Các nhà khảo cổ vừa phát hiện một giống người lùn tại Philippines, cao chỉ 1,2 mét và biết trèo cây

    zknight,  

    Homo sapiens không hề cô đơn trên hành tinh này, ít ra là đã từng vậy.

    Lịch sử tiến hóa của Homo sapiens sẽ chính thức có thêm một phụ trang mới kể từ ngày hôm nay: Các nhà khảo cổ tuyên bố họ đã phát hiện ra hóa thạch của một loài người lùn cổ đại chưa từng được biết đến.

    Các mẫu xương được tìm thấy bên trong một hang động ở Philippines có niên đại từ 50.000-67.000 năm trước. Chúng thuộc về một loài người hoàn toàn mới được các nhà khoa học đặt tên là Homo luzonensis, cao dưới 1,2 mét và có thể sống trên cây.

    Cùng khoảng thời gian này, tổ tiên chúng ta Homo sapiens và loài Neanderthal đang chia nhau xâm chiếm đại lục địa Á- Âu. Ở trong hang Callao trên hòn đảo Luzon bị cô lập khỏi miền bắc Philippines, Homo luzonensis có vẻ như vẫn sống bình yên mà chẳng cần biết chuyện gì đang xảy ra bên ngoài.

    Các nhà khảo cổ vừa phát hiện một giống người lùn tại Philippines, cao chỉ 1,2 mét và biết trèo cây - Ảnh 1.

    Homo luzonensis được phát hiện bên trong hang Callao, Philippines

    Những trang sử mới nhất của loài người cho đến gần đây viết rằng, giống loài chúng ta bắt nguồn từ Châu Phi. Khoảng 1,5 triệu năm về trước, không một giống người nào thoát ra khỏi được lục địa mẹ, cho đến khi một chủng người đứng thẳng đầu tiên có tên gọi Homo erectus bắt đầu phân tán. Họ đến chiếm lĩnh các vùng đất thuộc lục địa Á- Âu tương ứng với vị trí của Tây Ban Nha, Trung Quốc và Indonesia ngày nay.

    Nhưng rồi Homo erectus tuyệt chủng vào khoảng 50.000 năm trước. Cùng thời điểm đó, tổ tiên của chúng ta là Homo sapiens, loài người duy nhất còn tồn tại, cũng thực hiện một cuộc đại di cư khỏi Châu Phi.

    Nhưng chúng ta biết Homo sapiens không đơn độc. Tổ tiên của chúng ta từng có những loài họ hàng khác cùng thuộc chi người Homo, cụ thể là 6 loài. Nhưng bây giờ, con số đã tăng lên 7, với sự phát hiện ra Homo luzonensis, một loài người hoàn toàn mới.

    Các nhà khảo cổ vừa phát hiện một giống người lùn tại Philippines, cao chỉ 1,2 mét và biết trèo cây - Ảnh 2.

    Phả hệ của loài người bây giờ sẽ có thêm một loài trong chi Homo

    Đó sẽ là một chương bổ sung mới nhất vào câu chuyện tiến hóa của loài người, Florent Détroit, tác giả nghiên cứu đến từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Paris cho biết.

    Cùng với các đồng nghiệp của mình, Détroit đã tiến hành các cuộc khai quật bên trong hang Callao nằm trên đảo Luzon, Philippines. Họ đã tìm thấy 7 chiếc răng, 2 xương bàn tay, 3 xương chân và một xương đùi được cho là của 2 người trưởng thành và 1 trẻ em.

    Các nhà khảo cổ vừa phát hiện một giống người lùn tại Philippines, cao chỉ 1,2 mét và biết trèo cây - Ảnh 3.

    Những chiếc răng đưcọ tìm thấy trong hang Callao của người Homo luzonensis

    Mặc dù không phải một bộ xương hoàn chỉnh, các hóa thạch này cũng cung cấp đủ các manh mối giúp dựng lại diện mạo và lối sống của chủ nhân chúng, những người Homo luzonensis.

    Kích thước răng nhỏ cho thấy người Homo luzonensis thấp hơn 1,2 m - thậm chí còn lùn hơn cả một loài người cổ xưa khác, Homo floresiensis -đôi khi được gọi là hobbit. Homo floresiensis cũng được tìm thấy ở Đông Nam Á và sống cùng thời kỳ với Homo luzonensis mới được phát hiện.

    Các nhà khảo cổ vừa phát hiện một giống người lùn tại Philippines, cao chỉ 1,2 mét và biết trèo cây - Ảnh 4.

    Sọ của người lùn Homo floresiensis (bên trái) so với người hiện đại (bên phải)

    Nhưng sự khác biệt làm nên sự hấp dẫn của Homo luzonensis, đó là loài này có xương ngón chân cong, gần giống với giải phẫu của các loài người cổ hơn trước đó rất nhiều như Australopithecus, chỉ được biết đến ở Châu Phi và sống trong khoảng 2-3 triệu năm về trước.

    Thông thường, xương ngón chân cong đại diện cho một lối sống hỗn hợp, nghĩa là Homo luzonensis có thể vừa đứng thẳng và đi bằng hai chân được, nhưng vẫn giữ lại khả năng trèo cây.

    Các nhà khảo cổ vừa phát hiện một giống người lùn tại Philippines, cao chỉ 1,2 mét và biết trèo cây - Ảnh 5.

    Mặc dù sống ở khoảng 50.000 năm về trước, Homo luzonensis vẫn có xương ngón chân cong như những loài người sống ở niên đại 2-3 triệu năm trước đây

    Điều gì khiến một loài người tồn tại ở khoảng 50.000 năm về trước vẫn còn giữ lại đặc điểm nguyên thủy này? Giả thuyết có thể vì Homo luzonensis bị tách biệt trên một hòn đảo biệt lập khỏi các đại lục địa, nên tiến hóa đơn giản là đã bỏ quên họ.

    Nhưng làm thế nào Homo luzonensis có thể đến được Luzon, một hòn đảo biệt lập giữa Thái Bình Dương chưa bao giờ được nối cầu với đất liền?

    Có một số khả năng được đưa ra. Thứ nhất, các nhà khoa học giả thuyết rằng một số nhóm người đầu tiên có thể đã cố gắng chinh phục biển cả bằng bè. Giả thuyết thứ hai nói rằng họ bị sóng thần cuốn ra đảo.

    Nhưng bởi nhiều nhà khoa học cho rằng Homo erectus không đủ thông minh để vượt biển có mục đích, giả thuyết thứ 2 thường được ưa chuộng hơn. Nó vừa bảo toàn được lịch sử xuất phát của loài người cổ đại từ Châu Phi sang Châu Á, vừa hợp lý hóa được sự tồn tại của Homo luzonensis trên một hòn đảo biệt lập ở Thái Bình Dương.

    Các nhà khảo cổ vừa phát hiện một giống người lùn tại Philippines, cao chỉ 1,2 mét và biết trèo cây - Ảnh 6.

    Bên trong hang Callao nằm trên đảo Luzon, Philippines

    Nhưng cuối cùng, chỉ có sự tồn tại của Homo luzonensis là sự thật. Tất cả những câu chuyện giải thích cho sự có mặt của loài người này cho đến nay chỉ là những giả thuyết. Chúng ta chưa biết chắc tại sao Homo luzonensis lại có thể định cư được lâu dài ở Luzon. Và cũng chưa biết tại sao loài người này bị tuyệt diệt.

    Liệu sự tuyệt chủng của Homo luzonensis có liên quan gì đến tổ tiên của chúng ta, Homo sapiens hay không? Có lẽ các nhà khoa học sẽ còn phải tốn nhiều thời gian để trả lời hết những câu hỏi này và viết lên một lịch sử hoàn chỉnh cho loài người.

    Về phần Homo luzonensis, những "trang sử" kèm theo một số hình ảnh đầu tiên của họ vừa được công bố trên tạp chí Nature.

    Tham khảo Theguardian, Nytimes

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ