Blockchain sẽ tạo ra cách mạng cho giáo dục đại học
Tác dụng hứa hẹn nhất của blockchain trong giáo dục đại học là thay đổi cách thức lưu trữ hồ sơ bảng điểm, chứng nhận và bằng cấp.
- Việt Nam cần tính đến việc kiểm soát thuế trong lĩnh vực blockchain
- Blockchain đã ứng dụng thế nào tại Việt Nam?
- Sự kiện Blockchain Global Day 2022 ra mắt, mang người tiêu dùng Việt gần hơn với công nghệ Blockchain
- Trung Quốc và tham vọng dẫn đầu thế giới về blockchain
- Dùng blockchain biến Dubai thành ‘thành phố hạnh phúc nhất thế giới’
Blockchain là khái niệm gắn liền với các loại tiền ảo như Bitcoin. Dữ liệu trên blockchain được lưu trong các khối (block), liên kết với nhau theo trình tự thời gian, giúp cho việc truy dấu dữ liệu và xác minh tính nguyên bản tương đối dễ dàng.
Các tính năng này cùng với tính chất phi tập trung khiến blockchain được nhiều ngành đón nhận, đặc biệt là tài chính. Theo hãng nghiên cứu IDC, chi tiêu cho công nghệ blockchain trên toàn cầu dự kiến tăng từ hơn 4 tỷ USD năm 2020 lên hơn 14 tỷ USD năm 2023.
Giáo dục là một ngành blockchain đang nhen nhóm tạo dấu ấn. Ứng dụng blockchain trong giáo dục mới ở giai đoạn sơ khai khi chỉ vài học viện chấp nhận nó. Khảo sát năm 2019 của hãng phân tích Gartner cho thấy, chỉ có 2% cơ sở giáo dục đại học đang dùng blockchain, 18% dự định sử dụng trong 2 năm tới.
Hiện nay, blockchain trong cơ sở giáo dục chủ yếu có tác dụng lưu trữ, chia sẻ hồ sơ học tập và chứng chỉ. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng công nghệ sẽ tạo ra cuộc cách mạng cho giáo dục theo nhiều cách: cải thiện cơ hội học tập trọn đời, nâng cao hiệu quả cho các nhà giáo dục thông qua hợp đồng thông minh, cung cấp cho sinh viên quyền sở hữu hồ sơ học tập của họ…
Blockchain với hồ sơ sinh viên
Về cơ bản, số lượng hồ sơ sinh viên là vô tận, việc xác minh chứng chỉ tốn nhiều thời gian, cần tới nhiều giấy tờ và kiểm tra từng trường hợp một. Blockchain có thể loại bỏ phần lớn chi phí liên quan đến quá trình này và đơn giản hóa thủ tục xác minh, tiết kiệm thời gian, công sức cho người quản lý khi nói đến những việc như chuyển trường. Sử dụng blockchain, một học viện nhận sinh viên chuyển trường sẽ xác minh được hồ sơ, khóa học chỉ bằng vài cú nhấp chuột. Mô hình cũng tương tự khi chia sẻ hồ sơ với nhà tuyển dụng.
Bảng điểm điện tử vô cùng chi tiết, chứa thông tin về chuyên cần, khóa học, kết quả thi. Những người được truy cập bảng điểm sẽ biết kết quả học tập của sinh viên ra sao. Công nghệ này không chỉ giá trị với giáo dục đại học mà cả các bậc khác. Ý tưởng bảng điểm điện tử tồn tại vĩnh viễn cũng vô giá với những người muốn học tập trọn đời. Họ liên tục học hỏi các kỹ năng mới, mài giũa kỹ năng cũ, dù là để lấy bằng hay chứng chỉ số. Học tập trọn đời ngày càng quan trọng trong một thế giới biến động không ngừng, do đó, nhu cầu lưu trữ chứng chỉ dựa trên blockchain cũng tăng lên.
Blockchain hấp dẫn với những người làm giáo dục vì đối phó được tình trạng gian lận. Trong blockchain, thông tin được ghi và lưu trữ cùng với nhãn thời gian khi thêm vào chuỗi (chain). Các thông tin trước đó không thể thay đổi, khiến cho việc gian lận bảng điểm hay học bạ vô cùng khó. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi khi không thể chỉnh sửa hồ sơ sinh viên nếu có sai sót.
Trong hồ sơ sinh viên, bằng tốt nghiệp có lẽ là tài sản giá trị nhất. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, tính đến năm 2019, sinh viên tốt nghiệp đại học có mức lương trung bình cao hơn 500 USD/tuần so với người mới tốt nghiệp cấp ba và tỉ lệ thất nghiệp cũng thấp hơn (2,2% so với 3,7%).
Những năm qua, bằng tốt nghiệp kỹ thuật số là ví dụ nổi bật nhất của ứng dụng blockchain trong giáo dục. Năm 2019, Đại học Maryville là một trong các tổ chức đầu tiên áp dụng bằng và bảng điểm điện tử, trao quyền sở hữu cho sinh viên đã và đang theo học. Sinh viên có thể quản lý bảng điểm điện tử qua ứng dụng Blockcerts Wallet. Nhờ công nghệ blockchain, ứng dụng cung cấp bằng tốt nghiệp đã xác minh, không thể làm giả, dễ dàng chia sẻ với nhà tuyển dụng và các học viện khác.
Lợi ích cho mọi đối tượng
Nhờ tính tiện lợi, lâu dài và bảo mật, dùng blockchain để lưu và chia sẻ bảng điểm, bằng tốt nghiệp làm lợi cho mọi bên liên quan, từ sinh viên, học viện đến nhà tuyển dụng.
Đối với sinh viên, như đã nói ở trên, lưu bằng tốt nghiệp trên blockchain giúp họ sở hữu và quản lý kết quả học tập của mình, chia sẻ với người mà họ muốn vào bất kỳ lúc nào. Theo truyền thống, các trường đại học sở hữu và kiểm soát hồ sơ sinh viên nên sinh viên phải phụ thuộc vào nhà trường để tiếp cận và chia sẻ bảng điểm hay các thành tựu khác.
Mô hình cũ có khiếm khuyết rõ ràng. Hồ sơ vật lý có khả năng bị thất lạc, hủy hoại, sinh viên đôi lúc phải trả tiền để xin lại bảng điểm và gặp khó khăn khi cần tìm người có thẩm quyền xác minh kết quả học tập. Chẳng hạn, năm 2016, Học viện công nghệ ITT đột ngột đóng cửa 130 cơ sở tại 38 tiểu bang, khiến sinh viên và cử nhân không thể lấy được hồ sơ cho đến khi Bộ Giáo dục Mỹ phải vào cuộc.
Đối với các tổ chức, đặc biệt là giáo dục đại học, sử dụng blockchain sẽ đơn giản quy trình xác minh, tiết kiệm thời gian, tiền bạc. Nghiên cứu gần đây của Đại học Rome chỉ ra, quy trình xác minh bằng tốt nghiệp khiến trường này tiêu tốn gần 19.000 EUR mỗi năm, tương ứng với 36 tuần làm việc. Do không thể bị giả mạo, các văn bằng cấp trên blockchain giúp xác minh học bạ của sinh viên dễ hơn nhiều.
Với nhà tuyển dụng, quy trình tuyển dụng cũng dễ dàng hơn nhờ lưu trữ bằng tốt nghiệp trên blockchain. Thay vì đề nghị một trường xác minh bản sao bằng tốt nghiệp, nhà tuyển dụng chỉ cần một liên kết dẫn tới phiên bản điện tử. Do tính bảo mật khi lưu trữ hồ sơ trên blockchain, rất khó để ứng viên khai báo sai về bảng điểm của họ, từ đó, các ông chủ biết được ứng viên có đủ điều kiện và phù hợp với vị trí tuyển dụng hay không.
Tác dụng của blockchain trong giáo dục không chỉ dừng lại ở lưu trữ hồ sơ. Công nghệ còn có tiềm năng chuyển đổi chương trình giảng dạy đại học. Một điều chắc chắn là blockchain đảm bảo năng lực lưu trữ an toàn cho các giáo trình và môn học hơn hẳn so với lưu trên ổ cứng. Lưu trữ đám mây là một tùy chọn khác nhưng quá đắt đối với một số tổ chức.
Một ứng dụng khác của blockchain là hợp đồng thông minh, bao gồm các đoạn mã được lập trình để tự động thực hiện tác vụ nào đó khi đáp ứng điều kiện. Chẳng hạn, giáo viên có thể lập trình bài học vào trong một chuỗi khối, ra bài tập cho sinh viên và hợp đồng thông minh tự động xác nhận bài đã hoàn thành trước khi gửi đề bài tiếp theo. Hoặc, giáo viên lập trình toàn bộ kỳ thi – bao gồm câu hỏi, trả lời, thang điểm – vào blockchain và để sinh viên làm bài trên máy tính. Blockchain sẽ lo việc chấm điểm, để thầy cô giáo có thời gian trau dồi kiến thức. Điểm số của sinh viên cũng là một phần của học bạ, được lưu an toàn trên blockchain.
Blockchain còn có tiềm năng giảm chi phí giáo dục, mở ra các lộ trình học tập mới, phải chăng hơn, tạo đột phá trong quan hệ hiện tại giữa nhà trường và học viên. Quy trình quản lý các khoản học phí khá tốn thời gian và cần tới nhiều bên tham gia như sinh viên, phụ huynh, tổ chức học bổng, công ty cho vay tư nhân, nhà nước… Blockchain sẽ giúp quy trình này đơn giản hơn, giảm chi phí quản trị, từ đó giảm gánh nặng học phí.
Tại Mỹ, đã có một số chương trình khám phá tác dụng của blockchain trong giáo dục, chẳng hạn Mạng lưới hành động blockchain giáo dục của Bộ Giáo dục Mỹ, hay Sáng kiến blockchain giáo dục của Hội đồng Giáo dục Mỹ. Mạng lưới hành động blockchain giáo dục hoạt động như một trung tâm để các nhà giáo dục, quản trị viên, sinh viên và nhà phát triển công nghệ cùng nhau hợp tác, tìm ra cách để blockchain định hình lại tương lai giáo dục. Trong khi đó, Sáng kiến blockchain giáo dục tập trung vào việc blockchain giúp chia sẻ hồ sơ giữa các học viện và nhà tuyển dụng.
Tương tự với lĩnh vực tài chính, blockchain có tiềm năng thay đổi lĩnh vực giáo dục, giúp đơn giản hóa quy trình lưu trữ và chia sẻ hồ sơ, nâng cao tính bảo mật, cải thiện lòng tin, rút ngắn quy trình tuyển dụng và trao cho sinh viên quyền sở hữu học bạ suốt đời.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4