Cùng là một loại nước ngọt, nhưng sản xuất ở hai nước khác nhau sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe khác nhau
Lượng và loại đường trong các sản phẩm đặc trưng bởi nguyên liệu như mía hoặc củ cải đường.
Các loại nước ngọt, Coca-Cola, Fanta, Sprite và Pepsi, ở các thị trường khác nhau sẽ chứa lượng đường khác nhau. Loại đường các nhà sản xuất sử dụng trong đó cũng khác biệt, theo một bài báo khoa học mới công bố trên tạp chí Medical Journal of Australia.
Ví dụ, nồng độ đường glucose trong nước giải khát ở Úc cao hơn 22% so với Mỹ, mặc cho tổng lượng đường trong sản phẩm là không khác biệt và chúng cùng là một nhãn hàng thương mại.
Những khác biệt này có ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe của người dân ở mỗi nước hay không? Liệu các công ty nước ngọt có bán một sản phẩm an toàn hơn ở một thị trường ưu tiên hơn? Đó là điều các nhà khoa học chưa biết rõ.
Nhưng chắc chắn một điều, tiêu thụ cả đường glucose và fructose quá mức đều góp phần khiến bạn béo lên. Cân nặng sẽ kéo theo một loại các tình trạng nguy hiểm khác như tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch.
Bởi cơ thể chuyển hóa đường glucose và fructose khác nhau, ảnh hưởng sức khỏe của chúng là khác nhau.
Các loại nước ngọt, Coca-Cola, Fanta, Sprite và Pepsi, ở các thị trường khác nhau sẽ chứa lượng và loại đường khác nhau
Sucrose, glucose và fructose
Ở Úc, người ta gọi chung Coca-Cola, Fanta, Sprite và Pepsi là các đồ uống giải khát. Ở Mỹ, chúng được gọi là nước sô đa, còn ở Anh là nước ngọt có gas. Các sản phẩm này có đặc điểm: không chứa cồn nhưng có gas, đường và uống có vị ngọt.
Đường là thành phần chủ yếu của các loại nước giải khát, chúng bao gồm glucose, fructose và sucrose. Các sản phẩm nước giải khát ở các quốc gia khác nhau thì có nguồn đường khác nhau. Đó là bởi đường được sản xuất từ các loại cây nguyên liệu khác nhau, theo từng khu vực trên thế giới.
Chẳng hạn như nước giải khát ở Úc chủ yếu chứa đường sucrose, sản xuất từ mía. Sucrose bao gồm một phân tử glucose và một phân tử fructose gắn lại với nhau bằng các liên kết hóa học.
Điều này có nghĩa là một lượng glucose và fructose giống nhau sẽ dồn vào máu, sau khi sucrose được tiêu hóa.
Ở nhiều nước khác như Châu Âu, nước giải khát được làm ngọt bằng đường củ cải giàu sucrose. Còn ở Mỹ, đó là xi-rô ngô hàm lượng cao fructose. Xi-rô ngô hàm lượng cao fructose cũng được tạo thành từ glucose và fructose, nhưng có tỉ lệ frctose:glucose cao hơn nhiều so với sucrose.
Những lon nước ngọt ở các nước khác nhau sẽ tác động tới sức khỏe khác nhau?
Tiêu thụ quá nhiều đường fructose là một trong những nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ. Căn bệnh ảnh hưởng đến một trong mỗi mười người ở các nước phương Tây. Trong trường hợp này, nó được gọi là gan nhiễm mỡ không do rượu .
Một số nhà nghiên cứu chỉ ra bằng chứng cho thấy ăn quá nhiều fructose làm hại gan tương tự như uống rượu. Tuy nhiên, mối lo ngại này chỉ đến từ fructose phụ gia được thêm vào thực phẩm. Nó có nghĩa là fructose tự nhiên trong các loại hoa quả là an toàn.
Chúng ta vẫn thường ăn các nguồn fructose tự nhiên như trái cây, mật ong và một số loại rau quả. Nhưng thường thì mức ăn không bao giờ vượt quá mức nguy hiểm. Các loại thực phẩm này cũng cung cấp nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng khác như chất xơ và vitamin.
Do đó, hoa quả không gây ra nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ.
Tiêu thụ quá nhiều đường fructose là một trong những nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ
Thế còn đối với đường glucose, tiêu thụ quá nhiều sẽ làm tăng vọt đường huyết và insulin. Hiệu ứng này có thể ảnh hưởng đến chức năng não bộ, gây ra tâm trạng thất thường và cảm giác mệt mỏi. Vì đường huyết cao liên quan đến bênh tiểu đường, nên việc tiêu thụ các loại đồ uống chứa nhiều glucose cũng làm tăng nguy cơ tiểu đường và bệnh tim mạch.
Tất cả các loại nước giải khát đều được xem là nguồn thực phẩm giàu năng lượng nhưng nghèo dinh dưỡng. Vì vậy, chúng không hề tốt cho sức khoẻ.
Nhưng khả năng gây hại của nước ngọt chính xác đến đâu, còn là điều khó xác định. Một trong những thách thức cố hữu là chúng ta không thể biết chính xác liều lượng glucose hoặc fructose thực, bên trong các loại thức uống này.
Các nghiên cứu theo dõi người dân trong thời gian dài nhằm liên kết thói quen uống nước ngọt với các tác động bất lợi đến sức khoẻ cũng rất phức tạp. Các nhà khoa học khó xác định chắc chắn, liệu sức khỏe của các tình nguyện viên bị suy giảm vì ăn quá nhiều thực phẩm giàu năng lượng hay họ còn có hành vi hại sức khoẻ khác.
Vì vậy, những nghiên cứu thêm là cần thiết, để xác định xem nước giải khát chứa nồng độ fructose và glucose khác nhau sẽ liên quan đến những nguy cơ sức khỏe khác nhau nào.
Chính sách thắt chặt với mặt hàng nước ngọt
Những người đấu tranh cho quyết định đánh thuế nước ngọt có gas tại San Francisco
Chúng ta vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu, về sự khác nhau giữa thành phần đường và thực trạng tiêu thụ nước ngọt ở nhiều quốc gia. Nhưng một số ít các nước, bao gồm Mexico và Pháp, đã thực hiện đánh thuế đường trên mặt hàng nước giải khát.
Dưới quy mô nhỏ hơn, năm ngoái, đồng loạt 4 thành phố ở Hoa Kỳ cũng thông qua chính sách đánh thêm thuế vào nước ngọt. Chúng ta cần thời gian để xác định liệu những chính sách này có làm giảm tỷ lệ mắc bệnh béo phì, tiểu đường và bệnh tim hay không.
Ở Canada, các nhà khoa học cũng bắt đầu lên tiếng về tác hại khủng khiếp của đồ uống có đường. Ở một số các nước khác, bao gồm cả Úc, các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa có động thái dứt điểm.
Thế nhưng một loạt các chiến lược can thiệp đang được xem xét, bao gồm việc cấm bán nước ngọt có gas ở trường học và bệnh viện, tăng thuế và quản chặt quảng cáo nước giải khát.
Tháng 12 này, một tiểu bang của Úc sẽ cấm hàng loạt đồ uống có đường xuất hiện trong hệ thống bán hàng tự động, quán cà phê và dịch vụ ăn uống tại các cơ sở y tế.
Tất cả đều là những động thái tuyệt vời. Điều quan trọng bây giờ là chúng ta phải tiếp tục nâng cao nhận thức, về những ảnh hưởng xấu của đồ uống có đường tới sức khỏe.
Tham khảo ScienceAlert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4