Có bố mẹ là người chống vắc-xin, một cậu bé Mỹ phải trốn nhà đi tiêm

    zknight,  

    Thay vì chỉ đọc các ý kiến trên mạng, Lindenberger đã đọc các bài báo khoa học gốc, được bình duyệt bởi các nhà nghiên cứu để đưa ra quyết định.

    Ngày bé, có lẽ không một đứa trẻ nào dám tình nguyện đến trạm y tế để tiêm phòng, đều là "bị" cha mẹ ép mới đi. Thế nhưng, phong trào "anti-vaxxing" ngày nay lại đang châm ngòi cho những câu chuyện hết sức trớ trêu và trái ngược:

    Một học sinh trung học người Mỹ mới đây nói rằng cậu đã phải đợi 18 năm mới được nhận những mũi vắc-xin đầu tiên trong đời. Thậm chí, cậu thanh niên ở tiểu bang Ohio đã phải trốn bố mẹ để tự đi tiêm lấy.

    Có bố mẹ là người chống vắc-xin, một cậu bé Mỹ phải trốn nhà đi tiêm - Ảnh 1.

    Ethan Lindenberger, cậu bé Mỹ nhận những mũi vắc-xin đầu tiên năm 18 tuổi

    Ethan Lindenberger, cậu học sinh đăng một bài thảo luận trên Reddit chia sẻ rằng mình đã không được tiêm vắc-xin khi còn nhỏ, bởi cha mẹ cậu là những người anti-vaccine. "Những người ngu ngốc mới không tin vào vắc-xin", Lindenberger viết. "Chúa mới biết tại sao tôi vẫn còn sống trên đời này".

    Anh chàng đã phải nhờ đến những lời khuyên trên Reddit để tìm hiểu cách tự đi tiêm phòng. Các tài khoản Reddit khác nhanh chóng chỉ cho Lindenberger những hướng dẫn về bảo hiểm y tế, và địa chỉ trung tâm y tế mà cậu ấy nên tới. Bởi tiêm chủng, dù muộn còn hơn không.

    "Tôi biết rằng đó là điều mà tôi cần làm, vì lợi ích của bản thân tôi và vì lợi ích của cả cộng đồng xung quanh", Lindenberger viết. "Tôi không muốn mình trở thành lý do khiến một số dịch bệnh đã bị xóa sổ lại lây lan trở lại".

    Suy nghĩ của Lindenberger thực sự đúng đắn. Sự hiệu quả và an toàn của vắc-xin được hỗ trợ bởi rất nhiều bằng chứng khoa học. Vắc-xin chứa các phiên bản chết hoặc suy yếu của mầm bệnh để đào tạo hệ thống miễn dịch của chúng ta chống lại các bệnh nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong như cúm, sởi và thủy đậu…

    Ngoài việc bảo vệ bản thân người tiêm khỏi bệnh tật, vắc-xin còn đóng một vai trò quan trọng vào việc tạo nên một vỏ bọc miễn dịch cộng đồng, giúp bảo vệ những người có hệ thống miễn dịch dễ bị tổn thương, như người già, người mắc bệnh ung thư hoặc HIV/AIDS.

    Những người này không thể tiêm vắc-xin, nhưng nếu có đủ số lượng người trong cộng đồng xung quanh họ được tiêm vắc-xin, họ cũng sẽ không bị mắc bệnh dưới lá chắn miễn dịch quần thể, vì thế ngăn chặn được dịch bệnh lây lan.

    Có bố mẹ là người chống vắc-xin, một cậu bé Mỹ phải trốn nhà đi tiêm - Ảnh 2.

    Những người mẹ anti-vaccine có đang mang bệnh về nhà

    Tuy nhiên, tại một số tiểu bang của Hoa Kỳ, luật pháp cho phép cư dân từ chối tiêm chủng vì lý do y tế, tôn giáo hoặc triết học của họ. Ohio, nơi Lindenberger sống, là một trong 17 tiểu bang cho phép điều đó, dẫn đến việc cha mẹ cậu bé có thể từ chối tiêm chủng cho cậu.

    Mặt trái của đạo luật này là khi có một lượng quá đông người từ chối tiêm chủng, dịch bệnh sẽ quay trở lại. Điều đó có thể dẫn đến sự hồi sinh của dịch sởi vẫn đang hoành hành tại Mỹ.

    Năm 2017, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo rằng số ca mắc sởi trên toàn cầu đã tăng tới 30% so với năm 2016. Báo cáo cho biết hậu quả này bắt nguồn từ "khoảng trống" trong phạm vi tiêm chủng vắc-xin.

    Những người chống vắc-xin tuyên bố rằng việc tiêm chủng là không cần thiết, và nó trái với "bằng chứng khoa học" mà họ viện dẫn và tin vào. Nổi tiếng nhất là nghiên cứu năm 1998 của cựu bác sĩ người Anh Andrew Wakefield nói rằng vắc-xin MMR (sởi, quai bị, bubella) có liên quan đến bệnh tự kỷ ở trẻ em.

    Nhưng sau đó, các nhà khoa học khác phát hiện đây là một nghiên cứu không trung thực, Wakefield đã cố ý làm sai lệch kết quả. Vì vậy, bài báo đã bị rút lại và ông này bị tước giấy phép hành nghề.

    Có bố mẹ là người chống vắc-xin, một cậu bé Mỹ phải trốn nhà đi tiêm - Ảnh 3.

    Tại một số tiểu bang của Hoa Kỳ, luật pháp cho phép cư dân từ chối tiêm chủng vì lý do y tế, tôn giáo hoặc triết học của họ

    Trong một cuộc phỏng vấn, Lindenberger chia sẻ rằng phải đến năm 13 tuổi, khi bắt đầu tiếp cận được các phương tiện truyền thông xã hội, cậu bé mới nhận thức được niềm tin sai lầm về vắc-xin của bố mẹ mình.

    "Tôi nhanh chóng tìm thấy những cuộc tranh luận trực tuyến [về vắc-xin] diễn ra liên tục và khắp nơi, trong đó mọi người sẽ thảo luận về vấn đề này, và đây là một cuộc thảo luận thực sự nóng bỏng", Lindenberger cho biết.

    Cậu nói rằng mình đã đi sâu vào nghiên cứu, thay vì chỉ đọc các ý kiến trên mạng. Nghiên cứu với Lindenberger nghĩa là cậu đã đọc cả bài báo khoa học gốc, được bình duyệt bởi các nhà nghiên cứu. Điều này ủng hộ cậu đứng về phía vắc-xin.

    Tuy nhiên, khi Lindenberger đưa cho mẹ mình xem một bài báo của CDC nói rằng vắc-xin không gây ra bệnh tự kỷ, bà ấy gạt đi và bảo cậu con trai rằng "đó chỉ là những gì họ muốn con nghĩ mà thôi".

    Trong bài đăng Reddit của mình, Lindenberger cũng chia sẻ rằng cha mẹ cậu coi vắc-xin là một kế hoạch của chính phủ. Và đó là lý do họ không cho cậu được quyền tiêm chủng.

    Có bố mẹ là người chống vắc-xin, một cậu bé Mỹ phải trốn nhà đi tiêm - Ảnh 4.

    Lindenberger đã tiêm những mũi vắc-xin đầu tiên trong đời ở tuổi 18

    Tuy nhiên, tháng 1 vừa rồi, Lindenberger đã cập nhật tình hình của mình. Cậu chia sẻ đã tìm đến một phòng khám y tế địa phương, gần quê nhà Norwalk, Ohio. Ở đây, các nhân viên y tế đã tiêm cho Lindenberger một số mũi vắc-xin đầu tiên bao gồm HPV, viêm gan A, viêm gan B và vắc-xin cúm.

    Lindenberger nói rằng sau đợt tiêm vắc-xin đầu tiên trong đời, cậu cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh. Tự tin vào quyết định của mình, Lindenberger tin rằng đó là lựa chọn sáng suốt, đem lại lợi ích cho bản thân cậu và cộng đồng những người xung quanh.

    Tham khảo Thisisinsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ