Các công ty Trung Quốc đang lấy tiền ở đâu để thâu tóm và làm chủ công nghệ chip?

    Nguyễn Hải,  

    Ẩn giấu sau các công ty và các quỹ trung gian, những dòng vốn từ chính phủ Trung Quốc đang được sử dụng để thâu tóm các công ty công nghệ cao trên toàn cầu.

    Hầu như chẳng có gì đáng chú ý khi một công ty tư nhân Trung Quốc như NavTech – công ty chuyên về công nghệ dẫn đường cho ngành hàng không, vệ tinh và các hệ thống phòng thủ - mua lại hãng Silex Microsystem vào năm 2015. Đây là công ty Thụy Điển chuyên sản xuất các gia tốc kế, con quay hồi chuyển và các cảm biến siêu nhỏ khác.

    Chỉ một thời gian ngắn sau đó, NavTech cho biết họ sẽ xây dựng một nhà máy trị giá 300 triệu USD tại Bắc Kinh "dựa trên công nghệ của Silex" trong các hệ vi cơ điện tử MEMS (micro electricalmechanical system), những linh kiện được nhúng trong các con chip đang ngày càng trở thành trung tâm cho các thiết bị, từ smartphone, các thiết bị y tế cho đến xe tự lái.

    NavTech do Yang Yunchun thành lập vào năm 2007, sau khi trở về do lời kêu gọi từ chương trình "Nghìn tài năng" của Trung Quốc. Đến năm 2011, NavTech tham gia hàng loạt hợp đồng cung cấp linh kiện cho các dự án tham vọng như xe tự lái Apollo của Baidu, hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu, cũng như công nghệ dẫn đường cho máy bay chiến đấu và drone Trung Quốc (ví dụ chiếc JF-17 Xiaolong).

    Các công ty Trung Quốc đang lấy tiền ở đâu để thâu tóm và làm chủ công nghệ chip? - Ảnh 1.

    Nhưng thông qua một chuỗi các công ty đầu tư tài sản, thương vụ thâu tóm Silex cuối cùng lại liên quan đến các quỹ do chính phủ Trung Quốc kiểm soát. Hơn nữa, nhà máy mới lại được đặt trong một khu công nghiệp thuộc nhà nước và được chống lưng bởi một quỹ đầu tư cho ngành bán dẫn của nhà nước, quỹ Mạch tích hợp Bắc Kinh (Beijing Integrated Circuits Fund).

    Che giấu nguồn vốn Nhà nước thông qua các quỹ trung gian

    Thương vụ này là ví dụ hoàn hảo cho thấy cách Trung Quốc lùng sục khắp thế giới và mua lại các công nghệ chủ chốt như thế nào, khi họ đang muốn trở thành nhà sản xuất hàng đầu toàn cầu về chip máy tính. Tiềm năng của các linh kiện MEMS là một phần trong nỗ lực của Bắc Knh nhằm giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu các linh kiện quan trọng – chiến lược này còn có tên khác "Made in China 2025" vốn đang được chính phủ rót vào hàng trăm tỷ USD.

    Lance Noble, nhà phân tích tại hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics, Bắc Kinh, cho biết: "Với rất nhiều các quỹ thứ cấp có liên quan đến số vốn khổng lồ trên đang tìm kiếm các thương vụ, không mấy ngạc nhiên khi phát hiện ra một số tổ chức dù tự giới thiệu mình là các nhà đầu tư tư nhân nhưng một phần vốn đầu tư lại đến từ các quỹ thuộc Nhà nước."

    Các công ty Trung Quốc đang lấy tiền ở đâu để thâu tóm và làm chủ công nghệ chip? - Ảnh 2.

    Các con quay hồi chuyển siêu nhỏ trên smartphone - những linh kiện MEMS điển hình.

    Trong khi đó Silex – đối thủ của những công ty như STMicroelectrnoics thuộc châu Âu, Teledyne Dalsa của Canada và TSMC của Đài Loan – không phải công ty Thụy Điển duy nhất sản xuất linh kiện MEMS bị các nhà đầu tư Trung Quốc có liên quan đến các quỹ nhà nước mua lại trong những năm gần đây.

    Vào tháng Một 2017, công ty bán dẫn Thụy Điển Norstel bị quỹ An Xin Capital với số vốn 7,4 tỷ USD (khoảng 50 tỷ Nhân dân tệ) mua lại với số tiền không xác định. Quỹ này được gây vốn thông qua chính quyền tỉnh Phúc Kiến và Quỹ Đầu tư Mạch tích hợp Quốc gia – một quỹ khác thuộc nhà nước với số vốn tới 21,8 tỷ USD.

    San’an Optoelectronics, một công ty quản lý quỹ của tỉnh Phúc Kiến, cũng đứng đằng sau vụ đấu giá thất bại vào năm 2016 nhằm mua lại Aixtron, nhà sản xuất thiết bị bán dẫn của Đức.

    Jerker Hellström, nhà phân tích tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển, cho biết: "Có nguy cơ các thương vụ thâu tóm này đang làm hỏng chế độ kiểm soát xuất khẩu của Thụy Điển. Kết quả là, Thụy Điển có thể vô tình hỗ trợ quân đội Trung Quốc hiện đại hóa năng lực của mình." Hiện cả NavTech và Silex đều không trả lời các yêu cầu bình luận.

    Các công ty Trung Quốc đang lấy tiền ở đâu để thâu tóm và làm chủ công nghệ chip? - Ảnh 3.

    Khó khăn trong việc giám sát hoạt động thâu tóm các công nghệ nhạy cảm

    Việc các quỹ và phương tiện đầu tư che phủ nhiều lớp thứ cấp lên các thương vụ thâu tóm công ty bán dẫn cho thấy các thách thức mà những cơ quan quản lý phải đối mặt khi giám sát các thương vụ đầu tư nhằm bảo vệ các công nghệ nhạy cảm.

    Năm 2017, Ủy ban đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS), một cơ quan giám sát đã ngăn chặn thương vụ trị giá 1,3 tỷ USD của quỹ Canyon Bridge Capital Partners nhằm thâu tóm công ty bán dẫn Mỹ Lattice, khi các nhà đầu tư lại được tập đoàn thuộc chính phủ China Reform Holdings với số vốn đầu tư 30 tỷ USD chống lưng.

    Các công ty Trung Quốc đang lấy tiền ở đâu để thâu tóm và làm chủ công nghệ chip? - Ảnh 4.

    Công nghệ chip nhớ của hãng Micron Technology từng là mục tiêu của nhiều vụ ăn trộm bí mật công nghệ.

    Nhưng nhiều thương vụ khác đã thoát khỏi sự giám sát này. OmniVision, một công ty bán dẫn Mỹ chuyên thiết kế các cảm biến hình ảnh, đã bị mua lại vào năm 2015 do một liên doanh các nhà đầu tư Trung Quốc bao gồm Hua Capital, một quỹ đầu tư tư nhân có cổ đông nắm quyền kiểm soát là Tsinghua Unigroup, công ty nhà nước sản xuất chip hàng đầu quốc gia.

    Theo một báo cáo xếp hạng tín dụng, Hua Capital còn thực hiện nhiều thương vụ đầu tư trên danh nghĩa của Quỹ Mạch tích hợp Bắc Kinh. Báo cáo này cũng tuyên bố, một quỹ đầu tư nhà nước đã "tư nhân hóa công ty đại chúng OmniVision Technology của Mỹ".

    Các chính trị gia châu Âu cũng từng đề xuất một cơ quan giám sát tương tự như CFIUS để trao cho Brussels quyền ngăn chặn các thương vụ thâu tóm từ nước ngoài có liên quan đến công nghệ nhạy cảm. Nhưng theo hai nhà ngoại giao, sự phản đối từ hàng loạt các quốc gia thành viên EU đã chuyển từ một đề xuất pháp lý xuống còn "khung hợp tác".

    Tham khảo Ozy

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ