Bốn triệu con kiến bị mắc kẹt dưới hầm hạt nhân thời Liên Xô, chúng đã làm thế nào để sống?

    zknight,  

    Trong căn hầm có khoảng 1 triệu con kiến còn sống và 3 triệu xác chết, biến nó trở thành một nghĩa địa kiến khổng lồ.

    Từ lâu, loài kiến đã nổi tiếng với khả năng sinh tồn trong nghịch cảnh. Ngay cả khi bị mắc kẹt vô vọng trong một căn hầm không có ánh sáng, thức ăn và lối thoát, chúng vẫn có thể tìm cách để sống. Câu chuyện có thật này được các nhà khoa học ghi nhận trong một khu rừng phía tây Ba Lan, nơi từng có một căn cứ hạt nhân từ thời Xô Viết. 

    Mặc dù đã bị giải thể và bỏ hoang từ lâu, nhưng hai boongke từng cất giữ vũ khí hạt nhân dưới lòng đất của nó vẫn còn nguyên cấu trúc. Bất đắc dĩ, sự kín đáo và bóng tối đã biến chúng thành một ngôi nhà trú ngụ tuyệt vời cho những con dơi ngủ đông.

    Đầu những năm 2010, một số nhà khoa học bắt đầu đến các boongke để nghiên cứu quần thể dơi. Thật bất ngờ, họ đã phát hiện ra một loài sinh vật khác: Những con kiến ​​gỗ (Formica polyctena) bị mắc kẹt trên sàn hầm. Điều đặc biệt là chúng đã sống sót mà không có kiến chúa, hay bất kỳ cấu trúc gì mà bạn thường thấy trong một tổ kiến.

    Bốn triệu con kiến bị mắc kẹt dưới hầm hạt nhân thời Liên Xô, chúng đã làm thế nào để sống? - Ảnh 1.

    Trong căn hầm có khoảng 1 triệu con kiến còn sống và 3 triệu xác chết, biến nó trở thành một nghĩa địa kiến khổng lồ.

    Tại thời điểm đầu tiên mà bầy kiến được phát hiện, các nhà khoa học đếm được khoảng 1 triệu cá thể còn sống và 3 triệu xác chết. Không thể sinh sản vì không có kiến chúa, toàn bộ những con kiến thợ này rõ ràng đã bị kẹt lại trong boongke ngay từ đầu.

    Nguyên nhân? Trên trần boongke, các nhà khoa học nhìn thấy một ống thông gió bị rỉ sét. Chiếc ống nối căn hầm tối với khu rừng phía trên. Ở đó, một đàn kiến ​​khổng lồ đã xây dựng một gò đất ngay phía trên boongke. 

    Các nhà khoa học nhận định, khi kim loại bắt đầu rỉ sét và bị thủng, một số con kiến đã rơi xuống căn hầm bê tông bên dưới. Ống thông gió trên trần nhà làm việc như một cái rọ, một khi đã rơi xuống, những con kiến không thể leo lên được nữa, bởi khi đu mình ngược trên trần nhà, chúng sẽ bị trọng lực kéo rơi trở lại mặt sàn. Những con kiến vì thế bị mắc kẹt vĩnh viễn.

    Bốn triệu con kiến bị mắc kẹt dưới hầm hạt nhân thời Liên Xô, chúng đã làm thế nào để sống? - Ảnh 2.
    Bốn triệu con kiến bị mắc kẹt dưới hầm hạt nhân thời Liên Xô, chúng đã làm thế nào để sống? - Ảnh 3.

    Phía bên dưới tổ kiến, ống thông gió của căn boongke làm việc như một cái rọ. Một khi những con kiến bị rơi xuống, chúng không thể thoát ra được nữa.

    "Trong bóng tối hoàn toàn, chúng đã xây dựng được một ụ đất”, các nhà khoa học viết trong báo cáo nghiên cứu. Mặc dù không có cấu trúc như một tổ kiến thông thường với đầy đủ chức năng, nhưng những con kiến mắc kẹt vẫn tiếp tục làm việc quanh năm để vận hành "cái tổ", bằng chứng là chúng đã giữ cho lối vào ụ đất luôn luôn mở.

    Từ lâu, các nhà côn trùng học đã muốn điều tra các giới hạn về điều kiện sống của kiến. Bởi vậy, phát hiện về tổ kiến dưới boongke hạt nhân chính là một cơ hội vàng dành cho họ. 

    Không thể bỏ lỡ, suốt nhiều năm sau đó, thỉnh thoảng các nhà nghiên cứu lại trở lại thăm căn hầm và theo dõi những con kiến bị mắc kẹt. Ngày càng nhiều, họ phát hiện những con kiến không ngừng rơi xuống khi ống kim loại tiếp tục gỉ sét. Mặc dù thiếu ánh sáng, nhiệt độ và cả thức ăn, những con kiến này vẫn sống sót.

    Bốn triệu con kiến bị mắc kẹt dưới hầm hạt nhân thời Liên Xô, chúng đã làm thế nào để sống? - Ảnh 4.

    Những con kiến mắc kẹt vẫn tiếp tục làm việc quanh năm để vận hành "cái tổ" mà chúng xây dựng, bằng chứng là lối vào của nó luôn luôn mở.

    Bên trong một căn hầm không có ánh sáng và đặc biệt là không có thức ăn, tại sao những con kiến vẫn có thể tồn tại? Sau một thời gian dài tìm hiểu, cuối cùng các nhà khoa học cũng có được câu trả lời: Lũ kiến đã ăn thịt chính đồng loại của chúng.

    Rõ ràng, kịch bản này đã được tính đến. Rốt cuộc, trong một căn hầm kín như thế này, chính những con kiến là nguồn thức ăn duy nhất của chúng, ngoại trừ một vài con chuột hay dơi vô tình lắm mới chết ở đây. Trước đó, kiến gỗ cũng đã từng được biết đến sẽ ăn xác chết của chính chúng trong những cuộc chiến giữa các tổ, khoảng thời gian thức ăn sẽ khan hiếm.

    Nhưng khoa học không thể chỉ là phỏng đoán, các nhà nghiên cứu phải tìm cách xác nhận linh cảm của họ. Và cách tốt nhất là khám nghiệm thi thể những con kiến đã chết. Trong một công cuộc khảo sát nghĩa trang kiến, các nhà khoa học đã lấy mẫu 150 thi thể của những con kiến thợ nằm rải rác trong hầm. Họ soi chúng dưới kính lúp và xác nhận tới 93% những thi thể này đã bị cắn hoặc gặm.

    Các tác giả báo cáo cho biết đây là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy hàng loạt con kiến gỗ đã bị đồng loại ăn thịt. Thực tế cho thấy không có bất kể một sinh vật nào khác trong hầm có khả năng tạo ra những vết cắn này.

    Bốn triệu con kiến bị mắc kẹt dưới hầm hạt nhân thời Liên Xô, chúng đã làm thế nào để sống? - Ảnh 5.

    Tới 93% những xác kiến có dấu vết bị đồng loại ăn thịt.

    Không thể sinh sản, sự tồn tại và phát triển của tổ kiến trong boongke suốt nhiều năm qua chỉ có thể dựa vào sự rơi xuống liên tục của những con kiến thợ mới và xác chết tích lũy lại của những đồng loại cũ”, các nhà nghiên cứu kết luận.

    "Các xác chết phục vụ như một nguồn thực phẩm vô tận, hỗ trợ đáng kể cho sự tồn tại của những con kiến ​​bị nhốt trong điều kiện cực kỳ bất lợi này".

    Những con kiến ​​gỗ tự chúng dường như vẫn có thể tiếp tục vượt qua nghịch cảnh để sinh tồn. Nhưng đến năm 2016, sau khi thỏa mãn với nghiên cứu của mình, các nhà khoa học đã bắc một cây gỗ nối nền boongke với ống thông gió trên trần. 

    Con đường này đã mở một lối thoát cho lũ kiến. Chỉ trong vòng bốn tháng, gần như tất cả những con kiến mắc kẹt đã thoát ra ngoài, bỏ hoang căn hầm một lần nữa.

    Bốn triệu con kiến bị mắc kẹt dưới hầm hạt nhân thời Liên Xô, chúng đã làm thế nào để sống? - Ảnh 6.

    Chỉ trong vòng bốn tháng, gần như tất cả những con kiến mắc kẹt đã thoát ra ngoài, bỏ hoang căn hầm một lần nữa.

    Bây giờ, khi bất kỳ một con kiến ​​nào không may rơi vào buồng tối, chúng chắc chắn sẽ không còn phải ăn thịt đồng loại để sinh tồn nữa. Đơn giản, đi qua cây cầu mà các nhà khoa học đã bắc là chúng đã có thể về tới nhà.

    Nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Hymenoptera Research.

    Tham khảo Sciencealert, Pensoft

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ