TTO - Phố Wall chứng kiến việc sản xuất chip đang đi từ giai đoạn bùng nổ sôi động đã nhanh chóng biến thành sụp đổ như thế nào trước viễn cảnh tài chính ảm đạm bất ngờ của các nhà sản xuất chip.
Ông Akash Balkhwala, giám đốc tài chính của nhà sản xuất chip Qualcomm, nói với các nhà phân tích: "Đó là một sự thay đổi chưa từng có trong một thời gian ngắn. Chúng ta đã đi từ giai đoạn thiếu hụt nguồn cung sang giai đoạn sụt giảm nhu cầu".
Theo báo Financial Times, Công ty Qualcomm đã giảm 25% doanh thu trong quý hiện tại do chi tiêu của người tiêu dùng giảm sút đã ảnh hưởng đến doanh số bán điện thoại thông minh.
Báo hiệu đợt sa thải mới
Một số nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ đưa ra dự báo doanh thu và thu nhập yếu một cách đáng ngạc nhiên, đồng thời chỉ ra một đợt cắt giảm việc làm sắp tới.
Công ty bán dẫn đa quốc gia của Mỹ Advanced Micro Devices (AMD) cảnh báo doanh số bán bộ vi xử lý cho máy tính cá nhân trong quý này sẽ giảm 40% so với năm 2021, với tỉ suất lợi nhuận thấp đáng kinh ngạc.
Tập đoàn Intel đã hạ dự báo doanh thu một lần nữa sau lần hạ trong quý trước. Họ cảnh báo hàng nghìn việc làm sẽ bị cắt giảm. Kế hoạch trên nhằm giảm 10 tỉ USD chi phí vào năm 2025.
Một năm trước, khi giá cổ phiếu ở đỉnh cao, người ta dễ tin rằng ngành công nghiệp chip đã bước sang một kỷ nguyên mới.
Ông Sanjay Mehrotra, giám đốc điều hành của nhà sản xuất chip nhớ Micron, cho biết vào thời điểm đó các thị trường mới khổng lồ đang mở ra "từ điện thoại di động đến ô tô điện cho đến siêu thị". Cộng thêm các vấn đề về chuỗi cung ứng gây ra tình trạng thiếu chip trên diện rộng và giá tăng trở lại.
Trong một câu hỏi phỏng vấn của báo Financial Times: Liệu ngành chip có còn phải tuân theo chu kỳ luẩn quẩn tăng - giảm đã xảy ra trong quá khứ hay không?
Ông Mehrotra tuyên bố: "Ngành công nghiệp của chúng tôi khác biệt, và chắc chắn là Micron cũng rất khác". Nhưng chưa đầy một năm sau, chu kỳ suy thoái ngành chip đã bắt đầu.
Vào tháng 9 Công ty Micron cảnh báo doanh thu của họ trong quý này sẽ giảm xuống còn 4,25 tỉ USD, giảm 45% so với một năm trước.
Công ty cũng cho biết tỉ suất lợi nhuận gộp của họ sẽ giảm từ 46% xuống 25%. Đáp lại, họ đã cắt giảm gần một nửa chi tiêu trong kế hoạch cho năm 2023.
Đối với Phố Wall, mức độ nghiêm trọng của sự đột ngột suy thoái theo chu kỳ đã làm lu mờ hành động mà Mỹ đã thực hiện vào tháng trước: Chặn việc bán chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến cho Trung Quốc.
Thị trường chip đã đến đáy chưa?
Mức độ nghiêm trọng của cuộc suy thoái gần đây phần lớn là do lượng hàng tồn kho tăng nhanh đến mức khó tin.
Nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng đang suy yếu, bắt đầu với các sản phẩm máy tính và điện thoại thông minh, nhiều hãng đã thực hiện các bước giảm bớt hàng tồn kho, tạm dừng các đơn hàng mới. Việc này cũng góp phần đẩy các nhà sản xuất chip vào khủng hoảng.
Các yếu tố khác cũng đã góp phần vào tình trạng dư cung là sự tăng vọt về năng lực sản xuất chip toàn cầu.
Ông Pat Moorhead, nhà phân tích tại Moor Insights & Strategy - công ty tư vấn, phân tích và tư vấn công nghệ hàng đầu thế giới - cho biết tình trạng thừa công suất có thể trở thành một đặc điểm lâu dài của thị trường.
Tuần trước Công ty Qualcomm dự đoán các nhà sản xuất điện thoại thông minh sẽ mất hai quý để giải quyết nốt số hàng còn tồn kho của họ.
Một số nhà phân tích cũng cho rằng cường độ giảm đột ngột của một số dự báo gần đây - thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của Phố Wall - cho thấy thị trường chip có thể sắp chạm đáy.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín