Camera trồi sụt sẽ là tính năng tối quan trọng nếu bạn muốn bảo vệ quyền riêng tư trên điện thoại
Các camera trồi sụt (pop-up) có lẽ không chỉ là một phương thức giúp vượt qua những thách thức trong thiết kế điện thoại ngày nay, chúng còn có thể tiến hóa thành một tính năng phải có đối với những người dùng smartphone xem trọng quyền riêng tư.
Một báo cáo mới đây cho thấy tại Trung Quốc, các camera trồi sụt bỗng nhiên được kích hoạt khi người dùng sử dụng một số ứng dụng nhất định. Đây chính là chứng cứ cho thấy chúng ta đang bị theo dõi bởi các ứng dụng và các hãng sản xuất thiết bị - một việc dù ngầm hiểu, nhưng chưa bao giờ được khẳng định nếu chỉ sử dụng những thiết bị với camera thông thường.
Hai chiếc điện thoại với camera trồi sụt vừa được công bố gần đây là Vivo Nex và Oppo Find X. Thông thường, camera trên hai thiết bị này sẽ trồi lên từ thân máy khi ứng dụng camera chuyển sang chế độ selfie (trên Vivo Nex), hay khi ứng dụng camera được mở lên (trên Oppo Find X).
Tuy nhiên, một vài ứng dụng tại Trung Quốc, bao gồm trình duyệt web QQ, ứng dụng du lịch Ctrip, ứng dụng nhắn tin Telegram, và tính năng ghi âm trong một ứng dụng của Baidu, đều sẽ kích hoạt camera selfie của Nex. Những ứng dụng này không phải là loại ứng dụng ít người biết, khi mà trình duyệt QQ được phát triển bởi gã khổng lồ công nghệ Tencent, Ctrip là một nhà cung cấp dịch vụ du lịch có tiếng, còn Baidu thì là một trong những bộ máy tìm kiếm hàng đầu thế giới.
Quyền riêng tư
Trên các thiết bị không có camera trồi sụt, chúng ta không bao giờ biết được khi nào camera selfie được kích hoạt, và những ví dụ nêu trên đã vô tình cho thấy các nhà phát triển đã và đang cố ý xâm phạm quyền riêng tư của chúng ta. Tất nhiên, các nhà phát triển không đồng ý với cáo buộc đó. Baidu phản hồi rằng người dùng ứng dụng hẳn đã đồng ý cho camera trước được kích hoạt, nhưng cho dù vậy, nó cũng không quay lại thứ gì. Thay vào đó, nó được dùng để nhắc điện thoại kích hoạt microphone nhanh hơn thường lệ trong ứng dụng nhập giọng nói.
Tencent cũng nói rằng camera không dùng để quay, mà được kích hoạt nhằm chuẩn bị cho việc đọc mã QR vốn rất phổ biến ở Trung Quốc. Sau khi vụ việc lan rộng, Telegram đã vào cuộc và tung ra một bản beta vá lỗi, không quên đổ cho phần mềm của Vivo đã tác động khiến hoạt động của ứng dụng Telegram gặp vấn đề.
Dù muốn khẳng định các ứng dụng và điện thoại đang theo dõi chúng ta, nhưng không có bằng chứng nào ngoài việc ứng dụng điều khiển kích hoạt camera selfie - vốn không phải là bằng chứng cho thấy camera này sau đó sẽ quay và thậm chí là upload những gì quay được lên một máy chủ mà không được sự đồng ý của người dùng. Rất nhiều ứng dụng sẽ nhắc trước tính năng này trong quá trình khởi động, không cần biết bạn có dùng đến hay không.
Điều đó không có nghĩa chúng ta không cần phải chú ý. Hành vi này là một lời cảnh báo rằng người dùng nên kiểm tra và hiểu các quyền mà ứng dụng yêu cầu được cấp trong quá trình cài đặt. Nếu tính năng chính trong một ứng dụng không đòi hỏi sử dụng camera, microphone, hay truy xuất email, tốt nhất bạn nên từ chối khi được yêu cầu cấp những quyền đó. Nếu cần thiết sau này, bạn vẫn có thể thay đổi trong phần cài đặt.
Tham khảo: DigitalTrends
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời