Các nhà khoa học đau đầu không hiểu chuyện gì xảy ra: não của người chết vẫn hoạt động 10 phút sau khi tim ngừng đập
Sau cái chết, con người sẽ trải nghiệm điều gì? Không ai biết được cả.
Chết lâm sàng là thuật ngữ y học chỉ việc một người không còn lưu thông máu trong cơ thể và không còn thở. Chỉ vài giây sau khi chết lâm sàng, một người sẽ mất đi tiềm thức của mình. Những hoạt động não đo đạc được sẽ hoàn toàn biến mất sau khoảng 20 cho tới 40 giây.
Các bác sĩ tại một đơn vị chăm sóc sức khỏe đặc biệt tại Canada vừa gặp một ca bệnh nhân rất kì lạ: khi họ quyết định tắt hệ thống hỗ trợ sự sống của 4 bệnh nhân, não của một người trong số đó vẫn còn hoạt động, sau khi người đó (cũng như cả 4 bệnh nhân còn lại) đều đã được xác định là chết lâm sàng.
Trong suốt hơn 10 phút sau khi bác sĩ xác nhận người bệnh đã chết bằng nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm cả việc đo nhịp đập của mạch máu cũng như xác định đồng tử mắt không còn chuyển động, trong người bệnh vẫn còn tồn tại loại sóng não (sóng bùng nổ delta) xuất hiện khi con người đã ngủ sâu.
“Ở một bệnh nhân, sóng bùng nổ delta đã xuất hiện sau khi tim họ ngừng đập cũng như áp lực động mạch đã dừng hẳn”, đội ngũ bác sĩ từ Đại học Tây Ontario, Canada cho hay.
Họ cũng phát hiện ra rằng sự chết là một trải nghiệm độc nhất với mỗi cá nhân con người, mặc dù trên cả bốn bệnh nhân, điện não đồ (EEG) vùng trán của họ đều cho thấy hoạt động não của họ có một vài điểm tương đồng cả lúc trước và sau khi họ được tuyên bố là đã chết.
“Có một sự khác biệt rất rõ ràng trong thông số điện não đồ của bệnh nhân, vào khoảng thời gian 30 phút trước khi chết và 5 phút sau khi động mạch chủ dừng hoạt động”, những nhà nghiên cứu giải thích.
Trước khi thực sự đi vào tìm hiểu sâu vấn đề này, các nhà nghiên cứu tỏ ra rất thận trọng với những yếu tố liên quan và nói thêm rằng bây giờ vẫn còn quá sớm để khẳng định được những nghiên cứu này có ý nghĩa như thế nào với “những trải nghiệm sau khi chết” của con người. Sự thận trọng này cũng có cơ sở của nó, khi mà các nhà nghiên cứu chỉ có duy nhất một bệnh nhân để nghiên cứu.
Không một lời giải thích sinh học nào hợp lý cho lý do tại sao não vẫn có thể hoạt động nhiều phút sau khi tim ngừng đập. Ban đầu, họ nói rằng có thể lỗi ở hệ thống đo đạc đã dẫn tới điều kì lạ này, nhưng khi xác định được rằng thiết bị không hề có dấu hiệu hỏng hóc, ta lại càng không xác định được nguồn gốc của hiện tượng kì lạ kia – không rõ đó là lý do sinh học hay một lý do nào khác.
“Rất khó để đặt ra một nền tảng sinh lý học cho những thông số điện não đồ kia, khi mà nó xuất hiện sau khi máu của người bệnh đã không còn lưu thông nữa”, các nhà nghiên cứu viết trong báo cáo khoa học của mình. “Những sóng não bùng nổ kia có thể được gây ra bởi con người, mặc dù chúng tôi không xác định được một nguồn gốc cụ thể của những sóng ấy”.
Kết quả quét não của bốn bệnh nhân được thể hiện trong hình ảnh bên dưới. Giai đoạn chết lâm sàng được bắt đầu ở Mốc thời gian 0 – Time 0, cũng là lúc tim người đập vài phút sau khi hệ thống hỗ trợ sự sống được tắt đi.
Phần màu vàng là phần ta cần quan sát (ảnh to hơn tại đây), và như bạn có thể thấy trong 3 trên 4 bệnh nhân, hoạt động não đã yếu dần đi sau khi tim họ ngừng đập. Nhưng ở bệnh nhân thứ 4, sóng bùng nổ delta kéo dài một khoảng thời gian 10 phút 38 giây sau khi tim anh ta ngừng đập. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng đó là “sóng chết”, một hiện tượng lạ đã từng được nghiên cứu hồi năm 2011. Sóng chết xuất hiện ở chuột trong khoảng thời gian 1 phút sau khi chuột bị cắt mất đầu. Họ cho rằng não và tim sẽ mang hai thời điểm “chết” khác nhau.
"Sóng chết" xuất hiện trên chuột bị mất đầu.
Khi so sánh với những bệnh nhân của mình, đội ngũ các bác sĩ Canada thấy kết quả không trùng khớp. “Chúng tôi không phát hiện ra một sóng delta nào xuất hiện trong vòng 1 phút sau khi tim ngừng đập cả”. Có lẽ những hiện tượng lạ này rơi vào lĩnh vực khoa học thần kinh người chết (necroneuroscience), một lĩnh vực mà chẳng ai biết chuyện gì đang xảy ra cả.
Nhưng thứ chúng ta biết rõ là có những điều kì lạ xảy ra ở giây phút cái chết diễn ra, ví dụ như một số nghiên cứu hồi năm 2016 chỉ ra rằng vẫn còn tới cả trăm gen vẫn hoạt động, vài ngày sau khi vật chủ chết đi. Thậm chí, không phải là chúng chỉ sống lâu hơn những bộ phận khác, chúng còn gia tăng hoạt động của mình sau khi vật chủ đã chết. Quả là một sự lạ.
Ngược lại với những gì bạn nghĩ tới, những nghiên cứu như thế này không phải để ta hiểu được hơn xem những trải nghiệm sau khi chết, bởi lẽ những quan sát từ bên ngoài như vậy không thuyết phục được chuyên gia cũng như (và cũng bởi vì) chúng không dựa trên được một lời giải thích sinh học hợp lý nào: chẳng ai biết chuyện gì đang xảy ra rả.
Nhưng điều mà chúng ta rút ra được là quá trình chết vẫn còn quá nhiều bí ẩn, quá nhiều thứ để mà khám phá. Con người và các loài vật khác có những trải nghiệm chết khác nhau không? Cơ thể và não bộ ta sẽ trải qua những gì? Có lẽ câu hỏi này chỉ có cái chết mới trả lời được, tuy nhiên khi chết rồi, thì ta chẳng kể được cho ai về những trải nghiệm ấy cả.
“Dead men tell no tales”, hay Việt hóa một cách thô sơ thì rằng “Người chết rồi thì chẳng còn trình báo được gì”.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4