩn đoán nhiễm HIV vào tháng 10 năm 2012 và bắt đầu uống thuốc ARV để điều trị 2 tháng sau đó.
Anh ta tiếp tục uống thuốc điều trị trong vòng 4 năm, trước khi đăng ký vào một thử nghiệm lâm sàng năm 2016. Trong thử nghiệm này, các nhà khoa học cho bệnh nhân São Paulo uống hai loại thuốc mạnh có tên là maraviroc và nicotinamide.
Hai loại thuốc này được cho là có thể hút virus HIV tiềm ẩn ra khỏi các ổ chứa của chúng, nơi chúng đang "ngủ đông" ngon lành mà không thể bị tiêu diệt. Sau đó, bệnh nhân nhận được một loại thuốc ARV tiêu chuẩn, vẫn dùng cho người nhiễm HIV hiện nay và ba loại thuốc kháng virus thử nghiệm khác trong 48 tuần.
Tiến sĩ Ricardo Diaz, tác giả nghiên cứu tại Đại học Sao Paulo ở Brazil.
Khi đợt thử nghiệm kết thúc, bệnh nhân quay trở lại dùng thuốc ARV như bình thường nhưng cho đến tháng 3 năm 2019, thì dừng hẳn. Kể từ đó, người đàn ông này được xét nghiệm máu mỗi 3 lần một tuần, và tất cả các xét nghiệm từ đó tới giờ đều cho kết quả âm tính với virus HIV.
Các nhà khoa học đã cẩn thận gửi mẫu máu của bệnh nhân này đi các phòng thí nghiệm khác. Họ cũng mời những đơn vị độc lập khác, nếu muốn có thể lấy máu của anh ấy để xét nghiệm chéo, nhằm xác nhận kết quả.
"Chúng tôi đã tìm kiếm sự hiện diện của virus HIV trên toàn bộ cơ thể anh ấy, nhưng không còn có tế bào nào bị nhiễm bệnh", Tiến sĩ Ricardo Diaz, tác giả nghiên cứu tại Đại học Sao Paulo ở Brazil cho biết.
Bằng chứng tốt nhất đó là các xét nghiệm cho thấy người đàn ông này đã mất gần như tất cả các kháng thể HIV - chất mà hệ thống miễn dịch tạo ra khi chống lại HIV. Không còn virus có nghĩa là cơ thể không cần phải tạo ra kháng thể để chống lại chúng nữa.
Thậm chí một xét nghiệm thực hiện bằng cách cho máu của bệnh nhân tiếp xúc với các tế bào dễ nhiễm HIV cũng cho kết quả âm tính. Các tế bào không bị nhiễm bệnh chứng tỏ máu của bệnh nhân đã sạch bóng virus.
Các chuyên gia trong ngành đánh giá thế nào về trường hợp này?
Như đã nói, HIV rất khó điều trị. Hiện chưa có bất kể một loại thuốc nào được tuyên bố có tác dụng "chữa khỏi" HIV. Biện pháp duy nhất có thể quét sạch virus khỏi cơ thể, đó là ghép tủy, thường chỉ được chỉ định cho các bệnh nhân HIV mắc ung thư máu đủ điều kiện phẫu thuật.
Phương pháp ghép tủy không thể thực hiện đại trà để chữa cho tất cả các bệnh nhân, vì nó rất tốn kém, có rủi ro cao và về mặt y tế là không cần thiết. Vì vậy, việc có một bệnh nhân có thể điều trị khỏi HIV nhờ một chiến lược dùng thuốc thông minh chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của các chuyên gia.
Timothy Ray Brown, một trong hai bệnh nhân khỏi HIV nhờ ghép tủy sống.
"Đây là những phát hiện thú vị nhưng chúng còn rất sơ bộ", tiến sĩ Monica Gandhi, một chuyên gia về HIV/AIDS tại Đại học California, San Francisco cho biết. Trên thực tế, thử nghiệm của các nhà khoa học Brazil đã tuyển dụng 5 tình nguyện viên, nhưng chỉ có một người duy nhất âm tính với virus HIV trong 66 tuần.
Bốn bệnh nhân còn lại cũng được điều trị giống với bệnh nhân này, nhưng họ đã không thành công. Có hai khả năng giải thích tỷ lệ này. Nó có thể xuất phát từ cơ địa bệnh nhân, gợi ý rằng maraviroc và nicotinamide không phải là những loại thuốc đặc hiệu với toàn bộ dân số và những người nhiễm HIV.
Giải thích thứ hai có thể đến từ việc bệnh nhân São Paulo đã điều trị HIV từ rất sớm, chỉ 2 tháng sau khi nhiễm virus, bằng thuốc ARV. Điều trị sớm trước đây đã được chứng minh giúp ngăn chặn virus thâm nhập sâu và tạo ra các ổ virus ẩn trong cơ thể.
Một chuyên gia khác của tại Đại học California, San Francisco, Tiến sĩ Steven Deek thì cho rằng: "Đây không phải là một phương pháp chữa bệnh, mà đó chỉ là một trường hợp thú vị đáng để nghiên cứu thêm mà thôi".
Ông tin tưởng nhóm các bác sĩ và nhà khoa học Brazil, nói rằng họ đã cẩn thận dùng xét nghiệm kháng thể để xác minh kết quả. Nhưng theo tiến sĩ Deek, họ cần làm thêm xét nghiệm ARV trong máu để chắc chắn bệnh nhân đã dừng thuốc.
Tiến sĩ Steven Deek hoài nghi về kết quả nghiên cứu này.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Ricardo Diaz phản hồi rằng ông đảm bảo bệnh nhân São Paulo đã dừng sử dụng thuốc ARV từ năm 2019. Tuy nhiên, ông cũng thận trọng và nói rằng đó chỉ là một trường hợp "có thể đã được chữa khỏi" chứ không hẳn.
Bệnh nhân sẽ còn phải được theo dõi trong một thời gian dài nữa mới có thể xác nhận kết quả. "Nhưng dù sao, đó vẫn là một trường hợp rất hứa hẹn", tiến sĩ Diaz cho biết.
Đồng ý với ông, Tiến sĩ Anton Pozniak, chủ tịch hội nghị AIDS 2020, một chuyên gia về HIV tại Bệnh viện Chelsea và Westminster ở London, cho biết chỉ có tương lai mới trả lời được câu hỏi liệu bệnh nhân này đã thực sự "khỏi" HIV hay chưa? Liệu virus có thể tái phục hồi trở lại khi anh ấy tiếp tục ngừng thuốc ARV không?
"Tôi đang đợi. Tôi là một người hoài nghi về tất cả những nghiên cứu báo cáo dạng này cho đến khi một vài năm trôi qua", ông nói.
Về phần bệnh nhân, người đàn ông ở São Paulo nói rằng hiện anh ấy cảm thấy rất khỏe mạnh. Tham gia vào thử nghiệm năm 2016 đã giúp anh ấy thay đổi cuộc đời của mình. "Đó là một món quà của cuộc sống, một cơ hội thứ hai trong đời của tôi", người đàn ông nói.
Tham khảo Time, Science, Nytimes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"