Camera theo dõi mặt chưa là gì, Trung Quốc còn áp dụng cả mũ theo dõi não bộ người dùng

    Nguyễn Hải,  

    Dù là thiết bị có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền riêng tư, người lao động Trung Quốc có rất ít sự lựa chọn trước yêu cầu của các ông chủ.

    Trong khi bạn còn đang lo ngại về việc Google hay Facebook sử dụng dữ liệu truy cập web để gián tiếp theo dõi bạn, thì tại Trung Quốc, một số công ty còn trực tiếp theo dõi suy nghĩ của những người lao động bằng loại mũ công nghệ cao gắn cảm biến.

    Với vẻ ngoài trông tương tự như những chiếc mũ bảo hiểm hay mũ đồng phục thông thường, nhưng bên trong nó là các cảm biến không dây để liên tục theo dõi sóng não của người lao động và truyền dữ liệu đó về máy tính. Tại đây, các thuật toán trí tuệ nhân tạo sẽ phát hiện ra các mô hình cảm xúc từ những sóng não này, ví dụ như sự mệt mỏi, lo lắng hay giận dữ.

    Camera theo dõi mặt chưa là gì, Trung Quốc còn áp dụng cả mũ theo dõi não bộ người dùng - Ảnh 1.

    Áp dụng trên quy mô lớn

    Thay vì được áp dụng trong các thử nghiệm hoặc giới hạn ở một số lĩnh vực, công nghệ này đang được áp dụng phổ biến tại Trung Quốc, đặc biệt trong các nhà máy, các công ty giao thông công cộng, các công ty nhà nước và quân đội, nhằm mục đích tăng cường khả năng cạnh tranh trong ngành công nghiệp cũng như duy trì sự ổn định xã hội.

    Một trong những trung tâm chính cho nghiên cứu này ở Trung Quốc là Neuro Cap, một dự án theo dõi não bộ do ngân sách trung ương tài trợ tại Đại học Ningbo. Cho đến nay, chương trình này đã được triển khai tại hơn một chục nhà máy và các doanh nghiệp.

    Jin Jia, giáo sư về thần kinh học và tâm lý học nhận thức tại trường kinh doanh Đại học Ningbo, tin rằng các nhân viên có cảm xúc cao sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dây chuyền sản xuất và gây nguy hiểm cho người khác.

    Camera theo dõi mặt chưa là gì, Trung Quốc còn áp dụng cả mũ theo dõi não bộ người dùng - Ảnh 2.

    Ông cho rằng, công nghệ đọc não của Trung Quốc cũng tương tự như phương Tây nhưng Trung Quốc là quốc gia duy nhất sử dụng nó trên quy mô lớn trong nơi làm việc. Ở Mỹ, công nghệ này chỉ được áp dụng cho các cung thủ để cải thiện thành tích của họ khi thi đấu.

    Khi được áp dụng với quy mô rộng lớn như tại Trung Quốc, một lượng dữ liệu khổng lồ thu thập từ người dùng có thể giúp cải thiện hệ thống và cho phép Trung Quốc vượt qua các đối thủ cạnh tranh khác trong vài năm tới. Không chỉ vậy, công nghệ này cũng được sử dụng trong các nghiên cứu về dược phẩm.

    Khó đo lường chính xác trong thực tế

    Theo website của Deayea, một công ty công nghệ tại Thượng Hải, các thiết bị theo dõi não bộ của họ đã được những người lái tàu trên tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải thường xuyên sử dụng. Khi được gắn trong vành mũ, các cảm biến có thể đo lường được các loại hoạt động não khác nhau, bao gồm cả sự mệt mỏi và mất tập trung với độ chính xác đến 90%.

    Tuy nhiên, cho đến nay, những nghiên cứu về việc sử dụng các bản ghi điện não đồ để phát hiện cảm xúc người dùng được các nhà khoa học Trung Quốc và quốc tế công bố cho thấy, độ chính xác chỉ nằm trong khoảng từ 60-70%.

    Camera theo dõi mặt chưa là gì, Trung Quốc còn áp dụng cả mũ theo dõi não bộ người dùng - Ảnh 3.

    Những thiết bị gắn cảm biến điện não đồ này thường được làm ướt bằng gel, để có kết quả chính xác hơn khi nghiên cứu, việc chỉ gắn vào mũ khô có thể không đem lại độ chính xác như mong muốn.

    Ngoài ra, theo Barry Giesbrecht, giáo sư tâm lý học tại Đại học California ở Santa Barbara, các cảm biến điện não đồ không chỉ nhạy với hoạt động não mà còn với bất kỳ hoạt động điện nào. Vì vậy, trong các nghiên cứu sử dụng điện não đồ, các đối tượng gần như chỉ nháy mắt hoặc thực hiện các chuyển động nhỏ để tránh làm nhiễu cảm biến. Nhưng trong môi trường thực tế, với hàng ngàn công nhân, điều này rất khó thực hiện.

    Mặc dù vậy, một số công ty cho biết, việc áp dụng công nghệ này cho trang phục nhân viên đã giúp tăng hiệu quả làm việc. Ví dụ, công ty điện lực State Grid Zhejiang Electric Power cho biết, lợi nhuận của họ đã tăng thêm 2 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 315 triệu USD) kể từ khi họ triển khai vào năm 2014.

    Tuy nhiên, theo ông Qiao Zhian, giáo sư về tâm lý học quản trị tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, trong khi các thiết bị này có thể giúp các doanh nghiệp trở nên cạnh tranh hơn, nó cũng có thể bị các công ty lạm dụng để điều khiển tâm trí và xâm phạm tính riêng tư, làm gia tăng nỗi ám ảnh của việc bị giám sát.

    "Hiện không có luật lệ hay quy định nào để giới hạn việc sử dụng các thiết bị này tại Trung Quốc. Chủ lao động được khuyến khích mạnh mẽ sử dụng công nghệ khi mang lại lợi nhuận cao hơn, còn người lao động thường ở vị trí quá yếu để nói Không." Ông cho biết.

    Tham khảo SCMP, TechnologyReview

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ