CEO Vinalink Tuấn Hà: Khởi nghiệp thương mại điện tử nên bắt đầu với sản phẩm thiết yếu

    Nguyên Đức, Theo ICTnews 

    Theo CEO Vinalink Tuấn Hà, sinh viên khởi nghiệp với thương mại điện tử nên bắt đầu từ những sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu, giá bán phù hợp với số đông. Nên nhớ, sản phẩm có giá bán dưới 399.000 đồng hiện đang chiếm tới 85% thị trường.

    CEO Vinalink Tuấn Hà: Khởi nghiệp thương mại điện tử nên bắt đầu với sản phẩm thiết yếu - Ảnh 1.

    Khởi nghiệp kinh doanh thương mại điện tử nên bắt đầu với những sản phẩm thiết yếu

    Trao đổi tại sự kiện phát động chương trình sinh viên với thương mại điện tử do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Tuấn Hà, CEO Vinalink đánh giá thương mại điện tử đang phát triển mạnh tại Việt Nam, trong đó nhiều sinh viên đã nhạy bén tham gia.

    Chuyên gia này cho rằng, khởi nghiệp bằng thương mại điện tử được xem là lựa chọn “an toàn”, bởi nếu thất bại cũng không mất nhiều chi phí đầu tư, hoạt động như các hình thức kinh doanh truyền thống khác.

    “Có rất nhiều cách để khởi nghiệp. Nếu không tự mình làm thì các sinh viên nên tranh thủ thời gian rảnh để lập nhóm kinh doanh. Bắt đầu từ những sản phẩm phục vụ các nhu cầu thiết yếu, sản phẩm mang tính đột phá sáng tạo. Thậm chí có thể đáp ứng nhu cầu không chỉ của thị trường Việt Nam mà còn là nước ngoài”, ông Tuấn Hà nói.

    Đáng chú ý, phân tích của chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, hiện nay các sản phẩm kinh doanh thương mại điện tử phổ biến tại Việt Nam gồm có hàng gia dụng, điện tử, điện máy, sách, đồ dùng giáo dục… (qua sàn giao dịch); vé, du lịch, vận tải, đặt bàn ăn, giải trí, thực phẩm sạch… (qua ứng dụng riêng).

    Trong đó, sản phẩm có giá bán dưới 399.000 đồng hiện đang chiếm tới 85% thị trường. Hàng hóa 90% nhập từ Taobao, 1688 (Trung Quốc).

    Bên cạnh đó 50% được bán qua Facebook, Zalo, số còn lại bán qua các sàn giao dịch như Lazada, Adayroi…

    CEO Vinalink Tuấn Hà: Khởi nghiệp thương mại điện tử nên bắt đầu với sản phẩm thiết yếu - Ảnh 2.

    Thị trường thương mại điện tử đang mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho sinh viên

     Các hình thức cá nhân tham gia thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là nhập hàng Trung Quốc rồi phân phối tại Việt Nam qua Facebook; nhập hàng sản xuất tại Việt Nam, hàng Trung Quốc gia công tại Việt Nam để bán trên sàn thương mại điện tử. Hoặc chỉ sản xuất hàng đơn giản và bán qua các ứng dụng thương mại điện tử chuyên ngành.

    Tư vấn cho cộng đồng sinh viên khởi nghiệp, ông Phi Vĩnh Quý, nhà sáng lập Offers.vn cho rằng, các sinh viên khởi nghiệp với thương mại điện tử thường gặp khó khăn về kỹ thuật làm web, ứng dụng, online marketing. Tuy nhiên trong thực tế phải chấp nhận những vấn đề mình không biết, phải lao vào học hỏi, tìm nguồn lực từ bên ngoài.

    Và đặc biệt lưu ý, phải tư duy làm ra sản phẩm có tiềm năng thị trường, bởi nếu tung ra sản phẩm theo ý thích của mình mà không có người dùng – thị trường thì sẽ thất bại hoàn toàn.

    "Một kinh nghiệm hữu ích là cũng nên tìm hiểu thị trường thương mại điện tử thế giới như Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Châu Âu… họ đang kinh doanh gì, cân nhắc xem mình có làm được tại Việt Nam hay không. Theo hướng như vậy, đôi khi còn dễ bắt đầu khởi nghiệp hơn là tự ngồi nghĩ", ông Phi Vĩnh Quý nói.

    CEO Vinalink Tuấn Hà cho rằng, để trang bị cho mình kiến thức, các sinh viên có thể tham gia vào cộng đồng thương mại điện tử như Amazon, Shopee, Facebook, Lazada… để lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm, trang bị kỹ năng bán hàng, marketing. Phải đặt ra mục tiêu trong 1-2 năm nắm được những kiến thức về kinh doanh online.

    Trao đổi thêm, đại diện Master Card lưu ý, hiện nay thị trường thương mại điện tử Việt Nam tuy đang phát triển nhưng chưa có sự bền vững. Nguyên nhân là do người mua hàng không tin tưởng sản phẩm đúng như với quảng cáo, lo ngại đến vấn đề bảo mật. Do đó cộng đồng kinh doanh thương mại điện tử cần phải giải quyết vấn đề này để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ