Cuộc đua "song mã" trên thị trường TMĐT: Chỉ có Shopee và TikTok Shop tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm, 3 sàn còn lại ngậm ngùi đi lùi
Trong 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam, chỉ có TikTok Shop và Shopee đạt tăng trưởng dương 6 tháng đầu năm, dẫn đầu là TikTok Shop với mức tăng doanh số hơn 150%. Đặc điểm chung của 2 sàn này là những chính sách "ưu tiên" người mua, đặc biệt là Shopee.
- Cảnh báo lượng rác thải khổng lồ từ thương mại điện tử
- Sàn thương mại điện tử có được bán các loại hoá chất độc hại?
- Thương mại điện tử trở thành ‘sát thủ’môi trường
- Sàn thương mại điện tử "ưu tiên" người mua, nhà bán hàng phản ứng
- Cảnh báo giả danh nhân viên của sàn thương mại điện tử để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
Theo "Báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu 2024" được nền tảng phân tích dữ liệu thương mại điện tử (TMĐT) Metric công bố mới đây, 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop ghi nhận doanh số tổng cộng là 143,9 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng 54,91% so với cùng kỳ năm 2023. 1.533 triệu sản phẩm đã được giao thành công, tăng 65,55%.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ hai sàn TikTok Shop và Shopee. Xét về doanh số so với 6 tháng đầu năm 2023, TikTok Shop và Shopee tăng trưởng lần lượt 150,54% và 65,97%. Còn về sản lượng, con số tăng trưởng lần lượt là 242,15% và 25,67%.
Bên cạnh đó, TikTok Shop là sàn duy nhất có doanh số 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng dương so với 6 tháng cuối năm 2023, ở mức 24,49%.
Ở chiều ngược lại, 3 sàn Lazada, Tiki và Sendo chứng kiến cả sản lượng và doanh số đều đi lùi. Về doanh số 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái, Lazada, Tiki và Sendo lần lượt tăng trưởng -43,81%, -48,55% và -70,56%. Xét theo sản lượng, những tỷ lệ này lần lượt là -37,12%, -51,37% và -62,74%.
Theo Metric, TikTok Shop và Shopee là 2 nền tảng hiểu biết sâu sắc về thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam. Đáng chú ý, cả 2 sàn này đều đẩy mạnh các chính sách ưu đãi mua - hủy - trả hàng lấy người tiêu dùng làm trọng tâm, đặc biệt là Shopee.
Trước đây, Shopee quy định thời gian người mua có thể trả hàng là 3-7 ngày, thì nay đã gia hạn lên tới 15 ngày. Đặc biệt, quy định cho phép hủy ngay cả khi hàng đang vận chuyển đến trạm giao hàng đã gây ra nhiều tranh cãi.
Về phía TikTok Shop, nền tảng này khuyến khích nhà bán đặt mức giá nhỏ hơn hoặc bằng sản phẩm của chính họ cũng đang bán trên các sàn TMĐT khác.
TikTok Shop sẽ tính điểm gian hàng dựa trên chỉ số PD (Price Disadvantage - Giá bán chưa tốt), với công thức là %PD = Số đơn hàng có giá bán chưa tốt/ Tổng số đơn hàng. Nếu %PD > 20%, nhà bán sẽ bị loại khỏi các chương trình hỗ trợ về voucher và lượt truy cập trên nền tảng.
"Bên cạnh việc cạnh tranh bằng tính năng, chương trình khuyến mãi và tốc độ giao hàng, các sàn còn tập trung cải thiện chính sách mua - hủy - trả hàng để tạo độ tin cậy và giữ chân người tiêu dùng.
Những chính sách mới đã tác động trực tiếp tới doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp phải chuẩn hóa quy trình đóng gói, đảm bảo tình trạng sản phẩm để tránh việc hủy/hoàn đơn", Metric cho biết.
Ngoài ra, Shopee và TikTok Shop đều tận dụng tốt xu hướng mua hàng qua livestream hiện nay. Đến hiện tại, livestream vẫn là kênh bán hàng nổi bật trên các sàn. Liên tục xuất hiện những phiên livestream khủng từ KOL, KOC thu hút sự quan tâm từ người tiêu dùng, bán đa dạng các sản phẩm, từ giá trị cao như ô tô, xe máy đến nông sản như sầu riêng, gạo…
Theo báo cáo về hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam do NielsenIQ Việt Nam thực hiện, trung bình mỗi người Việt đang mua hàng trực tuyến gần 4 lượt mỗi tháng và dành ra hơn 8 giờ mỗi tuần để mua hàng online. Con số này cao gần gấp đôi tần suất đi siêu thị hàng tháng của người Việt.
Đáng chú ý, giá rẻ không còn là lý do lớn nhất quyết định hành vi mua sắm online. Hai lý do được nhiều người quan tâm nhất là mua để dự trữ tiêu dùng cho gia đình (25%) và phục vụ ăn uống tức thì (21%).
"Những con số trên cho thấy mua sắm trực tuyến đã trở thành hoạt động phổ thông, việc mua sắm các mặt hàng thiết yếu cũng trở nên phổ biến. Chính vì thế, TMĐT cần sớm tìm động lực tăng trưởng mới, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay", NielsenIQ nhận định.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Để sống đến năm 200 tuổi, tỷ phú Bryan Johnson lại thử nghiệm phương pháp trường sinh mới
Johnson gọi mục tiêu sống đến năm 200 tuổi của mình là “cuộc cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử của Homo sapiens”.
Tại sao Nhật Bản cần lưu trữ 50.000 tấn nước siêu sạch ở độ sâu 1.000 mét? Nó có thể được sử dụng để làm gì?